Source: khohinhnen.com
Yên chơi thân với Hạt, Lưu từ thời trung học, ở Đà Lạt. Về sau, lớn lên, anh trôi giạt từ Trung vô Nam, rồi quay ngược ra. Nay Yên trở lại Đà Lạt một mình, trong vai du khách. Anh ăn uống ở các quán hạng trung, ngủ trong một khách sạn be bé. Sang ngày thứ hai, tình cờ, may mắn, Yên gặp Lưu. Qua Lưu anh nối lại sợi dây thân tình với Hạt… Trước khi đến thăm vợ chồng Hạt, Yên ở nhà Lưu ba ngày.
Trang trại của Hạt nằm trong xó núi Tiên Hà, cách thị trấn Tam Dương hơn mười cây số. Đây là vùng mới khai phá trong đợt di dân năm 1982. Trên khu rừng rộng, rậm rạp, chỉ có tám mươi nóc nhà, trong đó có ba mươi hộ người Raglai. Gia đình Hạt, bốn người, ở trong hai ngôi nhà lớn, còn mới. Sáu người làm công – chuyên trồng rau cải, chăm sóc cà phê – và một chị chăn bò, sống trong căn nhà mái tôn vách gỗ, cách nhà chủ chừng trăm mét.
Đất vườn rộng, có nhiều người giúp việc, trông Hạt ra dáng ông chủ… Tám giờ tối, Hạt và Yên uống cà phê. “Tối qua, giấc này, mình và Lưu dạo phố”, Yên nói. “Đi những đâu?”, Hạt hỏi. “Từ Võ Tánh xuống rạp xi-nê cũ, xuống Bùi Thị Xuân, vòng qua Phan Đình Phùng… Nay phố lớn, đường rộng, người đông”. “Đông hơn xưa bảy lần”. Yên lặng vài phút. “Đổi mới hay ăn xổi?”. Nghĩ suy khá lâu. “Nó mang cả hai bản mặt đó… nhưng mặc nó, tìm đâu cho ra sự hoàn hảo trên cõi đời ô trược này”. “Ô gì”. “Ô trược!”. Hạt cười ha hả. “Dạo chơi, đi chậm, nhìn ngắm, nhớ lại thời trước”. “Xưa kia, ngày cũ, hồi đó… lớn tuổi thường quẩn quanh với chùm quá khứ, dĩ vãng, lắm lúc nó khiến ta bải hoải, mệt nhoài”. “Không nhớ thì làm gì.” Đà Lạt là núi đồi và thông. Thông mất nhiều, còn chừng phân nửa. Có người nhớ nó. Giới bô lão lẩn thẩn tiếc thương nó. Bọn trẻ chắc không biết, chẳng để ý. Bụng để ngoài da, chúng chỉ quan tâm máy móc, xe cộ, điện thoại… “Đi thế này mình nhớ Thái Phương, liên tưởng vụ sóng thần Thái Lan”, Yên nói. Ngày 26 tháng 12 năm nào du khách quốc tế cũng đổ về Thái đốt nến, thắp nhang trên các bãi biển, tưởng niệm những thân nhân của họ đã chết trong trận sóng thần tai ác năm 2004. Qua chuyện này, ta thấy dân Tây không khô khan, lớt phớt. Xa xôi như thế mà lặn lội đến để khóc, tưởng nhớ… Con người nhỏ bé, cõi đời bảng lảng, chênh vênh.
Mới đó mà hơn ba mươi năm. Từ Đà Lạt lên hốc núi Tiên Hà này chỉ tám chục cây số, nhưng đã khá lâu Hạt không gặp Lưu. Cuộc sống của hai người khác nhau xa. Mối thâm tình của tuổi mộng mơ ngày càng lợt, nhòa. “Chuyện vợ chồng Lưu xộc xệch lắm”, Hạt nói. Nghe vậy, biết vậy, Yên chưa hề gặp Ngộ, vợ Lưu. Hạt nhận xét: Ngộ mang trong người dòng máu nghệ sĩ. Con nhà giàu, nghề nghiệp sáng rỡ, lại ôm anh chàng lêu bêu, chẳng có một nét nổi bật nào, không nghệ sĩ là gì? Nay anh chị vẫn còn là vợ chồng, nhưng sống riêng, làm ăn riêng, bề ngoài nom có vẻ bình lặng, yên ổn, nhưng nhìn kỹ sẽ thấy có những vết xám bất thường bao quanh họ. “Con cái thì sao”, Yên hỏi. “Một trai chừng mười tuổi, sống với ông bà ngoại”. “Nay Lưu làm gì”, Hạt hỏi. “Không rõ, anh ấy đi suốt ngày, tối mới về. Ở nhà chỉ có ông già và chị ôsin”. “Có dạo Lưu buôn bán gỗ, rồi vào Bạc Liêu nằm lì mấy năm, nuôi tôm làm muối”. Vậy thì, Lưu mới là nghệ sĩ, không phải Ngộ.
Trời đẹp, Lưu – Yên thả bộ suốt hai tiếng. Đi, nhìn, ngó quanh quất, thấy sướng. Lưu nói, lâu nay anh không đi thế này, hễ ra khỏi nhà là lên xe. Đi, ôn lại cảnh cũ trong đầu, nhớ những hàng thông, những triền đồi rợp vàng hoa cúc dại… Xưa, Yên hay tắm nước nóng ở một tiệm nhỏ, không tên, gần cà phê Tùng, nay tiệm không còn. Nhà giặt ủi đông khách kế bùng binh, gần chợ cũng không còn. Mất cũng phải, lâu quá, hơn ba mươi năm. Có lẽ đó không phải mất, nó tiến hóa? Hai nhà sách Khải Minh, Tuyên Đức chiều nào Yên cũng ghé vào mua báo, đã qui tiên. Hai khách sạn Thanh ngọc, Vinh Quang trước rạp xinê vẫn còn, cao to hơn trước, giờ mang tên mới… Có những thứ nhỏ, vụn vặt nhưng cũng có hồn cốt, khiến người ta khó quên, như tiệm giặt ủi, nhà tắm nước nóng. Tắm nước nóng, dịch vụ độc đáo, đặc sản Đà Lạt. “Chiều xẩm, bỏ chiếc khăn nhỏ, cục xà bông thơm trong túi áo jacket, tạt vào nhà tắm quen, tẩy trần hai chục phút, sạch sẽ thơm tho, trước khi ăn cơm, dạo phố”, Yên nói. Lưu cười. “Hàng bánh xèo bên hông rạp xinê, trước tụi mình thường ăn, còn không”, Yên hỏi. “Còn, nay người khác bán”… Đi loanh quanh, nghĩ vẩn vơ, mỏi chân, hai bạn tấp vào một quán cà phê vỉa hè. Cà phê không nhạc, có hai bàn cờ tướng, một nhóm người trẻ đánh cờ. Hai ly đen đá. “Hai đen đá, cô chủ!”. Một câu thường, quen thân, nhưng có chút gì đó làm ta xốn xang.
Yên nói: “Tôi còn nhớ tên mấy khách sạn: Việt Nam, Mimosa, Cao Nguyên… các hiệu ảnh Ngọc Dung, Đại Việt”. Lưu khen: “Tài, anh nhớ giỏi. Khách sạn còn có Thanh Tùng, Phú Hòa, Sài Gòn… Thế, quên các nhà sách Khai Trí, Hòa Bình, Văn Hóa, Liên Thanh rồi sao?”… Nói đến cà phê không thể bỏ qua quán Tùng. Cà phê Tùng như người tiên, không già. Nhược điểm của nó là nhỏ hẹp, nằm chỗ ồn ào, nhưng lớp người cũ vẫn nhớ nó. Chủ quán hiện giờ là con ông chủ cũ. Nhiều người khen, anh này được lắm, có máu văn nghệ. Anh vui mừng khi tiếp đón các vị khách xưa. Những người đó bước vào, anh nhận ra ngay. Anh bảo, trông cách ngắm nghía, dáng ngồi, kiểu uống của họ, mình biết, không lầm… Ngay tối đầu tiên lên đây, Yên ghé lại Tùng, một mình. Quán thưa khách, còn sớm, nhạc mở nhỏ, phảng phất dư âm cũ. Cái gì rồi cũng qua. Ai rồi cũng sẽ già. Núi còn mòn nói chi người. Còn biết yêu thiên nhiên, nhớ thương những nét đẹp, những hương vị ấm nồng một thời là mừng. Yên nhớ lại, cố nhớ tên những bản nhạc mình thường nghe tại quán này, trước đây. Một cô tiếp viên đến, hỏi mấy câu, Yên đáp qua loa, cô bé bỏ đi.
Đọc tiếp...
Đọc tiếp...