MANG VIÊN LONG
Một mai giã từ vũ khí
Đã
đưa Ông Táo về Trời rồi, mà mưa vẫn sụt sùi, rả rích suốt ngày đêm. Mưa không
lớn. Mưa lai rai. Bầu trời mây xám, lạnh lẽo. Mưa kiểu ấy, dù đi đâu gần, cũng
phải trùm áo mưa. Bà bán hàng rong trong xóm, đã không ngớt nhìn trời, than: “Ông trời mưa kiểu nầy, không tráng bánh
được, không làm dưa kiệu được, không làm rim mức, bánh trái được, không làm ăn
gì được cả! Tết nay, có lẽ đóng cửa, ngồi nhà mà nhìn Tết!”.
Mùa
Đông lũ lụt lớn, làm ăn thất bát, thâm hụt, để lại bao nỗi lo, vẫn còn đó. Mong
chờ sang Xuân để bù đắp phần nào những thiệt hại, nợ nần, nhưng cứ ngồi nhìn
mưa, hay gắng bươn chãi suốt ngày, mà vẫn chẳng được bao nhiêu!
Đêm
nay, như bao đêm, tôi ngồi ở hiên nhà nhìn mưa, lòng buồn, hiu hắt! Dù chưa đến
8 giờ, nhưng con xóm vắng hoe, nhiều nhà đã đóng cửa, tắt đèn. Cuộc sống âm
thầm trong con xóm nghèo nầy đã bị những cơn mưa dai dẳng phủ lên một tấm màn u
ám!
Tôi mở nhạc từ chiếc iPhone để được khuây khỏa đôi
chút, trước khi “lên chuồng” (chữ của bạn nhỏ thường nhắn tin cho tôi khi nghe tôi kêu buồn ngủ sớm. Cô ấy ví tôi ngủ
sớm, như gà!).
Tiếng
hát Đan Nguyên quen thuộc vang lên:
“Rồi có một ngày, sẽ một ngày
Chinh chiến tàn
Anh chẳng còn chi
Chẳng còn chi ngoài con tim héo... em
ơi!”.
Giọng
Đan Nguyên ấm, thiết tha, từ tốn như những lời ân cần tâm sự. Nhật Ngân
(trong tác phẩm ghi bút danh là Ngân Khánh – là tên người con gái của anh) sáng
tác ca khúc nầy vào khoảng năm 1974 - khi cuộc chiến đang hồi khốc liệt. Ước mơ
của anh, cũng như ước mơ của bao người, nhất là những người trẻ tuổi - thật
khẩn thiết, và chính đáng: Thôi chiến tranh, dứt hận thù! Nhưng, ngay sau phút
mộng mơ ấy - người nghệ sĩ cũng đã kịp nhận ra sau buổi “chinh chiến tàn” thì con người (hay chính anh) chẳng còn gì “ngoài con tim héo” vì đã bao năm sống
trong tang thương, khổ đau, ngập chìm trong bất hạnh.
“Xin trả lại đây, bỏ lại đây
Thép gai giăng với lũy hào sâu
Lỗ châu mai với những địa lôi,
Đã bao phen máu anh tuôn
Cho còn lại đến mãi bây giờ…”
Giây
phút hạnh phúc nhất của người chiến binh là “bỏ lại/trả lại” cho nỗi thù hằn
những gì không phải là của mình, mà đã phải đeo mang suốt một thời tuổi trẻ; nhưng
ẩn sâu trong niềm hân hoan ấy, có nỗi ngậm ngùi chua xót khi ngồi nhìn lại:
“Đã bao phen máu anh tuôn/cho còn lại
đến bây giờ”!
Giũ
bỏ hẳn mọi thứ nặng nề, hiểm nguy phải đeo quanh mình; giũ bỏ hẳn nỗi ưu sầu
từng đêm thao thức - giũ bỏ tất cả mọi vướng bận đã vương mang, để được hồn
nhiên sống cho đời sống của chính mình. Ước mơ giản dị, bình thường ấy, nghe
thật nao lòng!
Tiếng
hát vang vang trong đêm im vắng, mịt mù, khiến lòng thêm ray rức, bâng khuâng:
“Trả súng đạn này khi sạch nợ sông núi
rồi
Anh trở về quê, trở về quê
Tìm tuổi thơ mất năm nao..
Vui cùng ruộng nương,cùng đàn trâu
Với cây đa khóm trúc hàng cau.
Với con đê có chiếc cầu tre..
Đã bao năm vắng chân anh
Nên trở thành hoang phế rong
rêu.. “
Khi
đã “trả súng đạn” và “sạch nợ sông núi” - người chiến binh ước
mơ và thực hiện điều gì? Trong vài truyện ngắn đã viết (dĩ nhiên là trước
1975), những nhân vật của tôi, cũng đã từng có những ước mơ nhỏ nhoi như vậy
cho một ngày dứt tiếng đạn bom, tan nỗi thù hận: “trở về quê, trở về quê…”. Trở về quê như một điệp khúc máu thịt đã
từng thao thức bao năm trong
lòng kẻ tha hương như một khổ nạn!
Trở
về quê để làm gì?
“Tìm
tuổi thơ mất năm nao..
Vui cùng ruộng nương,cùng đàn trâu…”
Và được sống lại với “cây đa/khóm trúc/ hàng cau/cầu tre” thân thương in dấu một thời,
đã bị bỏ quên bao năm “hoang phế rong
rêu”. Những hình ảnh tầm thường đơn sơ ấy nơi quê nhà đã làm nên tuổi thơ
của đời người.
Tuổi
thơ là tuổi đẹp nhất: Đó là tuổi của hồn nhiên, trong sáng, và tràn đầy hy
vọng. Quê nhà, nơi đã lưu giữ
bao kỷ niệm yêu thương đầu đời, vì thế đã thúc giục, réo gọi khôn nguôi trong
lòng người lận đận, xa xứ!
Và - ở đây, người chiến binh ao ước được “trở
về” chỉ để vui với “ruộng nương/đàn trâu”,
để được sống gần gũi thân thiết với “cây
đa/khóm trúc/hàng cau/cầu tre”,
nhưng sao nghe bùi ngùi, xao xuyến đến vậy?
“Rồi anh sẽ dựng căn nhà xưa..
Rồi anh sẽ đón cha mẹ về..
Rồi anh sẽ sang thăm nhà em..
Với miếng cau với miếng trầu..
Ta làm lại từ đầu.. “
Sau
nỗi vui chung với “ruộng nương/ đàn trâu”
của làng quê thanh bình; là “dựng căn nhà
xưa” đã đổ nát vì bom đạn hoang phế, là “đón
cha mẹ về” từ nơi tạm trú lận đận
xa xôi, là “sang thăm nhà em”. Dự
kiến cho một tương lai đơn giản như vậy thôi, nhưng bao người đã đổi cả xương
máu mà vẫn chưa có được?
Đón
cha mẹ về sum họp - lo xây dựng cuộc sống ổn định, rồi sang thăm nhà em “Với miếng cau với miếng trầu.”. Tác giả
đã bày tỏ được niềm mơ ước của thế hệ anh - những người trẻ tuổi đang bị xô dồn
vào cuộc chiến, thật chân xác, đầy đủ! “Ta
làm lại từ đầu” bằng tình
yêu thương đã nung nấu bởi cách chia và đau khổ! Họ chẳng cần có gì, chỉ cần có
nhau thôi! Vậy mà, từ thuở ấy (khi ca
khúc được cất lên đâu đó) đến hôm nay đã gần 45 năm, nhưng sao niềm ước mơ nhỏ
nhoi kia, vẫn còn nhiều trắc trở, lo toan?
“Rồi anh sẽ dìu em tìm thăm ...
Mộ bia kín trong nghĩa địa buồn,
Bạn anh đó đang say ngủ yên!
Xin cám ơn, xin cảm ơn!
Người nằm xuống... “
Nơi
thăm viếng đầu tiên của “người trở về” với người yêu là “Mộ bia kín trong
nghĩa địa buồn” - nơi những bè bạn anh đã nằm xuống, mãi mãi
không được trở về với quê nhà, và “đang say ngủ yên!” trong lặng thầm! Trong
tiếng nấc ghẹn ngào chỉ thốt lên được lời “Xin cám ơn, xin cảm ơn…” từ
đáy lòng thương yêu và tri ân mà thôi! Lời cám ơn chí tình kia, dành tất cả
những người tuổi trẻ như anh đã nằm xuống, vì sự yên bình của Quê nhà. Đó cũng
là lời mà thế hệ chúng ta - và nhiều thế hệ tiếp nối, mong muốn được gởi đến
những dâng hiến vô danh, đã đổ máu và nằm xuống, cho nền Tự do và Độc lập của
Đất nước!
Ta lại gặp ta
Còn vòng tay mở rộng thương mến bao
la.
Chuông chùa làng xa chiều lại
vang..
Bếp ai lên khói ấm tình thương
Bát cơm rau thắm mối tình quê..
Có con trâu, có nương rau
Thiên đường này mơ ước bao lâu…”
Ngày
ấy chính là một ngày mà “Ta lại gặp ta”
khi “Còn vòng tay mở rộng thương mến bao
la” với Quê nhà, với Bằng hữu…Ta sống được với ước mơ chân thật của ta. Ta
hân hoan khi nghe tiếng “Chuông chùa làng
xa”, ta cảm thấy ấm áp khi nhìn “Bếp
ai lên khói ấm tình thương”, ta sum họp vui vầy với “Bát cơm rau thắm mối tình quê.”,
và ta vô cùng hạnh phúc bên cạnh đời sống “Có con trâu, có nương rau”- đó là niềm mơ ước đã dằng dặt suốt hai
mươi mốt năm, chính là “Thiên đường này
mơ ước bao lâu…” của cả một thế hệ tuổi trẻ!
Chấm
dứt ca khúc, giọng Đan Nguyên trầm buồn với điệp khúc “Thiên đường này mơ ước bao lâu… thiên đừơng này mơ ước bao lâu!”- nghe
rưng rức không nguôi! Tôi thầm nghĩ: Nhạc sĩ Nhật Ngân đã vĩnh viễn rời xa
chúng ta vào những ngày cuối tháng Giêng năm 2012 (hưởng thọ 69 tuổi), nhưng
những tình ca “Tôi đưa em sang sông/Xuân
nầy con không về/Ngày vui qua mau/Qua cơn mê/Đêm nay ai đưa em về/Một mai giã
từ vũ khí (…)” sẽ là những âm vang tâm tình
sâu lắng mãi mãi được khắc ghi trong đời sống của tất cả chúng ta!
MANG
VIÊN LONG
Tháng 1.2017