Saturday, February 4, 2017

2724. CHÂU NGỌC BÍCH Phôi pha


CHÂU NGỌC BÍCH
P h ô i  p h a


Trịnh Công Sơn - Một người bạn - Đinh Cường - Châu Ngọc Bích
Montréal (Canada), mùa hè 1992



Nhớ thời học lớp đệ Tứ trường Đồng Khánh mình có đọc và thích một truyện ngắn, đã lỡ quên tên tác giả. Truyện kể về kỳ nghỉ hè của nhân vật nữ chừng 18 tuổi, mỗi ngày cô ta đều viết nhật ký. Viết mà không buồn xem lại, cho đến hồi chữ choáng chật hết trang vở cuối. Cô cất cuốn vở trong ngăn kéo bàn viết. Khoá lại. Những gặp gỡ, bao ý nghĩ, sự buồn vui, cơn mưa ngày nắng, các diễn tiến của sự kiện trôi qua… Chất chồng, không hoàn chỉnh đã nằm yên trong hộc tủ. Và một chiều, cô đi ngang qua giòng sông, ném chiếc chìa khoá xuống.


Dạo đó mình cũng thích thơ Nhã Ca:

“Chợt tiếng buồn xưa động bóng cây
Người đi chưa dạt dấu chân bày
Bàn tay nằm đó không ngày tháng
Tình ái xin về với cỏ may
………..
Kỷ niệm sầu như tiếng thở dài
Khuya chìm trong tiếng khóc tương lai
Tầm xa hạnh phúc bằng đêm tối
Tôi mất thời gian lỡ nụ cười…

Ai trong chúng ta cũng có thu cất cho riêng mình từng kỷ niệm. Montréal mùa hè năm 1992, với mình còn đó là một kỷ niệm, xem chừng khó phôi pha. Buổi ấy anh Trịnh Công Sơn từ Sài Gòn qua thăm những người em, hay tin anh Đinh Cường từ Virginia sang, Khánh Ly từ California tới… Giọng cười, chuyện kể, tiếng đàn, lời ca, vẽ tranh, rượu uống, thuốc đốt… Tiếc là mình không viết nhật ký. Anh Trịnh Công Sơn nói: Cũng 35 độ C. Cũng cơn gió ẩm ấy. Cũng màu nắng kia. Răng, có thấy nhớ Huế không?  Câu hỏi ném ra, nhiều người nghe, nhưng dường như nhắm riêng tới mình. Làm sao trả lời? Làm răng sắp xếp được ổn thoả cái bộn bề của nỗi nhớ? Ông nội mình là chủ nhân rạp chiếu bóng Châu Tinh, và theo như anh Trịnh Công Sơn, đã là người Huế thì hầu như ai cũng từng có nhiều kỷ niệm về cái rạp ciné ấy. Anh kể về Tết Mậu Thân, trước chợ Đông Ba đổ nát còn treo tấm poster quảng cáo phim cao bồi miền viễn Tây của rạp hát Châu Tinh găm đầy dấu đạn. Tên cuốn phim rõ là một điềm gỡ: “Le Temps Du Massacre”.

“mây che trên đầu và nắng trên vai
đôi chân ta đi sông còn ở lại
…………
đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì”.

Phải sống trải qua những cuộc tàn phá, phải độ lượng, anh Trịnh Công Sơn mới viết được những ca từ tựa thế. Nó lay động, đánh thức mình ra khỏi thứ recherche du temps perdu. Một hiện tại êm ả đầy van lơn, thiết tha với bao hoài nghi về phận người. Mình đã ra đi, giòng sông kia vẫn ở lại ngăn đôi bờ. Răng, có nhớ Huế không? Dạ thưa anh, nhớ quá, nhớ dễ sợ.

Hai người anh: Một hoạ sĩ, một nhạc sĩ chỉ còn ở lại trong bức ảnh. Kỷ niệm sầu hơn cả tiếng thở dài. Và ngọn gió hoang vu khi thổi qua, đã cướp đi những thứ “buốt” hơn cả xuân thì. Ngạn ngữ Tây phương có câu: Một tấm ảnh hơn ngàn lời. Mình xin thêm: Ngàn lời thua ngậm ngùi. Khi ngậm ngùi anh chẳng thốt tròn chỉ một câu.

Khoá nó lại và ném chiếc chìa khoá đi. Đọc truyện ấy xong mình dằn vặt một ý tưởng: Nhân vật nữ ấy muốn đánh cược với định mệnh. Mai này ai sẽ là người làm chủ cái bàn kia? Ai sẽ cạy hộc tủ để đọc lấy cuốn nhật ký đó? Có vẻ cô là người muốn chối bỏ kỷ niệm, một thứ “sông kia rày đã nên đồng”.

Phôi pha. Bọn trẻ giờ nầy luôn trách cha ông: Sao ưa hoài tưởng, nhìn lui những kỷ niệm cũ? Chúng có lý do, lý do duy nhất là chúng chưa tích tụ được một quá khứ vàng son, tai ương chen cài hạnh phúc. Hãy tôn trọng chúng, biết đâu khi lớn tuổi chúng sẽ có cái nhìn khác, độ lượng hơn. Trang sách cũ, máy chụp hình, máy thâu âm, quây vidéo… những thứ ấy không phải là một nhở nhắc về kỷ niệm đã hư hao sao?  Đừng xem thường, trong muôn một nó từng là phương thuốc giúp người ta phục hồi trí nhớ.

Hai người anh đã mất. Và mình khi ấy, một mùa hè của quá vãng, sao mặt vẫn còn nguyên nét dại khờ. Mình vẫn đeo chiếc chìa khoá ở cổ mà chẳng dại ném nó đi. Luôn dại khờ “nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa”. Ít ra, vin vào tấm ảnh cũ để viết được đôi điều “mất thời gian lỡ nụ cười”. Có phôi pha không?

Châu Ngọc Bích
Montréal, Feb. 4, 2017