Wednesday, January 11, 2017

2710. NGÔ THẾ VINH: MÙA XUÂN TÂY TẠNG VÀ CÂU CHUYỆN NHỮNG DÒNG SÔNG


NGÔ THẾ VINH
MÙA XUÂN TÂY TẠNG
VÀ CÂU CHUYỆN NHỮNG DÒNG SÔNG



Gửi Nhóm Bạn Cửu Long


If Tibet dries, Asia dies
Nếu Tây Tạng khô hạn, Châu Á chết
[www.tibetanwomen.org]



Hình 1:Đức Dalai Lama và Cực Thứ Ba của Trái Đất
[nguồn: http://www.activeremedy.org]


CỰC THỨ BA CỦA TRÁI ĐẤT

Khoảng ba trăm triệu năm trước, Tây Tạng còn nằm dưới đáy biển Tethys nguyên là một đại dương mênh mông bao trùm cả diện tích Châu Á và Ấn Độ. Do hành trình va chạm dữ dội của hai khối tiền lục địa Gondwanaland và Laurasia tạo nên cơn địa chấn với sức ép khổng lồ từ khối đất Ấn Độ dồn lên phía bắc tạo thành dãy Hy Mã Lạp Sơn và Cao nguyên Tây Tạng. 

Với lịch sử địa chất ấy, Tây Tạng là vùng đất cao từ 3500 tới 5000m – được mệnh danh là"xứ tuyết",“nóc của trái đất”, hay "Cực Thứ Ba / Third Pole"-- hai cực kia là Bắc Cực và Nam Cực. Tây Tạngvới diện tích hơn một triệu km2 gần bằng Tây Âu nhưng cô lập với thế giới bên ngoài bởi ba bề núi non hiểm trở: phía nam là dãy Hy Mã Lạp Sơn, phía tây là rặng Karakoram, phía bắc là các rặng Kunlun và Tangla;riêng phía đông cũng bị cắt khoảng bởi các dãy núi không cao và lũng sâu và thoải dần xuống tới biên giới Trung Hoa,ráp gianh với hai tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam.

Phía tây bắc,Tây Tạnglà một vùng đất hoang đông giá, gần như không người no-man’s-land trải dài hơn 1200km từ tây sang đông. Phía nam là vùng núi non với thảo nguyên, nơi sống của dân du mục với các đàn cừu dê và những con bò Yaks.  Phía đông là tỉnh Kham và đông bắc là tỉnh Amdo (quê hương củaĐức Dalai Lama thứ 14) là vùng trù phú và đông dân nhất. Thứ đến là vùng đất phía nam khí hậu bớt khắc nghiệt, nơi có con SôngYarlung Tsangpo với những phụ lưu như một mạch sống.

Người nông dân Tây Tạng chủ yếu trồng lúa mạch và khoai tây là hoa màu phụ. Khí hậu thay đổi thất thường như mưa đá, đông giá nên mùa màng luôn luôn bị hư hại. Nguồn thực phẩm ổn định hơn là nuôi gia súc ngoài đàn bò Yaks còn có trừu, dê và gà để lấy trứng. Tsampalàm từ bột lúa mạch sấylà món ăn thường nhật của người Tây Tạng. Quốc giaTây Tạng là hình ảnh mênh mông của những thảo nguyên với núi cao và lũng sâu, bầu trời thường thì trong xanh như ngọc. Cho tới cuối thế kỷ 19, nếp sống của họ vẫn vậy như từ hàng ngàn năm trước.


XỨ SỞ CỦA ĐẠO PHẬT

Đạo Phật du nhập vào Tây Tạng 12 thế kỷ sau khi Phật Thích Ca nhập niết bàn, khoảng thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên. Khí Tông Cương Tán (Songtsen Gampo)là một tù trưởng tài ba đã thống nhất được các bộ lạc trên cả một vùng băng tuyết tới chân Hy Mã Lạp Sơn;ông cưới công chúa Nepal làm hoàng hậu và chính nàng công chúa này đã du nhập đạo Phật vào Tây Tạng. Tây Tạng thời kỳ ấylà một quốc gia hùng mạnh khiến vua Trung Hoa đời Nhà Đường cũng phải xin cầu hòa và gả công chúa cho Khí Công Cương Tán, nàng công chúa gốc Hán này cũng đem đạo Phật vào Tây Tạng. Đạo Phật từ đó đã phát triển rất mạnh trên vùng đất mới, hòa nhập với tín ngưỡng Bon đa thần để biến thể thành một thứ đạo Phật cao siêu và thần bí.

Tới thế kỷ 14 một vị chân tu tên Tống Cáp Ba – Tsongkhapa đã sáng lập nên phái Hoàng Mão Hoàng Y của Phật giáo chính thống Tây Tạng. Sau khi ông mất, người kế thừa cũng là một vị chân tu tên Gendun Drup được toàn thể giới tăng lữsuy tôn làm Dalai Lama (Lama là một từ Tây Tạng có nghĩa là bậc thầy), ông có công phát huy đạo Phật đồng thời cũng xây dựng được một nền hành chánh kết hợp với giáo quyền trị vì quốc gia Tây Tạng. Vị đại sư mưu trí này đã đặt ra quy luật tái sanh củaDalai Lama theo đó khi chết linh hồn vị Dalai Lama sẽ nhập vào một trẻ sơ sinh như hiện thân của Bồ Tát Quán Thế Âm – Bodhisatva  Avalokitesara.

Tới thế kỷ 16, do các giáo phái lại chống đối nhau dẫn tới sự can thiệp của quân Mông Cổ, sau đó thì chính Đại Hãn Mông Cổ là Altan Khan do cảm phục kiến thức cao sâu của vị đại sư nên cũng xin quy y, đồng thời phong tước cho vị Lama làDalai Lama– Dalai là từ Mông Cổ có nghĩa biển cả, bao hàm kiến thức mênh mông.

Đây là thời kỳ cực thịnh của Phật giáo Tây Tạng ghi dấu bằng công trình xây cất Lâu Đài Mùa Đông – Cung Điện Potala 1000 phòng của các vị Dalai Lama, được coi như một kỳ quan kiến trúc của thế giới.

Nhưng về phương diện lịch sử thì ngôi Chùa Jokhang mới là di tích cổ kính nhất, được xây dưới triều vua Khí Tông Cương Tán, nơi chứa tượng Phật do công chúa Nepal thỉnh về.Kỳ quan của Jokhang không phải chỉ là các tượng Phật mà là tấm bia đá dựng trước chùa như di tích lịch sử về một quá khứ hùng mạnh của quốc gia Tây Tạng, đã từng gây khốn đốn cho các vua Trung Hoa đời nhà Đường. Trên tấm bia là bản hiệp ước được phê chuẩn bởi Đại Hoàng đế Tây Tạng và Hoàng đế Trung Hoa vào năm 821-822 khắc bằng hai thứ tiếng Tây Tạng và Trung Hoa với nội dung [Hình 2]:

“Thỏa thuận cùng nhau về sự liên minh giữa hai quốc gia... tìm cách ngăn ngừa những nguyên nhân gây tàn hại cho hai xứ sở bây giờ và mai sau, để mang lại hòa bình lâu dài cho thần dân hai nước. Thỏa ước được khắc trên bia này để cho các thế hệ tương lai được biết tới.” (1) 

Đọc tiếp...