Thursday, January 12, 2017

2700. HỒ ĐÌNH NGHIÊM Truyện ngắn DA TRỜI MÃI CŨ


Mùa đông – Photo by PCH
Scibilia, January 10, 2017



Sáng hôm ấy sương bủa mù trời. Đứng rất gần, khoảng một tay với, đôi mắt mới trông rõ sự vật và mọi thứ như biết lẩn trốn thoạt gần thoạt xa. Những ngày tết ta, diện mạo Huế thường khoác lên tấm khăn choàng mờ đục, như chiếc bánh tráng làm bằng bột gạo đã vừa thấm nước để mềm mại gói lại tựa chiếc gỏi cuốn, no căng bí ẩn, háo hức thèm muốn.

Những gì trông không thật, đầy hư ảo thường mang đến chút yếu lòng, chân đi bước nhẹ và dưới vòm lá cây bóng màu diệp lục người ta đón lấy một thổn thức vừa cựa mình, rung động niềm hạnh phúc chẳng thể giải bày. Xa hơn tầm tay với chỉ có tiếng cười trong vắt xẻ toạc màu sương, dồn sóng gửi lui sau một quyến dụ khó cưỡng. Tiếng cười con gái vọng giữa đất trời đang giao thoa bằng sương giăng chẳng khác thứ âm nhạc từng chắt lọc qua những phụ âm pha tạp, phát ra cung bậc nhiều décibel làm rạn vỡ thuỷ tinh. Đứa con trai lần theo tiếng cười dẫn lối, hứng đủ bao dịu dàng của kẻ hướng đạo thích đánh rơi ám hiệu gây bất ngờ. Người ta mặc áo mới còn thơm mùi vải, vừa cắt chỉ; chiếc áo dài mồng một trinh nguyên vàng như rừng mai rung động những đài hoa, run thân với hai tà cuống quít, e ấp chừng e thẹn một sánh đôi. Đôi môi đỏ hồng vì mãi cắn vỡ hạt dưa, con mắt đen ướt ưa ngoái nhìn. Hàng lông mi cong, nốt ruồi nhỏ đọng bên cằm. Tóc mượt thơm mùi bồ kết đêm giao thừa gội sạch những vướng mắc năm cũ, chiếc kẹp tóc có đính một bông hoa tím, hoa mang tên dễ nhớ: Forget-me-not.

Xin đừng quên tôi. Tôi đang lùng sục một giấc hoàng điệp. Tôi trọ học trên cao nguyên, được gia đình mua cho chiếc vé Air Vietnam và tôi bay trên đôi cánh mang tên DC-3 luôn chao đảo vần vụ về Huế ăn tết với phi trình sồi trụt lắm mây. Cô tiếp viên hàng không mặc áo dài xanh cầm khay đựng bông gòn biểu nhét vào lỗ tai nhưng tiếng rầm rộ của động cơ hai cánh quạt như biết đi vào người qua những xúc giác khác. Choáng váng, lạnh, chóng mặt, sốt ruột, nôn nóng. Liên Khương nối Phú Bài dài như chân đi 12 tháng, một tròn năm.

Người bạn láng giềng đã đón chào buổi trở về của thằng con trai đi học xa, đi một ngày đàng học một sàng khôn. Có uổng công không khi nhìn ra hắn vẫn dại khờ như thuở nọ? Đã qua bao lần lá đổ, hắn ngu ngơ chưa nắm cổ tay ai. Người bạn diện áo dài biểu hắn chở xe lên đồi Thiên An “đạp đất”, đi hái lộc ở những khu vườn quạnh quẽ. Không gian Huế có khi vây vuông tròn một cảnh sắc Đà Lạt, tựa một cặp song sinh. Khác biệt chỉ riêng một điểm, nếu xuống khỏi khu Hoà Bình để bước chân lên đồi Cù tà áo lụa là kia sẽ phải bao bọc thêm một chiếc áo ấm, màu len xanh của nữ sinh Bùi Thị Xuân chẳng hạn. Huế không có được thứ se lạnh dịu dàng ấy cũng như Đà Lạt chẳng tạo ra vẻ e ấp mà cố đô luôn sở hữu. Song sinh? Bởi Bảo Đại từng lên “đạp đất” chốn đó để thậm xưng là Hoàng Triều Cương Thổ. Đá cứng chân mềm, đôi chân tôi vừa xuống núi, vừa đi vào đền đài miếu mạo của vua chúa tiền nhiệm, truyền ngôi cho hoàng đế cuối cùng. Người bạn mặc áo dài vàng mang đủ họ tên dài thậm thượt như bất kỳ một Công Huyền Tôn Nữ nào khác, mai này bạn sẽ làm hoàng hậu không ngai cho một đấng trượng phu nào đấy. Bạn hỏi, chúng ta có nên tin vào câu “xa mặt cách lòng” không? Nhiều kẻ lo xa đã thu vén mọi chuyện nhằm mang gạo đến gửi. Hãy ăn đi, ăn cho chóng lớn để hắn thành đạt một mai quy cố hương sẽ sum vầy nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa. Sách tử vi luận: Cái nốt ruồi ấy là đứa hám ăn, cái lưng ong kia thuộc dạng mắn đẻ, mái tóc dài miên man nọ sẽ biết cuốn siết lấy chồng con. Thuật bói toán chẳng cho hay về rèm mi cong ấy có giúp cho mắt sáng suốt một ngóng đợi? Một hướng nhìn xa xăm. Sự vụng dại hắn mang có nhằm xác quyết sự chung tình?

Ba ngày tết, người ta không biết làm gì ngoài việc tiêu pha vào phim ảnh, chở nhau vào quán ăn, về nhà gây sòng cờ bạc (chẳng phải bác thằng bần) và rồi lại đèo nhau đi loanh quanh không mục đích. Chiếc xe gắn máy Honda 49 phân khối chưa bao giờ đầu tắt mặt tối tựa thế, máy nóng hực có thể nướng chín mực khô cùng râu ria, có thể đun vào sát giường nằm ngăn heo may gió lạnh. Nó sẽ hỏng xú-báp, lột dên, cháy bu-gi, bể hộp số nếu thằng tôi còn nấn ná bên người. Người đã chủ động một môi hôn trước buổi chia tay, đã lì xì cho hắn một vuông trời bị đánh cắp dưỡng khí. Hắn chết ngộp, đê mê và bằng lòng được qua đời dưới môi hôn ngọt ngào không tẩm độc dược ấy. Người thức trong đêm sâu để cúp sẵn hạt dưa, phun vỏ nhuộm phẩm đỏ đi, bỏ đầy vào túi ny-lông những hạt trắng ngà trao tay hắn. Hắn dè xẻn nhai để nhận rõ do đâu hạt dưa sản sinh ra chất béo, ngọt bùi và thơm thảo.

Và rồi phi trường Phú Bài thu bé trong nắng nhạt, sông Hương bên dưới sáng lạnh tựa một thanh kiếm sắc. Nó suốt đời yên ả chẳng gợn sóng, là vòng tay dịu dàng ôm lấy một địa phận mọc ra lắm cổ tích. Đối chọi với sông, hồ Xuân Hương Đà Lạt tuy nhỏ nhưng bề mặt mãi xao xác sóng. Nó luôn gợn lên một điều gì làm kẻ xa nhà phải băn khoăn: Nhan sắc Đà Lạt sẽ xấu đi khi thiếu mặt con nước đa đoan kia. Phú Bài hay Liên Khương đều nằm xa thành phố, không sát sao chật chội như Đà Nẵng hoặc Sài Gòn, nên chi đã bình phi, đã hạ cánh, đã xuống tới, kẻ lữ thứ phải chịu thêm một đoạn đường trèo đèo lội suối trên chuyến xe chạy trong nôn nả bóng tà dương. Lối vào thành phố ở Huế xấu, nhưng Đà Lạt, lãnh địa ấy đã rộng lòng lót trải một cảnh quang rạng ngời nét đẹp cheo leo bên đàng. Ngoài tâm cảm của đứa xa nhà, thành phố sương mù kia vô tình trao cho hắn sự rung động, tồn đọng vào tấm lòng để chực ngợi ca vu vơ qua chữ viết. Hắn kể những thứ đầu ngô mình sở cho người bạn gái Công Huyền dưới cố quận, chuyên cần ra bưu điện gửi thư đi. Đem cân nặng nhẹ tuỳ buồn vui hắn tàng trữ. Hắn thành thật, trong lớp có nhiều cô, tựu trung khi nhìn ngắm chỉ cốt đè nén một vọng tưởng, dìm được chút nhớ thương, chỉ là uống thuốc cầm chừng nhưng bệnh tình coi moi chẳng thuyên giảm.

Thư có khi không đến địa chỉ, hoặc tới mà chẳng còn người nhận. Những trang nhật báo mãi in lên trang đầu tình hình chiến sự ở tuyến đầu, vùng Một chiến thuật đang dầu sôi lửa bỏng. Huế đã không còn là Huế nữa qua biết bao đổ vỡ như một số phần nghiệt ngã buộc phải hứng chịu. Hoàng hậu không ngai đã di tản, đã xuôi nam. Ái khanh đi mô để lạc dấu? Hoàng y trôi giạt phương nào lu bu để chẳng rảnh tay gửi về một cánh nhạn báo tin? Hắn đi qua cầu ông Đạo, đi về rạp Ngọc Lan, lạc hồn đổ dốc Minh Mạng, xuống rạp Ngọc Hiệp mua bao thuốc lá Philip Morris, hút khô cần cổ thì nhìn thấy Thuỷ. Nhà Thuỷ ở đường Phan Đình Phùng, tròn người, thấp thua hắn chút đỉnh, tóc ngắn, mang kính cận, học giỏi, ngồi trên hắn hai dãy bàn. Con nhà khá giả, hào sảng, rộng lòng, biết thằng bạn học ở quê xa nên Thuỷ vẫn thường để lộ những san sẻ ý tứ, tan học thì kéo đi uống cà phê, ăn bắp nướng… Bằng tuổi nhau nhưng Thuỷ xem chừng đủ tư cách để có thể làm chị. Chỉ có tình chị em mới diễn đạt bằng sự quan hoài “vượt quá mức quy định”. Thuỷ dạn dĩ, bộc trực kiểu người Nam. Hắn lắm đắn đo, nghi ngại, rụt rè đậm chất Huế. Hắn là con hươu được Thuỷ vén mở bày ra con lộ mới. Hãy mạnh dạn bước vào rồi sẽ tìm gặp chút nguôi ngoai. Mình từng xa nhà, mình hiểu những thiệt thòi bạn đang hứng chịu. Đà Lạt lạnh, hơi ẩm làm mờ kính cận Thuỷ mang nhưng dù gì, qua bao ngăn che hắn vẫn nhìn ra vẻ đẹp chẳng tì vết lắng vào tâm hồn Thuỷ. Tình bạn nẩy mầm, che được giá rét, ngăn được nỗi nhớ nhà, trấn an yếm thế, dỗ dành bi luỵ. Đà Lạt lạnh, muốn giữ nhiệt phải nắm lấy tay nhau, ấp ủ. Có khi hai đứa đã quấn cổ nhau bằng chiếc khăn len dài như con đường đổ dốc Duy Tân.

Hắn hỏi: Buổi tối, khi đi ngủ, Thuỷ vẫn mang kính cận hay đặt nó bên gối nằm? Phải tháo ra chứ, vướng víu khi trăn trở. Vậy lỡ nằm mơ giấc mộng đẹp, Thuỷ làm sao nhìn thấy mình đang nằm chỗ thật gần? Một tràng cười cất lên như thể bị ai chọc nhột. Chẳng những thấy mặt mà còn nhìn ra những âm mưu nữa cơ. Ở ngoài đời cần đeo kính để dễ phân biệt nhưng dùng nó khi nằm mộng thì mọi thứ lại đâm mù mờ, tin không? Có nghĩa là khi ngủ bạn vẫn ngó thấy mình. Tại sao không? Thấy đôi ta sẽ bỏ trường bỏ lớp trong tương lai gần, sẽ tháo chạy mà chẳng để lại lời hứa hẹn, đánh rơi một dự cảm đoàn tụ… Thấy bấp bênh. Vì thế, có lẽ là nằm gần bên nhau sẽ là giấc mơ chẳng vẹn toàn.

Tất cả, qua bề dày tháng năm, tôi có thể ví mình mãi là cậu học trò xa nhà đọc không xong một cuốn trường thiên tiểu thuyết xộc xệch đứt lìa những chương hồi, nơi trang đời rơi rụng lắm số trang. Một cuốn bí kíp khó hiểu mà muốn luyện thành ắt hẳn phải tẩu hoả nhập ma. Bầu trời chốn đây thoáng rộng, rộng tới phát hoảng khi nhận ra thân đời lưu lạc quá nhỏ bé, lạc lõng tới mức buồn tủi. May mà trời xanh không đổi màu, vĩnh cửu là sắc xanh của Huế cổ kính, của Đà Lạt điệp trùng đồi thông. Mặt đất dưới chân luôn thay đổi từng địa tầng, nhưng trên đầu, thênh thang trời quang mây tạnh vẫn ngần ấy thuỷ chung một sắc son. Con chim sẻ, con bồ câu chốn này cũng không giở trò phụ bạc, như tuồng loài giống ấy, trước sau vẫn thế dù đôi cánh không chịu mỏi mòn kia bay qua suốt những địa lục sông ngòi biển cả lạ mặt. Quen mắt đến nỗi chúng đánh lừa nhãn quang kẻ nhìn ngắm, dạn dĩ lại gần bắt trí tưởng quay về lại chốn xưa. Và trong muôn một, để tìm nhớ kỷ niệm, cộng đồng người Huế cùng thân hữu xa xứ đã tổ chức ra ngày Quốc Học- Đồng Khánh.

Trước đây tôi không đủ hoả hầu để vào trường Quốc Học, và ngôi trường quét vôi hồng sánh đôi nằm bên, dĩ nhiên phải đổi thân phận mới hòng chui vào thế giới tinh tuyển toàn các loài hoa tựa Đồng Khánh. Tôi đến đứng trước địa điểm, một hội trường lớn rộng phô trương nhiều cờ xí. Đến vòng tay ngó quanh ngó quất. Đến có hơi sớm để dài cổ cho kỳ vọng, rằng cơ duyên sẽ bổ nhào tới tôi, sẽ nhìn thấy một tà áo vàng rung động trên thân người Công Huyền Tôn Nữ năm xưa, người mà niên khoá nào đã từng được chọn vai làm một trong hai bà Trưng, cỡi voi có quân hầu diễn hành thật trang trọng trên đường Lê Lợi im sững gió máy. Người có rèm mi cong, có lưng ong, có hạt nốt ruồi, có đôi môi mọng đỏ, có suối tóc huyền, có chiếc kẹp đính nụ hoa “xin đừng quên tôi”. Tôi luôn nhớ, như nhớ thơ của Nhã Ca: “kỷ niệm buồn như tiếng thở dài…” Đã có một ai, suốt đời chưa hề biết thở dài? Hạnh phúc hay đau khổ thay cho kẻ đó!

Không một ai quen, toàn những khuôn mặt lạ chất chồng nhiều vết nhăn. Cũng phải, tôi xa người ấy đã quá lâu, tôi lên Đà Lạt cũng đã bộn trăm mùa. Tôi đứng lơ ngơ như đội lốt Mã Viện, láo liên như giặc Tầu ô bành trướng thì ba hồn bảy vía lộn lui khi nghe lãnh lót tiếng rầy la đầy uy lực phát ra: Ngoại mệt con lắm rồi, cứ không chịu ngồi yên một chỗ. Điệu ni ngoại giao con cho người ta để được an thân. Đứa bé gái nhỏ nhít, năng động và hớn hở khi được mặc áo dài dừng chân gần bên tôi. Nó nhìn bà ngoại thu hẹp khoảng cách và bà ngoại nó ngó tôi như ngó một mẹ mìn. Không có sương mù vây bủa, nếu có thì màu thời gian đã can dự chắn lối. “Chuông gọi hồn ai” hay “Đi tìm thời gian đã đánh mất”? Hay “Trăm năm cô đơn”? Hay “Kẻ xa lạ”? Hay “Cuốn theo chiều gió”? Một người mình lỡ thương thì suốt đời người ấy sẽ chạy trời không khỏi nắng, cho dù người ấy có hoá trang làm bà Đoàn Thị Điểm bà Huyện Thanh Quan bà Hồ Xuân Hương hoặc bà Đanh. Đôi mắt ấy, khuôn mặt ấy, nốt ruồi ấy… tổng thể gom lại bằng hai tiếng “Trời ơi!”. Ở xứ này có một chữ rất đắc: Wow! Cô đọng tất cả những nỗi niềm, trong khi trời ơi chỉ là tán thán từ biểu tỏ một ngạc nhiên. Trời ơi mà thiếu đất hỡi. Trời sinh ra Công Huyền sao lại còn đẻ ra ngươi! Chứ xa nhau dài bằng thế kỷ ngươi đi mất đất đã làm nên công trạng gì? Nhà ngươi tá túc phương nao, nếu loanh quanh đây hẳn đã châu về hiệp phố, nhỉ?

Ngoại. Chỉ một chữ đã nghe ra tàn phai vây khốn, nghe thót tim. Ví phỏng đường đời bằng phẳng mãi, chắc gì ta đứng với chân run, với hệ luỵ chất đầy làm lưng thôi còn thẳng. Người bạn có tên trong ban tổ chức đi tới, chen giữa Từ Hải và Thuý Kiều: Ủa, hai người có quen biết nhau hay răng? Hắn ta làm MC tự nguyện: Ông này ở nước láng giềng vượt biên sang đây những mong hưởng ké ngày vui chúng ta gầy dựng. Hắn thiết tha tìm được người xưa, nếu đúng là bà thì ắt hắn đang mãn nguyện. Ngoại thôi đăm đăm chú mục tới mục tiêu, quay sang đứa bé: Con vòng tay thưa ôn đi, nói biết nghe, ạ ôn đi. Giỏi! Người bạn hô: Thôi, tới giờ rồi. Vô đi, vô đi. Để tui sắp xếp cho hai ôn mụ được ngồi gần nhau, tha hồ nhắc lại thời oanh liệt nay còn đâu. Nì, lát nữa chạy lên ngâm một bài thơ hỉ, để cho bà con thấy dân học trường Hàm Nghi dũng khí đâu có kém ai. Nếu không thì tặng bà Tôn Nữ này một khúc Nam Ai thê thiết.

Xúc giác, vị giác, thính giác, khứu giác chừng đã dỗi hờn bỏ đi. Trên năm chục tuổi chẳng có cớ gì để níu giữ chúng lại. Phản ứng cũng thế, mất hẳn sự nhanh nhạy. Và thị lực, muốn xem sách, muốn dòm hoá đơn, muốn coi rõ tờ giấy phạt vi phạm lưu thông cũng phải mò tay vào túi lấy ra cái kiếng lão. Mắt đục bụi trần để mắt có khi trông chim hoá bướm. Nhưng người đã leo lên chức ngoại, dẫu mòn hao tới cỡ nào thì tôi vẫn còn đủ tinh tường để nhìn nhận, để cứng thân dọn lòng bao hồi ức. Tôi treo mỏng đời lên mạng , ngoại ơi ngoại hỡi ngoại sầu tơ giăng?

Tôi ít nói, tôi ăn thỏ thẻ. Chén bao giờ cũng đầy thức ăn do ngoại luôn tay bồi đắp, gắp xới. Đứa cháu gái nhỏ bé ngoại bàn giao lại cho ai để rảnh tay nâng khăn sửa túi đứa cháu trai dại khờ. Có lẽ đêm nay tôi sẽ mang kính lão khi đi ngủ, để giả như cuốn vào giấc mơ tôi sẽ thấy lại Thuỷ ngồi kề bên tôi trong đêm hội ngộ cựu học sinh liên trường Đà Lạt. Tám mắt nhìn nhau, sương mờ vây ảo ảnh. Huế buồn lắm, còn Đà Lạt thì sao? Hãy chép ra một tờ kinh sai lạc, kể đầu đuôi ngọn ngành, tự dạo xa nhau Thuỷ làm những gì? Mơ hồ trỗi lên giọng đứa bé con nũng nịu: Nội, nội đút cơm cho con ăn. Tỉnh giấc, cặp kính rời đi.

Đêm Quốc Học Đồng Khánh chấm dứt tới gần lằn vạch bước sang ngày mới. Lạ lùng thay, khi bước ra khoảng sân rộng, bầu trời xứ cờ hoa đã độ lượng buông màn bằng cơ man những sương mù sữa đục. Bồi hồi, yếu lòng, chập choạng, mò mẫm nhớ thương. Cách một bề dài của cánh tay dang rộng, mù mờ vạt áo dài vàng máy động, tiếng cười gửi lui nghe luống những ngậm ngùi, giữa canh thâu mông muội.

Hồ Đình Nghiêm 
January 1, 2017