Biển Quy Nhơn - Ảnh internet
Cơn mưa chiều vừa chấm dứt. Tôi vẫn có cái thú là đạp xe đạp đi một vòng thành phố rồi ghé đến quán cà phê của người bạn ngồi nhâm nhi ly cà phê như thường lệ vào buổi chiều.
Thành phố mát sau cơn mưa. Không còn cái nóng oi nồng khó chịu mỗi lần trời nực giông. Những con đường hai bên lề ngập nước với những chiếc lá keo trôi bềnh bồng. Phải rồi, mùa thu đã về. Những hàng keo bên đường bắt đầu vàng lá và rụng. Sự phát triển đô thị làm cho con đường như nhỏ lại bởi những ngôi nhà lầu được xây cao lên, không còn những ngôi nhà ngói âm dương như thuở nào với những tiếng sáo sậu trên những cành keo bên lề đường hót líu lo, hay bay lượn trên những cảnh keo trĩu quả.
Trời mát. Tôi dựng chiếc xe đạp bên vách quán. Cẩn thận khóa lại. Người bạn đứng trên bậc thềm của ngôi quán cười: cẩn thận thế à? Tôi cũng cười lại: vẫn còn hơn đó mà. Tôi vào trong quán, ánh đèn lờ mờ từ trên vách hắt xuống sau cái đĩa kiểu cọ rất nghệ thuật che khuất. Ánh sáng mờ mờ ảo ảo. Bên góc quán một sân khấu nhỏ được dựng lên nhìn ra khoảng sân sau có kê thêm những chiếc bàn ghế cho khách ngồi ngoài sân. Trên sân khấu dựng hai cây guitar và bộ trống . Hai cái loa dựng hai bên. Sân khấu nhỏ chỉ đủ cho ba người đánh đàn và ca hát, nếu có. Người bạn tôi, Phò với mái tóc dài trông rất nghệ sĩ đi guitar solo, còn người bạn của Phò đi bass. Giờ này quán vẫn chưa có người đến sau cơn mưa. Tôi tìm đến chỗ ngồi quen thuộc bên chậu cây bonsai. Vẫn uống như thường lệ chứ? Người bạn hỏi. Vâng. Tôi biết cái gu của ông mà. Một ít bơ và ít rượu rum. Tôi nói lại. Người bạn cười cười. Tôi biết tánh ông mà. Mấy mươi năm vẫn cái gu này. Già gần xuống lỗ mà không bỏ.
Phò mang cậy guitar gỗ ra ngồi bên cạnh dạo một bản nhạc quen như đễ nhớ lại những ngày trong quân ngũ. Ngày đó xa lắm, Minh bạn của Phò từ một chiến trường về tá túc những ngày về thành phố trong ngôi nhà thuê. Những tên lính trẻ sống bụi. Phò từ Huế vào chơi với chúng tôi mấy hôm rồi vào Phan Thiết. Minh cũng Huế, Sách cũng Huế. Chỉ có tôi là người Phương Nam. Nhận như thế để lấy oai, chứ Phương Nam cái nỗi gì. Dân Trung cả thôi. Nam Trung phần. Bạn bè hay chọc. Khác với ba người bạn Huế này.
Trong khi chờ những giọt cà phê nhỏ xuống tách, những bản nhạc Phò đánh lên nghe thật buồn. Ngưng, Phò hỏi: thằng Minh chết trong trại? Ừ. Có ông bên cạnh? Ừ. Ông biết nơi chôn nó? Biết. Giọng Huế của Phò chửi thề: Đ.M cũng cái giọng trả lời nhát gừng như ngày nào. Vợ con nó biết? Tôi nói: ông không biết gì sao? Vợ nó chết trên chuyến xe lam hình như ở đâu miệt Hoài Ân, An Lão chi đó. Lâu quá tôi quên. Nó vẫn sống vậy? Ừ. Phò dựng cây đàn bên cạnh bàn. Chửi thề. Đ.M cũng lại ừ. Tôi cười, bưng tách cà phê lên hớp một hớp mùi thơm của bơ và chút nồng của rum làm tôi nhớ đến những ngày tháng lang thang với Minh và Sách ở Qui Nhơn. Những ngày lang thang khi về phố lê gót trên những nèo đường, rồi cũng vào quán Dung nghe nhạc Trịnh. Một chút bơ và rum khi gọi cà phê. Cô chủ quán thét rồi quen mặt.
Trong cuộc đời phiêu bạt của người lính năm xưa, tôi được may mắn hơn là về hậu cứ. Còn hai bạn tôi vẫn còn lội ngoài chiến trường. Hậu cứ, một căn phòng thuê ẩm thấp nằm khuất sâu trong con phố đầy những chiếc xe nhà binh chạy qua mỗi ngày. Những chiếc xe có sơn ngôi sao trắng. Những chú lính G I ở trần hùng hục. Nói năng chửi thề vung vít. Những cô con gái đi làm trong PX nằm dưới chân núi G.R lòe loẹt phấn son. Tôi vẫn ở trong căn phòng ẩm mốc rẻ tiền. Mặc cho những chuyến xe nhà binh có ngôi sao trắng vút qua. Mặc cho những tiếng nói của những cô gái làm sở Mỹ nhí nhô ngoài đường. Hình như đó là cái mốt của bao cô gái lãnh tiền bằng đô la thời đó. Và Phò hỏi: Sách bây giờ ở đâu? Bên Mỹ. Cả gia đình chứ? Ừ. Mệ nội cũng lại ừ. Tôi cười.
Những hớp cà phê nóng thơm mùi bơ, và nồng một chút rum làm tôi nhớ đến những người bạn cùng thời. Phải chi những người bạn đã nằm xuống trong trận chiến, tôi gom hết những tro cốt của chúng nó cho vào trong một cái ống đạn pháo binh. Đi đâu cũng mang theo như ngày nào chúng nó còn sống lang thang sau những lần về phố. Phải không Phò? Ông có hoang tưởng lắm không? Phò hỏi. Ngày đó những thằng bạn nằm xuống chắc gì còn nguyên thân xác. Như thằng Bảy chết ở Quảng Ngãi. Nghe đâu trái pháo rơi trúng lô cốt của nó, hồn xiêu phách lạc. Tôi nghĩ cái quan tài đem về cho mẹ nó có thể là cây chuối, hay là những vật dụng cá nhân. Mà nếu đem hỏa táng làm sao có phủ lá quốc kỳ?
Trời như muốn đổ mưa lại thì phải. Những hạt mưa lớp đớp rơi trên mặt bàn. Ông vào ngồi trong này kẻo mưa. Thôi. Đám trẻ nhí nhô có lẽ không hợp với bọn già mình. Tôi nói bâng quơ. Đêm đã xuống bên ngoài quán. Phò hỏi tôi có còn nhớ bài thơ của Sách làm về ngôi nhà mà ông thuê không. Không. Chỉ nhớ lỏm chỏm dăm ba câu. Tôi đọc cho ông nghe nhé. Những câu thơ Sách làm cụ thể, gợi hình.
Căn nhà khu sáu tiếng đồn
Có người thắt cổ nên phòng bỏ hoang
Vậy mà chỉ Phạm Văn Nhàn
Dám thuê một chỗ rợn rùng qua đêm
Có gì đâu, tiền mua tiên
Chúng tôi tiền lính tính liền mua ma
Phù thủy làm phép trừ tà
Đuổi ma đuổi quỉ cho nhà bình yên
Chúng tôi có bùa rất linh
Người ngụy trang mặc đồ đen súng trường
Đêm đêm bạn với âm hồn
Ma thương quỉ mến thì
chắc nàng cảm thông.
Chuyện ấy lâu rồi, Phò vẫn nhớ những câu thơ của bạn bè làm. Như một kỷ niệm khó quên trong những ngày gian khổ. Bây giờ còn bao nhiêu người bạn. Ngày xưa tứ xứ tụ về, đánh trận đã đời còn sống về phố thị vào căn phòng ấy để ở vài ba hôm. Lang thang phiêu bạt. Còn sống là còn vui. Còn sống là còn nghe tiếng đàn guitar của Phò. Hôm nay ngồi nghe lại tiếng đàn ấy trong ngôi quán cà phê của Phò tôi nhớ lại những năm 68-69 trong những đêm trăng ngồi trước hiên trong ngôi nhà mà Sách viết: Ma thương quỉ mến thì chắc nàng cảm thông...Tiếng đàn ấy như quyện vào trong tôi, với những giọt cà phê thơm mùi bơ và nồng một chút rum. Nhưng bạn bè hôm nay xa vắng. Kẻ trời đông. Người trời tây.
Ngày đó, Phò nói ông với thằng Sách như hai người đi trên mây. Tơ tơ tưởng tưởng, viết lách làm chó gì. Như tôi ôm đàn mà hát vui hơn. Một tiếng đàn đánh lên trong ngôi nhà ma năm ấy. Ma chạy tuốt. Tôi ừ. Lại nhớ những đêm trăng G.R. Nhớ tiếng pháo đì đùng. Nhớ những trái sáng bắn lên từ trên đỉnh núi của một đơn vị đồng minh. Nhớ những ngày Sách và Minh đi về hớt hơ hớt hải từ một chiến trường đâu đó. Bẩn thỉu áo quần. Tôi nói với Phò tơ tưởng cái con mẹ gì, ngày ấy đói xanh xương. Chỉ có thơ và văn tụi tôi mới hưng phấn. Giả tạm? Phò hỏi. Cũng có thể mà cũng không. Tôi nói với Phò. Cái nghiệp mà. Nghiệp lính thì không. Nghiệp văn thì có. Nhưng không lấy đó mà nuôi cả đời. Tôi hiểu cho mấy ông thích đi trên mây này. Ông nói ai? Ông và Sách. Tôi cười.
Quán về đêm càng đông. Những cặp tình nhân trẻ ngồi chụm đầu nói chuyện. Khác với tôi ngày xưa quá. Ngày xưa tuổi trẻ của chúng tôi bị đốt từ một nơi rừng núi nào đó. Xa lạ. Tôi vẫn ngồi bên gốc bonsai già. Tôi hỏi Phò: ông chơi đàn đêm nay chứ? Không. Khi nào có những vị khách thích chơi thì tôi lên chơi. Sân khấu chung cho những người trẻ mà. Tiếng nhạc êm phát ra từ một chiếc máy Akai còn sót lại. Bản nhạc làm tôi nhớ đến Huế xưa của những năm chưa nhiễm khói bụi trần gian đầy bất trắc. Thành phố với những con đường còn im bóng. Tôi đưa em đi dưới những bóng cây gần 50 năm về trước. Bây giờ già hết rồi. Cô gái Đồng Khánh năm xưa với tôi bây giờ là vợ chồng già sống âm thầm bên nhau. Những buổi chiều trời mưa, ngồi trong nhà nhìn mưa mà nhớ. Còn chăng là những kỷ niệm với tà áo dài mềm mại đi về có nhau. Ông đánh cho tôi nghe lại bản Tiếng Xưa: Hoàng hôn lá reo bên thềm/ Hoàng hôn tơi bời lá thu/ Sương mờ ngậm ngùi xuân xanh/ Bâng khuâng phím loan vương tình...
Ông nhớ Huế? Không. Nhớ cả hai.
Phạm Văn Nhàn
Houston, December 7, 2016
Houston, December 7, 2016