Monday, January 2, 2017

2680. HỒ ĐÌNH NGHIÊM Đinh Dậu





Người ta khuyên, một ngày nên ngủ đủ tám tiếng. Cuốn chân kinh dạy về cách sống lâu, nếu in ra dầy hơn cả ngàn trang mà không chừng mục kiêng cử sẽ chiếm hai phần ba tổng số cái đồ sộ nọ. Đừng ăn thức này, nhiều chất béo. Đừng uống nước ấy gây hại bao tử. Gừng có chứa chất kịch độc, tỏi cũng vậy nếu nó nhập từ Trung quốc, mặc dù hai củ kia luôn nằm trong công thức bào chế dược liệu của Hoa Đà, người nổi tiếng mát tay cứu nhân độ thế cải tử hoàn sinh.

Đừng thế này, nên thế kia. Cảnh báo một chuyện mà nghiêm chỉnh chấp hành lại là chuyện khác. Nếu thực sự có xuất hiện cuốn bí kíp thoạt nghĩ là thực dụng, hồ đồ để nghĩ rằng, cuộc sống nầy đã bị tước đoạt lắm lạc thú; rồi chẳng chừng lại đẻ ra công án: O ép sống lâu để làm gì nhỉ?

Riêng chuyện ngủ, đụng tới nó thì lôi thôi to. Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép em (ngủ)! Đến số tuổi nào đó, trung niên trở về sau hay nôm na khi người ta già, chiêm bao mộng mị thưa dần chuyện viếng thăm. Hàn Mặc Tử viết:

Nằm gắng cũng không thành mộng được
Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thôi.

Nguyễn Du viết:

Giật mình thoắt tỉnh giấc mai
Bâng khuâng nào đã biết ai mà nhìn.

Bùi Giáng viết:

Suốt đời phải thức suốt đêm
Suốt ngày ngủ nướng mới nên con người.

Những bài thơ của hoạ sĩ Đinh Cường thường làm vào canh khuya, ngủ không xuống, hai giờ sáng dậy mở đèn thức với vuông hình máy điện toán, bàn phím có ghi dấu khi gõ bộ chữ Việt. Và nói theo Kiều:

“Chuyện trò chưa cạn tóc tơ
Gà đà gáy sáng trời vừa rạng đông”.

Ở đây không nghe được tiếng gà, điền thế vào bao loài chim lạ chuyên cần ghé ngang cất giọng véo von. Nguyễn Trãi viết:

“Tam thập dư niên trần thế mộng
Sổ thanh đề điểu hoán sơ hồi”.

Tạm hiểu: Hơn ba mươi năm trăn trở giữa mộng đời, bất chợt nghe chim kêu lòng những muốn trở lại thuở thơ ngây. Vô tình, tiếng chim rớt giữa đôi bài thơ của Đinh Cường cũng mang đủ vẻ hồn nhiên mà Nguyễn Trãi từng mơ ước.

Vậy thì nguỵ biện để thưa: Ngủ đầy giấc lành trong tám canh giờ không chắc khi thức giấc anh sẽ làm được thơ! Nằm tơ lơ mơ rồi vùng dậy trước khi “gà đà gáy sáng” đó là giây phút anh “bâng khuâng đã biết nàng thơ đứng chờ”.

Ở Việt Nam, sinh hoạt của nông dân ngày xưa nương nhờ vào tiếng gà báo thức. Những vị triết gia có cớ để phán: Con gà cứ ngỡ tiếng gáy của nó tạo ra bình minh. Và ca dao, đã mượn hình ảnh gà để diễn đạt một tình huống rất mực rạng ngời:

Khuya nay em cắt cổ con gà vàng
Để chi mai nó gáy hai đàng biệt ly!

Khuya, thanh vắng, lặng lẽ. Hành động giết gà rõ là do vừa toan tính xong. Em biết mai anh lìa xa, làm cách gì em có thể ngủ yên trong tám tiếng? Chập chờn, muốn ngủ nướng cũng không được. Em vụng nghĩ là gà thôi gáy e rằng anh chẳng tìm ra cớ để xa em. Và chung cuộc cái xuống tay kia, bất ngờ làm thơ vụt hiện.

Gà là thứ gia cầm ít ló mặt trong thi ca, ngoại trừ nó hiện ra, mang đậm chất trào phúng kiểu Bảo Sinh:

Cuối cùng tất cả chúng ta
Đều lên nóc tủ ngắm gà khoả thân.

Nó là thức không thể thiếu trong mâm cỗ. Nó gáy, khiến đôi tình nhân trong ca dao nọ phải chia tay. Nó vàng lườm trên đĩa nhằm chứng thực một tưởng nhớ về người đã thực sự lìa xa.

Năm nay, 2017 được gọi tên là Đinh Dậu. Các anh chị thân hữu ở quê nhà vừa bỏ công hoàn tất xong cuốn “Đinh Cường. Ra Đi Mới Biết Lòng Vô Hạn” nhằm ghi nhớ ngày hoạ sĩ hiền lành từ bỏ cuộc chơi đã tròn năm. Tôi mãi tin là các anh chị góp tay tác thành cuốn sách bề thế ấy hẳn là những người không ngủ tám tiếng tròn giấc. Họ thức khuya dậy sớm và việc họ làm e cần kíp hơn một tiếng gà báo thức bình minh.


Bìa cuốn ĐINH CƯỜNG, RA ĐI MỚI BIẾT LÒNG VÔ HẠN
748 trang do Bửu Nam, Phạm Thị Anh Nga, Bửu Ý, Nguyễn Quốc Thái thực hiện
nhân giđầu họa sĩ/thi sĩ Đinh Cường - Huế, tháng 1.2017
(Các bạn ở Huế muốn dự buổi ra mắt cuốn sách này vào ngày 7.1.2016
vui lòng liên lạc với nhóm chủ biên để biết thêm chi tiết)  


Năm mới, cho tôi được mượn vuông sân nhà thơ Phạm Cao Hoàng để góp tiếng gáy eo óc rằng, cầu mong toàn thể các anh chị mãi thân tâm an lạc. Tôi chúc các anh chị không ngủ ngon, bởi chúng ta mãi là những kẻ canh thức những giấc mộng chẳng tròn đầy. Hãy viết để còn nhìn nhận ra nhau chuyện giản dị: Thương nhớ nhau qua các mặt chữ chở nặng tính nhân văn.

Cám ơn anh Phạm Cao Hoàng. Cám ơn những người từng sinh hoạt, góp mặt trên blog PCH giàu tình nghĩa, dẫu biết xa xôi nhưng chúng ta chẳng đành tâm cắt cổ gà, hãy để nó cất tiếng gáy như đã từng, như vốn thế. Trời vừa rạng đông.

Chúc mừng năm mới đến các nhà thơ các nhà văn các hoạ sĩ trong ngoài.

Hồ Đình Nghiêm
Montréal, đầu năm Đinh Dậu.