Chánh
quán Lăng Cô, bay tới Tokyo, đổi qua Chicago…
Không
phải nói vô, chớ rồi đi mô, cũng nhớ cố đô.
Tôi
gặp chị tại buổi tiệc tất niên, người ta đi có đôi, chị lẻ bóng, tôi mình ên
nên ai đó rắn mắt xếp chỗ cho “anh chị” ngồi bên nhau, cho đỡ tủi.. Ngay câu
giới thiệu ban đầu tôi đặc biệt có cảm tình với chị. Ngẫu nhiên thôi, chứ tôi
không nghĩ chị là người xuất khẩu thành thơ. Rứa còn anh thì răng? Trong đầu
tôi hiện ra hàng chữ: Thiệt sự dân Huế, ghét hương liệu quế, làm ở sở thuế… À,
tôi ở đây đã gần ba chục niên, chừng ấy thời gian cứ phải làm việc liên miên,
đôi lúc ngó lại nghĩ e mình điên, cứ như ba đầu sáu tay chẳng biết cử kiêng…
Chị ngó tôi: Chắc anh thèm ăn sầu riêng?
Tôi
cố nén tiếng cười lớn, tôi sợ làm bốn cặp ngồi chung bàn phát sanh dị nghị. Họ
là vợ chồng, có lẽ vậy, trông họ đạo mạo nghiêm chỉnh quá. Nếu họ còn ở trong
thời gian là nhân tình của nhau, hẳn họ còn nhìn ra lắm điều lý thú để san sẻ
quan hoài rù rì to nhỏ ân cần đổi trao. Họ có nguyên tắc, cách xử thế khi giao
tiếp với đám đông, những kẻ lạ mặt. Tôi mong được như họ nhưng bất khả, chăm
làm việc đến nỗi không có thời gian đi lùng sục một nửa thất lạc của mình. Thêm
thay, hôn nhân thì đúng là cả một đại sự, không thể xớn xác đùa cợt được.
Như
ở tiệc cưới, trên mặt bàn tròn trải khăn đỏ, ban tổ chức có in rõ cái thực đơn
dài lê thê. Mỗi người đóng một trăm tiền lệ phí bởi sau mục ăn nhậu sẽ tới phần
văn nghệ hát hò ngâm vịnh, rất xứng đồng tiền bát gạo. Giữa giờ nghỉ giải lao
sẽ có đôi ba em được đề cử ôm chồng tạp chí Xuân do những cây bút có tên tuổi
trong cộng đồng sáng tác và tự xuất bản. Giá ủng hộ ba chục bạc, tiền sẽ sung
vào quỹ dùng hổ trợ trường dạy Việt ngữ đóng đô ở chùa Hoa Nghiêm.
Xin
vui lòng đến đúng giờ, chúng ta chính thức nhập tiệc vào 7.30 PM. Ban tổ chức
hô hào xác quyết từ khi in giấy mời. Tám giờ rưỡi chưa thấy nhúc nhích vọng
động như thể tôm cua cá mùa này hiếm có, phải đi tới những chợ xa xôi tìm lựa.
Chẳng lạ gì, người mình vốn quen nhai kẹo cao su trước mỗi buổi ăn. May mà
chung vui đêm tất niên, chứ ăn đám cưới thì không khéo cô dâu chú rể phải bất
tỉnh nhân sự trước buổi động phòng. Mỏi chân lắm, mắc đái lắm, cười đến vẹo
quai hàm khi chụp ảnh cùng quan viên hai họ và thân bằng quyến thuộc. Nóng ruột
lắm, lời lỗ chưa biết ra sao. Khổ thân lắm, đứng ngây người ra suốt buổi như
thể bị trời hành. Chưa rõ gừng cay thế nào muối mặn kiểu chi mà đã có mòi cơm
không lành canh chẳng ngọt. Bà con cô bác thiệt ác chứ hổng vừa đâu nghen! Muốn
cho đôi trẻ trăm năm hạnh phúc thì chịu khó dòm vô kim đồng hồ một chút thôi
mờ!
Ai
dài cổ chứ tôi không, tôi ngó sang chị, chị cũng chẳng biểu lộ vẻ ngao ngán.
Tôi hỏi, hình như ở Lăng Cô có món đặc sản sò huyết ngon nức tiếng? Chị trả
lời: Đúng y bon, ba con ngêu con ốc con hến con sò ở đây không cách chi bì
được. Hắn ngon ngọt lắm a tề! Nói chung thì ở đầm Cầu Hai, ở Nam Ô thuỷ sản đều
thuộc dạng đặc sắc, con cá mú con cá hanh con tôm hùm khi ăn vô chỉ biết ngậm
mà nghe. Tôi có một thắc mắc muốn hỏi chị, vì răng thịt heo luộc người ngoài
mình kêu là thịt phay? Thịt phay đi với dưa giá chua chấm nước mắm ớt, ăn nhức
nách. Chị thoáng đăm chiêu: Hỏi lừng lựng! Dao phay thì răng? Lâu hung rồi mới
nghe lại chữ phay cũng như chữ nhức nách. Để tui về hỏi lại mạ tui coi thử. Bộ
hết cái nhức rồi a, răng đè nách mà nhức? Tôi ngó chiếc áo dài chị mặc, chất
vải mềm mại và người cắt may rõ là cao tay nghề, sát sao ôm lấy cơ thể mà không
tạo ra một nếp thụng, nhăn. Chẳng biết chị có tự hào khi mặc nó để đi bát phố,
chen chúc trong đám tây tà cứ thay đổi thời trang xoành xoạch. Đôi khi vẻ đẹp
cũng tuỳ vào thị hiếu, có lắm kẻ chẳng thích cái thướt tha nó mang, và như vậy,
theo lời tiền nhân, ta nên liệu cơm gắp mắm. Trong sinh hoạt cộng đồng diện vào
người chiếc áo dài thì chẳng chê vào đâu được, nó khiến chị đẹp hẳn ra và tôi
đồ rằng đã có không ít đấng mày râu ngồi quanh đây từng vụng dại liếc trộm vào
người chị. Ở Huế, các bà buôn thúng bán bưng, bán chè cháo, bán đồ đồng nát,
bán thượng vàng hạ cám đều mặc áo dài cả, một cách thế giữ sĩ diện khi bước
xuống hè phố mưu sinh? Một điều luật bất thành văn? Ba tôi cũng vậy, ông thuộc
lòng câu ngạn ngữ của Tây Ban Nha để ép mình theo: “Cho dù trong túi không có
lấy một cắc, cái mũ trên đầu anh phải đội cho ngay ngắn”. Nhưng mà thực sự có khi đời bày ra
cảnh bất ưng, ba tôi đưa đầu trần dang nắng đổ mồ hôi sôi nước mắt cũng như
chiếc áo dài bỗng khiếm diện một cách oan uổng, ngay cả giáo viên đứng trên bục
giảng cũng chỉ biết diện chiếc áo bà ba, trò xấc bấc như cô xang bang đã thôi
xiêm y lụa là như trước. Sự đột biến ấy khiến đẻ ra một bọn người vô tổ quốc,
xúi tôi gặp chị bữa tối nay, ngồi gần trong gang tấc để nhắc lại những thứ cắc
cớ xa xăm của ngày xưa. Như chan nước mắm vô chén cơm trắng cho đỡ lạt miệng.
Cứ nói thánh nói tướng cho sướng mồm để mai kia mốt nọ nhịn, thèm lúc mô hay
lúc nớ. Cả tôi lẫn chị dường không phải thành phần ưa ăn chay. Mặn mà có duyên
là vì thế. Mấy thuở mới được chộ mặt nhau! Nhưng nên mở ra cái ngoặc đơn, nói
là nói rứa chớ mô có tà ý chi. Đừng nghĩ tới chữ cua, chữ tán, chữ gò; và cây si
là cây chi chi nào ai hay biết.
Thú
thật là cao lương mỹ vị ê hề có lúc không sánh được nhịn ăn mà nói. Chị thời ba
hột, rụt rè như ngày đầu gái về nhà chồng. Tôi bắt chước động thái ga-lăng của
ông ngồi đối diện mãi gắp món ngon vào chén vợ hiền. Bánh ít trao đi bánh quy
trao lại, chị cũng gắp nấm đông cô tôm bọc bột cho tôi. Ngần ấy đã nuốt không
trôi vì cảm động quá. Từ nhỏ tới lớn chỉ có mạ mới làm như rứa, lấy được mụ vợ
không hẳn sẽ nhận đủ sự quan hoài tới mức kia. Bây chừ chị ở nơi mô? Tôi hỏi. Chị
cúi đầu thỏ thẻ: Tui ở trong nhà. Trời ơi, nói chi như không vậy bà! Tôi uống
một ngụm bia. Hình như ở Huế có bia Huda? Chị mau miệng: Phải a, do liên doanh
với một công ty của Đan Mạch nên người ta cặp đôi ra nhãn hiệu nớ. Hu là Huế mà
Đa là Đan Mạch. Thiệt là khéo chơi chữ! Tôi có thể biết tên chị không? Chiếc áo
dài tui mặc có vẽ những chùm hoa. Hoa tên chi thì tui tên y như rứa. Ở bên mình
có nước ngọt đóng chai tên Lanbang không hè? Mần chi có, tại răng hỏi? Chị tên
Lan mà tôi thì mang tên Bằng. Cắc củm tiền để dành làm Việt kiều yêu nước về
xây nhà máy sản xuất nước giải khát thượng hảo hạng liệu nhắm có êm không? Trật
lất, khởi đầu đã nghe không thuận tai. Ai tên Lan hồi nào?
Người
chẳng phải Lan bỏ đũa ngồi chống cằm. Đầu bếp nấu không đến nỗi tệ nhưng loài
hoa chưa biết tên tuồng như đang theo chế độ diet, thịt thà mỡ màng chất ngấn
thì ai đủ can đảm mặc áo dài đi phó hội. Thon thẻo hoặc mình hạc xương mai khi
ấy mới có quyền làm rung động hai tà, đi xuống đường dáng làm nghiêng góc phố
như ai đó nói. Người nhác ăn ta cũng nhác chơi, chỉ uống khan mà chẳng phá mồi,
bởi bình sinh ta đâu phải hạng phàm phu tục tử. Có gã đàn ông tới bên chị cúi
người để thì thầm bên tai, trong tay gã nắm tờ giấy in chương trình phụ diễn
văn nghệ để tôi đoán không lầm chị sẽ bước lên sân khấu đóng góp một tiết mục.
Tôi lấy làm lạ, vì thông thường chị sẽ an toạ, ngồi chung bàn với quý vị ca
nhạc sĩ để giao lưu cho ăn ý với nhau. Ngồi đây dễ bị đứa ác khẩu thêu dệt rằng
hoa lạc giữa rừng gươm.
Sau
ba bài hát mùi riệu thể điệu boléro, ông làm MC gõ lộp bộp vài cái micro rồi
sửa giọng giới thiệu một tiếng ca từng say đắm lòng người, xin quý vị dành
tràng pháo tay cho ca sĩ Thu Cúc. Chiếc áo dài vẽ lắm hoa đứng lên, ồ hoá ra
chị tên Cúc. Hoa cúc nở trong mùa thu và không cứ phải mặc áo vàng người ta mới
yêu loài hoa ấy. Tà áo xanh đang uyển chuyển bước lên bục cũng dễ khiến lắm kẻ
xiêu lòng vậy. Chị không ngó xuống nơi xuất phát, chị không thèm dòm tôi, chị
bất cần thiên hạ. Chị ngước mắt lên trần nhà, đôi khi khép đóng rèm mi để thả
hồn vào bản Nửa Hồn Thương Đau. Trước đây tôi mang một nhận định mà giờ đây
thấy sai lầm, rằng ai ưa làm xướng ngôn viên hoặc ca sĩ xin chớ là người Huế,
chất giọng đó khó thu phục người nghe lắm. Mấy ông bà nội diễn hài khi giả
giọng Huế đều tự động thêm dấu nặng vào mỗi chữ, kể chuyện ngày khai giảng của
một trường tiểu học ở Quảng Trị, giáo viên lên lớp hỏi xuống đám học trò: Các
em đạ đụ vợ chưa? Thế là khán giả cười bò lê bò càng, thấy tức cành hông; tôi
là người Huế mà cũng không hiểu chữ đụ vợ chưa là gì nữa kìa! Thiệt tình!
Thu
Cúc chánh quán Lăng Cô, địa phận làng ven biển ấy chia đều cho Thừa Thiên Huế
giữ một nửa, nửa kia thuộc Đà Nẵng Quảng Nam, xem như vùng nước lợ năm phần
ngọt năm phần mặn, chắc vì thế mà chị có chất giọng thật truyền cảm, chất ngất
tâm sự nhưng diễn tả bằng ca từ thì quá đỗi dịu dàng, tuyệt đối không chêm cục
gạch dưới mỗi chữ như người ta đặt điều. Lựa bài hát ấy để trình diễn đã có lắm
kẻ thất bại bởi cái bóng cổ thụ Thái Thanh đã che phủ chất ngất một vùng phì nhiêu
âm vực. Suy ra Thu Cúc là người tự tin và quả đúng vậy, chị thoát được sự độc
chiếm kia bằng một lối diễn đạt khác lạ, thành công. Tôi ưỡn ngực vỗ tay sắp
sẵn lời ca ngợi nhưng chị không về ngồi vào chỗ cũ. Chị thu mình giữa đám người
giúp vui phần văn nghệ như thể họ muốn chị lên trổ tài một lần nữa.
Bàn
thừa một chỗ trống, vô tình tôi trở thành vùng oanh kích tự do. Xin lỗi anh, cô
Thu Cúc đã có ra một cái CD nào chưa ạ? Một ông hỏi. Tôi đánh liều, vin vô dự
cảm: Dạ chưa. Một bà nhìn tôi lom lom: Anh chị đã có cháu nào chưa ạ? Tôi hát
lại điệp khúc: Dạ chưa. Thảo nào, khi đã làm mẹ chị ấy không thể có thể hình
gọn ghẽ như vậy được! Đến phiên một ông khác: Hình như anh chị vừa từ chốn khác
tới đây? Tôi giao du nhiều, có thể nói vậy và đây là lần đầu tôi nghe một ca sĩ
lạ hát, mặt mũi cũng thế, mới mẻ quá! Tôi nói nhỏ: Dạ đúng ạ. Một bà kiếp trước
làm công an thăm dò: Thế anh hiện ở đâu? Dạ, tôi ở trong nhà… May phước cho tôi
là trên sân khấu đang có đôi song ca vừa gân cổ làm ồn. Mọi con mắt đổ dồn tới nơi
tập trung đèn màu, tạm tha cho bị cáo thoát màn hỏi cung. Tôi chưa bao giờ uống
bia nhiều như tối nay, lại nữa tửu lượng tôi thuộc loại xoàng, nửa chai đã mặt
đỏ tía tai, ba say đã chai. Tì tì nốc đến hai chai, dù không Huda cũng phát
hiện mặt chai mày đá cả gan ăn quàng nói xiên. Thu Cúc mà nghe ra hẳn chị sẽ
thương đau nửa hồn còn lại, rướm máu toàn tập. Lợi dụng không ai để ý tôi làm
loài chim đa đa lẻ bạn tìm nhà vệ sinh để mong nhẹ người.
Ủa,
chứ nãy giờ ngồi đâu mà tôi không thấy? Một ông đứng chải tém đầu tóc ướt hỏi
tôi mà chẳng thèm quay đầu. Mặt ông ta xanh tái trong khi mặt tôi đỏ như con gà
chọi. Ô kính phản chiếu hai nhân diện, một Quan Công một Tào Tháo. Tạm thời
Quan Công quên bén tên Tào Tháo, chẳng nhớ cớ sao gã kia lại nhận diện ra mình?
Nếu người đứng đó thuộc diện hoa nhường nguyệt thẹn thì hoạ may. Lan Huệ sầu ai
lan huệ héo? Vậy thì dễ nhớ biết bao. Lát ghé bàn số 5 tôi cho ông tờ báo Xuân.
Tào Tháo nói trước khi bước ra chốn lầy lội chẳng mấy vệ sinh. Tào Tháo đã rượt
mấy đứa mà xông đầy xú uế thế? Hổng biết bên chỗ treo chữ Lady trước cửa, chốn
hậu cung ấy có khô ráo nồng mùi nữ nhi không nhỉ? Đứa nào cướp ấu chúa chui vào
đó cho tiền Triệu Tử Long cũng chẳng dám cầm thương xông vô. Đã là quân tử thì
chớ nên bén mảng tới vùng phi quân sự. Nam nữ thọ thọ bất tương thân!
Tôi
xô cửa đi ra, cúi mặt dòm chừng vũng nước loang làm xém đâm đầu vào một tà áo
dài vừa vụt qua. Áo nàng xanh tôi về yêu hoa cúc, nói thế sẽ bị người ta chê
cười. Ấy, xin lỗi chị. Thu Cúc háy: Đã say chưa? Tôi nép mình sau lưng một mùi
hương: Say rồi, hình như chị sẽ tiếp tục làm người ta say? Không, tui đang tìm
cách lặn, đánh bài chuồn. Làm ơn trở lại bàn lấy giúp tui chiếc áo ấm móc ở
lưng ghế. Cung kính không bằng phụng mạng, nếu Thu Cúc biểu tôi lên song ca cùng
chị ắt tôi sẽ một liều ba bảy cũng liều, tha hồ ném gạch xuống đám đông. Các em
đã đủ vở chưa? Hát hay không bằng hay hát, tôi sẽ phát âm rõ từng chữ kẻo sợ
người khác vùng miền mắng: Đồ mất dậy!
Chiếc
áo thơm tho làm ấm áp khi ôm vào lòng, nó giúp tôi sáng suốt làm đứa du kích
hoàn thành sứ mạng trong êm đẹp, thoắt hiện thoắt biến. Chúng tôi lẳng lặng
tiến ra cửa, ngăn chia hai thực thể, một bên ồn ào náo động một bên đêm buông
màn từ tốn với chân đi xào xạc của gió lùa giữa bóng tối huyền hoặc tụ đầy sương.
Răng không ở lại? Tại vì tôi không hợp tạng với đám đông, răng chị bỏ về? Thu Cúc nắm ở tay cái điện thoại di động, chị gọi ai đó mang xe lại đón. Chị nhìn tôi, nhìn vào mặt đứa có mái tóc đang sai lệch đường ngôi, giọng chị chừng như bị gió cuốn làm cho mềm đi: Tui ở bên Mỹ, tui sang đây để tìm một người thất lạc đã quá lâu. Tui không thẹn thùng leo lên sân khấu, lựa bài Nửa Hồn Thương Đau để hát với hy vọng người đó có đến tham dự. Hoài công! Tui biết là anh ta ở Canada nhưng xứ này mênh mông quá. Tui thực sự đang nhiễm lạnh và chắc là mai mốt sẽ trở lại nhà kẻo mạ mong. Mạ tui nói, mạ không cản những gì con hy vọng, nhưng con ơi ở đời, ta nên tin tới chữ duyên!
Chiếc
xe người bà con của Thu Cúc đỗ bên thềm. Thôi, tui đi. Thu Cúc nói khi bước
xuống những bậc cấp. Tôi đứng chôn chân vụng về và câm nín như một hình nộm.
Tôi bước theo con mắt đỏ có sau chiếc xe đang mờ dần. Tôi đi tới góc đường có
đặt trạm métro, giữa đường vắng tôi hát một mình: “Nhắm mắt cho tôi tìm một
thoáng hương xưa… Ôi những người ôi những người khóc lẻ loi một mình”.
Hồ
Đình Nghiêm
nửa
tháng 12, 2016