A Thành sinh tại Bắc Kinh năm 1949. Năm 1966, khởi đầu thời kỳ Cách mạng Văn hoá, gia đình chuyển về thôn quê sinh sống, ông theo về học trung học, rồi liên tiếp chuyển đến Sơn Tây, Nội Mông, Vân Nam, học hội hoạ và làm quen dần với ngòi bút.
Năm 1979, ông trở lại Bắc Kinh, vào làm cho Công ty Xuất bản Thế giới đồ thư, phụ trách biên tập, trang trí, minh hoạ. Tác phẩm đầu tiên là " Kỳ vương", đăng trên tạp chí Văn học Thượng Hải năm 1984, ngay lập tức được giới văn học lưu ý. Ông bỏ việc để chú tâm vào chuyện viết lách, khởi đầu với những kịch bản phim. Năm sau, ông viết tiếp hai cuốn " Thụ vương" và " Hài Tử vương", hợp với Kỳ vương thành bộ ba khá nổi tiếng. Sau đó ông xuất bản tiếp nhiều truyện ngắn khác nữa.
Năm 1987, ông sang Hoa Kỳ, tiếp tục viết kịch bản phim, rồi chuyển sang viết bút ký đăng trên các tạp chí. Cuối thập niên 90 ( thế kỷ XX ), ông trở về Trung quốc.
Truyện "Khói bếp " như một hồi ức về nạn đói khủng khiếp ở Trung quốc, giai đoạn tiến hành Đại nhảy vọt ( 1958-1961 ), với số người chết, theo nhiều tài liệu, lên đến 36 triệu.
Trương có một bé gái. Anh thường bảo: tốt quá rồi, nhưng mong sao lớn lên nó sẽ không giống cha, nếu không sẽ khó lấy chồng. Và anh đặt tên con là Mỹ Lệ,tất nhiên là họ Trương.
Bạn bè ai cũng nói tên Mỹ Lệ cũng không tệ lắm, nhưng sao có vẻ nhàn nhạt. Trương ạ, cậu không thể kiếm tên nào văn hoa hơn sao? Trương trả lời: Chẳng nhàn nhạt đâu, cái tên phổ biến, có gì không ổn? Nó rất cụ thể. Vậy thì các cậu muốn tên gì bây giờ? Đấy là một cái tên rắn rỏi. Đám bạn đều nói: Rắn rỏi ư? Sao không gọi là Quặng luôn đi, hoặc là Đá hoả sơn, thậm chí là Đá trầm tích, vật rắn, là chuyên môn của bọn ta! Trương từng học ngành địa chất.
Anh yêu con gái.
Trương hút thuốc. Vợ anh bảo: Anh sắp có con, anh phải bỏ thuốc đi. Sách báo nói đầy cả đấy, nếu hút thuốc sẽ có hại cho thai nhi. Trương đang hút dở điếu thuốc vội ném đi, giụi chân lên và thôi không không hút nữa. Sau khi sinh bé Mỹ Lệ , một hôm anh mua gói thuốc lá. Vợ anh nói: Anh muốn con còn nhỏ mà buồng phổi đã nám đen rồi sao! Trương rầu rĩ. Vợ lại nói: Thôi khi nào hút anh không được ở gần con.
Mỹ Lệ sinh vào mùa đông. Ngày xuân, vợ Trương ẵm con ra ngoài nắng. Thấy gió nổi, Trương bảo vợ: Gió thế này sao em không bế con vào? Vợ anh trả lời là nếu Mỹ Lệ không phơi nắng nó sẽ không hấp thụ được can-xi. Trương bẽ lại là vợ có thể đứng sau cửa sổ, trên gác, trong nhà, vợ anh lại nói là tia cực tím không xuyên qua kính được và cơ thể cần tia cực tím để đồng hoá can-xi, nếu đứng sau cửa kính thì mất công ra nắng làm gì. Trương nói với vợ vậy thì chờ gió lặng hãy ra ngoài.
Sang thu, Mỹ Lệ đã lớn thêm một chút, nó đã biết lấy ngón tay chỉ mọi vật, chỉ vào mẹ, vào cha, nó nắm tai, sờ tóc mẹ, sờ mũi cha.
Một hôm, vợ Trương ôm bé Mỹ Lệ trong tay, Trương ở bên cạnh, nheo mắt đùa với con, bé bập bẹ mấy tiếng mừng vui. Vợ Trương đưa bé sát mặt anh, con bé đưa bàn tay ra và đút tay vào miệng cha.
Nhanh như chớp, Trương giơ tay ra và tát mạnh hai mẹ con làm cả hai lảo đảo. Trong công việc thám hiểm địa chất, Trương thường ngày vẫn dùng búa đập đá với cả sức mạnh của một lực sĩ. Vợ Trương không kịp thấy anh ra đòn, đổ nhào xuống đất.
Tuy nhiên khi té, chị vẫn có phản xạ của người mẹ: xoay người lại để lưng ngã xuống đất và ôm chặt bé Mỹ Lệ trước ngực.
Mỹ Lệ khóc thét lên. Vợ Trương chảy máu phía sau đầu, xưa nay chị không hề biết chửi rủa chuyện gì bao giờ, lên tiếng thoá mạ chồng thậm tệ.
Trương chết điếng người, toàn thân run rẩy, hơi thở ngắt quãng, mồ hôi chảy tràn xuống cổ.
Anh được đưa vào bệnh viện, hai ngày sau mới bắt đầu kể.
Năm 1960, cả nước bị nạn đói, người chết nhiều, đâu cũng thấy cảnh hoảng loạn, chỉ trừ ở Vân Nam. Năm ấy anh vừa học xong và bắt đầu đến hiện trường làm việc, anh về miền núi tìm khai mỏ.
Tuy có la bàn anh vẫn bị lạc đường. Và đói, đói khủng khiếp. Anh đâm nản và khiếp sợ, cứ nghĩ mọi chuyện vậy là hết rồi. Nếu ăn không đủ thì mất sức ngay, khi lượng đường trong gan cạn kiệt, không còn chút gì là bắt đầu ra mồ hôi, cho đến khi không đổ mồ hôi được nữa. Cũng không dám suy nghĩ gì, bởi vì trí não tiêu thụ nhiều năng lượng nhất. Phải nằm dài xuống, cảm thấy vị chua trong dạ dày, người yếu xìu.
Bỗng nhiên anh thấy sốt, cơn sốt lan dần từ bụng đến chân, lên đến cổ, các đầu ngón tay, càng lúc càng nóng dữ dội. Có phải Andersen đã viết truyện về cô bé bán diêm? Ông già Đan Mạch này nói rất đúng. Trước khi chết, ta cảm thấy sốt và khi cơn sốt hạ thì chết thôi.
Nhưng anh không chết, nếu chết thì làm sao cưới được em, làm sao sinh ra bé Mỹ Lệ?
Khi anh hồi tỉnh lại, cũng phải mất một thời gian mới phân biệt được mọi vật xung quanh. Anh nhìn thấy xa xa một làn khói. Ngay lập tức trong đầu anh chợt loé lên ý nghĩ: chỉ có thể là khói bếp. Anh phải ráng lết tới đó.
Cũng không thể nói bằng cách nào anh đã lết đi, nhưng anh đã tới được. Một căn nhà. Anh đứng tựa vào khung cửa, xin được giúp đỡ, xin chút gì để ăn. Không ai trả lời. Anh nghĩ là vì giọng nói mình yếu quá nên bước vào trong. Một người đàn ông cạnh bên bếp lửa, ốm tong teo đến độ đôi môi để lộ cả mấy cái răng, tia nhìn sáng quắc đến kinh khiếp. Anh hỏi xin thức ăn. Thay cho câu trả lời ông chỉ lắc đầu. Anh bảo ông: Ông là bậc tiền bối của tôi, chúng ta cùng chung dòng máu, xin cho tôi ăn chút gì đi. Ông ta vẫn tiếp tục lắc đầu. Anh nói: Ông muốn nói là ông không có gì à? Nhưng trên bếp lửa kia, ông đang nấu cái gì đó mà, đúng không? Tôi chỉ cần uống chút nước nóng thôi cũng được. Đến đây thì ông ta bật khóc.
Không cầm lòng được, anh đưa tay ra mở nắp nồi. Khi hơi nước tan hết, anh nhìn thấy thứ đang nấu trong nồi kia là một bàn tay trẻ con.
THÂN TRỌNG SƠN
Dịch theo bản tiếng Pháp của Brigitte Duzan