A metro
station in Montreal (Canada) – Source: imtl.org
“Những
ngày chưa tới mùa xuân sao thấy lòng buồn vô hạn”. Anh dùng thang cuốn đi xuống
hầm sâu đợi chuyến métro, gió buốt theo anh, u u ngân dài trong lòng đường tăm
tối. Anh đọc thầm rồi chợt nhận ra đó là câu thơ của Đinh Cường làm khi còn ở
Huế. Những bức tường bám đầy rêu xanh vây bọc lấy khối sương mù chậm loãng tan
giữa một nội thành luôn giữ chặt sự u ẩn. Câu sau có thể là “có ai hát bài tình
sầu, ta một mình giữa bờ thành cũ”? Anh không nhớ rõ, dường như vậy, mọi thứ chừng
đã hư hao, trầy trụa, thất thoát.
Ừ,
cuối năm, buồn ở phương này thật không bút mực nào tả xiết. Anh vừa từ bệnh
viện trở về, vẫn đón nghe những câu hỏi quen thuộc: Có dị ứng sau khi uống
thuốc không? Ban đêm đi tiểu mấy lần? Đã từng qua một lần phẫu thuật chưa?
Trong nhà có ai mắc phải ung thư?.. Trước đó, khi ngồi chờ gọi tên, anh đã buồn
tay vớ lấy một tờ tạp chí giở lật giết thời gian: “Theo khám phá mới của các
nhà khoa học, con thông minh là do mẹ tác thành". Và theo di truyền nếu bố
mẹ bạn bị cancer, ắt bạn sẽ không tránh khỏi? Thời xưa, người ta chết đi bởi
những thứ vớ vẩn. Khi nghe hỏi: Đau răng mà chết? Trả lời rằng: Bị trúng gió
hoặc bất quá do bạo bệnh gây nên, chưa thể nhìn ra nguồn cội để gọi tên. Vì vậy
anh đã thưa với ông bác sĩ: Dạ không ạ, gia đình tôi chẳng mắc mớ gì tới ung
thư cả. Và thời đó, sống tới năm mươi tuổi đã được gọi là cụ. Thật khổ thân!
Thân đèo bồng biết bao cơ man là rắc rối: Tim, phèo phổi, thận, mề, gan, cật,
lòng, dạ dày, nhồi trường… thậm cắc cớ. Phật nói: Khổ đau của chúng sinh phát
sinh từ cái lưỡi mà ra. Nhưng nếu chẳng có cái không xương nhiều đường lắc léo
nọ thì biết khai bệnh gì cho bác sĩ nghe? Ú ớ cũng dễ gây tử vong vậy! Truyện
Kiều có một câu “đắc đạo”: Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Không đi vào cầu
tre hẳn chẳng nghiệm ra cái lắc lẻo gập ghềnh nó có?
Những
ngày cuối năm bơ vơ đi xuống đường hầm anh thấy mình như con trẻ. Một thằng đàn
ông thọ quá 50 vẫn nghe ra lòng mềm khi hắn chợt nhớ tới mạ. Tuy không thông
minh anh biết là mạ anh chết bởi ung thư. Nếu có di truyền, anh tin là mình
được thừa kế ở bà ở tính ham chuộng văn chương. Mạ anh đọc nhiều sách truyện và
có trí nhớ dai dẳng khi thuật lại những mối tình được dựng nên qua văn phong
tài hoa của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Loan thế này Dũng thế nọ Vọi thế kia. Bà có
những chữ chính xác để bình phẩm anh: Đồ mạt máu! Ai khiến bà thất vọng thì đón
lấy câu: Vô hậu kế đợi! Hoặc than van với thành ngữ nhiều ẩn dụ: Hết xôi rồi
việc! Gom chúng lại, giờ này anh xứng đáng để nhận lãnh, không sai trật lời mạ
quở. Anh từng sửa câu ca dao: Mạ ơi xin đánh con đau, để con hiểu thấu vết
thương dại khờ. Ăn năn luôn đến muộn, lên tới bờ mới hay đấng sinh thành mãi
còn cực lòng bơi giữa bao triều cao sóng lớn. Trong trí anh luôn hiện rõ nét
vuông bếp chật, mái tranh củi ẩm và cơn gió sắt se mùa đông xứ Huế luồn thổi
“tiền nhà khó như gió vào nhà trống”. Bề thế nhất là cái tủ gỗ với hai cánh cửa
lưới ngăn chặn ruồi muỗi, bốn chân tủ được ngâm trong bốn cái tô luôn châm nước
nhằm bảo vệ không cho kiến gián bò lên và cái tủ đựng thức ăn ấy được mọi người
đồng lòng gọi theo tiếng Tây: Gạt-măng-rê. Cạnh lối vào ra kê một cái lu lớn,
dung tích không dưới 60 lít đựng nước giếng gánh vào từ ngoài sân. Cũng vì vệ
sinh nên cái lu bằng sành, bằng gốm, bằng đất nung kia luôn được đậy kín bởi
một cái đĩa hát bằng đá với vòng quay 33 chứ không phải 45 tua. Có từ thời
thuộc địa Pháp, trầy vi tróc vảy chẳng đọc ra tên hãng ghi âm cũng như bài hát
hoặc người trình diễn cùng năm tháng sản xuất. Một bữa chẳng hiểu do nguồn cơn
nào xúi, mạ nói với anh: Con út trút gia tài, con có ưa thích một đồ vật nào
trong nhà mình không? Và anh trả lời chẳng suy tính: Cái lu đựng nước. Hình như
đã có nhiều tiếng cười trỗi lên đi cùng lời nhận xét: Cái thằng thiệt dại ngỗ!
Tuổi nhỏ không hề biết dệt mộng mơ, sau này anh thoáng mơ mộng để nghe bần
thần, chẳng biết số phận cái lu kia đã ra sao giờ này? Cá không có nước cá
chết, cái lu bị vỡ lấy gì để vo gạo thổi cơm, nấu canh, rửa mặt mũi tay chân?
Tàu
điện ngầm chạy qua năm trạm thì anh đứng lên bước ra khỏi toa, đứa con anh thuê
nhà ở gần đó, hắn có nhắn anh tới để nhận quà. Khi anh bằng tuổi hắn giờ này,
ba mạ anh đã mất, có nghĩa là lúc kiếm được việc vàng muốn biểu lộ chút lòng
thành thì thời gian đã không chịu chờ đợi anh. Con anh sinh ở đây, xong đại học
và lao vào trường đời ngay. Nó có duy một khuyết điểm, nói tiếng mẹ đẻ khó
khăn, tệ hơn một tội phạm bị bắt quả tang và thêm chuyện nữa nếu có thể gọi đó
là khuyết điểm: Nó chưa có vợ, bạn gái cũng chẳng thấy hoặc hắn là một con mèo
biết dấu cứt. Theo cách hắn trần tình rằng công việc tối mắt tắt đèn nên cũng
chả màng việc học cách nấu ăn. Ăn gì cũng xong và dĩ nhiên là cúng tiền vào các
hàng quán bốn bể năm châu “thực bất tri kỳ vị”.
Hắn
hỏi: Ba đi khám kết quả ra răng? Anh nói: Thì cũng rứa, không bi quan chẳng khả
quan, chớ nên quan hoài. Hai cha con đều thuộc loại ít nói, hơi xa cách bởi mỗi
người ý thức là đã có hai thế giới khác nhau hiện hữu. Anh không tìm ra lỗi lầm
hắn mang, anh thương hắn vì trong nhà có chưng hai tấm ảnh đen trắng của ba mạ
anh. Bạn con nhận xét, mặt mày hơi buồn, phảng phất nhiều nét giống như bà nội.
Không cứ là anh, nếu mạ còn sống hẳn bà sẽ thương đứa cháu nội mạt máu chẳng
biết trau dồi tiếng Việt này. Hắn mang quà tới cho anh, một đôi giày mang trong
mùa đông. Con xem trong internet quảng cáo rằng bạn có quyền hát bản “La vie en
rose” khi bình thân đi trên tảng băng trơn láng. Dưới đế giày họ dùng một chất
nhựa đặc biệt biết bám chặt nước đá mà không cần tới những cái đinh sắt. Anh
từng đặt nghi vấn, tại sao cái xứ văn minh này chẳng thể phát minh được một sản
phẩm giúp người ta bớt gặp cảnh nguy khốn, thôi té lăn chiên đổ đèn trên đường.
Hắn nghe, lưu trong bộ nhớ để khi giày vừa xuất xưởng, hắn đã tiên phuông mua
tặng một đôi cho anh thử nghiệm. Anh nói nhỏ: Merci. Anh từng cám ơn thằng con
trai nhiều bận, năm ngoái cũng vậy, nó mang lại tận nhà trao cho anh cái
MacBook Air: Quà sinh nhật của ba. Ba mạ anh đẻ anh ra ngày tháng nào anh cũng
không nhớ, vậy mà hắn nhớ. Mắt hắn to, hơi buồn, rõ là hắn giống mạ anh quá. Ta
thương mạ ta mười thì thương mi cũng đến chín phần vậy!
Hắn
biết anh có viết truyện ngắn, hắn hỏi viết nhiều thế ba không tính in thành
sách sao? Ba dọ hỏi xem phí tổn là bao nhiêu, con sẽ giúp ba làm tròn niềm vui.
Phi lý. Anh trả lời. Một đứa bỏ đầu óc, bỏ công sức để lao động ra chữ, đứa ấy
sẽ chẳng thể hy sinh thêm bất kỳ một thứ gì khác. Một người mẹ cấn thai rồi
sinh đẻ, chuyện ấy linh thiêng và cao cả hơn bội phần. Anh nói với hắn, in một
tập truyện thì được gì? Những gì ba viết thì bà nội đã không thể xem được. Còn
con? Hồi nào ba viết được tiếng Pháp tiếng Anh thì hẳn hay.
Anh
ôm món quà giúp đi những bước thăng bằng trên giá băng tiến về cánh cửa. Chiều
bôi màu tối đen ngoài ô kính và anh cũng nên trở lại nhà đốt thắp những bóng
đèn cháy đỏ giữa đêm trường. Ở vách, gần lối ra vào con anh có treo cái poster
chụp khuôn mặt điển trai của tài tử Al Pacino, người từng thủ vai Michael con
của bố già trong phim Godfather cùng câu nói của đương sự: “Tôi cầu xin thượng
đế một chiếc xe đạp nhưng tôi hiểu ngài không sẵn lòng cho những ước muốn kiểu
đó. Do vậy tôi đi ăn trộm chiếc xe và cầu xin sự tha thứ từ ngài”. Tấm poster
lung lay khi cửa mở. Bye con. Dạ, ba về.
Tuyết
rơi đầy trời khi anh ra khỏi cửa. Nếu đứng yên trong nửa giờ, tuyết sẽ chôn lấp
anh, che phủ một linh hồn lạc lối. Tuyết xuống chuyên cần, lặng lẽ, vô tiền
khoáng hậu. Không, chữ đó chẳng sánh được với vô hậu kế đợi. Ở đời này anh
không tin tới sự có mặt của thượng đế nên anh chẳng cần phải cầu xin một điều
gì cả. Anh thầm mong ở quê nhà, mùa mưa lũ về không làm xói mòn mộ phần ba mạ
anh. Ừ, sao nghe lòng buồn vô hạn, những ngày cuối năm già cỗi, đầy thương
tích.
Hồ
Đình Nghiêm
Dec.
13, 2016