Friday, December 30, 2016

2677. PHẠM CAO HOÀNG: 2016, cuối năm nhìn lại


Photo by PCH – Scibilia, 2015



Biến cố lớn nhất trong năm 2016 đối với blog Phạm Cao Hoàng là sự ra đi của họa sĩ/thi sĩ Đinh Cường vào ngày 7 tháng 1. 2016. Từ hôm ấy, bạn bè và và người hâm mộ không còn đọc được những trang nhật ký thơ, không còn xem được những bức tranh mới của ông. Ông đã trở về với cát bụi, để lại cho đời trên dưới một ngàn bức tranh cùng số lượng thơ tương tự như vậy. Một tấm gương hiếm có về sự cống hiến tài năng và sức lực trọn cuộc đời cho nghệ thuật. Điều kỳ diệu là hai câu thơ cuối cùng của ông là hai câu thơ gắn liền với niềm đam mê hôi họa của ông:

mùa xuân với trận mưa rào
cho tôi xin. một tiếng gào. Picasso.
(Bài nhìn lên kệ sách 5 – 3 tháng 1.2016)

Sau khi viết bài thơ này, ông hôn mê sâu và bốn ngày sau thì ông qua đời. Blog Phạm Cao Hoàng thực hiện kịp thời TRANG ĐẶC BIỆT VĨNH BIỆT ĐINH CƯỜNG với 42 bài viết của bằng hữu và người hâm mộ bày tỏ lòng thương tiếc đối với ông. Hiếm có một nhà thơ/họa sĩ nào được nhiều người quí mến như ông. TRANG ĐẶC BIỆT VĨNH BIỆT ĐINH CƯỜNG là việc làm ý nghĩa nhất của Blog Phạm Cao Hoàng trong năm 2016 nhm vinh danh những đóng góp to lớn của Đinh Cường đối với hội họa và thi ca. Phần lớn trong số 42 bài viết này được in lại trong tuyển tập ĐINH CƯỜNG, RA ĐI MỚI BIẾT LÒNG VÔ HẠN do nhóm thân hữu Đinh Cường (Bửu Nam, Phạm Thị Anh Nga, Bửu Ý, Nguyễn Quốc Thái) thực hiện. Cuốn sách dày trên 700 trang này sẽ được ra mắt đúng vào ngày giỗ đầu Đinh Cường – 7.1.2017. Đây là công trình quan trọng đầu tiên về cuộc đời và tác phẩm Đinh Cường. Chắc chắn sẽ còn nhiều công trình khác về con người tài hoa này.


Hổ phụ sinh hổ tử. Ba người con của Đinh Cường đều tài hoa, đều gắn bó với nghệ thuật trong đó Đinh Trường Chinh được xem là truyền nhân của Đinh Cường về tranh và thơ. Niềm đam mê tranh/thơ và tài năng của Đinh Trường Chinh không thua gì bố. Niềm đam mê và tài năng đó được thấy rất rõ qua gần 100 bức tranh Đinh Trường Chinh mà chúng tôi giới thiệu trong năm 2016. Tranh Đinh Trường Chinh ít nhiều chịu ảnh hưởng Đinh Cường  nhưng Chinh có những sáng tạo, những đột phá và sắc thái riêng, không bị cái bóng của Đinh Cường che khuất. Chinh có nhiều tranh đẹp, kèm theo là những thông điệp Chinh muốn gửi đến người thưởng ngoạn trong đó bức tôi thích nhất là MUÔN TRÙNG BIỂN ƠI lấy cảm xúc từ sự cố biển miền trung bị Formosa bức tử.


MUÔN TRÙNG BIỂN ƠI
Acrylic on canvas – đinh trường chinh – tháng 5, 2016


Blog Phạm Cao Hoàng có duyên với các họa sĩ, được nhiều họa sĩ tin cậy và gửi tranh để giới thiệu. Trương Vũ được bạn đọc yêu mến và khen ngợi nhiều về những bức tranh chân dung và trừu tượng của anh. Trong năm 2016 chúng tôi đã giới thiệu trên dưới 50 bức tranh Trương Vũ trong đó tôi thích nhất bức NGÀY NÀO TRÊN SÔNG NƯỚC. Bức tranh này làm tôi xúc động và nhớ rất nhiều thời thơ ấu của mình. Người xem tranh thường chỉ chú trọng việc thưởng thức các bức tranh, ít ai để ý tìm hiểu quá trình tạo ra tác phẩm của các họa sĩ: chuẩn bị vật liệu, tìm đề tài, thực hiện bức tranh như thế nào. Đây là một quá trình tốn rất nhiều công sức, trí tuệ cũng như thời gian. Cách đây nhiều năm, khi đến studio Trương Vũ tôi thấy bức chân dung nhà thơ Phạm Nhuận rất đẹp, khổ lớn 24” x 30”, chất liệu hỗn hợp trên bố. Trong cách nhìn của tôi bức chân dung như vậy là hoàn hảo rồi nhưng anh cho biết còn phải vẽ tiếp. Tháng trước anh cho biết là đã hoàn tất và chuẩn bị trao tặng cho Phạm Nhuận. Tính ra anh mất 7 năm mới hoàn tất vì anh bắt đầu vẽ bức này vào năm 2009.


CHÂN DUNG PHẠM NHUẬN
Chất liệu hỗn hợp trên bố 24” x 30” – Trương Vũ, 2009


NGÀY NÀO TRÊN SÔNG NƯỚC
acrylic trên bố 30" x 40" - Trương Vũ, 2009


Năm 2016 chúng tôi có dịp giới thiệu tranh và ảnh của Nguyễn Hữu (bút hiệu Nguyễn Sông Ba). Nguyễn Hữu là phóng viên nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Ngoài vẽ tranh, trong nhiều năm qua ống kính của anh đã ghi lại rất nhiều bức ảnh tư liệu giá trị về chân dung và sinh hoạt của các văn nghệ sĩ mà anh có dịp tiếp xúc trong đó có bộ ảnh ghi lại chuyến trở về Đà Lạt, Bảo Lộc và Dran lần cuối cùng của họa sĩ/thi sĩ Đinh Cường. Đây là bộ ảnh tư liệu quí hiếm. Nguyễn Hữu đã chứng kiến cảnh tượng Đinh Cường xúc động khi trở về Dran – nơi ông từng sống những năm đầu thập niên 60. Từ cảnh tượng đó, Nguyễn Hữu nảy ra ý tưởng thực hiện một tập thơ Đinh Cường, và tập TÔI VỀ ĐỨNG NGẨN NGƠ do Nguyên Minh và Nguyễn Hữu thực hiện đã ra đời từ cảnh tượng đó.


TÔI VỀ ĐỨNG NGẨN NGƠ
Photo by Nguyễn Hữu – Dran, tháng 11.2013


Về truyện ngắn, năm 2016 chúng tôi có dịp giới thiệu một số truyện ngắn của Ý Nhi. Ý Nhi là nhà thơ nổi tiếng - một trong hai tác giả người Việt Nam (người kia là nhà văn Dương Thu Hương) nằm trong danh sách những tác giả có thể đoạt giải Nobel văn học năm 2016. Truyện của chị nhẹ nhàng, nhiều ẩn dụ, luôn có những thông điệp gửi đến người đọc… trong đó tôi thích nhất truyện CÓ GIÓ CHUÔNG SẼ REO.


CHÂN DUNG Ý NHI
Sơn dầu trên vải 130 cm x 80 cm
Nguyễn Thái Tuấn, 2016


Cũng về truyện ngắn, năm 2016 Hồ Đình Nghiêm là nhà văn viết rất khỏe. Cường độ làm việc của anh rất đáng nể - cả năm chúng tôi đã đăng trên dưới 20 truyện ngắn của anh. Với lối viết dí dỏm, ngôn ngữ chắt lọc, kết cấu chặt chẽ, Hồ Đình Nghiêm là một nhà văn viết truyện ngắn nổi bật ở hải ngoại hiện nay. Có thể nói năm nay là năm anh viết mạnh nhất, trong khi các nhà văn cùng thời với anh khá im ắng. Tôi thích những truyện Hồ Đình Nghiêm lấy bối cảnh nơi anh đang sống (Cadada), trong đó truyện tôi thích nhất là NHẸ NHƯ LÔNG.


PHÁC THẢO CHÂN DUNG HỒ ĐÌNH NGHIÊM
Đinh Cường - 2012


Trong năm 2016, nhà văn kỳ cựu Mang Viên Long cũng đã đóng góp khá nhiều truyện ngắn và tạp bút cho Blog Phạm Cao Hoàng. Sức làm việc của anh quả là bền bỉ: cho đến nay anh đã có 28 tác phẩm được xuất bản. Truyện của anh là những câu chuyện với nhiều tình tiết lắt léo, bất ngờ nhưng bao giờ cũng kết thúc nhẹ nhàng, có hậu. Trong số những bài của anh chúng tôi đã đăng năm nay, tôi thích nhất bài tạp bút BUỔI SÁNG TRƯỚC HIÊN NHÀ.


Nhà văn MANG VIÊN LONG
Photo by PCH – Quy Nhơn, tháng 9.2016


Thêm vào đó, năm 2016 chúng tôi đăng 10 truyện của nhà văn Lê Văn Thiện. Lê Văn Thiện (còn có bút hiệu Văn Lệ Thiên) sinh năm 1947, người Ninh Hòa, nổi tiếng với nhiều truyện ngắn đăng trên tạp chí Văn ở Sài Gòn trước 1975. Anh có lối viết hóm hỉnh, lôi cuốn người đọc và kết thúc thường bất ngờ. Với tôi, truyện nào của anh tôi đọc cũng đều thấy thú vị.


Nhà văn LÊ VĂN THIỆN


Về biên khảo, năm 2016 chúng tôi đăng nhiều kỳ công trình biên khảo về ca dao của Trần Huiền Ân. Đây là một loạt bài biên khảo rất công phu và giá trị về ca dao, nếu in thành sách có thể lên đến 500 trang. Các bạn sinh viên có ý định làm một luận văn tốt nghiệp với đề tài là ca dao thì loạt bài này là một nguồn tham khảo rất cần thiết cho các bạn.


Cúc Hoa - Phạm Cao Hoàng - thầy Nguyên Đức - Trần Huiền Ân
Bữa cơm chay ở đường Nguyễn Thái Học • Tuy Hòa, 4 tháng 9.2016


Về ký sự văn nghệ, năm 2016 chúng tôi đăng loạt bài 5 kỳ của Nguyễn Minh Nữu: THƯƠNG QUÁ SÀI GÒN NGÀY TRỞ LẠI. Đây là loạt bài ghi lại những cuộc gặp gỡ bạn bè văn nghệ trong chuyến trở về Việt Nam tháng 9.2016, nhân đó anh nhắc đến một số khuôn mặt bạn bè trước và sau 1975. Phần ấn tượng nhất là phần Nguyễn Minh Nữu kể về Vũ Chinh - một người làm thơ chết rất trẻ trong chiến cuộc Mậu Thân năm 1968:

“Năm đó, chúng tôi vừa vào tuổi thanh niên, trong đám bạn làm thơ viết văn có Vũ Chinh. Vũ Chinh tên thật là Đỗ Xuân Chinh. Chinh 17 tuổi, đăng khá nhiều thơ ở tuần báo Tuổi Hoa lúc đó do các nhà văn Hoàng Đăng Cấp, Quyên Di phụ trách.  Có thể nói, giai đoạn đó, Chinh khá nổi tiếng trong những người bằng vai phải lứa  với Chinh. Chinh khao khát in tập thơ đầu tay, và gần Tết thì Chinh đạt được ước mơ. Tập thơ đã đưa nhà in sắp chữ, và có một bản vỗ đưa cho Chinh để về đọc  dò lỗi chính tả. Chinh có nhiều bài thơ hay, như bài thơ viết khi đi thăm mộ người bạn mới mất:

Giờ trước mộ mày , tao đứng thắp nhang.
Tao lạy hai lạy vụng về hết sức
Tao lạy hai lạy nghe cay tròng mắt
Rồi thì thế nào tao cũng như mày.

Hay một bài lục bát gửi tặng một người con gái tên Kim Xuyến:

Phố khuya tóc rối tỉnh say
Không Kim Xuyến thấy mặt ai cũng buồn.



Vũ Chinh chưa kịp nhìn thấy tập thơ của mình chính thức phát hành thì anh đã chết trong Tết Mậu Thân năm ấy. Khi chiến trân lan qua tới Hương Lộ 14 - khu nhà của Chinh, gia đình kéo nhau chạy về thành phố tránh đạn bom, còn Chinh thì nhất định ở lại coi nhà. Người ta kể lại:  Chinh nằm sấp, dưới đất, đọc bản vỗ tập thơ của mình, trước mặt xếp mấy két bia che chở, nhưng một loạt đạn đã bắn lạc vào chàng,  Chinh gục xuống chết ngay, tay vẫn giữ vào tập thơ”.


NGUYỄN MINH NỮU (Thứ tư, từ trái) - Sài Gòn, 9.9.2016


Về thơ, ngoài những khuôn mặt quen thuộc, năm 2016 chúng tôi giới thiệu một khuôn mặt thơ lạ hoắc nhưng thơ của anh thì rất hay: Lê Phương Nguyên. Anh sinh năm 1942, là bạn vai anh của tôi trước 1975, đã gần  40 năm chúng tôi chưa gặp nhau. Trước 1975 anh là kỹ sư công chánh làm việc trong lĩnh vực dân sự và lúc ấy chưa bao giờ anh cho biết anh có làm thơ. Anh là một người có chí lớn, thích làm những việc lớn. Lần duy nhất tôi còn gặp anh là ở khu bán sách cũ ở đường Calmette, Sài Gòn, không nhớ rõ năm nào – có lẽ khoảng năm 1980. Ngồi uống cà phê vỉa hè với anh, tôi nói, “Lâu rồi không có tin tức của anh, tôi tưởng anh đã di tản ra nước ngoài vào năm 1975”. Anh đáp, “Tôi phải ở lại đây. Nếu mọi người ở đây đang khổ thì tôi phải ở lại để chia cái khổ với mọi người chứ đâu có đành lòng mà ra đi”. Sau đó thì bặt tin và mãi sau này mới biết anh đã ở tù trong 15 năm. Cách đây 2 tháng, anh đã tìm được email của tôi và gửi cho tôi những bài thơ anh viết trong gần 40 năm qua. Tôi vừa bất ngờ, vừa ngạc nhiên, vừa thú vị khi đọc thơ của anh. Thơ anh chủ yếu là thơ vần (lục bát, năm chữ, sáu chữ, bảy chữ…) với kỹ thuật điêu luyện, giàu hình ảnh…

Nửa đời trắng tóc, buồm không gió
Ngược nước nên ta sẽ chậm về
Có khi nhìn thấy mặt người
Lạnh căm đôi mắt thay lời chào nhau
Và con nước không còn con nước cũ
Chợt thấy lòng gờn gợn chút bâng khuâng
Nhà em bên sườn núi
Buổi chiều xuân em về
Áo trắng bên đường dương liễu biếc
Ba mươi năm sau anh làm thơ

Điều thú vị là sáng tác đã trên dưới 40 năm nhưng đây là lần đầu tiên thơ anh đến với bạn bè và người đọc - khi anh đã ở tuổi 74. Trong những bài chúng tôi đã giới thiệu, Ô CỬA NHÌN ĐỜI là bài thơ tôi nghĩ là hay nhất, tiêu biểu nhất của Lê Phương Nguyên. Với tôi, đây còn là bài thơ hay nhất viết trong tù mà tôi đã từng đọc. Chỉ một bài thơ này thôi cũng đủ để những người yêu thơ yêu mến thơ Lê Phương Nguyên. Gần 1 năm qua nhà văn Nguyễn Âu Hồng hầu như không viết gì nhưng khi đọc bài thơ này thì anh phóng bút viết ngay bài TỪ MỘT BÀI THƠ CỦA LÊ PHƯƠNG NGUYÊN, trong đó có đoạn:

“Tôi đọc bài thơ mà giật mình. Sao lại có chuyện có một bài thơ hay như vậy mà phải đợi đến hơn ba mươi ba năm mới trình làng? Thuở ấy ở T.20, Mùa thu 1983 và bây giờ là cuối đông 2016. Phải chăng tác giả đã tự ghìm mình lại để cho biển dâu huyết lệ trong suốt quãng thời gian dài ấy hun đúc trui rèn? Để cho mạch ngầm u uẩn trào dâng không nguôi? Để cho người đọc, bây giờ và sau này, có được cảm xúc uất nghẹn?”

Bây giờ chúng ta cùng đọc lại bài thơ Ô CỬA NHÌN ĐỜI của Lê Phương Nguyên.


Ô CỬA NHÌN ĐỜI

Kín bưng giữa bốn bức tường,
Cũng may còn một ô vuông nhìn đời:
Nhìn mùa thu lá thu rơi,                            
Nhìn chiều mưa đổ tơi bời bên song,                            
Lặng nhìn những buổi trời trong                            
Nghe con chim hót mà lòng không vui,
Có khi nhìn thấy mặt người,                            
Lạnh căm đôi mắt thay lời chào nhau…                            
Dõi nhìn chiếc én về đâu,                            
Giữa trời thăm thẳm một màu chiều buông,                       
Hoàng hôn nhìn sợi khói vương
Trên hàng cây đứng cuối đường xa xăm;                            
Đêm nao thoáng thấy trăng rằm,                            
Qua nhanh như sợ ai cầm lấy tay…                           
Cả đời nhìn mãi mây bay,
Sao hôm nay bỗng lòng ngây ngất sầu,                            
Nhắm đôi mắt nhìn thật sâu:                            
Một trời tang tóc, ấy màu quê hương…                           
Bờ môi mặn giọt đoạn trường,
Vẫn xanh mơ ước con đường nở hoa…
Có vì sao ở thật xa,
Dịu dàng màu mắt như là cố nhân,
Nhìn nhau tha thiết ân cần,                           
Cùng tương tư một mùa xuân thiên đường…
Đêm về nhìn ánh đèn vàng,                            
Dọc tường vôi xám sáng hàng kẽm gai,
Vách bên có tiếng thở dài,                           
Biết anh đã lỡ mộng đời tự do;
Mấy phòng liên tiếp cùng ho:                            
Là lời nhắn nhủ dặn dò gì nhau;                            
Nghe lòng ấm giữa đêm sâu,                            
Biết đời còn những nhịp cầu tri âm;                            
Trong tăm tối, nỗi vui thầm                           
Tỏa hương như giữa một đầm hoa sen…                            
Sắc trời bàng bạc sương in                            
Tiếng con vạc lẻ vừa chìm đâu đây…                            
Cửa đời nhỏ tựa bàn tay,                            
Vẫn nhìn thấy ánh sao Mai rạng ngời…

(Lê Phương Nguyên - T.20, Mùa thu 1983)

Cuối năm nhìn lại đoạn đường vừa đi qua lòng tôi không khỏi ngậm ngùi khi nhớ đến Đinh Cường – người anh, người bạn đáng kính mới hôm nào còn rong chơi trên trang blog này nay chỉ còn là hạt bụi bay đâu đó ở miền đông nước Mỹ.

Nhân đây tôi cũng xin chân thành cám ơn các anh chị đã gửi bài đóng góp cho trang blog Phạm Cao Hoàng trong năm 2016. Xin chúc sức khỏe đến quí anh chị và mong tiếp tục nhận được bài vở của quí anh chị trong năm mới 2017.

Phạm Cao Hoàng
30.12.2016