Tuyết ở
Montréal, 21.11.2016 - Ảnh: google image
Em
đứng ngoài cửa khá lâu. Phải em không? Chỉ trông ra một vạt tóc mềm, mái tóc
quen mà tôi tin chẳng ai sở hữu được và tôi ngờ bóng dáng khuất lấp kia đích
thị là em. Hỏi han hoặc trao đổi tiếng thì thầm ở hành lang, ở đây người ta
quen với cách giảm thiểu mọi tiếng động, rên la cũng chỉ một chừng mực nào đấy.
Tất
thảy đều cố đè nén, cực lòng.
Hình
như người y tá thông báo đã hết giờ viếng thăm. Người mặc chiếc áo trắng đặc
thù ấy vẫn cầm ở tay cái khay nhựa nhỏ, cốc nhựa bé đã cạn nước và chất lỏng nọ
vừa trôi xuống cổ họng tôi cùng bốn viên thuốc lớn, cấn cái. Cô cho hay đó là
thuốc chống nhiễm trùng, thuốc giảm đau, thuốc nhuận trường và thuốc giúp chóng
tìm được giấc ngủ. Tôi yêu sự tận tuỵ của cô, hiền dịu trong mọi cử động và
thật hàm oan khi ai kia từng định nghĩa: “Y tá là hạng người sẵn lòng đánh thức
bạn dậy để bắt bạn uống thuốc ngủ”.
Nếu
tôi vừa uống dược liệu an thần với liều lượng lớn, hẳn nó chẳng gây tác dụng
khi người đứng khuất ngoài phòng là em. Thần dược mà ích gì, hãy để em vào đứng
bên giường, những chướng ngại ưa vật vã trong cơ thể tôi sẽ bị dẹp yên ngay.
Gây di căn, dị ứng, biến chứng là hồi nào em vô cớ bỏ tôi đi. Niềm trống vắng
hiện ra, tựa cách câm nín của một câu thơ, lạc hồn chịu đựng trước vẻ đẹp chưa
ló dạng, khó vuông tròn. Và mọi thứ đã là một tặng phẩm. Tôi có cuốn vở học trò
và cây viết chì đặt bên gối, cô y tá từng trông thấy những hàng chữ bị gạch
xoá. Cô hỏi: Cái gì thế? Và tôi đùa khi ngửa cổ cố uống trôi mấy viên thuốc
đắng: Tôi tập viết chúc thư. Cô chẳng cười, dịu dàng sửa lại gối và chăn mền
cho ngay ngắn rồi kể cho tôi nghe về cách ra đi của ông cụ nằm giường bên:
Chẳng rõ sao đã ba hôm bà vợ ông không xuất hiện. Cô quạnh nằm với niềm thất
vọng, chừng đó dễ mang ông đi xa. Tôi đồ thế. Cô chấm câu. Là y tá cô đủ kinh
nghiệm để đọc ra thứ chứng tử tựa thế.
Và
khi nhìn được vấn nạn kia, cô phá nội quy để lách người cho mái tóc lấp ló ấy
được hiện nguyên hình. Em bước vào, căn phòng như được mở toang bao cánh cửa
mãi ngăn ngừa gió lùa cùng hàn khí ẩm lạnh. Thay cho bản tin thời tiết, dù
không đọc ra, tôi vẫn hay mưa có rơi bên ngoài qua những sợi tóc mượt, một vai
áo thẩm màu cùng chút dịu mát đang xô động trong không khí. Nội quy của bệnh
viện có yêu cầu mọi người hạn chế việc xức dầu thơm dễ gây dị ứng cho con bệnh nhưng
hương mùi lẫn trốn trong người em là thứ mà bệnh nhân như tôi đang trông mong.
Em ngồi xuống chiếc ghế bấy lâu dường như chỉ dành riêng cho vợ “người hàng
xóm”. Chiếc giường đặt cạnh chỗ nằm tôi đang bỏ trống, chăn nệm được cuốn lại
tựa một dấu chấm hỏi, giờ này bà cụ đang ở đâu trong khi kẻ nằm mỏi mòn trên
chiếc giường lõm khuyết kia đã hoá thân thành nhúm tro tàn lặng dấu trong một
cái lọ nhỏ bé. Bình, lu, hủ, nó ra đời dùng để cắm hoa, đựng kẹo bánh mức món
hoặc tiêu muối tỏi ớt đường bột cà phê; và thứ đặc biệt khác, nhốt chặt một
linh hồn mãi lạc lối. Chôn xuống đất? Mang gửi vào trong chùa? Hay khư khư ôm
về nhà, đặt trên bàn thờ sớm tối có cọng khói nhang vấn vương khó siêu thoát?
Tuyết
đã vừa rơi khi em chính thức bước qua cổng bệnh viện. Em cho hay. Để chứng
thực, em đưa một bàn tay tìm mấy ngón dấu dưới tấm mền mỏng đan lại. Tôi đón
ngay nỗi buốt giá từ thân em truyền sang, lạnh tựa một tử thi. Em ngồi không
được lâu, bà ta cho hay khoảng mười phút. Anh thấy sao? Thấy choáng váng khi
bước xuống khỏi giường, mặt đất như chẳng còn sức hút. Em đến bằng phương tiện
gì? Em đi taxi. Hơi vội vã, hơi sai quấy bởi em muốn nhìn thấy anh để nói điều
này… Mái tóc dài nhìn ra hướng cửa, cửa vẫn mở, hành lang vắng, trơn bóng hứng
đầy ánh điện thắp. Khuya nay em đi xe đò ngược lên miền bắc, đây là địa chỉ tạm
thời của em ở chốn đó. Một vuông giấy xếp nhỏ dúi vào tay tôi. Em đứng lên,
những hạt tuyết bám vào người đã chóng bốc hơi. Hồi nào anh bình phục hẳn, hồi
nào anh muốn nhìn thấy em, hãy tìm tới địa chỉ ấy. Tôi thấy chóng mặt khi em
rời khỏi phòng. Lý ra tấm màn vây bọc giường này sẽ được kéo kín, lý ra tôi nên
gượng ngồi lên để ôm lấy thân em. Lý ra… Người y tá bước vào điều chỉnh ánh
sáng của bóng đèn cho thật dịu mắt, cô thông báo mùa đông đang chính thức ập
tới bằng trận tuyết đầu tiên. Hãy cố ngủ một giấc, hai giờ sáng tôi mang thuốc
vào cho bạn uống.
Cuốn
vở học trò 50 trang của tôi sử dụng tới tờ cuối, túi áo của người y tá gắn rất
nhiều cây viết, cô tặng tôi một cây rồi bảo hồi nào cần giấy thì nhớ cho tôi
hay, ghi lại những cảm nhận trong khi nằm dưỡng bệnh cũng là điều nên làm, để
khuây khoả, để quên những cơn đau chợt hiện. Cô đi tới cửa sổ, kéo màn ra và
tôi nheo mắt nhìn tuyết bay vần vũ ngoài bầu trời trinh bạch, đóng khung một vẻ
đẹp đầy doạ dẫm. Cô từng hỏi tôi có thích tuyết không và tôi đã trả lời chẳng
suy tính, rằng tôi thích hợp với xứ nhiệt đới hơn. Tôi thích đổ mồ hôi chứ
không ưa ngồi co ro. Đã hai hôm, sao không thấy cô ấy trở lại? Tôi thành thật:
Bởi vì người đó đã đi xa. Tôi mở vuông giấy em có viết cái địa chỉ bên trong.
Ồ, chốn đó là nơi luôn hứng chịu những trận bão tuyết, nằm phía bắc, rất lạnh
giá. Người y tá nói thêm, là địa điểm mà hằng năm người ta vẫn chọn để làm lễ
hội tiễn đưa mùa đông thu hút nhiều du khách. Tôi nhìn vẻ đẹp luôn đọng trên
gương mặt thắp sáng nụ cười của cô y tá: Vé xe đò có mắc? Và mất bao lâu để đến
được chốn ấy? Theo tôi biết thì mất hơn ngày để dong duỗi, tôi sẽ vào internet
để kiếm thêm thông tin cho bạn. Nhưng vấn đề sức khoẻ, tốt nhất, tôi nghĩ bạn
nên tìm về những nơi ấm áp.
Chúng
tôi vẫn có những đối đáp như thế, cô y tá dễ mến vẫn xem đó là một trong những
phương cách giúp bệnh nhân chóng hồi phục. Thuốc thang chỉ là thứ chẳng đặng
đừng, dùng nhiều thêm mụ người chứ ích gì. Cơ thể ngầy ngật để sinh ra nghĩ
quẫn, yếm thế. Tôi vui miệng sau khi uống thuốc, kể cho cô y tá biết là em mang
tên Tuyết. Snow hoặc neige thì tôi chẳng mấy ưa nhưng tôi yêu Tuyết, được gần
bên người tôi mãi ấm và như thế nó tốt cho sức khoẻ tôi biết bao. Lý do tôi
nhập viện là bị xe tông giữa đêm không trăng sao. Điều ấy ai cũng biết, cảnh
sát biết, ba thành viên của xe ambulance biết, emergency biết, y tá bác sĩ
trong bệnh viện này biết; nhưng chỉ riêng Tuyết và tôi biết chuyện hệ trọng: Kẻ
“hit and run” kia là chồng chưa cưới của Tuyết. Tôi cùng Tuyết đi qua chiếc cầu
tre lắc lẻo, từng cởi áo cho nhau và lãng mạn đã chứng minh rõ về một tình yêu
đầy thương tật. Về nhà dối mẹ tại không ngại núi e sông, tại siêng đi đêm thì
ắt phải gặp ma. Tại đối tượng kia mang nỗi hận thù vượt quá mức quy định. Tôi
tự an ủi thế mà chẳng biết nói năng chi.
Tôi
xuất viện với giấy chứng thương 57 phần trăm hỏng hóc. Tôi mua chiếc áo ngự hàn
với giấy quảng cáo rằng nó chịu được độ lạnh -30 độ C. Tôi tới bến xe đò mua
chiếc vé lẻ chạy lên một vùng trời ngập tuyết. Tuyết chỉ ghi địa chỉ mà không
cho số điện thoại, chẳng email, chẳng một dây mơ rễ má nào khác. Tôi đeo ba-lô
sau lưng tìm mua cốc cà phê trước giờ xe chuyển bánh. Thuốc uống đã giảm chỉ
còn đúng hai viên cách khoảng 6 giờ. Chân bước đã tìm gặp sự quân bình dẫu đi
dưới một lượng tuyết không nhỏ mãi chuyên cần vần vụ chất đầy. Không dưng trong
trí chợt loé câu thơ của Vũ Hoàng Chương: “riêng có mình ta phai aó lục, còn
em sau trước vẫn hồng nhan ?”.
Tôi
bước vào xe lưa thưa hành khách. Người tài xế đặt mắt vào kính chiếu hậu khi
nói: Có thể chúng ta đi mất hai ngày đường vì thời tiết xấu. Tôi ngồi co thân
trong lòng ghế khi thấy một bà cụ vừa làm dấu thánh rồi lầm bầm: Lạy Chúa hãy
giúp cho xe này chẳng bị băng tuyết quật ngã. Tôi đọc thầm câu chú: Tuyết ơi
anh sẽ trắng xoá hình hài đứng đập cửa cái địa chỉ tạm bợ ấy. Hồng nhan em có
thoáng đổi thay khi nhìn ra anh?
Hồ
Đình Nghiêm
tuyết
đầu mùa 23.11.2016.