Wednesday, November 16, 2016

2598. MANG VIÊN LONG Buổi sáng trước hiên nhà


Mang Viên Long - Ảnh PCH – Qui Nhơn, tháng 9.2016

       
Khu xóm Kẹo chỉ mười ba nóc nhà; sau gần sáu tháng chộn rộn chuyện mở đường, thiết lập khu dân cư mới về phía Tây nam thị xã, tranh giành quyền sở hữu ruộng đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, đã tạm yên vắng; buổi sáng giữa mùa Xuân trở nên trong lành, tươi mát lạ thường trong con hẻm ít chân người lui tới.
         
Từ ngày trôi giạt, nấn ná về tạm trú ở khu xóm này tôi vẫn thường ngồi ở chiếc ghế đá trước hiên nhà với bình trà nóng và tách café “Bốn Mùa Nha Trang” đón ngày mới từ bốn giờ sáng. Nhà đối diện bên kia vuông sân rộng cũng đã thức dậy, người vợ chuẩn bị quang gánh ra chợ, còn ông chồng cũng đã nổ máy, bắt đầu chuyến xe thồ đầu ngày.
        
Buổi sáng bắt đầu bằng những tiếng chim gọi nhau đâu đó trên hàng cây sanh cao bên góc trái sân, hay trên ba cây trứng cá góc bên phải trước mặt tôi, vang lên – vô tư, thanh thản, êm ái. Tiếng chim mỗi lúc một rõ, nhiều - trong và vui! Giữa thinh không lờ mờ ánh sáng im vắng, tiếng chim làm bừng dậy trong tôi những buổi sáng yên lành, đằm thắm của một thời tuổi thơ, rồi của những năm tháng lưu lạc đó đây ở những ngôi chùa quê xa; khiến tôi như sống lại một quãng đời dài truân chuyên hơn bảy mươi năm. Tôi uống từng hớp trà đậm, nóng – đốt thêm một điếu thuốc rồi đưa mắt liếc nhìn lên bầu trời vừa nhuốm màu ửng hồng trên cao mà nghe lòng xuyến xao, bùi ngùi…
          
Bất giác, tôi nhớ lại mấy câu thơ của nhà văn Võ Phiến đã viết ở tuổi già nơi đất khách mà thêm thương cảm:
               
“ (…) Múa may mãi, chẳng ra gì                     
Mỗi lâu thêm một cách ly rã rời                     
Thân tàn, đất lạ - chơi vơi                     
Trông lên chỉ thấy bầu trời là quen!”
           
Võ Phiến đang lưu lạc quê người là vậy nhưng sao tôi đang sống ở quê nhà mà vẫn luôn cảm thấy “trông lên chỉ thấy bầu trời là quen”? Cảm giác cô độc giữa quê mình luôn theo tôi từ năm lên tám tuổi – mồ côi cha mẹ, nghèo khó, lận đận! Nỗi mất mát ấy to lớn đến cả đời người vậy sao?
           
Tôi lắng nghe tiếng chim, bao buổi sáng rồi, vẫn là những âm thanh vang rộn rã, trong trẻo, yên bình. Tôi sực nhớ, từ bao lâu, tôi đã không được nghe tiếng chim hót, đã quên bẳng tiếng chim, để chất đầy trong lòng những âm vang của nỗi bất hạnh, đắng cay, và ưu phiền từ lúc nào chẳng hay! Nỗi thiếu vắng ấy thường khiến tôi luôn cảm thấy hụt hẩng, chơi vơi, mà chẳng thể tự lý giải được? Tiếng chim mầu nhiệm và quyến rủ quá! Thiên nhiên đã ban tặng cho con người bao món quà quý giá, thiêng liêng, mà ta đâu có hay; cứ mãi kiếm tìm xa xôi, bị cuốn hút bởi sự phù phiếm, ảo ảnh…
           
Gần đến cuối đời, nhà văn Võ Phiến cũng đã cảm nhận từ sự “mộc mạc”, gần gũi:
                        
“Con trâu, con chó, con gà                          
Đàn cò, lũ sẻ - đều là cố tri”
           
Tôi chú ý đến bầy gà mái, gà con, vừa vỗ cánh thoát ra từ những chiếc chuồng to kê sát vách nhà người đối diện. Rồi những chú gà trống bay xuống từ vài cành cây sanh cao. Tiếng gáy của những chú gà trống khua động một góc sân, làm buổi sáng trở nên vui hơn; trong lúc chị gà mái “cục cục” lục đục bắt đầu dẫn đàn con đi kiếm mồi. Vừa mới mở mắt, trời còn mờ ẩm hơi sương, bầy gà đã cúi xuống, chăm chỉ, kéo nhau đi bươi tìm miếng ăn còn sót của chiều hôm trước trong khoảng sân rộng…Dường như, suốt ngày – bầy gà luôn cắm cúi, nhẫn nại, tìm kiếm miếng ăn? Nhìn những chị gà mái đau đáu tìm mồi cho đàn con ríu rít theo sau, tôi nghĩ đến những người mẹ. Người mẹ đã chẳng phải bươn bả ngay từ khi bước chân xuống giường vì đàn con, vì sự no ấm của gia đình hay sao?  Họ cặm cụi, lục đục, nhẫn nại giống như chị gà mái trước mặt tôi kia. Tôi nghĩ đến sự đói khổ của đời người. Có phải suốt một đời, chúng ta đã lặn lội bươi tìm miếng cơm, manh áo, cho đến ngày xa lìa cõi sống? Đã vậy, sao còn có nhiều kẻ tham đắm trong thừa thãi, bon chen, giành giựt, mà quên mất đời sống hữu hạn đang ngắn dần?
                                
“Nhớ con cua cái ốc
Mẹ lụi cụi ngoài đồng
Giờ gậy già tay chống                               
Lập cập suốt mùa đông”(1)
               
Tiếng kêu của hai chú heo từ trong chuồng ở góc rào phía trên đột ngột vang lên, làm tôi phải quay nhìn chúng. Trong khoảng đất vườn rộng, gia đình người mổ heo đã làm nơi nuôi tạm và xẻ heo mỗi sáng. Hai vợ chồng và cậu con trai đã thức dậy từ ba giờ sáng để mổ xẻ hai con heo cho các gian hàng thịt ngoài chợ kịp bán sớm. Mấy ngày đầu về ở trong xóm này tôi thường bị gọi dậy bởi tiếng kêu thét, gầm gừ, rên la của những chú heo bị thọc huyết hay bị đập búa vào đầu bôm bốp. Tôi không thể chợp mắt lại được sau tiếng rên la thảm thiết của những chú heo bị đập chết. Một thời gian, tôi phải dùng hai viên Rotundine trước khi lên giường, để có giấc ngủ quên kéo dài qua ba giờ sáng.
                
Một chú heo đang rượt cắn một chú heo được nhốt cùng chuồng. Có lần, chúng đã rượt cắn nhau, vì tranh giành thức ăn nước uống, hay vì “không chịu” nhau, làm một con phải ngã lăn ra chết trước buổi sáng. Theo dõi cuộc rượt đuổi mỗi lúc một hăng của chú heo bự, tôi nghĩ đến số phận của cả hai vào lúc ba giờ sáng hôm sau mà chúng không hề hay biết! Cái chết gần kề trong vòng chưa được 24 giờ, mà còn tranh giành, thù hận, cắn hại nhau vậy sao?
                
Mặt trời đang sáng rõ hướng đầu hẻm, những tia nắng vàng tươi đầu ngày đang trở lại trên dãy phố – cuộc đời lại sẽ bắt đầu hoạt cảnh cũ, sau một đêm dài im lìm chìm đắm trong bao cõi mộng…
               
Buổi sáng trước hiên nhà của tôi ngày nào cũng vẫn như thế!

(1) Gậy Già – thơ Nguyễn An Đình

Tháng 3.2015
MANG VIÊN LONG