Photo by PCH – Sài Gòn, tháng 9.2016
4.
Quán
cà phê ở Saigon nhiều tới độ dù là người thường đi uống cà phê cách mấy cũng
không thể đi hết nổi. Các thương hiệu nổi tiếng như Window, Highland, Coffee Bean, Trung Nguyên... mở tràn lan , mỗi thương hiệu năm bẩy địa điểm. Cà phê
Starbucks của Mỹ cũng đã có mặt tại
Saigon với cả chục địa điểm. Địa điểm đầu tiên nằm ở Ngã Sáu Phù Đổng. Tôi biết
địa điểm này và lưu nó vào bộ nhớ bởi vì ngày khai trương quán này đã là một
hiện tượng. cả ngàn người xếp hàng chờ tới lượt được mua một ly cà phê mà họ
nghĩ rằng mang theo chất Mỹ đầu tiên có mặt ở Việt Nam. Thực ra chỉ là thương
hiệu, vẫn là các ly cà phê mang tên Mỹ như Espresso, Cappuccino, Frappucino
nhưng hương vị ở đây khác nhiều so với bên Mỹ. Cái giống nhau là phương pháp phục
vụ như mua tại quầy , và tự tìm ghế ngồi, giá cả tương ứng với giá đô la
(Cappuccino giá 120.000 ngàn tương đương 5.60 đô).
Nhưng
chỗ ngồi thì tuyệt vời. Từ trên lầu, ngăn cách với bên ngoài là kính, có thể
nhìn thông thoáng bốn phía như đang ngồi giữa Saigon. Trước mặt là đường Lê văn
Duyệt ( Cách Mạng Tháng 8) chạy tới Ngã tư Bẩy Hiền rồi đi thẳng (rất xa) qua
biên giới phía tây, phía phải là chợ Bến Thành
ven theo Hồng Thập Tự (Nguyễn thị Minh Khai) đi về Xa Cảng Miền Đông, Sau lưng thì về phía
quận 7, hoặc nhánh rẽ vào Xa Lộ Đông Tây để về miền châu thổ Cửu Long:
Về
giữa Saigon, nhìn ra bốn phía
Sao
thấy lòng mình chia như nhánh sông
Quốc
lộ 13 đi về phía Bắc
Qua
hầm Thủ Thiêm để miết về Đông
Về
giữa Saigon, nhìn ra bốn phía
Xa
lạ mặt người thấm thía lưu vong
Xa
cảng Miền Tây về phía Nam đất nước
Thấy
được rất nhiều mà hiểu được bao nhiêu
Như
cơn gió thổi giữa đồng bát ngát
Mái
nhà tranh phơ phất khói lam chiều
Về
giữa Saigon, nhìn ra bốn phía
Từ
Hốc Môn về bỗng một cơn mưa
Ai
đã nói một dòng sông giữa phố
Mà
dắt xe đi, sóng vỗ nhịp mông người
Kỳ
lạ quá những mảnh đời chịu đựng
Bình
thản sống chung với Lũ quen rồi
Về
giữa Saigon, nhìn ra bốn phía
Thấy
cả hân hoan chen với ngậm ngùi
Dòng
kênh đen đã chuyển dần trong đục
Nhưng
chuyển thế nào được một nghĩ suy.
Về
giữa Saigon, nhìn ra bốn phía
Dâu
biển lòng người hoang phế bao năm
Lối
cũ rêu phong mắt đằm giọt lệ
Không
chỗ cho người thất thế dừng chân
Hiu
hắt quá ngựa xe đời hỗn độn
Ngơ
ngác bóng người, trộn với bóng bâng khuâng
Về
giữa Saigon mà chân bước chênh vênh
Chịu
lạc lối ngay trong thành quách cũ.
Đối
diện với nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, bên kia đường, chênh chếch về phía trái là
tòa biệt thư số 19 Kỳ Đồng. Một địa danh in dấu thật nhiều của thời tuổi trẻ
tôi . Là trụ sở và trung tâm sinh hoạt của Văn Phòng Liên Lạc Sinh Viên Quốc Nội
và Hải Ngoại.
Năm
1973, khi tôi đến đây lần đầu là đi theo nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng. Lúc đó, Ca
Đoàn Trung Ương của Phong trào Du Ca tập hát và sinh hoạt ở đây, Ca trưởng là
Nguyễn Ngọc Cẩn, một chàng trai nho nhã hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ, dường như Cẩn
là giáo chức. Đã nhiều lần ngồi lại trong vòng tròn để tập hát với nhau, làm
quen và đưa tới thân tình với Đinh Việt Hùng, Bùi Công Bằng, Nguyễn Ngọc
Linh.....Mỗi người bạn đó đều ghi lại trong lòng tôi những kỷ niệm đẹp và và
khó quên, vì không thể nhầm lẫn họ với bất kỳ ai tôi gặp sau này.
Bùi
Công Bằng lập Đoàn Du Ca Giao Chỉ, lúc đó làm Giám Học trường Trung học Đắc Lộ.
Giao Chỉ tập họp nhiều Giáo sư, học sinh và cựu học sinh Đắc Lộ. Bằng là Ca Trưởng
có tài, những ca khúc mà Giao Chỉ hát như Biết Đâu Nguồn Cội, Người Yêu Tôi Bệnh,
Tuổi trẻ và Ước Mơ , Anh Sẽ Về qua hòa âm dàn dựng của Bùi Công Bằng là những hợp
xướng khúc ba hoặc bốn bè, có lần tôi được nghe các ca khúc này không cần nhạc
đệm. Không nhạc đệm nên giọng lãnh xướng vút lên trong vắt được hòa theo âm
thanh dồn dập, hùng tráng và âm hưởng rất đầy.
Đinh
Việt Hùng hát rất hay, giọng mạnh và đầy nội lực, khi tôi về lần này thì Đinh
Việt Hùng ở tuổi trên 60, tham gia cuộc thi Tiếng Hát Mãi Xanh. Trong một vòng
thi, Giám khảo là ca sĩ Tuấn Ngọc nói rằng : "Tôi sinh ra trong một gia
đình nghệ sĩ, nên từ thủa nhỏ 5 tuổi đã bước lên sân khấu trình diễn mà không
phải qua một kỳ thi nào, chứ nếu đi thi mà gặp thí sinh như Đinh Việt Hùng thì
coi như tiêu rồi. (https://www.youtube.com/watch?v=dn8SHxYkCEk) Câu nói của Tuấn
Ngọc tất nhiên có chút cường điệu để khuyến khích, nhưng đó cũng là một cách nhận
xét về một tiếng hát rất chân tình của tiếng hát thần tượng mấy chục năm nay.
Nguyễn
Ngọc Linh là một Du ca viên thì tất nhiên là anh hát hay rồi, nhưng Nguyễn Ngọc
Linh lại là một Nhạc Sĩ và một sinh hoạt anh tham gia từ thời niên thiếu vẫn
còn duy trì tới bây giờ là Hướng Đạo. Con người của Linh gắn liền với các sinh
hoạt này mà có lần anh nói như là máu thịt. Một Nguyễn ngọc Linh trầm ngâm ít nói
lập tức biến mất khi anh khoác trên người bộ đồng phục Hướng Đạo và tươi tắn với
tên rừng Ngọc Linh Sơn Ca. Chuyến này về
có dịp ngồi bên cạnh nhau, Linh vừa vượt thoát qua một cơn bệnh hiểm nghèo,
thân thể đã gầy lại còn gầy hơn. Ôm chặt nhau tôi nghe lòng mình ngập tràn cảm
xúc xót xa. Linh phổ nhạc khá nhiều thơ của bạn bè, trong đó có thơ Khánh và
thơ tôi. Một ca khúc Linh viết theo âm hưởng Huế mà khi Linh hát, bày giải ra cả
cái thiết tha trữ tình chung với cảm
hoài bi thiết là ca khúc "Cuối Cùng, Người cũng yêu tôi" bài hát này
sau đó đã do ca sĩ Vân Khánh trình bày.(https://www.youtube.com/watch?v=hzV0pduke9U).
Cà
phê ở saigon bây giờ khác với Cà Phê Saigon
thời tôi mới lớn. Không nói là hay hơn hay dở hơn, mỗi thời đại, sẽ có một
cách sống khác nhau. Thời đó, với chúng
tôi ra quán cà phê ngồi là mang cảm giác trầm mặc, gọi ly cà phê, nhìn từng giọt nhỏ xuống chậm chạp, đưa mắt nhìn mông lung và nhớ nhung suy nghĩ chuyện bâng quơ. Cà phê ngày xưa cũng nhiều hạng lắm, sang trọng
như La Pagode, Brodard, nằm trên
các trục đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi là nơi các văn nhân thi sĩ tụ hội, không phải
chỗ cho chúng tôi. Hào hoa phong nhã thì
có Cà Phê nhà hàng Kim Sơn, Bạch Đằng,
Continantal, ngồi đó là dân có máu mặt,
có tiền, ăn mặc sang trọng ngồi ngoài hàng ba ngắm người và để người ngắm mình, đó cũng không phải là chỗ cho chúng tôi. Chỗ
chúng tôi ngồi bình thường là những quán không tên, nằm đầu đường hẻm, nằm lẩn
khuất trong ngõ nhỏ mà chúng tôi gọi bằng tên chủ quán như Năm Dưỡng, nằm trong hẻm Nguyễn Thiện Thuật, Ba Tống trên đường
Bùi Viện, còn nhiều nữa, những góc ngồi quen mà thời đó, ai cũng có một vài điểm
ghé vào. Vào đó, gọi một ly cà phê sữa nóng vào buổi sáng, hay ly cà phê đá vào
buổi chiều, châm điếu thuốc nhìn bâng
quơ mong chờ gặp bạn, những người bạn không cần hẹn hò, cứ ra đó ngồi là gặp.
Cho nên nhớ cà phê ngày xưa là nhớ cái
chỗ ngồi, nhớ cái thân tình bằng hữu cũ.
Một đôi khi có chút tiền, rủ nhau vào những
quán cà phê có nhạc như Thằng Bờm trên đường Nguyễn Thái Học, Cây Tre trên đường
Đinh Tiên Hoàng để nghe nhạc Trịnh Công
Sơn. Mỗi lần được đi vào đó là một hạnh phúc, mà hạnh phúc thì có không nhiều.
Cà phê Saigon bây giờ thì thành một thứ văn hóa
riêng, Có rất nhiều quán được đầu tư rất lớn từ địa điểm, tới không gian và chỗ
ngồi. Cà phê vườn, cà phê Hoa Viên, cà phê Máy Lạnh, Wifi. Như có lần cùng Phạm Cao Hoàng, và cả nhóm anh
em Quán Văn ghé vào cà phê Du Miên ở Gò Vấp, quán rộng mênh mông, cây xanh bóng
mát, có dòng suối chảy quanh co, có tầng
lầu gác trên cây cổ thụ, một hàng ngũ tiếp viên mặc đồng phục đông đảo chào mời
phục vụ khách. Cả tôi, cả Hoàng đều ngạc
nhiên và thú vị, khi hỏi anh em ở Saigon, mới biết dạng quán lớn, trang trí
sang trọng và đẹp mắt như Du Miên ở
Saigon bây giờ đếm không xuể. Nhưng cái thứ người ta vào đó để uống không phải
là cà phê nữa mà Sinh Tố, Nước Cam, Kem, Bia, Dừa tươi , hay nếu có là cà phê
thì cũng là cà phê Sữa Đá.
Suốt cả tháng đi về Saigon, ngồi quán cả mấy chục
lần, nhìn bạn bè, nhìn chung quanh tôi chưa bao giờ thấy ai gọi một ly cà phê
đen cả. Có thể cái chất nước đen đó, bây giờ chẳng ai tin nó là cà phê, mà cũng
có thể loại người vào quán để trầm tư mặc tưởng, suy nghĩ mênh mông , nhìn từng
giọt cà phê buồn bã kia, đã tuyệt chủng mất rồi.
Nguyễn Minh Nữu
November 10, 2016