Nhà trong rừng Scibilia – Photo by PCH (2015)
Căn
nhà nằm gần cuối một con hẻm ở đường Nguyễn Tri Phương này tôi đã đến nhiều lần,
nhiều tới độ không nhớ đã bao nhiêu lần. Từ những năm đầu thập niên 1970, khi
đó, Bùi Công Bằng là Ca Trưởng của Đoàn Du Ca Giao Chỉ, đó là một nhóm thanh
niên là nhiều giáo sư và học sinh của trung học Đắc Lộ có chung sở thich ca
hát. Tôi đến đó để gặp khuôn mặt trắng trẻo, đôn hậu và hàm râu xanh mượt mà
luôn kèm nụ cười hào sảng. Hơn năm mươi năm qua đi, căn nhà cũ ngày xưa đã sửa
chữa tân trang một chút cho phù hợp với thời đại, nhưng vẫn giữ nguyên một trệt
một lầu như trước. Cái bàn gỗ dài lên nước bóng bên cạnh cây Piano nằm sát
vách, cái kỳ diệu là khuôn mặt xưa dù tóc bạc phơ, hàm râu dài rậm trắng tinh vẫn
rộn rã tiếng cười hào sảng. Tiếng cười của chàng thanh niên tuổi hai mươi ngày
xưa và của ông già gần bảy mươi với đàn cháu nội ngoại sao vẫn như chẳng có
gì thay đổi.
Lần
này tôi trở lại căn nhà đó với Đoàn Văn Khánh. Trong chuyến đến thăm lần trước,
Bùi Công Bằng nói yêu thích thơ của Phạm Cao Hoàng, và khi biết tôi quen và ở gần
với Phạm Cao Hoàng ở Virginia, Bằng nói, nếu được, ông xin Phạm Cao Hoàng cho
tôi một tập thơ. Khi tôi nói, Phạm Cao Hoàng nồng nhiệt lấy tập thơ mới nhất
ghi lời tặng và nhờ tôi chuyển về. Lần này, đến chơi với Bùi Công Bằng và chuyển
tận tay Bằng tập thơ đó.
Bùi
Công Bằng trân trọng cầm tập thơ và tâm sự : mình và Phạm Cao Hoàng chưa từng gặp
mặt, mình thích thơ Phạm Cao Hoàng vì cái phong cách điềm đạm, cái tình yêu đằm
thắm và một cái gì đó bí ẩn giấu kín giữa hai dòng chữ trong thơ Phạm Cao
Hoàng. Hay thật, Bằng và Hoàng là hai người bạn của tôi từ hai phương trời khác
nhau, chỉ qua thơ mà Bằng cảm nhận ra sự gần gũi của con người Phạm Cao Hoàng.
Mà
thực sự là vậy, ngay từ tập thơ đầu "Đời Như Một Khúc Nhạc Buồn' xuất bản
năm 1972 cho đến tác phẩm gần đây nhất "Đất Còn Thơm Mãi Mùi Hương" (2016) thơ Phạm Cao Hoàng vẫn giữ nguyên thần sắc của nhẹ nhàng, sâu lắng và đôn hậu
như chính con người anh. Trong thơ, Phạm Cao Hoàng ghi nhận được thiên
nhiên kỳ thú bằng cái nhìn mới lạ và tìm ra mối liên quan bất ngờ đầy sáng tạo giữa thiên nhiên và
tâm hồn nhạy cảm riêng mình.
Năm 1974 PCH viết:
Núi
ngó anh và anh ngó núi
Núi
đụng trời anh đụng nỗi đìu hiu.
Rồi năm 1985:
Mười
năm và mười mùa đông
Người
thi sĩ ấy không còn làm thơ
Còn
chăng là tiếng ngựa thồ
thở
khi lên dốc bụi mờ mịt bay.
Năm
2016 PCH viết:
dẫu
thế nào
con
cũng trở lại miền trung
nơi
mẹ đã ôm con bằng vòng tay bao la của biển.
Những
hình ảnh đưa ra thật đơn giản, vậy mà qua trái tim xúc cảm và đầy nhân hậu đó
đã ghi xuống những lời xúc cảm làm người
đọc xao xuyến.
Tôi
và Bùi Công Bằng gặp nhau và chia sẻ niềm yêu thich đó.
Chiều
thứ bảy, tháng chín Sài Gòn hay có những cơn mưa, phòng khách nhà Bằng đã bày sẵn
một bàn dài với 12 cái ghế, tương ứng với 12 bộ chén bát. Chơi với Bằng đã lâu,
người bạn Ca Trưởng gốc nhà giáo này là người tinh tế, hào sảng nhưng thật
nghiêm túc. Cách bày biện cho tôi biết trước hôm nay quay tròn trong vòng thân
tình này sẽ là 12 người mà Bằng đã chuẩn bị. Sẽ không có khách lạ bất ngờ, và
chắc cũng sẽ không có sự vắng mặt nào bất ngờ của ai nếu đã nhận được lời mời.
Cơn
mưa Sài Gòn ào xuống bắt chợt, mà những bạn hữu ngày xưa vẫn lần lượt bước vào,
Nguyễn Công Tài, Đinh Việt Hùng, Nguyễn Ngọc Linh, Minh Hương, Đỗ Như Bình, Trần
Nhật Vy, Trần Đạt, Hương Giang, cùng với tôi, Đoàn Văn Khánh, Bùi Công Bằng và
cậu con rể của chủ nhà nhận nhiệm vụ chuẩn bị một bàn dài cho buổi tụ hội
chờ sẵn.
Nhạc
sĩ Nguyễn Ngọc Linh vừa qua một cơn bạo bệnh, cái gọi là bình phục nghĩa là từ
nằm thiêm thiếp thành ra tạm đi đứng được, người gầy hom hem, chỉ có đôi mắt là
vẫn sáng tinh anh, nụ cười nhỏ nhẹ, thế mà vẫn ôm được cây đàn đễ hát
"...những mê đắm rã rời...trong tuyệt vời ký ức..."
Đôi
uyên ương Minh Hương Đinh Việt Hùng say đắm niềm vui khi biết tiếng hát Khôi
Nguyên Sinh Viên hồi năm 1975, bây giờ vừa tham dự cuộc thi "Tiếng Hát Mãi
Xanh" và vừa đạt số điểm 99/100 để bước vào nhóm 9 thí sinh của vòng bán kết.
Tiếng hát của Đinh Việt Hùng là tiếng hát của của cảm xúc, cái trữ tình trong
đó là cái trữ tình của hoài vọng và nuối tiếc khôn nguôi, cho nên ca khúc anh
chọn để dự thi là ca khúc Nỗi Lòng đúng là nỗi lòng chất chứa bấy nhiêu năm.
Lần
này, ngồi bên nhau, Đinh Việt Hùng ôm đàn, tiếng hát như một dải lụa mềm, mênh
mang và trìu mến khi hát Hương Xưa của Cung Tiến, đôi mắt nhìn mông lung và mê
đắm gọi mời "Người ơi một chiều
nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa...."
Nhà
báo Trần Nhật Vy làm tôi ngạc nhiên nhiều nhất, Vy đưa tặng tác phẩm "Sài Gòn chốn chốn rong chơi" và cho biết đây là tác phẩm thứ 9 của chàng. Từ
"Khúc Dạo Đầu" tập thơ đầu tay năm 1987, chàng thanh niên thanh mảnh
với những bước chân lãng tử ngày nào đã lần lượt làm việc miệt mài cho các tác
phẩm tiểu thuyết, biên khảo, ký sự... tạo một tên tuổi được nhiều người biết đến.
Nguyễn
Công Tài, Đỗ Như Bình cũng vậy, những khuôn mặt trắng hồng thanh niên xưa đã từng
trải phế hưng cuộc sống để ngày nay ngồi lại bên nhau với mắt sáng môi tươi tiếng
hát hòa nhau trong từng ca khúc sinh hoạt ngày xưa.
Họa
sĩ Trần Đạt lần đầu đến chơi, chàng Họa Sĩ được đưa vào kỷ lục Việt Nam với tài
năng vừa hát vừa vẽ ký họa chân dung nhanh nhất.
Hôm
đó, vừa hát tình ca, vừa nhắm hờ đôi mắt , tay thoắn thoát phác thảo Trần Đạt
ghi lại nét kiêu bạt của Bùi Công Bằng, vẻ hiền dịu của Hương Giang, chút u uẩn
của Minh Hương, nỗi lòng trăm mối của Đinh Việt Hùng, tia tinh nghich của Trần
Nhật Vy và cả sự đắm đuối ôm đàn của Nguyễn Công Tài.
Căn
nhà nhỏ ở gần cuối con hẻm đường Nguyễn Tri Phương này ghi lại trong tôi biết
bao kỷ niệm, và hôm nay, 17.9.2016, lại ghi thêm dấu nhớ cho
thời thanh niên rất quý, mà như một người bạn làm thơ đã ghi lại :
"Nơi
đây từng có một thời
Bừng
bừng nhạc dậy, lời lời thơ reo"
Hai
câu thơ của Nguyễn Tri Thứ không phải ghi về căn nhà đó, mà ghi về một điểm
khác. Ngày hôm nay ở nhà Bùi Công Bằng, bỗng nhớ về những tụ hội ở nhà Họa Sĩ
Trương Vũ, ở nhà Phạm Cao Hoàng ở Virginia. Nhưng cũng như tất cả chúng ta, ai
cũng có những địa danh, thời điểm, vị trí và bằng hữu ghi đậm nét trong trí nhớ
mãi mãi mang theo để rồi có lần ghé qua trìu mến nhớ lại rằng ... từng có một
thời...
Có phải thế không?
Nguyễn Minh Nữu
Sài
Gòn, tháng 9.2016
MỘT SỚM THU
tranh Trương Vũ
sơn dầu trên bố 30" x 24"
sơn dầu trên bố 30" x 24"
thực hiện tháng 10.2016.