Friday, October 7, 2016

2505. HỒ ĐÌNH NGHIÊM Nhà số 7403 đường Franklin


Source: https://maps.googleapis.com



Giống hầu hết mọi khu vực xanh mát phủ trùm khác của Virginia, lối vào Annandale luôn đong đầy bóng cây lắc lay lá. Căn nhà tiền chế bằng chất kim loại mỏng, hình khối chữ nhật ngã màu vàng, lối vào và nền nhà cách ngăn bằng tấm cửa kéo mong manh, không chênh lệch độ nông sâu, cao thấp. Bằng phẳng từ tiền vào tới hậu. Mưa đổ oà có thể xoá nhoà biên giới giữa trong ngoài, lấm lem một địa chỉ mông lung vừa định hình ra bến tạm. Tấm tapis mỡ gà, chiếc ghế nệm nâu có thể kéo ra làm giường. Cái bàn thờ, đôi ba bức tượng Phật cổ, giá vẽ, những cây cọ cắm tua tủa ngược đầu trong lon, trong lu, trong hủ. Hai cuốn niên giám điện thoại hơn ngàn trang đặt chồng lên nhau, thế ghế ngồi khi đối mặt tấm bố rộng. Những tuýp sơn dầu vặn vẹo, co quắp hình thù. Và tranh, lớn nhỏ treo lên vách hoặc úp mặt nhau ở một góc nhà, nửa bề bộn nửa ngăn nắp. Nửa ngơi nghỉ nửa tỉnh thức. Nửa này và nửa kia như tấm thẻ xanh, như chưa vững bền một tựu thành vào quốc tịch.

Thoạt kỳ thuỷ từ chốn Utah xa ngái, hoạ sĩ Đinh Cường đông tiến và cùng gia đình chọn Virginia làm chốn dừng chân. Năm nọ, có lẽ 1990, tôi bay từ Montréal sang thăm, tôi “đạp đất” số 7403 Franklin Road và dường như tôi đã nhìn thấy lại nét vàng phai căn nhà sau lưng trường Mỹ Thuật ở Huế. Bao năm tháng hao gầy chia cắt, bao gió chướng cuồng nộ, bao băng giá phủ trùm, rốt cuộc chúng tôi cũng sẽ, cũng đã bắt buộc phải ngồi kề bên nhau như thứ định luật tự nhiên khó bề giải thích và chẳng nên cắt nghĩa. Sau cơn mưa trời có sáng chăng?

Khoảng sân đầy cỏ xanh, một góc vụn nát đá dăm có chiếc Toyota màu đỏ đun dưới bóng cây. Mùa hè hanh, chút gió hiếm muộn cùng những con sóc luôn dạn dĩ đến vẫy đuôi, chăm mắt ngó. Bên giá vẽ, người hoạ sĩ luôn thủ sẵn một bao đậu phộng ran và nếu tôi đừng ngồi bệt ngay ngạch cửa, sóc luôn là những vị khách không mời của người đang thao tác dựng nên vẻ đẹp vô ngôn. Rất lặng lẽ, sóc an toạ ngay tầm tay để đón nhận “bữa cơm từ thiện”. Nhiều quá, chúng sẽ thôi ăn, mang ra sân cỏ để đào bới, thu cất. Điều đó cũng đồng nghĩa là người hoạ sĩ sẽ cầm lấy cọ, tiếp tục công việc dở dang, thôi bị quấy rầy.

Lý ra sóc phải hiện diện trong tranh. Tranh câm lặng, sóc im tiếng và người hoạ sĩ vốn là kẻ kiệm lời. Đoạn đường ngắn, từ trong ra tiếp cận với giao lộ chính đã có không ít chú sóc bị bánh xe đè nghiến, nát thân. Hoạ sĩ Đinh Cường cẩn thận cho xe chạy qua, chậm rãi, và thở dài: Tội quá! Có thể đó là một trong những con đã từng lân la vào nhà nhai rau ráu hạt đậu phộng béo ngậy. Mới hôm qua, mới hôm kia thôi, giờ đã hoá thân tựa một cái bánh pizza kỳ dị nhiều sốt cà chua nằm chết dí trên mặt nhựa đường. Ngó thấy, lòng phải hoài nghi về câu nói: Nhanh như sóc. Nhanh có thể táng mạng. Chậm có thể đi đong. Nhanh hoặc chậm, ừ cứ đổ thừa tại số kiếp.

Thời gian đó, Trường Giang, Dạ Châu và Trường Chinh vẫn còn ngồi những năm cuối ở đại học. Người học trường xa, kẻ học gần và tất cả chừng như vẫn chưa thoát hẳn bóng dáng của kỷ niệm chốn xưa luôn đè nặng. Năm người lưu trú trong căn nhà nhỏ, túng quẫn không chỉ ở chân đi. Hoạ sĩ Đinh Cường và tôi ngã lưng trên tấm tapis nồng nàn mùi sơn dầu, mùi xăng rửa cọ và đêm vẫn dịu dàng lén gửi chút hương mùi tinh khiết phát ra từ vườn hoa tận tuyệt ngõ tối. Chúng tôi mở cánh cửa kéo để thổi ra sương ẩm từng đợt khói thuốc của những hàn huyên tâm sự. Khung cảnh căn nhà 14 Đinh Công Tráng Huế hiện lên chen cài với 31A Nguyễn Đình Chiểu Tân Định, miên man, trắng đêm cùng thức với cổ tích. Kỷ niệm là con dao hai lưỡi, một đôi khi. Anh khó bước đi khi lòng hoài nhớ nặng mang bao thân thương phải chịu bỏ lại. Không, hãy vui lên, trường giang lớp lớp ta đã băng qua, sá gì. Tôi nhủ thầm. Tôi nhớ lại là bấy giờ, chốn chôn cất tịch lặng kia không hú vọng hồi còi tàu trầm thiết lẫn khuất và thương hiệu Starbucks dường như chưa kịp khai sinh để làm nơi nghỉ chân như sau này. Con chim đỏ chốn đây cũng chả dạn dĩ bằng ở khu rừng thưa vùng Burke. Và hoạ sĩ Đinh Cường năm khi mười hoạ mới trình làng một bài thơ, viết cẩn trọng, cô đọng, hơi thở sâu. Lời thơ chở theo nguyên màu trăng cũ. Là tiếng thở dài khó nguôi ngoai. Anh luôn nặng tình cho bè bạn ở chốn xa. Ở Mỹ nhưng đau đáu những mộng tưởng luôn tìm cớ quay về. Huế, Đà Lạt, Sài Gòn mãi biến thân thành hình khối, thành sương hoa, thành núi đồi, thành thiếu nữ, khuấy trộn thành thứ màu sắc riêng biệt có chữ ký Đinh Cường bảo chứng bên dưới mà bên trên là dằn vặt những cơn mộng la đà cô lại thành thứ bố cục dễ vỡ tan. Một nỗi nhớ rình rập đâu đó. Một tâm sự mãi cần sự sẻ chia. Một khoảng trống để lộ giữa bức tranh hoàn chỉnh.

“…ngày cuối năm nằm trên cột đèn
nghe tiếng chim sâu trên lá xanh
tay che mặt buồn tay trên ngực
tim ta đập nhoài cơn giá băng…”

Tôi cũng yêu hai câu:

“núi còn những mấy nghìn năm
mây bay buồn xuống ngang tầm mắt tôi”.

Lời thơ như thứ sơn bồi đắp ban đầu lên tấm bố trắng, cọ màu sẽ phủ chồng lên và như vậy thơ cùng tranh chưa một lần tách biệt. Dung dị, xem tranh Đinh Cường là đón nhận chút thơ mộng tiềm ẩn đã được đóng khung mà trừu tượng hay tĩnh vật hay phong cảnh hay nhân vật chỉ là một tên gọi đi sau. Như không gian Huế thì trầm mặc u uất, như sương mù và hoa dã quỳ đã định phận cho Đà Lạt nét diễm ảo riêng tây.

Từ Franklin ra khu Eden chẳng mấy xa, tuy mới chân ướt chân ráo làm thường trú nhân nhưng do một năng khiếu kỳ lạ, người hoạ sĩ biết có con đường nhỏ tựa đường chim bay để thu ngắn lộ trình mà ban đầu ta hoài nghi sẽ bị chở đi lạc trong bát quái trận đồ. Có sao đâu, ông thấy không? Riết phải quen. (Anh Cường luôn gọi tôi là ông, xưng mình và hay chấm câu bằng ba chữ: Thì bởi vậy.). Ai quen chứ tôi vẫn thấy lạ. Thời dạy ở trường Nữ Thành Nội hoặc dạy ở Mỹ Thuật Huế anh chỉ biết chạy chiếc Suzuki 49 phân khối. Thong dong, chậm rãi. Vào Thủ Đức học ngành Công binh thì biết lái thêm chiếc xe ủi đất luộm thuộm dềnh dàng. Chỉ nhiêu thôi. Vậy mà bi chừ điều khiển chiếc xe Toyota đời 89 nhuyễn nhừ với tay lái rất lụa. Lái như với một linh cảm khó sai trật “đường nào cũng về La Mã”. Lái mà chẳng thèm ngó bản đồ. Cái sự lái kia nôm na là chẳng khoa học, là nghệ sĩ thì đa phần họ đều lái theo cách đấy. Không mấy lâu xe đã thắng đứng trước cửa tiệm phở Xe Lửa của anh Nguyễn Thế Toàn chẳng sai trật, luôn sớm trước những hẹn hò. Người đến từ phương xa, phải vượt biên giới như tôi khi bước vào không gian ngát nồng hương liệu phở đã bắt gặp ở đó chút thân thuộc tựa hồ ở Nguyễn Đình Chiểu đi bộ sang Pasteur hoặc Hiền Vương, có nghĩa là mảy may chẳng phát hiện chút xa lạ. Họ đã đọc truyện tôi viết, họ biết người vợ thích dấu mặt của hoạ sĩ là chị ruột của tôi và ai nấy đều vỗ vai, bắt tay, dồn đẩy vào ngồi cái bàn trong góc quán, nơi có những cuốn sách, những phác hoạ chân dung, bình trà nóng và bộ cờ tướng vừa xoá xong một thành quách của tướng sĩ tượng ngổn ngang. Ở đó, lần đầu tôi giáp mặt với anh Giang Hữu Tuyên, chủ nhiệm tờ Hoa Thịnh Đốn Việt Báo, tên người gắn liền với bài thơ đang dậy sóng: “Trời Mưa Đi Phát Báo”. Anh hỏi: Bạn có truyện nào cho tôi không? Và móc ngay tiền túi dành trả nhuận bút trước. Năm tờ hai chục “In God We Trust”. Hoạ sĩ Đinh Cường nói, chữ dùng rất cá biệt: Bảnh quá vậy ông! Chơi vậy là nhất ông rồi! Nếu có ai góp ý thì cả bàn sẽ nghe: Thì bởi vậy. Tuần báo Hoa Thịnh Đốn Việt Báo in khổ to, là nơi vẫn đăng thơ lẫn minh hoạ của Đinh Cường. Sẵn nhắc tới kỷ niệm ban sơ nọ, tưởng cũng nên ghi lại đây bài thơ thật “bảnh” của anh Nam bộ Giang Hữu Tuyên:

Trời Mưa Đi Phát Báo

Chiều ngã năm đường năm bẩy ngã
Ngã nào cũng ướt giọt mưa rơi
Bao mùa mưa đã im giông bão
Sao nước trường giang vẫn khứ hồi

Mười mấy năm làm tên phát báo
Lòng buồn theo thành quách xa xưa
Những trang tin dội từ quá khứ
Rớt ngập ngừng cùng những hạt mưa

Mưa lót ngót đời loi ngoi mãi
Sáng chưa đi chiều lại mưa về
Mưa ngã năm từ năm bẩy ngã
Ngã nào cũng mưa và mưa thôi

Xấp báo trên tay vừa ướt hết
Vậy mà cứ đứng dưới mưa bay
Hình như những mùa mưa thuở trước
Đang về làm ướt trái tim ai.

Một Triệu Tử Long tân thời, đơn thương độc mã. Vừa chủ nhiệm kiêm chủ bút kiêm thư ký toà soạn kiêm nhân viên dàn trang kiêm tài xế mang đến nhà in rồi kiêm cả việc đi phát báo; mà báo của gian đoạn nọ mọi thứ tựu thành đều vất vả thủ công, đâu có computer, internet  nhậm lẹ như hiện thời. Rất dãi dầu, rất sáng  nắng chiều mưa. Vậy mà người ấy luôn tươi cười, luôn linh hoạt, luôn xẳng xái. Thì cứ đọc bài thơ kia thì hẳn rõ, tuyệt không để lộ lời thở than, chẳng oán thân trách phận, nhưng mịt mù ở đó tượng hình thứ nỗi niềm bị vây khốn, thứ tâm sự dễ làm mềm tim ai. Virginia mùa tôi sang chẳng có mưa bay, tôi đi dang nắng đó đây cùng anh Đinh Cường để quen thêm những tên tuổi khác: Phó Ngọc Văn, Lê Thiệp, Ngô Vương Toại… và hai người nữ viết văn cùng thời điểm với tôi: Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Thị Thanh Bình.

Đi loanh quanh mà không nghe đời mỏi mệt, tôi háo hức theo chân anh đi vào những cửa hàng nồng mùi đồ cũ tỉ như “The Salvation Army” để tha hồ lùng sục. Khung tranh có chạm trổ, chai lọ hình thù độc đáo, đôi ba cuốn sách bìa cứng của những tác giả nổi tiếng ở thế kỷ 19… Và dĩ nhiên chúng tôi lãi nặng vì giá quá bèo. Tôi mua được chiếc áo của hướng đạo sinh với lắm logo thêu thùa bên hai tay. Anh nói: Cái đó hay a. Nhiều thứ lạ, ông thấy không? Thời đó chưa mọc lên cửa hiệu Costco như sau này, nơi hai anh em vẫn tha thẩn vào tha cả đống áo quần về làm quà kỷ niệm chuyến vượt biên. Nhưng thời nào đi chăng nữa, người hoạ sĩ luôn dành thời gian vào việc vẽ. Thời ở Franklin là thời nổ lực sáng tác, ráo riết lao động bởi anh sắp bày tranh ở Georgetown Art Gallery, ở Metro Gallery trường Đại học George Mason. Những con sóc sẽ thôi lân la vì biết chủ nhà đang bận rộn, những hàng quán sẽ thưa dần buổi hàn huyên và tôi chuẩn bị khăn gói ra phi trường Dulles, mong ngóng sự thành công tốt đẹp đang chờ đợi anh ở các cuộc triển lãm.

Mới đây, Trường Giang có chở tôi ghé vào “đường xưa lối cũ”. Cảnh vật hết chung tình, lạ mặt bởi bao đổi thay. Nhà cửa đã đập phá, để tái tạo ra khuôn mặt sang chảnh, như thể lâu rồi không về thăm thôn Vỹ và áo ai trắng quá nhìn không ra. Gần đó có vườn rau sạch của bà người Việt mà ông chồng Mỹ đứng bên tính tiền nhậm lẹ quá đỗi thành thục, có ngờ vực chăng ai biết tình ai có đậm đà? Biến hoá theo chất chồng chân đi tháng ngày và tôi sực nhớ đa phần tên của các anh có nhắc qua trong tạp văn này đều đã khuất núi, đều bỏ Annandale, bỏ Arlington, bỏ Virginia, bỏ Maryland u sầu về chốn vĩnh hằng bằng bặt một vọng ngôn. Anh Giang Hữu Tuyên (mất trước anh Đinh Cường hơn thập niên) cũng có bốn câu thơ hay:

“Đất gọi người đi buồn biết mấy
Sông dài chảy xiết một giòng thôi
Từ nay chín cửa mưa mù lối
Sóng nước bồng bềnh nhánh củi trôi”.

Một nhánh củi lạc qua xứ tuyết, tôi mơ lắm một lần ngược dòng. Một mùa hè nào về lại Virginia nhiều đổi thay, hóng tiếng còi tàu trôi mơ hồ và bóng con chim đỏ lẻ loi về đậu sau cánh rừng thưa, hao hụt một khoảng trống lớn… “Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!” *… Thì bởi vậy!

Hồ Đình Nghiêm
Montréal, 7 tháng 10, 2016.
*Tống Biệt Hành của Thâm Tâm



Hồ Đình Nghiêm trong căn nhà 7403 đường Franklin 
Ảnh Đinh Cường