Nếu tất cả chúng ta chỉ là một hạt bụi mong manh giữa vũ trụ thì tôi gọi anh là một hạt bụi bên kia biển Thái Bình. Bụi đất, li ti, nhưng thơm mãi mùi quê hương mà anh phải lìa xa. Mùi hương đó có vị mặn mồ hôi của người cha mà anh kính mến…
Trước đó tôi chỉ biết tên anh qua những bạn văn nhưng chưa từng đọc anh bao giờ. Thế nhưng do một cơ duyên văn học nên được tham dự vào một buổi lửa trại ấm cúng ở Đà Lạt để nói về anh. Đó là buổi ra mắt tập thơ “Mây khói quê nhà” mà anh vừa tái bản ở USA và gửi về tặng bạn bè ở VN.
Mấy hôm trước đó nhà văn Lữ Kiều Thân Trọng Minh có gọi điện mời vợ chồng tôi lên nhà anh Đà Lạt vài ngày để nói chuyện văn chương. Lần gặp mặt đó ngoài vc Lữ Kiều- Vũ Thanh Hằng còn có vợ chồng Khuất Đẩu-Huyền Chiêu, nhà văn Nguyên Minh, nhà văn Châu văn Thuận, tôi và Elena. Buổi tối mùa thu, vùng cao nguyên không khí se se lạnh nên chúng tôi ra ngoài sân ngồi quần quanh đống lửa. Không khí ấm cúng, có khói, có mây.. ngồi nhâm nhi chút rượu để ra mắt tập thơ “Mây khói quê nhà” của Phạm Cao Hoàng thật là phù hợp. Chúng tôi đọc thơ, trò chuyện thân mật đến khuya. Cuối cùng anh Lữ Kiều còn cao hứng tóm tắt và cho biết nhận xét của mình về bản thảo của tiểu thuyết "Bàn tay nhỏ dưới mưa" (*) mà trước đó tôi đã gửi.
Mấy năm sau, Nguyễn Hòa vcv… báo tin là có một nhà thơ ở Mỹ sắp về VN - gặp gỡ và ăn trưa. Đó là lần đầu tôi gặp Phạm Cao Hoàng và vợ anh là chị Cúc Hoa. Ngồi giữa các bạn mới gặp hay quen thân, PCH tặng sách, tặng thơ rồi kể lại chuyện chị Cúc Hoa bị tai nạn, phải đi xe lăn..nhưng cuối cùng chị khỏi bệnh, đi lại bình thường như một phép lạ. Gặp rồi, nhưng hôm đó có khá đông bạn bè, ai cũng chào nói rôm rả nên không khí bị loãng, chưa trao đổi thân tình. Tuy vậy cái cảm giác anh để lại trong tôi thì cả hai vợ chồng anh, ai cũng hiền như…đất.
Nhưng cái cảm giác là anh thuộc mẫu người hơi…nghiêm làm tôi hơi ngại khi Nguyên Minh báo là trong chuyến qua MỸ vào tháng 10- 2015, có thể đoàn sẽ qua Virginia và ở lại nhà anh hay nhà Nguyễn Minh Nữu. Nữu thì tôi đã gặp mấy lần ở VN tính tình hoạt bát và cởi mở nên tôi nghĩ là sẽ dễ gần hơn. Nhưng sự e dè của tôi chỉ là một báo động…ảo, vì những ngày ở Virginia PCH rất nhiệt tình và thân thiện. Chính anh và Nữu đã chuẩn bị chu đáo và thu xếp mọi việc ăn ở của đoàn. Tính nghiêm túc và làm việc khoa học của hai người bạn, đã cùng sắp xếp thời gian và chương trình cụ thể đi đâu, làm gì…để trong thời gian ngắn nhất mà có thể thăm và hiểu về nước MỸ nhiều nhất. Trên các chuyến đi cùng, anh và Nữu đều thay phiên nhau nói về những đặc điểm của nước MỸ, cả ưu và khuyết. Nhờ những thông tin quý giá này mà tôi có thể tổng hợp và viết lên bút ký “Mùa Thu…những chiếc lá tìm nhau” (**) về chuyến thăm nước MỸ.
Nhưng nói về chuyến đi này, về những cuộc gặp gỡ thân tình, không thể không nhắc đến một người, mà nụ cười của người đó đã làm xóa tan mọi ngại ngùng, e ngại ban đầu để bạn bè dễ dàng ngồi lại bên nhau: Họa sĩ Đinh Cường.
Nhờ nụ cười phúc hậu và bao dung của anh…ngay cả không khí xa lạ cũng biến thành gần gũi. Mỗi cuộc gặp có anh tình bạn như được kết thêm một sợi dây nữa để thắt chặt hơn.
Rồi bên cạnh đó, tính hòa đồng và hoạt bát của Elena cũng đã góp những cuộc gặp mặt thành.. . một “sự nhập cuộc... trôi chảy”.
Trong đời tôi, may mắn gặp được những nụ cười nhân hậu mà Elena gọi đó là nụ cười Bồ Tát. Chỉ cần nhìn thôi, bao xáo trộn trong lòng như lắng dịu. Đó là nụ cười của Dalai Lama mà tôi đã gặp trong một buổi thuyết giảng, nhờ người bạn thân làm trưởng đội đệ tử cận vệ nên được xếp ngồi rất gần ngài. Thiền sư Nhất Hạnh… Nhưng không chỉ các bậc đại sư, nụ cười của những con người bình thường cũng có thể cho ta cảm giác bình yên, như nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, như chị Lan vợ anh Nguyên Minh, chị Hạnh vợ Đặng Châu Long hay của chị Cúc Hoa, vợ anh Phạm Cao Hoàng…
Với riêng tôi, còn có thêm một nụ cười nữa. Trong suốt những năm tháng nhọc nhằn ở Italia, nụ cười của Elena đã giúp tôi bình tâm và vượt qua những khốn khó thời lưu lạc.
Gia đình anh Phạm Cao Hoàng ở Virginia rất đặc biệt. Nó như một ốc đảo bình an và hạnh phúc giữa sa mạc tình người thực dụng ở MỸ. Vợ chồng anh rất quý nhau. Các con anh đều thành đạt và rất hiếu thảo với cha mẹ. Nhất là cô con gái lớn Thiên Kim rất thích đọc và cảm nhận được hồn thơ của cha mình. Ai đến thăm cha cô đều trổ hết năng khiếu thiên bẩm về ẩm thực để chuẩn bị những món ăn vừa ngon vừa trình bày đẹp mắt. Hình như các con của anh PCH đều ở chung, một gia đình tam đại đồng đường, hòa thuận hiếm có, nơi xứ sở mà chủ nghĩa cá nhân thăng hoa.
Sau chuyến đi Mỹ, khi trở về VN tôi đọc thơ PCH nhiều hơn. Cảm nhận của tôi là bồi hồi và cảm động. Phần lớn thơ anh viết đều là những rung động của trái tim, đau đáu nhớ quê, với những hình sông bóng núi.
Sống nhiều năm xa quê, tôi hiểu nỗi lòng của những người xa xứ. Nhất là những văn nghệ sĩ, những người có tâm hồn bén nhạy.Vì thế lướt qua các sáng tác anh, chỉ đọc qua tựa đề là hiểu và cảm nhận được nỗi lòng. Câu chữ của anh mang đậm nỗi ám ảnh về cuộc đời đầy ắp ưu tư, trăn trở về những cuộc hành trình, ra đi hay trở lại. Mây khói quê nhà. Đất còn thơm mãi mùi hương.
Theo tôi quê hương chính là nét độc đáo trong sáng tác của anh. Đọc câu thơ nào cũng thấy mùi thơm của đất. Bởi mùi đất là mùi thơm trên chiếc áo đẫm mồ hôi của cha mình. Người đã “ cầm lấy chiếc cày để tay con được cầm cuốn sách ” người “… đã vì con mà nhỏ xuống cho giấc mơ đời con thêm xanh”.
Viết về tâm trạng của mình khi sống ở quê người, PCH không chỉ diễn tả thân phận của riêng mình mà còn nói lên những cảm xúc của những ai buộc phải xa xứ.
mười năm sống kiếp
tha phương
thân nơi biển Bắc
mà hồn biển Đông
mười năm thương ruộng
nhớ đồng
lòng còn ở lại sao
không quay về…
Câu chữ hiền hòa của anh viết lên với tấm lòng nhân ái. Không bao giờ thấy anh chạm đến thù hận mà chỉ là tiếc thương. Không lên gân, triết lý, lạm bàn thế sự…nhưng đâu đó trong từng câu chữ, người đọc tinh ý vẫn thấy đó là hậu quả của cuộc biến động lịch sử, xã hội, mà anh và những người cùng thế hệ, di lụy đến con cháu phải chia lìa quê cũ, luôn phải gặp nhiều hoàn cảnh nghiệt ngã, là hiện thân của bất ổn xã hội.
Đau khổ, xót xa… “tưởng đâu đất lành chim đậu,nào ngờ đời vẫn chưa yên…nhưng người đọc có thể nhìn thấy một nụ cười rất nhẹ nhõm của PCH.
Dường như sau tất cả, anh đã nhận ra mình cần phải có một cái nhìn bao dung và vị tha hơn với bản thân mình sau khi đã nhìn nhận sâu sắc về cuộc đời? Nên Dù sao vẫn cảm ơn đời. Mừng là anh đã tìm đuợc niềm vui thanh thản cho tâm hồn.
Thanh thản vì dù sao ở chốn tạm dung, anh cũng có một đời sống bình yên. Căn nhà cận khu rừng Scibilia, mà anh tưởng mình đang còn ở Đà Lạt, đã cho anh một nơi trú ngụ sau tháng ngày mỏi mệt: Cũng may còn có nơi này.
bây giờ đời đã muộn
màng
nửa vòng trái đất
lang thang quê người
…
tôi nằm xuống để
nghe đất thở
tạ ơn đời độ lượng
bao dung
…
cũng may còn có
nơi này
để tôi còn có những
ngày bên em…
Chỉ có nơi này! Chỉ còn lại nơi này! Mà nơi này chẳng là gì, có thể chỉ là một khoảng không bất tận giữa đất và trời, hoa lá chỉ là gai nhọn nếu không có Cúc Hoa, người đàn bà suốt đời bên anh.
và như thế mình đi
và đã đến
đã bên nhau thủy tận
sơn cùng …
Nếu không có nàng thì nơi này chỉ là cõi mênh mông phủ kín nỗi cô đơn. Nó đẹp. Vì có tình yêu và chia sẻ. Hiểu ra điều ấy tôi không chỉ quý anh về tâm hồn nghệ sĩ. Mà còn quý cả một tình cảm đẹp và một gia đình thấm đẫm tình người.
Nhưng thật ra, sống ở quê người, dù có bình yên đến đâu thì lòng vẫn bất an. Lênh đênh như hạt bụi bay giữa vũ trụ mênh mang, và cảm xúc đau buồn, nuối tiếc ấy bàng bạc trong bài thơ “Mai kia tôi là hạt bụi”
MAI KIA TÔI LÀ HẠT
BỤI
năm tôi vừa mười một
tuổi
quê tôi bom đạn
tơi bời
bóng ma chiến
tranh quay lại
hãi hùng ôi tuổi
thơ tôi!
lớn lên dưới trời
khói lửa
mẹ thương, lo từng
bữa ăn
cha thương, lo từng
giấc ngủ
chị thương, an ủi dỗ dành
rồi đến ngày tôi giã biệt
đường đời vạn nẻo tôi đi
đường đời trăm may nghìn rủi
vẫn mong có một ngày về
nhớ ngày tôi đi biển khóc
bóng cha tôi ở cuối đường
và cánh đồng trơ gốc rạ
đất còn thơm mãi mùi hương
nhớ ngày tôi đi mẹ khóc
ruộng vườn bỏ lại sau lưng
mây mù che ngang
đèo Cả
đường xa mưa gió mịt
mùng
tôi đi và tôi đi
mãi
dừng chân ở lại
cao nguyên
tưởng đâu đất lành
chim đậu
nào ngờ đời
vẫn chưa yên
tôi đi và tôi đi
mãi
quê nhà bỏ lại sau
lưng
quê người gian nan vất vả
đường xa mây khói mịt mùng
tôi đi và tôi đi mãi
tôi đi tìm một mái nhà
rồi một ngày kia dừng lại
bên rừng Scibilia
những chiều mùa thu lá rụng
những ngày lạnh buổi đầu đông
nhìn mây bay về cố xứ
nhớ quê hương đến thắt lòng
bây giờ còn mong
chi nữa
tôi đi ở cuối con
đường
mai kia tôi là hạt
bụi
bay về phía Thái
Bình Dương
(Trong tập thơ Đất còn thơm mãi mùi hương)
“Hạt bụi” này chắc anh viết trong những ngày gần đây, khi tuổi đời chồng chất và sức khỏe không còn như xưa. Ai cũng có một quê hương để yêu thương và khi xa luôn canh cánh bên lòng nỗi nhớ. Còn nếu khi khi bắt buộc phải xa…thì nỗi đau kia càng đau đớn bội phần. Tôi quý thương anh! Như đồng cảm với nỗi lòng của những người Việt Nam phiêu dạt.
Nên tôi tin không chỉ riêng Phạm Cao Hoàng mà hàng triệu người Việt Nam trôi giạt nơi xứ người đều mang trong lòng một nỗi niềm, là mai kia được là hạt bụi để bay về bên này biển Thái Bình .
TRƯƠNG VĂN DÂN
Sài Gòn, 9.2016