HỒ ĐÌNH NGHIÊM
Người mặc áo giấy
Hồ Đình
Nghiêm - Ảnh PCH – January 2016
Bà
Sáu ở sát nhà má tôi. Sống đơn thân giữa vuông đất được ngăn bằng ván bằng gỗ
bằng những vật liệu chắp vá nghĩ có thể cản được gió mưa. Bà kiếm được công
việc rửa chén, đổ rác ở một quán nhậu đông khách ngoài phố. Buổi trưa đi buổi
tối về. Làm suốt, chỉ nghỉ việc vào ngày thứ hai trong tuần. Chợ búa cơm nước
không màng tới vì ở chỗ làm được người ta bao ăn. Căn nhà nương náu vốn lạnh
lại càng lạnh thêm.
Bà
Sáu không họ hàng thân thích, hình như chỉ có hai nhân vật xét hợp tình hợp
cảnh để “giao lưu tình cảm”: Má tôi và chú Chín. Chú Chín là người giao tiếp
rộng do công việc xúi thế: Bán vé số. Chú đi hang cùng ngõ hẹp trên đôi chân
một thật một giả, bị chú là thương phế binh. Nghe đồn trước chú ở Sư đoàn 18,
ngày cuối trong quân ngũ đã uýnh một trận thật hoành tráng một mất một còn. Gạt
lệ thua buồn vì cụt một giò và làm hàng binh không bị đi học tập cải tạo. Chú
sống với thằng con trai làm thợ hồ, vợ bỏ qua Cam xa lìa đất mẹ đã lâu chưa hề
quy cố hương. Bàn về người vợ lạt tình, chú Chín nói lời dễ nể: Mình thương bả
không hết sao ở đó lại buông lời trách móc. Thân mình chẳng còn lành lặn, bả đi
là cốt cho mình được nhẹ người, thôi trách nhiệm. Mình nuôi mình từng ngày chưa
chắc đã êm!
Sống
thanh bần giản tiện, có nhiêu tiền bà Sáu đều bỏ ra mua vé số, một cách giúp
chú Chín bớt đi xa. Một cách kiếm cớ để cả hai nói này nói nọ, chuyện thiên địa
vòng vo đất trời thì suốt đời chẳng vơi cạn nguồn cơn.
Một
bữa nọ bà Sáu la lên, bả không rêm mình trúng gió để nhác chơi. Ba tư năm cứ
vào ra trong nhà trở chứng chây lười lao động. Không đợi má tôi han hỏi, bà Sáu
cho hay: Hoàng thiên hữu nhãn, tui vừa trúng số, mộng mị cuồng điên, tính tìm
gặp chú Chín đặng biếu chú ít nhiều. Má tôi nói mà như ca cải lương: Chín nó
rày đây mai đó, như bóng chim tăm cá đâu hay biết căn hộ Chín nằm ở phương nao.
Nếu Chín biết hắt hơi nhảy mũi mí mắt giật lia giật lịa thì Chín sẽ tìm tới
Sáu, lo gì!
Bà
Sáu đi ra mấy quán cà phê, quanh quất bốn mặt chợ rậm rật cũng không nghe ra
động tĩnh về chú Chín. Có đụng mặt thằng con làm thợ hồ đang thất nghiệp. Mày
biết ổng đi đâu không? Tìm ông già tui hả? Chi vậy?
Ừa,
muốn biếu ảnh chút tiền, chỉ có nhiêu thôi. Ổng về làng kỵ giỗ ông bà gì đó, ai
biết. Đưa tiền đây, hồi nào ổng lên tui trao lại cho.
Bà
Sáu ngó tướng bặm trợn thằng con chú Chín, chừng nghe như lời chú Chín thầm thì
thủ thỉ trong tai: Hắn tiếng là con ruột mà nào coi tui ra kí lô gì, thời buổi
này chừng chẳng còn tình phụ tử, không khéo láng cháng nó uýnh mình cho tới hồi
trồi máu họng. Bà Sáu nhớ vị trí cái túi đựng đúng 100 ngàn, moi ra hết: Mày
đang thất nghiệp thì cầm cái này đặng có mà xoay xở. Hồi nào cha mày lên nhắn
ảnh tới tìm tao.
Mang
chục cam sang biếu má tôi, hai người đàn bà nhỏ to bàn luận điều gì xem chừng
tâm đầu ý hợp rì rào suốt năm canh. Và sáng hôm sau tôi được bà Sáu cậy việc:
Mày có ăn học, kiếm tấm bìa cứng viết giúp tao ít chữ “Cơm phần phát không”. Bà
Sáu mượn nồi niêu của má tôi loay hoay củi lửa quyết dùng số tiền trời cho mang
ra làm việc từ thiện. Cơm, canh đi cùng món xào hoặc thịt kho mặn. Ban đầu nấu
thử hai mươi khẩu phần, tuần sau phải nổ lực thức khuya dậy sớm nhân lên gấp
đôi. Thực khách đa phần khố rách áo ôm hoặc con cái nhà ai sống lê thân đầu
đường xó chợ. Có người đề nghị đổi tấm bìa mới ghi rõ chữ “Nhà Tình Nghĩa”, lại
có kẻ đề bạt: “Tin mừng cho người nghèo”. Chộn rộn nhưng trật tự. Mệt mỏi nhưng
đầy chật tiếng cười.
Thằng
con chú Chín có ghé qua, mắt trợn môi trề chừng như luận bàn chuyện phải trái
với bà Sáu. Ông già tui đi bán vé số ở địa bàn tỉnh khác, xâm phạm luật lệ và
bị nhà nước bắt giam. Ổng cần hai triệu để bôi trơn. Cứu người hơn xây am, hãy
đưa tui tiền hòng sớm chạy việc.
Túi
bụi lùng bùng, mồ hôi mồ kê, son chảo tùng xèn, bà Sáu thở dốc: Làng nước ơi!
Luật nào kỳ khôi vậy cha, tao hổng tin đâu, để tao lên chỗ cung cấp giấy số hỏi
cho ra lẽ. Mày có ưa ăn cơm thì nói tao liệu. Con chú Chín sa sầm nét mặt, mắt
láo liên tuy không đong đầy sát khí nhưng hiển lộ một tia nhìn hung hiểm.
Làm
việc từ thiện, muốn thành tâm giúp thế nhân nghèo khổ chẳng phải là chuyện dễ.
Tha nhân lưu lạc ghé ăn, mười đứa hết tám đều dính ngộ độc thực phẩm. Nôn oẹ,
tiêu chảy, xâm xoàng chóng mặt, đổ mồ hôi trộm, lạnh buốt tứ chi. Cơm phần phát
không bị tổ công an đặc nhiệm phong toả sờ gáy. Bà Sáu mặt cắt không ra giọt
máu đứng á khẩu, ê a thua cả con nít tập nói tiếng đầu đời. Ai đã ngậm máu phun
người? Ai đã vu oan giá hoạ? Ai đã mặt người mà dạ thú? Còn ai trồng khoai đất
này! Thằng con chú Chín là chính danh thủ phạm. May thay trong bể khổ có người
ngoi đầu lên nhớ lại một sự việc: Tui thấy hắn có ghé cửa hàng bán thuốc trừ
sâu diệt chuột bữa đó. Làm tiền không xong hắn chẳng ngại xuống tay hạ thủ.
Công an chốt lại vụ khám xét hiện trường: Bắt nó! Đồng thời không cho bà Sáu
làm chuyện ruồi bu. Có gì nhà nước lo, ai khiến bà đành hanh xí phần giúp đỡ kẻ
bất hạnh. Làm vậy hoá ra là nhà nước ta toàn một lũ khốn khó? Đứt phim hay dẹp
tiệm cũng một nghĩa như nhau! Rửa tay gát kiếm. Táng gia bại sản.
Phát
lệnh truy bắt thằng con chú Chín hôm trước thì hôm sau chú Chín từ đâu hiện về.
Bà Sáu nói: Tui chờ tui đợi tui trông mà cứ biền biệt, nay tiền bạc như mây
trôi gió cuốn đâu còn nước nôi gì để chia sẻ chút tài lộc mong manh. Tui sẽ đi
xa, không ấy tui bàn giao cho chú căn nhà xiêu vẹo này đặng làm nơi tá túc
tránh gió mưa được bữa nào hay bữa đó. Chú Chín không nói gì. Chú và má tôi là
hai người chứng lẻ loi hay biết xóm nhỏ từ nay vắng bóng bà Sáu. Tôi giật tấm
bìa chữ tôi viết nắn nót xuống. Nó chưa kịp bạc màu theo một nắng hai sương.
Khi
mọi người xua đi được hình ảnh bà Sáu ra khỏi bộ nhớ, một hôm ai trông nửa lạ
nửa quen ghé về bần thần trước cửa nhà má tôi. Chú Chín đã đi bán vé số, nhà
đóng cửa. Chỉ có má, chỉ riêng má còn nhìn nhận ra: Mèn đét ơi, phải bà Sáu đó
hôn? Một nụ cười khai mở trên gương mặt chứa đầy vẻ chịu đựng. Nụ cười chừng
xác tín cho sự nhận diện kia. Đi với bà Sáu còn thêm một bạn đường, cả hai phục
sức như nhau, đầu bịt khăn lại còn đội nón lá lên. Nón để che nắng và nó chừng
yểu mệnh việc ngăn cản bụi đường. Nghiêng lệch, bạc màu, hình thù thôi nguyên
vẹn.
Má
tôi mời hai người vào nhà. Họ cởi nón và họ quả làm khó cho mắt ai muốn đoán
non già một lượng định tuổi tác. Không tên không tuổi. Nếu chị còn nhớ tui là
Sáu thì xin cứ kêu người này là Bảy, tiện cho việc xưng hô. Má tôi xởi lởi: Sẵn
có cơm đạm bạc, cả Sáu cả Bảy chớ khách sáo mà cùng ngồi vào mâm so đũa ăn bữa
lót lòng. Bà Sáu trông xuống những mắm những trứng luộc bèn chắp tay: Dạ, tụi
tui trót nguyện ăn chay e chẳng nên phá hỏng buổi cơm này. Chỉ là tiện đường
nên tạt qua nhìn ngó cảnh cũ người xưa lần cuối, được uống miếng nước lạnh thì
không gì quý hơn. Má tôi hỏi: Bấy chầy bà Sáu đi mần ăn đâu xa? Dạ không, tui
xuất gia gửi thân nương náu trong chùa. Vì vắn duyên phận nên ngôi chùa ấy vừa
bị nhà nước giải toả đập phá san bằng thành bình địa.
Má
tôi rót đầy hai ly nước đun sôi để nguội vì xem chừng khách đã khô hơi rát cổ,
khốn khổ khi thốt nên lời. Vừa đưa tới tay vừa ném ra câu thăm dò: Vậy chớ
tương lai hoạch định ra sao? Bà Sáu chỉ tay vô người kia: Tui theo chị Bảy về
làng chị ấy học làm nghề nông, đi cấy lúa hoặc chăn dắt trâu bò. Má ngó chị
Bảy: Chốn ấy bao xa? Người mang tên Bảy cười, bờ môi chuyển dịch trông như một
vết cắt vừa xẻ trên khuôn mặt chứa đầy những nếp nhăn. Cười mà như khóc: Dạ, đi
xe đò mất ngày đường. Tính chừng nào cất bước? Nhớ mang theo thức này để ăn tạm
khi dong duỗi. Má tôi gói hai phần cơm trắng trong bẹ lá chuối đã hấp qua, gói
tém lại ngó như hai cái bánh ú. Tiếc là chẳng có muối mè.
Họ
có cái túi vải đeo chéo thân làm hành trang, cái túi lỏng lẻo kia vừa chứa đựng
thứ lương thực chay hơn cả chay, ít ỏi tới mức cuối của ít ỏi. Họ chắp tay
trước ngực: Dạ xin phép được kiếu từ. Họ đội nón lên đầu và họ thầm lặng ra
phơi thân giữa lối đi chan ngập bỏng nắng. Họ bước, bàn chân như hỏng đất, xa dần.
Má tôi không nói gì. Bà ngó theo dáng người hàng xóm cũ phai nhạt. Hồi lâu,
ngồi bó gối chép miệng: Số phần! Chẳng biết họ đã có pháp danh chưa? Tại sao
lại dây dưa tới những con số? Hết Sáu thì tới Bảy? Chú Chín nghe tin ắt hẳn sẽ
buồn vào hồn không tên.
Hồ
Đình Nghiêm
September 2016