Monday, September 12, 2016

2459. PHẠM CAO HOÀNG: ĐINH CƯỜNG, THƠ VÀ TRANH CHO ĐẾN HƠI THỞ CUỐI CÙNG




Những ai đã từng có dịp gần gũi với họa sĩ/ thi sĩ Đinh Cường đều có một nhận xét chung: Đinh Cường là một người hoàn hảo, cả về tài năng lẫn đức độ. Ông là một nghệ sĩ thuộc loại popular, được nhiều người yêu thích. Ông như một thỏi nam châm có sức hút rất mạnh đối với bằng hữu và những người yêu nghệ thuật. Ông như một chất keo có thể kết nối nhiều người lại với nhau. Ông như một vị bồ tát, một thiền sư đạo hạnh, sống an nhiên tự tại trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Đinh Cường rất kỷ luật và nghiêm túc trong việc sáng tác. Điều mà ông cho là quan trọng nhất là phải ngồi trước giá vẽ, ngồi vào bàn viết. Còn vẽ cái gì, viết cái gì thì sẽ tính sau. Thậm chí, vẽ cái gì viết cái gì cũng được. Phải bắt tay vào công việc thì mới có tác phẩm. Thời ở Kado – một vùng nông thôn hẻo lánh của người dân tộc thiểu số  thuộc quận Đơn Dương – vào những năm 1963, 1964, nhiều đêm ông và Trịnh Công Sơn mải mê sáng tác mà quên cả thời gian, đến khi nghe tiếng vượn hú ngoài khu rừng gần đó mới biết đêm đã tàn và trời sắp sáng. Trong số các họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam, ông là người vẽ chân dung văn nghệ sĩ nhiều nhất. Có khi cùng một người nhưng ông đã vẽ hàng chục bức chân dung mà ông vẫn chưa thấy đủ. Đó là trường hợp của Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Trịnh Công Sơn.  Những bức tranh thiếu nữ do ông vẽ thì đẹp vô cùng.

Những năm tháng sống ở Virginia, tôi để ý thấy ông có bốn nơi để vẽ. Một là ngồi vẽ ở nhà - trong garage khi trời không lạnh lắm. Hai là vẽ ở nhà - trong studio dưới basement về mùa đông. Ba là vẽ chân dung cho bạn bè trong các buổi gặp gỡ. Đây là một điều rất đặc biệt và thú vị. Trong các buổi gặp gỡ  ông rất ít nói, lặng lẽ lấy giấy bút ra vẽ chân dung một người nào đó đang có mặt ở đó mà chính người đó không biết ông đang vẽ mình. Cuối buổi gặp gỡ ông cho mọi người xem và người được vẽ tất nhiên là vui không thể tả. Ông tận dụng thời gian và cơ hội gặp gỡ để phác thảo nhanh các bức chân dung. Địa điểm thứ tư mà ông ngồi vẽ là quán cà phê Starbucks cách nhà ông khoảng 30 phút đi bộ. Nơi đây ông đã vẽ theo trí nhớ chân dung của rất nhiều văn nghệ sĩ.

Vẽ  đối với ông như hơi thở. Mười ngày trước khi qua đời, nằm trên giường bệnh ông viết bài thơ Trưa nằm nhìn lên kệ sách, trong đó có câu “xin cho tôi vẽ dâng trào. nhựa xưa”. Trong Bài nhìn lên kệ sách 5, ông nói đến nỗi buồn của ông khi bệnh tật đã làm cho ông không còn được vẽ và niềm khao khát được vẽ: “mùa xuân với trận mưa rào/cho tôi xin. một tiếng gào. Picasso.” 

Rất bận rộn với việc sáng tác nhưng ông vần dành nhiều thời gian cho các bài viết về hội họa. Cuốn Đi vào cõi tạo hình của Đinh Cường do nhà xuất bản Văn Mới ấn hành tại California năm 2015 là một cuốn sách về hội họa quan trọng, rất cần thiết cho những ai muốn tìm hiểu về hội họa Việt Nam. Cuốn sách này là kết quả của hơn 50 năm tìm hiểu, sưu tầm, tích lũy, trong đó có những tài liệu chỉ gia đình ông mới có. Tính ông cẩn thận  và chân thật nên những thông tin, những tài liệu trong cuốn sách là rất đáng tin cậy. Đây mới chỉ là tập 1 trong bộ sách gồm 2 cuốn. Tập 1 viết về các họa sĩ xuất thân từ trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương những năm 1930 cho đến giai đoạn chuyển tiếp 1954. Tập 2 viết về những họa sĩ cùng thời với ông xuất hiện từ năm 1957 trở về sau. Tiếc là tập 2 chưa kịp in thì ông đã ra đi nhưng chắc chắn gia đình ông cùng nhà xuất bản Văn Mới sẽ ấn hành tập 2 trong thời gian sắp tới.

Viết đối với ông cũng cần thiết như hơi thở. Ông làm thơ rất sớm và thơ ông xuất hiện đầu thập niên 1960 trên các tạp chí văn học ở Sài Gòn. Từ năm 2010 trở đi ông bắt đầu viết nhật ký dưới dạng những bài thơ mà ông gọi là đoạn ghi hay còn gọi là bản tin văn nghệ và phổ biến trên mạng internet. Đây là những bài thơ ghi lại cảm xúc của ông về những sự kiện xung quanh ông, về tình cảm của ông đối với quê hương, gia đình, bạn bè… Cho đến nay ông đã viết cả ngàn bài thơ, trong đó có nhiều bài thơ rất hay, nhiều câu thơ xuất thần làm xao động lòng người.

Trong ba năm 2013, 2014, 2015 và tuần lễ đầu tiên của năm 2016, chỉ riêng trang blog Phạm Cao Hoàng đã đăng 875 bài thơ Đinh Cường kèm theo một số lượng tranh tương đương như vậy. Thơ ông còn được phổ biến trên các trang web: Văn Chương Việt (trong nước), Thư Viện Sáng Tạo (Canada), Da Màu (Hoa Kỳ), Tiền Vệ (Úc Đại Lợi), blog Trần Thị Nguyệt Mai và blog Nguyễn Xuân Thiệp. Khoảng 200 bài thơ của ông đã được in thành 2 tập: Cào lá ngoài sân đêm (Thư Ấn Quán, 2014) và Tôi về đứng ngẩn ngơ (Quán Văn, 2014). Nếu in hết thơ của ông thành sách phải đến 10 tập.

Đinh Cường có 3 nơi để ngồi viết.

Nhiều nhất là ở quán cà phê Starbucks nằm trong một khu thương mại ở đường Burke Centre Parkway. Những nghệ sĩ lớn thường có những thói quen riêng, và thói quen của ông là ngồi ở Starbucks để viết. Làm gì thì làm, đi đâu thì đi, nhưng thói quen của ông là mỗi ngày đến đó hai lần, khoảng 10 giờ sáng và 4 giờ chiều. Từ nhà ông sang đó rất gần nên ông thường đi bộ ; chỉ khi nào thời tiết xấu ông mới lái xe. Những lần chúng tôi đi ăn tối với ông, trên đường về bao giờ ông cũng ghé vào đó một mình để viết bài thơ trong ngày rồi mới về nhà.  


Quán Starbucks ở đường Burke Centre Parkway,
nơi Đinh Cường ngồi để viết và vẽ trong nhiều năm
Ảnh: internet

Nơi thứ hai ông ngồi để viết là trong basement ở nhà ông. Thường thường ông thức dậy vào khoảng ba giờ sáng để viết, tự đánh máy trên computer rồi gửi ngay trong đêm đến những nơi cần gửi. Bốn giờ sáng là giờ tôi thức dậy; bao giờ tôi cũng check email xem ông có gửi bài hay không, nếu có tôi đưa lên blog ngay để bạn bè và những người hâm mộ ông có thể đọc được khi họ thức dậy vào lúc sáng sớm. Từ năm 2015, sức khỏe ông sa sút dần, hai ba ngày không thấy có bài của ông là dấu hiệu của một điều gì đó không bình thường.

Nơi thứ ba mà ông ngồi để viết là trong các buổi họp mặt bạn bè văn nghệ. Đây cũng là điều rất đặc biệt đối với Đinh Cường. Có lẽ ông là người duy nhất có thể sáng tác trong những không gian kiểu như vậy. Lần đầu tiên tôi được “thưởng thức” kiểu sáng tác này là đêm 28.2.2011, tại buổi họp mặt khoảng 15 người tại nhà tôi ở Centreville nhân dịp họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi, ca sĩ Nguyễn Ngọc Phong cùng nhóm bạn ở Boston và Canada sang chơi. Trong lúc mọi người đàn hát, trò chuyện rôm rả thì ông loay hoay ngồi viết một cái gì đó, đến khi mọi người đề nghị ông đọc thơ thì ông đọc ngay bài thơ vừa viết tại bàn tiệc: Đoạn ghi đêm Centreville. Tôi hết sức bất ngờ và ngạc nhiên, tự hỏi trong một không gian khá ồn ào làm sao ông có thể viết rất nhanh một bài thơ hay như vậy. Bài thơ này đã trở thành một kỷ niệm lớn đối với gia đình tôi.


Nguyễn Trọng Khôi - Đinh Cường
Đêm Centreville, 28.2.2011
Ảnh PCH

ĐOẠN GHI ĐÊM CENTREVILLE

“Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ “
Quang Dũng

Tôi biết vì sao anh vẽ ly thuỷ tinh
vẽ những viên cuội như có linh hồn
sao chiều nay gặp nhau nhà Phạm Cao Hoàng
Centreville mà như ngồi ở Harvard Square
tiếng chim báo mùa xuân đã về
bình hoa tulipe màu vàng chanh
giọng ca Phong một thời Đà Lạt
những cánh hoa phù dung buồn
ru người con gái ngủ yên bên Hồ Than Thở
mây trên núi đôi buổi chiều bay thấp xuống
không có bước chân ai về trên đồi thơm (1)
đánh thức những vì sao
đánh thức vầng trăng khuya
trên những mái nhà nguyện cổ Domaine de Marie
hay chuông ban trưa nhà thờ con gà
đôi má ửng hồng áo len xanh
nụ hôn đầu dấu duới hàng hoa mimosa  
Tôi biết vì sao anh vẽ ly thuỷ tinh
vẽ những viên cuội như có linh hồn
viên cuội trắng của tôi thời trẻ dại
thuỷ tinh buồn thoáng hiện bóng ai xưa …

Đinh Cường
Virginia , February 28 .2011

(1)  ĐÀ LẠT, GiẤC MỘNG TRÊN ĐỒI THƠM
Ca khúc Nguyễn Trọng Khôi viết tặng Đinh Cường.
đôi má ửng hồng áo len xanh/nụ hôn đầu dấu duới hàng hoa mimosa. Đây là những câu thơ xuất thần, hình ảnh người con gái trong hai câu thơ rất là Đà Lạt, và lòng người Đà Lạt chắc phải xao xuyến khi đọc những câu thơ này.Trong nhiều buổi họp mặt khác ông cũng viết như vậy rồi giao bản thảo cho tôi về nhà đánh máy để đưa lên blog. Buổi chiều họp mặt, buổi tối đã thấy thơ Đinh Cường trên internet. Và ông vẫn thường nhắc lại lời của Bùi Giáng: vui thôi mà.


Thanh Bình - Nguyễn Mạnh Hùng - Đinh Cường - Ngọc Loan - Cúc Hoa
Họp mặt 13.4.2014 - Đinh Cường đang viết một bài thơ
Ảnh PCH

Đinh Cường đi nhiều, giao tiếp rộng, suốt đời nâng niu cái đẹp của hội họa và thi ca, coi trọng tình nghĩa. Tình bạn của ông đối với Trịnh Công Sơn, Bửu Ý, Lữ Quỳnh, Nguyễn Quốc Thái, Nguyễn Đức Sơn… được xem như những mẫu mực về một thứ tình bạn thủy chung cao quý. Nhận xét về Đinh Cường, Nhã Ca đã nói với Đinh Trường Chinh, “... cháu phải hãnh diện về Bố với cách sống, cách nhìn, cách cư xử , cách cho và cách nhận của Bố đối với người thân và bằng hữu".  Một nhận xét chính xác và đầy đủ về họa sĩ/thi sĩ Đinh Cường.

Ba tháng cuối của năm 2015, sức khỏe của ông yếu hẳn nhưng vẫn cố gắng tham dự những buổi gặp gỡ với bạn bè và lần cuối cùng tôi gặp ông là hôm 20.12.2015. Hôm ấy, khi ghé đón ông đi ăn trưa với một số thân hữu nhân dịp nhà thơ Viên Linh từ California sang, ông không còn lên nổi cầu thang trong nhà như mọi khi để ra cửa trước rồi bước lên xe. Từ basement, Đinh Trường Giang dìu ông ra cửa sau của basement, vòng lên con hẻm bên hông nhà, từng bước, từng bước. Khi tôi đưa ông về, Đinh Trường Giang chờ sẵn trước cửa, lại từng bước, từng bước đưa ông theo cửa sau để vào basement. Chứng kiến cảnh này, tôi bắt đầu lo sợ. Không còn nữa một Đinh Cường hào hoa phong độ mà chỉ còn một Đinh Cường chống cây gậy liêu xiêu đi về phía khu rừng Natick.  Khi chia tay, ông nói lưng ông đau nhức lắm, ngồi trước computer để đánh máy là một điều hết sức khó khăn.


Đinh Cường - Nguyễn Tường Giang - Viên Linh - Đặng Đình Khiết
Virginia, 20.12.2015 -  Gặp Đinh Cường lần cuối
Ảnh PCH

Sau những buổi gặp gỡ như vậy, thế nào buổi tối tôi cũng sẽ nhận được một bài thơ của ông, nhưng tối hôm ấy chờ mãi không thấy. Sau đó, gần một tuần vẫn không thấy bài của ông. Bạn bè khắp nơi xôn xao lo lắng. Đến 26.12.2015 mọi người mới bớt lo vì lại thấy bài của ông: Bài sau Mùa Giáng Sinh. Hai hôm sau, ông gửi tôi bài Trưa nằm nhìn lên kệ sách. Đây chính là Bài nhìn lên kệ sách 1. Bài này ghi tặng Nguyễn Xuân Thiệp. Mở email ra để lấy bài, lòng tôi chùng xuống: bài thơ này đúng là của ông nhưng người đánh máy và gửi bài không phải là ông. Tôi đã nhận trên 800 bài thơ của ông nên biết rõ cách ông đánh máy một bài thơ.  Tôi gần gũi với ông nhiều năm, từ việc ông làm tôi có thể hiểu ông muốn nói điều gì: ông đang viết cho đến hơi thơ cuối cùng. Ông đang đọc cho các con ông đánh máy những bài thơ cuối cùng của ông. Tôi bắt đầu nhìn thấy ngày ông ra đi đã gần kề, tuy nhiên tôi không để lộ điều này trên blog, vẫn nhẹ nhàng đưa bài lên net, và mọi người lại vui mừng vì lại thấy thơ ông. Còn có thơ có nghĩa là còn thở. Những ngày này hễ một hai hôm không thấy bài ông là bạn bè lại gọi điện cho tôi tới tấp: Chuyện gì đang xảy ra? Sao không thấy thơ Đinh Cường?.

30.12.2015, tôi nhận Bài nhìn lên kệ sách 2. Bài thơ này là một masterpiece, viết về hai người em gái – một ở Utah và một ở bên Bỉ - sang thăm ông. Những bài thơ Đinh Cường viết về mẹ, về gia đình đều là những bài thơ hay. Bài thơ hay, nhưng khi đọc tôi cảm thấy quá buồn: việc hai người em gái từ những nơi xa xôi về thăm ông trong lúc này có phải là dấu hiệu của một cuộc chia tay sắp xảy ra?


BÀI NHÌN LÊN KỆ SÁCH 2

Chiều em gái út
từ Belgique qua thăm
cùng em gái từ Utah
tôi cảm động muốn khóc
hai em nói tôi giống me
me tôi, hiền. phúc hậu
mái tóc bạc trắng như cước
thích nằm móc laine
khăn choàng cổ, những tấm mền nhỏ
cho con cháu... còn thích đọc sách
me ơi, em Oanh. í. à
qua thăm con. con nhớ cả
một thời Tân Định
Oanh mặc áo đầm hồng
học trường Thiên Phước
trong sân nhà thờ
con còn nghe tiếng chuông
con còn nghe dòng xe nhộn nhịp
trên đường Hai Bà Trưng
nhìn mái chợ thân quen
chiều con nằm mà nhớ
chiều con nằm nhìn lên kệ sách
tranh Chagall luôn là tình yêu
quê hương
ngày nhỏ ...

Virginia, December 30, 2015
Đinh Cường

Ngày đầu năm 2016, tôi nhận Bài nhìn lên kệ sách 3, ghi tặng Lữ Quỳnh. Ông có nhiều bài thơ ghi tặng Trịnh Công Sơn, Lữ Quỳnh –  những người bạn ông rất quí mến. 

Ngày 2 tháng 1. 2016 tôi nhận Bài nhìn lên kệ sách 4. Đọc bài thơ này tôi không cầm được nước mắt. Bài thơ nói về tình bạn của ông với luật sư Nguyễn Thế Toàn và giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, nhưng lại ghi tặng Phạm Cao Hoàng. Ông là người ý tứ, mỗi việc ông làm đều muốn biểu hiện một điều gì đó, như một metaphor. Tôi biết rõ tấm lòng của ông đối với tôi.


Đinh Cường - Phạm Cao Hoàng
Virginia, April 2011
Ảnh Kristina Phạm

Ngày 3 tháng 1. 2016 tôi nhận Bài nhìn lên kệ sách 5, ghi tặng họa sĩ Bửu Chỉ mặc dù Bửu Chỉ đã qua đời cách đây 13 năm. Ông sống chung thủy với bạn bè, kể cả những người đã khuất núi. Đây là bài thơ cuối cùng của ông. Đinh Trường Chinh đã ghi lại cảnh tượng đầy xúc động khi ông viết bài thơ này:

“Ngày làm bài thơ cuối đời, "Nhìn Kệ Sách 5" là một ngày chủ nhật, 3 tháng 1, 2016. Đúng một tuần trước. Tôi ngồi bên chiếc ghế cạnh giường, chiếc ghế mà anh chị tôi hàng ngày vẫn dùng để chăm sóc ông. 

Ba tôi nói:  "Con đánh giùm Ba một bài thơ đăng trên web cho vui . Anh em chờ tin Ba dữ lắm". Đau như thế, Ba tôi vẫn gắng gượng đăng thơ mỗi ngày, có lẽ một phần nào muốn dấu đi hiện trạng sức khỏe mỗi ngày mỗi xấu đi bằng tốc độ quá nhanh chăng? 

"Dạ , Ba đọc đi". Tôi thấy ông nhắm mắt. 

"Chờ Ba suy nghĩ chút . Rồi." Ông yếu ớt đọc :

"Nhìn lên khuôn mặt nông dân
dáng ông vạm vỡ lâu đài cao sang".

5 phút trôi qua. Không phải Ba tôi tìm thêm ý mà ông quá mệt để suy nghĩ. Mắt nhắm ngủ. Rồi bừng tỉnh dậy.

"dù che gió cho nàng 
đi qua bãi cát đẹp càng biết bao."

Ba tôi kể thêm , "Thằng" Picasso cầm dù che cho Françoise Gilot . Con tìm cái hình này trong cuốn sách chụp lại cho Ba gửi với bài thơ".

Tôi biết ông thiếu một chữ cho câu lục (bát). Tôi thêm chữ "nắng" . "Nắng gió ..."

Rồi Ba tôi lại thiếp. Lần này lâu hơn.

Cuối cùng ông cũng tỉnh lại được . Đầu óc lúc nào cũng tỉnh táo và minh mẫn . Ông từ tốn đọc trong lúc mắt nhắm :

“mùa xuân với trận mưa rào
cho tôi xin 
(chấm). một tiếng gào
(chấm). Picasso.
(chấm)"

Tôi đánh 2 câu thơ cuối theo ý Ba tôi .

"À, nhớ ghi chú "Tiếng Gào" là nói đến bức tranh Guernica . Và nhớ vào phòng chụp cái hình Picasso mắt thồ lộ Ba treo cạnh bàn viết hai mươi mấy năm rồi ".

Tôi in ra cho Ba tôi duyệt lại trước khi gửi. "Đẹp quá " . Ông chặc lưỡi . Hình như lúc Ba tôi cũng chỉ "khen".

Tự dưng nhớ ra điều gì . Ba tôi vói nói theo : "Nhớ đề tặng Bửu Chỉ cho Ba". 

(ĐINH TRƯỜNG CHINH, Bài thơ cuối của ba tôi)

Sau Bài nhìn lên kệ sách 5, tất cả bắt đầu chìm vào im lặng. Tôi không còn liên lạc được với gia đình ông. Email cho Dạ Châu không thấy trả lời và tôi biết chuyện gì đang xảy ra.

Bốn ngày sau khi viết bài thơ cuối cùng, Đinh Cường vĩnh viễn ra đi để lại tiếc thương cho biết bao người, để lại một khoảng trống trong tâm hồn tôi mà tôi biết sẽ không bao gờ lấp nổi.

Phạm Cao Hoàng
Scibilia, January 11, 2016


Phác thảo chân dung Phạm Cao Hoàng
Đinh Cường (2010)


Đinh Cường và bằng hữu
Studio Trương Vũ, - Virginia, 24.10.2015