NGUYÊN MINH
Hình như tôi cũng bị thương
Một buổi
sáng, ngủ dậy, tôi nhìn qua khung cửa sổ, thấy mọi vật đều thay đổi một cách lạ
lùng. Mới ngày hôm qua, tôi còn nhìn được dãy nhà bên kia bờ thành, cái cao cái
thấp, màu xanh màu đỏ, màu vàng, chen lẩn nhau, mơ mơ hồ hồ như cảnh vật ở miền
cao nguyên. Hôm nay, bỗng dưng biến mất, bị che lấp bởi hàng cây xanh cổ thụ
như hàng rào cao vút chắn ngang, dọc theo con đường nhựa trước mặt. Có phải tôi
còn nằm mơ.
Những hàng
cây phượng, những hàng cây cau cao vút, già cũng bằng tuổi tôi bây giờ. 70
tuổi. Chỉ một đêm, nó từ đâu mọc lên. Hay ai đã bứng ngôi nhà của chúng tôi
đang ở một con hẽm nhỏ, quăng nó vào một không gian khác, nơi có hàng cây cổ
thụ đó. Tôi bỡ ngỡ. Tầm nhìn của tôi bị giới hạn. Cứ mỗi lần mở cửa sổ ra là
tôi bực tức, khó chịu như muốn nghẹt thở.
May sao,
chỉ một tháng sau, trong chuyến thăm nhà ở quê vài ba ngày trở về, khi tôi vào
phòng riêng việc đầu tiên là phải mở cửa sổ để lấy ánh sáng ban mai tràn vào.
Những làn gió thoảng nhẹ nhàng từ khoảng trống rộng bao la trước mắt thổi vào,
lướt qua da mặt của tôi, mát mẻ dịu dàng. Tôi ngạc nhiên vô cùng. Ô hay, hàng
cây xanh cổ thụ đó đã biến mất. Trả lại cho tôi bãi cỏ xanh um, ngút ngàn, mênh
mông, tôi cứ mang cảm giác mình đang đứng trước biển. Gió thổi từng cơn làm đám
cỏ lau chập chờn uốn lượn như những con sóng từ ngoài khơi vỗ vào bờ.
*
Sáng hôm nay, như mọi ngày, tôi đang ngồi trước máy
vi tính gõ lốc cốc những chữ trên trang bản thảo thì Lại, một người bạn văn
mới, đến rủ đi chơi.
Buổi sáng sớm trời Sài gòn mát dịu, những con đường
nhựa cũng đầy xe cộ chạy rộn rịp, đội trên đầu cái nón bảo hiểm nặng trịch, hai
tay tôi ôm choàng lấy lưng người bạn mới. Chiếc gắn máy chạy chậm đủ để tôi
nghe Lại kể chuyện. Giọng nói Quảng Nam lanh lảnh bên tai, nhưng có lúc tôi
phải hỏi lại vì tiếng xe tải ồ ạt mới chạy ngang.
Một tiếng đồng hồ sau chúng tôi mới ra khỏi những
con đường trong phố đầy ấp xe cộ. Ra đến ngoại ô, hai bên đường còn sót lại vài
khoảng đất trống. Gió thổi vi vu. Lên đến giữa một cây cầu Lại dừng xe. Tôi
nhìn xuống dưới. Con kênh nước màu xám nghịt lờ đờ như không muốn chảy. Dãy nhà
sàn ổ chuột, lỏng chỏng nửa trên bờ nửa ra kênh, chỉ còn lưa thưa vài cái. Con
đường chuẩn bị mở rộng, ngổn ngan đất đá. Trong trí nhớ mơ hồ tôi thấy những
ngôi nhà này quen thuộc nhưng tôi chưa kịp nhớ ra gì từ nơi đây thì Lại hối lên
xe.
Lại chở tôi đến một nơi xa lạ. Những khu nhà biệt
thự bề thế, sang trọng, tường cao cửa kín, những con đường bao quanh tráng nhựa
láng bóng, sạch sẽ không một cọng rác. Ngã tư đường không có đèn xanh đèn đỏ.
Vắng vẻ. Không nghe tiếng xe cộ, cũng không thấy người đi bộ. Lại chở tôi đi
khắp những con đường không gắn bản tên. Nhìn sững những hàng phượng già hai bên
đường tôi nghĩ cái tuổi của nó cũng đã hơn 50 năm, còn những ngôi biệt thự này
mới xây lại trên nền nhà cũ chăng? Tôi nói với Lại ý nghĩ này. Anh cười bảo nơi
này ngày xưa là bãi đất hoang vu. Thời chiến tranh ai dám qua đây. Giờ người ta
xây nhà biệt thự cho nhà giàu ở.
Tôi vẫn mang cảm giác lạc lỏng, xa lạ. Lại dẫn tôi
vào một nhà hàng trong khu phố mới này. Rộng rãi. Cao ráo. Bàn ghế toàn là sa
lông nệm thời thượng. Nền nhà lát gỗ bóng loáng thấy cả bóng người. Lại kéo tôi
đến đứng trước tủ kính trưng bày những loại bánh dùng điểm tâm. Cả hai chúng
tôi tự mang cà phê và bánh ngọt của mình đến chiếc bàn có hai ghế nệm đặt ở một
góc nhà gần cửa ra vào. Cửa kính trong suốt tôi nhìn được toàn cảnh bên ngoài.
Khách hầu hết là người ngoại quốc. Họ vui vẻ bô bô nói chuyện nhưng tiếng nói
không lan ra được. Tôi chỉ thấy họ cười nhăn răng và hai tay cử động như một
màn kịch câm. Còn Lại thì đọc cho tôi nghe bài thơ Đường vừa mới làm. Giọng hắn
sang sảng, vẻ mặt đăm chiêu, nhưng tôi không cảm nhận được, không phải vì lời
thơ mà vì cái không khí xa lạ này. Thấy tôi thờ ơ hắn im lặng. Còn tôi, tôi chỉ
nhìn ra ngoài và đầu gật gật tỏ vẻ khó chịu.
Một lát sau, bốn cô gái thướt tha mang phần điểm
tâm của họ lại ngồi bàn gần kề chúng tôi. Nhìn cách ăn mặc tôi cứ tưởng họ là
người Hàn quốc. Da trắng mướt. Tóc búi cao, màu vàng ánh. Những sợi dây chuyền
dài lòng thòng đến giữa vùng trũng đôi ngực tròn lẳn một ngọc bội bằng đá cẩm
thạch. Hai tai lủng lẳng hai chiếc khoen bạch kim. Tôi tưởng họ sẽ xi xô tiếng
Hàn. Nhưng không. Họ nói chuyện bi bô, giọng đặc sệt miền Bắc, khoe của khoe
tài.
Đến lúc này tôi ngán ngẩm. Nhìn vẻ mặt nhăn nhó của
tôi, Lại biết ngay, anh đề nghị ra ngồi ngoài hiên. Tôi gật đầu. Ngồi dựa mình
vào thành ghế sa lông nệm, hớp một chút cà phê, đắng nơi miệng, nuốt xuống một
cái, quên đi những hình ảnh vừa qua. Nhìn quang cảnh trời mây trước mắt, thở
một hơi không khí trong lành, lòng tôi
mới man mác một nỗi buồn vu vơ.
Nhà hàng này có hàng hiên rộng và dài. Mái che đưa
tận ra ngoài lề. Đường đi dành cho khách bộ hành được lát bằng đá hoa, bằng
phẳng, thẳng tắp. Tôi chợt nhớ đến nhà hàng Continental trên đường Tự Do cũ,
trước năm 1975. Nơi nầy khách ngoại quốc thường đến, và chúng tôi là những
người làm báo cũng thỉnh thoảng bước vào, ngồi dựa ngữa vào ghế nệm, hít vài
hơi thuốc lá Palmal, thả khói bay ra, nói chuyện bâng quơ. Thỉnh thoảng, một số
phóng viên mang máy quay phim, cặp thêm chiếc mặt nạ, kèm theo bịch nước đá và
nhiều trái chanh đã cắt nhỏ để đối phó với hơi cay. Bên kia đường cạnh nhà Quốc
Hội đang diễn ra cuộc biểu tình. Cảnh sát mặc đồ rằn ri. Tay cầm chiếc chắn to
như cái nia. Tay còn lại lăm lăm cây dùi cui, bên hông lủng lẳng vài trái lựu
đạn cay. Xe GMC chắn ngang đường. Hết sinh viên đấu tranh. Xô xát. Bên quăng
đá. Bên liệng lựu đạn cay xé mắt. Tiếng người la hét. Bắt bớ. Giằng co. Hết nhà
báo mang bị vải rách, chống gậy làm ăn mày như cái bang trong truyện kiếm hiệp,
tuần hành đòi tự do báo chí, đòi bỏ chế độ kiểm duyệt. Lại đến thương phế binh
mặc đồ lính trận, đủ các binh chủng, hàng ngang đi tới trên những chiếc nạn gỗ
bước loạng choạng, phía sau là những thương binh cụt chân ngồi trên xe lăn có
đồng đội là kẻ mù lòa hai tay nắm chặt vào thành xe lần theo, họ giăng biễu
ngữ, đòi phải có chính sách xứng đáng bồi thường một phần thân xác họ đã bỏ
lại. Không có xô xát. Cảnh sát đứng im, bất động. Vẩy tay chào nhau.
Đó là một thời đã qua với những biến động lịch sử:
những cuộc chỉnh lý, đảo chánh, lật đổ, cùng những bất ổn trong đời sống thị
thành. Sau tháng 4 năm 1975 nhà hàng Continenal thành cửa hàng ăn uống Đồng
Khởi, bảng hiệu màu đõ chữ vàng. Thời gian này, tôi cùng vợ con về sống tại
ngôi nhà số 11 ở tận một thị xã miền Trung, thỉnh thoảng mới có dịp vào Sài
Gòn. Tôi ghé vào đây, lòng đau nhói, nuốt không trôi những sợi mì, như có vật
gì chận nơi cuống họng. Từ nhà hàng sang trọng, bỗng trở thành nhà ăn tồi tàn,
khách tạp nhạp, bình dân, quần áo lôi thôi, bàn ghế xộc xệch. Khách hàng còn
phải dành nhau mua phiếu thức ăn, và phải đến quầy nhận lấy rồi lơ ngơ không
biết tìm chỗ ngồi nơi đâu vì gần như đã đầy người. Uống chỉ được một cốc bia
hơi tiêu chuẩn, ăn một tô mì không phải như món đã ghi nơi phiếu là tô phở,
thắc mắc hỏi lại, trả lời nhát gừng: hết rồi, không ăn thì mất. Đành cười trừ.
Thế thôi. Quen rồi, đâu cũng thế. Tôi thèm bia nên phải vào. Lạ lẫm. Tôi khó
chịu khi nhận ra mình như đang ngồi ăn tập thể trong nhà tù vì khi nhìn ra
ngoài quán bị ngăn cách bao quanh bởi hàng rào bằng lưới B.40. Càng đau lòng.
Càng nát tim khi tôi chứng kiến một cảnh ăn xin tập thể bất ngờ xảy ra trước
mắt. Đùng một cái, từ bên kia đường nơi nhà Quốc Hội cũ bấy giờ là Nhà Hát
thành phố, hàng trăm người túa ra, quần áo rách rưới, già trẻ, trai gái, mặt
mày lem luốc, thân xác gầy mòn, và nhất là thương phế binh còn mang trên mình
những bộ đồ lính trận đã bạc phếch, tả tơi, đang lếch đi trên nạn gỗ, hoặc lủng
lẳng tay áo vì cánh tay đã cưa tận bả vai, hoặc đã mù lòa đôi mắt trắng đục,
hàng loạt những cánh tay đen đuốt, ốm teo, da nhăn nheo, gầy như que củi khô,
lắc lắc, đang run rẩy cầm những cái lon sữa bò trống không, móp méo, những
chiếc bát bằng đất nung sứt mẻ, lòn vào khe hở giữa thành lan can cửa hàng và
hàng lưới kẽm rào để xin ăn. Bỗng một hồi còi tu huýt thổi liên tục làm đám
người khốn khổ này thụt tay thật nhanh làm rơi xuống vài cái lon trống không,
phát ra những âm thanh như tiếng nhạc buồn. Những người bảo vệ xuất hiện, vai
áo mang băng đỏ, mặt hầm hầm, quơ tay chỉ chỏ, miệng thổi còi rồi la hét đuổi
xô. Đám người lặng lẻ rút đi qua bên kia đường đứng lơ ngơ, chờ đợi lúc vắng
người bảo vệ, cảnh tượng ban nãy tái hiện. Những khách ngồi ăn xì xào, có tiếng
của một bộ đội, mang dép râu thốt lên: “tàn dư Mỹ nguỵ”. Tôi đứng dậy, bỏ ăn nửa chừng, bước vội ra
ngoài.
Tôi không về nhà. Tôi đạp chiếc xe đạp cũ mèm trên
những con đường vắng, ngang qua những phố phường đã khép kín cửa, chỉ lưa thưa những
cửa hàng quốc doanh và hợp tác xã mua bán, thỉnh thoảng mới có vài chiếc xe hơi
nhà nước chạy giữa đường, hầu hết người dân đi xe đạp, họa hoằn lắm mới nghe
tiếng nổ lịch bịch của xe honda dame. Dưới ánh nắng chói chang của mùa hè Sài
Gòn làm tôi toát mồ hôi trán.
Tôi đi như một kẻ mộng du. Đến lúc ngừng xe lại mới
nhận ra mình đang đứng trước dãy nhà sàn lụp xụp bên bờ kênh Nhiêu Lộc, dưới
chân cầu Ông Lãnh. Tôi cố nhớ số nhà của Đỗ hoặc mường tượng một cái gì quen
thuộc từ phía trước căn nhà đó nhưng không sao nhớ nổi. Vừa dắt xe đi tôi vừa
gọi to:
“ Đỗ ơi! Mày ở đâu?”. Mọi người chung quanh đều cu
rú trong nhà khép kín.
Tôi gọi khàn cả cổ. Một lát sau tôi nhận ra Đỗ,
người đàn ông xơ xác trong bộ đồ lính, mắt mang đôi kính đen, tay cầm chiếc gậy,
lơ quơ tìm đường, khập khểnh bước tới về phía có tiếng gọi. Tôi mừng quá bước
vội về phía đó. Đỗ đưa bàn tay gầy guộc cầm chặt tay tôi, dắt vào nhà.
Nhà lợp tôn, cái nóng ban trưa áp xuống, nền xi
măng bóng láng tỏa một chút hơi mát nơi chân trần. Tôi bước đi nhẹ nhàng. Đỗ bỏ
chiếc gậy vào một góc tủ, như một người sáng mắt, anh bước đi tránh né những
vật dụng ngổn ngang như đã quen đường đi nước bước. Cả tôi và Đỗ bước xuống nhà
sau, lát bằng những miếng gỗ lấy từ những thùng chứa đạn, cùng ngồi trên chiếc
chiếu đã trải sẵn, hai chân xếp bằng, trước mắt là con lạch, hẹp nhưng dài, lờ
đờ nước màu xám xịch chảy qua, thỉnh thoảng vài ngọn gió hiu hiu thổi, mát
rượi.
Đỗ hỏi thăm tôi về gia đình con cái bằng giọng Huế
nhẹ nhàng, êm ái. Tôi hỏi: “Liên đâu?” - “ Liên đang ngồi bán sách cũ ở vĩa hè
Lê Lợi, tối mới về. Ông ở lại với tụi mình. Sẽ có những chuyện làm ông ngạc
nhiên.” Tôi gật đầu. Bỗng nhiên Đỗ cất tiếng cười khan rồi hát khẻ bài “Que Sera”. Dứt bản Đỗ nói: “Biết ra sao
ngày mai.”
Thời trẻ, ở Huế, tôi với Đỗ và Liên cùng học chung
một lớp, một trường. Hết niên học cuối, bạn bè tản mác, Đỗ cùng vài đứa bạn vào
quân đội. Tôi vào Sài Gòn làm báo. Mười năm sau, tình cờ hai thằng gặp nhau tại
Sài Gòn trong một cuộc biểu tình. Một thằng sáng mắt. Một thằng mù mắt. Một
thằng sống an lành trong phố thị. Một thằng dầm sương giải nắng trong rừng núi,
cùng tiếng súng đạn, hoả tiển gầm vang. Đỗ mang lon đại úy, đầu đội mũ bê rê
màu đỏ, mắt mang kính đen, quần áo xanh lá rằn ri, chân mang đôi giầy trận, dẫn
đầu đoàn biểu tình của thương phế binh. Sau đó, Đỗ cho tôi biết chỗ ở của anh.
Căn nhà lụp xụp trên kênh Nhiêu Lộc. Tôi đến thăm Đỗ. Bên cốc rượu đế trắng,
hai thằng bạn kể chuyện đời.
Tôi ngạc nhiên khi thấy Liên trở về nhà kéo theo
mấy người thương binh, có kẻ cụt một chân chống nạn khập khểnh bước, có người
lủng lẳng cụt tay trong cánh áo, thêm kẻ ngồi trên xe lăn hai chân đã cưa tận
đầu gối, cuối cùng một người đầu nghểnh qua một bên, miệng méo xẹo, mắt không
hồn ngơ ngáo nhìn đâu đâu.
Đỗ giới thiệu: “Các đồng đội của tôi bị thương ở
trận Xuân Lộc. Tôi đón họ về từ Quân Y Viện.”
Những người thương binh đó gật đầu chào tôi.
Ngồi quanh chiếc bàn gỗ nhỏ, vài cốc rượu đế, vài
miếng xoài xanh cắt lát mỏng, nhâm nhi, khề khà, chúng tôi tâm sự với nhau.
Chuyện xưa những ngày tươi đẹp. Chuyện nay thê thảm, ê chề. Còn tương lai không
ai dám nói. Qua những câu chuyện kể tôi mới biết tường tận về nguyên nhân Đỗ bị
mù hai mắt. Trong trận Mậu Thân, Tiểu đoàn của Đỗ tiến vào cố đô Huế, dành lại
Thành nội do quân giải phóng chiếm. Trận chiến thật ác liệt. Đại bác từ xa dội
về. Bom rơi từ máy bay xuống. Nhà cửa tan hoang. Đại liên đặt ở những lô cốt
trên thành quét xuống. Bên thủ thành. Bên tiến công. Có lúc trong đêm tối, xáp
lá cà, lưỡi lê đâm tới. Tiếng la thất thanh như tiếng kêu của con lợn bị chọc
tiếc. Giọng nói miền Nam, miền Bắc được cất lên từ những người lính hai miền
hòa lẫn với nhau. Một tràng tiểu liên quét qua. Đỗ bị ngã. Đỗ như bị chôn sống
bởi những xác đồng đội đè chồng chất lên thân thể, nặng như những khối đá làm
tê cứng chân tay Đỗ. Anh không cử động được. Chỉ riêng cái đầu của Đỗ còn chừa
ra ngoài. Hai mắt Đỗ còn thấy những cảnh đau lòng. Người chết không toàn thây.
Máu đổ như suối chảy. Cả mấy ngày, trời nắng rồi trời mưa, Đỗ cùng những thây
người nằm tênh hênh chưa có ai đến thu dọn chiến trường. Lúc đầu Đỗ vùng vẫy
nhưng không thoát ra khỏi thây người đè, Đỗ chỉ biết nằm chờ, miệng la to kêu
cứu. Khàn cả cổ, chẳng ai nghe. Mùi tử khí đã bắt đầu bốc thúi làm Đỗ ngộp thở.
Dầm mưa, dãi nắng, và bị chôn dưới lớp xác người chết, Đỗ ngất đi, cơn sốt bắt
đầu hành hạ. Đỗ không biết gì nữa. Chỉ mơ hồ nhận ra những cái đau nhứt từ đôi
mắt, như có ai cầm kim châm vào mắt mình, sau này Đỗ mới biết là bị lũ chuột
cống từ dưới mương lên cắn rúc. Mãi đến khi chiếm được cổ thành, không còn
tiếng súng, xe GMC mới đi xúc xác chết, không phân biệt người phía bên kia hay
kẻ bên này, tất cả chỉ là xác chết không được toàn thây được đưa về nhà xác của
bệnh viện, người ta mới khám phá ra Đỗ còn thoi thóp. Trực thăng đã bốc Đỗ vào
Quân Y Viện ở Sài Gòn để chửa trị. Khi Đỗ tỉnh dậy, trước mắt Đỗ chỉ toàn một
màu đen tối, tay lên rờ trên đầu quấn chặt chiếc băng, Đỗ biết mình đã mù!
Quay qua người thương binh tên Tấn ngồi bên cạnh,
Đỗ nói với tôi: “Tên này trước kia là giáo sư dạy văn tận miền cực nam, bị động
viên, cùng một đơn vị mình.” Bấy giờ Tấn mới lên tiếng, giọng miền Nam. Anh kể
lại trận đánh cố thủ ở Xuân Lộc vào những ngày tháng 3 năm 1975. Lính tráng hai
bên nằm chết la liệt. Thất thủ, rút chạy. Anh bị thương bởi một tràng đại liên.
Tỉnh dậy thấy mình nằm trong Quân Y Viện. Anh bỏ lại nơi này một cái chân. Thân
nhân chưa có ai biết tin về anh nhưng ngược lại anh biết vợ con anh đã cùng gia
đình bên vợ theo đoàn người lên tàu ra khơi rồi, không biết giờ họ sống nơi
đâu. Tấn đưa mắt nhìn xuống dòng nước của con kênh, nói nhỏ như đang giảng bài
cho các học trò của mình: “Ngày xưa, thuở
còn thơ ấu, bạn bè trong xóm chia hai phe chơi trò đánh giặc giả, cầm những bẹ
chuối, hoặc cây tre, miệng liên hồi giả tiếng súng kêu
Pằng Pằng, thằng thì giả vờ bị trúng đạn, ngả té xuống đất, rồi lồm cồm đứng
dậy, nhảy lò cò một chân, thằng ôm bụng như đang bị thương lòi cả ruột lòng
thòng. Sau đó, kẻ thắng người thua, lại ôm nhau cười nức nẻ. Trò chơi trẻ con
khắc nghiệt đó vấn vào mệnh người, lớn lên sự thật trước mắt là cuộc chiến mà
thế hệ chúng ta đã phải gánh chịu. Trong những lần hành quân qua những làng mạc
đìu hiu, qua những ruộng đồng xơ xác, qua những núi rừng âm u, dưới làn bom
đạn, dưới bóng tối dày đặc bỗng ánh sáng hỏa châu lóe lên và lơ lửng trên không
để chúng tôi nhận ra nhau qua cái nón tai bèo hay cái nón sắt, qua đôi dép râu
cao su hay đôi giày da, qua cây súng AK
hay M16. Nhưng chúng ta lại hoàn toàn giống nhau trước khi ngả gục họ đều thốt
lên cùng một ngôn ngữ hai tiếng: Trời ơi!”
Tôi chưa kịp hỏi nguyên nhân các anh cùng ở chung
nhau một mái nhà này thì anh thương binh ngồi trên xe lăn tự giới thiệu: “Tên
tôi là Huy, trước làm ruộng, đến tuổi trưởng thành bị lùa vào lính, cùng đơn vị
với anh Đỗ. Nếu không có “ông thầy Đỗ”,
tôi không biết sống ra sao với thân tàn ma dại này.” Nói đến đây Huy lại
chảy nước mắt. Đỗ cố gắng nói với giọng khôi hài: “Thôi bỏ đi tám”.
Rồi Đỗ kể lại những ngày cuối cùng của tháng 4 năm
1975, những người ở nhà bên cạnh đã bỏ đi, cảnh náo loạn xôn xao, và sau một
đêm ngủ đầy ác mộng, sáng dậy Đỗ hối thúc Liên dẫn anh đến Quân Y Viện. Liên
hỏi để làm gì? Đỗ ngậm ngùi nói nhỏ: “Đón mấy bạn thương binh cùng đơn vị ngày
xưa của anh, chúng nó đang chơ vơ.” Liên ngạc nhiên hỏi: “Sao anh biết. Quân Y
Viện rộng thênh thang, họ nằm ở đâu để mình tìm?” Không đợi Liên hỏi thêm. Đỗ
giải thích: “Cứ đi. Những đồng đội đã chết thế mạng anh năm xưa về báo mộng bảo
anh phải đến cứu những đồng đội vừa bị thương ở trận chiến cuối cùng.” Liên
hiểu tính chồng và nàng dẫn Đỗ đi.
Sau khi nghe đài loan truyền bản tin “Tổng Thống
Dương Văn Minh” kêu gọi quân đội miền Nam hãy bỏ súng đầu hàng, cảnh hổn loạn
trong Quân Y Viện nhốn nháo cả lên. Bác sĩ, Y tá bỏ việc. Bệnh nhân còn trên
mình bộ đồ màu xanh nhạt rộng thùng thình, cuốn gói chạy ra cổng, lơ ngơ không
biết về đâu, cũng như những người lính trận vứt bỏ súng ống, quần áo trận, mặc
quần đùi, tan hàng rã đám. Những người thương binh đầu quấn băng trắng che kín
đôi mắt, còn nằm trên giường bệnh, miệng kêu ú ớ. Những người khác chân còn
băng bột cứng đơ treo dây tòn ten trên thành giường cũng ráng sức ngồi dậy,
giựt dây, té xuống, lết cái thân tàn như con chó què, tìm nơi trú ẩn. Đỗ đi
theo sự dẫn dắt vô hình nào đó đến đúng ngay giường bệnh của các đồng đội mình
ngày xưa như Tấn như Huy như Việt. Đỗ như một đại đội trưởng dẫn một tốp lính
cụt chân, cụt tay, mắt mù, tai điếc, thủng bụng về chung sống cùng một mái nhà.
Tôi ngạc nhiên hơn nữa khi nghe từ nhà bên cạnh sát
vách tiếng đàn guitar cùng giọng hát của ai trầm trầm, khàn khàn, ảo nảo: Em hỏi anh bao giờ trở lại…Mai anh về trên
đôi nạn gỗ /Bại tướng về làm gã cụt chân… Liên ngồi bên cạnh tôi, nói nhỏ:
“Còn cả một tiểu đội thương binh tạm trú bên đó, họ mới đi kiếm ăn về. Thế nào
họ cũng bò sang.”
Người vừa hát không ai khác là Nam. Bây giờ tôi mới
biết Nam đã từng là sĩ quan dưới trướng của Đỗ. Nam bị thương sau Đỗ hai năm.
Nam bị đạn pháo kích vào quận lỵ, mất một cái tai, cháy nám đen một bên má, sần
sùi vết thương như ai dán lên một miếng bánh mì nướng cháy, cùng một bàn chân
đã cụt mất, cũng may ngày ấy Nam được gắn
một bàn chân nhựa giả, bước đi khập khểnh.
Tôi quen biết Nam từ thuở nhỏ khi chúng tôi còn ở
chung một thị xã. Nam thua tôi vài tuổi, học sau tôi hai lớp, nhưng cùng thi Tú
Tài một lượt. Nam học rất giỏi, băng lớp hai lần đều thi đổ. Cả thị xã đều phục
tài Nam và Nam có nhiều bạn gái xinh đẹp. Gia đình Nam lại giàu có nhất Tỉnh.
Ai có thể ngờ, Nam thành kẻ tàn phế. Người yêu bỏ đi lấy chồng. Sau năm 1975,
gia đình Nam cũng tan nát, trong lần cải tạo công thuơng nghiệp, gia đình Nam
bị xếp vào lọai Tư sản mại bản. Tài sản bị tịch thu. Cả ba mẹ Nam chết vì sốt
rét rừng nơi vùng kinh tế mới. Nam bỏ xứ biệt tích. Té ra Nam mang theo một
chiếc xe lăn mà ngày giải ngũ Nam được cấp phát, vào nhập bọn với Đỗ.
Kể từ lần gặp nhau đó, sau này tôi không đến thăm
họ, dù tôi đã mang gia đình vào sống tại Sài Gòn. Đời sống quá bon chen. Hằng
ngày tôi phải làm việc cực nhọc để kiếm sống. Nhưng đâu có phải tôi không có
thời gian rỗi rảnh để đến với họ. Thật ra tôi muốn quên đi. Quên hết. Kể cả
những người bạn thương phế binh năm xưa.
*
Mùa này,
Sài Gòn thường có những cơn mưa giông, sấm sét vang trời, mưa đổ ào thật lớn, chỉ
thấy se lạnh và tự nhiên tôi rùng mình. Tôi như bị một con gió lốc xoáy quăng
tôi vào một không gian khác. Bây giờ tôi như đang ngồi ở một góc tại nhà hàng
Continental sang trọng bề thế hơn cả thời trước năm 1975, phía trước là nhà hát
thành phố đã sửa chửa làm mới lại uy nghi hơn. Và khoảng trống bên cạnh đó là bãi
đậu xe, đầy nghẹt những chiếc xe hơi đủ màu đủ kiểu. Những ngôi nhà chung quanh
đã xây cất lại nhiều tầng cao ngất. Đường xá bao quanh bằng bê tông láng bóng.
Người qua kẻ lại quần áo hợp thời trang hiện đại. Nhưng tôi vẫn thấy xa lạ. Tôi
dựa đầu vào thành ghế, mắt đăm đăm nhìn thẳng về phía trước, qua làn mưa rơi,
lờ mờ tôi thấy một dáng người đang khập khểnh trên đôi nạn gỗ bước tới về phía
tôi, sau lưng kéo thêm một đoàn người, mặc áo lính trận rách tả tơi, đầu để
trần, người cụt chân, kẻ cụt tay, lê lết. Tất cả họ đến từ khu nhà dưới chân
cầu mà lúc nãy tôi đã dừng lại. Càng đến gần tôi nhận ra Đỗ, Nam, Tấn, Việt,
Huy…trong thân xác tiều tuỵ, gầy mòn, tóc đã bạc phơ. Họ nhìn tôi với những cặp
mắt vô hồn, xa lạ. Và, họ lom khom, cúi xuống, hai tay cào bới, nạy những khối
bê tông lề đường lên làm năm ngón tay chảy máu. Họ như tìm bới một thứ gì họ đã
bị mất đi từ thuở thanh xuân. Một bàn chân. Một cánh tay. Một đôi mắt.
Bấy giờ,
tôi mơ hồ mới nhận ra hình như tôi cũng bị một viên đạn vô hình nào đó bắn vào
tim mình. Tôi cũng bị thương. Thân xác bên ngoài vẫn nguyên vẹn, nhưng tâm hồn
tôi đã vở vụn ra từng mảnh.
Từ vết
thương, máu không chảy, nhưng nước mắt tôi thì cứ trào ra./.
Nguyên Minh
Sài Gòn, tháng 9 năm 2010