Friday, August 5, 2016

2448. HỒ ĐÌNH NGHIÊM Đủ chưa, rượu?


ĐỦ CHƯA, RƯỢU?
H  ồ    Đ  ì  n  h    N  g  h  i  ê  m





Trước tiên, mình xin cám ơn các anh chị, các bạn gần xa trong ngoài đã san lòng hỏi thăm và chia sẻ khi hay tin buồn vụt đến. Hẳn nhiên các bạn cũng hiểu ra cái tựa trên là đảo ngữ từ nhan truyện đầu tay của nhà văn Dương Nghiễm Mậu. Một truyện ngắn đại diện rõ cho hai chữ số phận. Số phận nó mang thoạt đầu là một hạt ngọc như cách cảm nhận của nhà văn Mai Thảo. Người mà lạ kỳ thay, thời gian mình ngồi gần ông, nghe ông kể chuyện về kinh nghiệm sáng tác nhiều gấp ngàn lần so với người anh rể tài hoa Dương Nghiễm Mậu. Các bạn hiểu cho, anh Nghiễm sống ở Sài Gòn còn mình mãi loay hoay với Huế, với chân đi tù túng giữa các con đường tối, bé nhỏ. Khoảng cách địa lý, cuộc sống mới, những lon gạo, một cái vé xe đò chạy suốt và một cái giấy phép đi đường. Tất thảy, chẳng hàm hồ để ví von: Nặng tợ ngàn cân. Tinh bằng hữu, tình huynh đệ, tình anh em vào thời điểm đó đã có người ví: Xem nhẹ tựa lông hồng. Hoặc nói như Thâm Tâm: “Em thà như hơi rượu cay”.

Mình “chung tình” với Huế, mà có lẽ cả anh Đinh Cường cũng rứa. Hoạ sĩ Đinh Cường, vừa là anh rể vừa là người thầy dạy môn hình hoạ và sơn dầu thời mình học ở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế. Dạo ấy có bài hát “sến” vẳng ra từ các quán cà phê: “Nếu là hoạ sĩ anh sẽ vẽ em…” Giấc mơ làm hoạ sĩ của mình e cũng đạt tới tầm cỡ mong được vẽ EM. Mình chẳng rõ sinh hoạt các bạn học ở Luật khoa, Văn khoa hoặc các phân khoa khác như thế nào, riêng ở Mỹ Thuật môn hình hoạ được dành vào buổi sáng, vẽ người mẫu bắt đầu từ thứ hai và kết trúc ở trưa thứ sáu. Mỗi tuần một “trả bài”. Giáo sư chỉ định một người trong lớp đứng ra sắp bản vẽ của anh em dựng đặt ở vách, theo mỹ quan của anh ta bài làm nào đẹp đẽ nhất thì sắp hàng từ trái qua phải cứ thế mà vụng xấu lần. Thầy giáo sẽ thẩm định lại, dời đổi vị trí đồng thời cho biết lý do, nặng phần kỹ thuật: Về bố cục, dựng hình khối, cơ thể học, định luật viễn cận, ánh sáng và bóng tối, màu sắc và đường nét, cách tấp màu chồng lên, vân vân và vân vân. Thầy Đinh Cường “chí công vô tư” vẫn thường sắp bài làm của mình lùi sâu ở hạng mục cuối lớp. Đôi khi EM nào hay, muốn vẽ cho ra em chẳng phải chuyện đùa! Kể chuyện này ra để nhằm nói rõ, mình vẽ rất yếu và hai anh em hằng đêm thường vào cà phê Chiêu nằm gần đồn Mang Cá ngồi trầm tư, chẳng mấy khi mang chuyện vẽ vời ra nhắn nhe, nặng nhẹ. Một thứ “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”? Trước sau và mãi mãi, tình mình đối với anh Đinh Cường sâu đậm hơn cả tình anh em cùng máu mủ cật ruột. Đinh và Hồ, vốn đã có trước một gắn bó sắc son.

Mình luôn nghi ngờ câu phát biểu của danh hoạ Leonardo Da Vinci, tổ sư môn anatomie: “Trò kém là người không vượt nổi thầy mình”. Huấn thị của ông rõ là một sự trúc đẩy mà thành công hay không… hạ hồi phân giải. Ở mặt văn học nghệ thuật, xưa nay hiếm. Chạy bắt cái bóng thầy đã bở hơi tai, sức nghỉn đâu anh theo lưng thầy, ba chân bốn cẳng vắt giò lên cổ cũng không đủ hoả hầu để vượt qua. Phương chi lãnh vực sáng tác người ta đề ra câu châm ngôn: Bạn phải nổ lực tìm ra cho riêng bạn một lối đi. Addison Parks nói: “Hãy giữ gìn tiếng nói riêng của mình, chúng ta hơn nhau ở chỗ đó”. Tóm gọn những rắc rối mà kẻ làm nghệ thuật muốn thử nghiệm, chẳng có câu nào hay hơn Nguyễn Du: “Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa”.

Mùa hè năm 1979, tình cờ mình lạc bước vào “vườn hoa”. Mình vượt biển sang Hong Kong, sóng gió chưa phai nhạt trên thân thế một đứa “boat people” thì đại diện một cơ quan thiện nguyện của Hội Hồng Thập Tự có sự trợ giúp của Liên Hiệp Quốc đi vào trại tị nạn phỏng vấn. Họ biết mình tốt nghiệp Mỹ Thuật và kéo về làm cho tuần báo Hope, minh hoạ phụ bản cũng như lay-out sao cho diện mạo tờ báo trông sáng láng đôi phần. Hope in ba mặt chữ khác biệt: Anh, Hoa, mà Việt ngữ chiếm gần nửa số trang. Báo phát không, xem như món ăn tinh thần cho những kẻ xa nhà cuồng chân sau những hàng rào mắt cáo ngóng đợi một lên đường đến đệ tam quốc gia tự do. Bốn tháng ngồi trong toà soạn có gắn máy lạnh và chung đụng cùng 3 thành viên đến từ Anh quốc giàu lòng hảo tâm, mình nghiệm ra giá trị thực dụng của chữ viết nặng hơn nhiều so với những bức ký hoạ. Một bài thơ nhớ nhà, một đoản văn kể lại bao sóng gió vùi dập hẳn nó thiết thực hơn ngàn lần mấy tấm minh hoạ nhỏ bé bằng mực Tàu kia. “Em hội hoạ” từ tốn bỏ mình đi, hay đúng hơn mình đang nặng lòng riêng mang trao không ngần ngại cho “nàng thơ”, cho một tâm tình cần phải bộc lộ. Trường hợp này, chữ viết nó có cái uy của nó. Rồi dần dà, sẵn trớn, mình gửi những truyện ngắn (viết tay trên một mặt giấy) đi ta bà thế giới, định được một tên gọi: “Người viết mới sau 1975”.

Nhà văn hoạ sĩ Võ Đình, giọng Huế trầm ấm: “Anh hiểu, khi mô em nghe ra lòng cựa quậy hối thúc rồi hẳn vẽ”. Võ Đình, người anh kết nghĩa với Đinh Cường, người dịch truyện ngắn “Ngày Đốn Cây Vú Sữa” của Dương Nghiễm Mậu sang tiếng Anh, in trong War & Exile, PEN East Coast xuất bản năm 1989. Người từ Maryland về Sài Gòn thăm Dương Nghiễm Mậu mà phút chia tay mãi hoài bịn rịn chẳng đành rời ra ở cuối năm 1988. Anh viết thư kể lại diễn biến “cái sự chẳng hiểu kia” để không quên chú thích: “Về mặt tư tưởng, về niềm khao khát sống, kể cả thái độ chống đối cuộc đời thì văn Dương Nghiễm Mậu phải đứng hàng đầu”.

Ông Đỗ Văn, phát ngôn viên trong ban Việt ngữ của đài BBC đặt trụ sở ở London có tìm nhặt một truyện ngắn của mình dùng để đọc và phát thanh vào hôm 26 tháng 3 năm 1989 (Cẩn trọng với công việc, ông chu đáo dọ tìm ra địa chỉ mình trú ở Montréal để gửi qua bưu điện cuốn băng cassette thu âm, xem là quà kỷ niệm ngàn trùng). Đôi ba năm sau, ông Bùi Bảo Trúc (nói giọng Bắc Hà Nội di cư giống Đỗ Văn) làm ở đài VOA trụ sở đặt ở Washington DC cũng dành 10 phút phỏng vấn mình liên quan đến việc “đội ngũ anh được xem như là cây cầu nối tiếp giòng văn học trước 1975 cho tới hải ngoại”. Cái giọng ấp úng “của thằng nhà quê” (chữ của Mai Thảo) phát sóng vô tình đến tai tác giả “Quê Người”, anh Dương Nghiễm Mậu cũng từng đón nghe cái truyện của thằng em lưu lạc phát thanh trên đài BBC. (Ngày xưa nó đâu có biết gì). Anh viết thư sang, trang perlure mỏng, mẫu tự trên bàn máy chữ gõ thủng giấy, bỏ dấu tay, nhiều đoạn bôi xoá: “…Có một điều, được biết là em có sáng tác và đó là điều để anh viết thư cho em, câu hỏi đặt ra là tại sao em không viết thẳng bằng tiếng Pháp, Anh? Phương Đông vẫn còn giấu ở đó bao điều lạ mà người phương Tây vẫn muốn được nhìn thấy. Dĩ nhiên bước đầu mình phải ra công học hỏi. Hãy coi đó như một sinh hoạt đi, một sinh hoạt tốt. Để có cái gì đó giữ cho mình một đời sống, việc theo đuổi một công việc sẽ giúp cho mình sống có nghĩa, sinh thú hơn những người khác trong mưu hồ khẩu thấp kém của họ, nó phân biệt mình với sự tầm thường nhàm chán, em có thấy vậy không? Trong đời sống chữ KHÔNG có lẽ là khó nói nhất, chẳng phải ai cũng có thể nói được…”

Lời tâm tình, sự khuyên bảo kia đã đặt sai đối tượng. Hoàn cảnh này chữ Không e dễ nói nhất. Mình có trả lời thư, đại ý: Anh ôi, tiếng Việt em chưa gom đủ một bồ huống hồ tiếng Tây tiếng u. Trong toà soạn những tạp chí văn học chốn đây họ có nguyên ban phụ trách việc lựa bài, toàn Master of Arts. Sẵn lòng bỏ công ngồi đãi trấu. Em lượng sức mình gạo chẳng thể thành cơm. Chuyện chỉ ngang đó, cả hai không nhắc tới cái mệnh đề “Lập thân tối hạ thị văn chương” một lần nào nữa cả. Ai đó hỏi mình: Có được hai người anh rể nổi tiếng, vậy bạn học được gì ở họ? Nay cả hai anh đều mất, mình xin thú nhận: Trước mắt, dễ thấy nhất là mình học hội hoạ, sau đó chuyển món bỏ cọ xuống nắm bút lên, đổi sang viết văn. Và khẳng định ngay, mình là đứa học trò kém cỏi trong cả hai bộ môn, là thứ cây tầm gửi leo bám nương nhờ vào dáng vẻ bề thế của hai người anh rể. Anh Dương Nghiễm Mậu có tính cách gần như một nhà mô phạm, nghiêm khắc, sống thu hẹp, ít giao tiếp bạn bè, chẳng thích bông lơn, ngại tỏ bày. Thu tóm những quan sát để qua văn viết trải đặc kín những sự việc, giàu hình tượng và lắm ẩn dụ. Trái ngược như hai mặt một đồng tiền, phía kia là anh Đinh Cường, xuề xoà dễ thân cận, tâm lành, rộng rãi với tha nhân, cái rộng rãi đâm ra dễ bị lợi dụng. Chẳng nghi kỵ một ai, đi đúng với điều mà Trịnh Công Sơn từng thổ lộ: Hồn nhiên rồi sẽ bình minh.

Gia đình mình sống ở Huế, nhà đông con, toàn cả nam chỉ riêng có hai o con gái. Một Huế cổ kính nhiều thành kiến, nhiều soi mói, nhiều “bình luận viên”, nhưng lành thay, Ba Mạ mình rất dân chủ, rất “lắng nghe tâm tư và nguyện vọng” của con. Vì thế chẳng thấy mảy may trở ngại khi trao hai o con gái vào tay hai chàng một Nam một Bắc hành nghề “văn nghệ sĩ”. Mạ mình thương người chị đầu trong khi Ba mình yêu rất mực cô em. Song thân quy thiên đã lâu, nếu còn tại thế biết thằng con út học đòi vẽ tranh viết truyện hẳn ông bà cũng chỉ cười xoà “niệm tình tha thứ”.

Chị Ngọc Trang có làm đôi ba bài thơ hồi học đệ nhị trường Đồng Khánh, chính thức có thơ đăng trên báo Văn thời thư ký toà soạn là ông Trần Phong Giao chủ trương đón nhận những cây viết trẻ ngoài miền Trung. Thơ để tên thật ban đầu, sau mang bút hiệu Miên Thảo (không phải ông Nguyễn Miên Thảo). Lên đệ nhất ban C, chị có viết bài tiểu luận nghĩ về tác phẩm Gia Tài Người Mẹ. Chị cũng đặc biệt yêu Đêm Tóc Rối và Tuổi Nước Độc. Có trao đổi ý kiến với tác giả những hôm nhà văn Dương Nghiễm Mậu ra Huế, được anh Đinh Cường dẫn về nhà thăm. Duyên khởi mối tình hai người hình thành từ “biến cố văn học” đó. Mình đồ vậy. Cuối cùng là cái đám cưới tổ chức ở Đà Nẵng vào năm 1971.

Năm 2006, ở Sài Gòn người làm sơn mài đi bộ thong dong trên lề đường, bất ngờ có chiếc xe gắn máy leo lên tông không khoan nhượng làm gãy xương cổ chân. Phải giải phẫu, phải bó bột nhưng trong đường truyền của sóng điện thoại viễn liên vẫn nghe tiếng cười đầy khí thế của người biết chế ngự nghịch cảnh từ Việt Nam truyền gửi qua. Mười năm sau, mình bị băng tuyết lạnh lẽo vô tình xô ngã làm gãy xương chậu, vào nhà thương ê ẩm nằm cứng thây và mơ hồ nghe ra tiếng cười hôm nọ của nhà văn Dương Nghiễm Mậu. Tiếng cười nếu muốn thông dịch ra: Chuyện nhỏ! Sáu tháng sau hoạn nạn, mình chống gậy đi xiêu lạc để nghe tin buồn xô tới: Anh Nghiễm mất rồi Nghiêm ơi! Vỏn vẹn có bấy nhiêu. Bởi dài dòng là điều chẳng cần thiết, chỉ nhiêu đó cũng đủ bôi xoá, nhận chìm tất thảy. Mãi mãi không còn tìm đâu ra một giọng cười quen thuộc. Cũng như tự nghìn trùng cổng xe lửa số 6, nhà thờ 3 chuông đã vuột trôi trong ký ức của thằng em út (không biết thổi sáo) lưu lạc.

Chưa tròn năm, mình mất luôn cả hai ông anh rể tài hoa. Chợt rùng mình, sao thời gian này mình cứ phải siêng viết về những “niềm đau nhức của khoảng trống”. Này anh, này chị, này bạn, nay bè lần lượt bỏ đi. Lau sậy bên sông run thân theo con nước chảy xiết. Anh Dương Nghiễm Mậu thích giòng chữ của Nguyễn Trãi: “Nước chảy dễ gì trôi bóng núi”.

Mình xin đóng lại chút tâm tình ngang đây. Một lần nữa, cám ơn các anh chị quan hoài và han hỏi tới mình. Mình cũng thích Nguyễn Trãi:

“Tam thập dư niên trần thế mộng,
Sổ thanh đề điểu hoán sơ hồi”.

Hồ Đình Nghiêm
Montréal, 5 tháng 8 năm 2016.

Ghi chú của PCH:  Hồ Đình Nghiêm có hai người anh rể vốn là những bậc tài hoa của văn học nghệ thuật miền nam: Đinh Cường (chồng của chị Tuyết Nhung) và Dương Nghiễm Mậu (chồng của chị Tuyết Trang).