LỮ QUỲNH
B ạ n t ô i
Bìa tập thơ LÃNG CA của Lữ Kiều
Gửi Lữ
Kiều
Trong một bài viết, bạn kể về tuổi thơ tôi
như thế này : …Tôi đã yêu bạn ấy biết`bao.
Có một ngày rất trẻ, bạn nằm bệnh viện, tôi đến, ngồi bên bạn, nắm tay bạn.Thuở
đó bạn là một đứa trẻ cô đơn. Tôi truyền tình cảm của tôi cho bạn qua cái nắm
tay hồn nhiên tuổi 13. Đó là kinh nghiệm chia sẻ đầu tiên của đời tôi.
Đúng như lời bạn. Khi bạn ra về, tôi đã tiễn
bạn một đoạn trên hành lang lầu 1 của trại bệnh Lê Huân. Tôi đứng vịn lan can
nhìn theo dáng đi của bạn cho đến khi bạn khuất sau cánh cỗng lớn bệnh viện Huế.
Bạn mặc áo ngắn tay mỏng manh màu hồng nhạt và đội mũ cối trắng. Tôi đứng như
thế rất lâu, hình ảnh và tình thương bạn
choáng ngập trái tim tôi.
Bạn là đứa trẻ thông minh, được sinh ra trong
một gia đình quý phái.Chúng tôi gặp nhau trong năm đầu tiên trung học, ở tuổi
mười ba, cùng trường cùng lớp.Bạn từ một trường tiểu học Pháp trong thành phố
qua.Tôi từ một trường tiểu học ở miền quê nghèo khó đến.Cả hai thi đậu vào lớp
đệ thất năm đó.Bạn học trường Pháp, nhưng lại giỏi Việt văn.Tính tình hòa nhã,
nhẹ nhàng, được thầy thương, bạn mến.
Chơi với nhau, nhưng thuở ấy tôi không hề tự
hỏi, cái gì đã kết nối tình thân giữa chúng tôi.Cứ như thế, chúng tôi đã bên
nhau cho đến ngày khôn lớn. Cho đến ngày chúng tôi trưởng thành, chia nhau công
việc trong cái xã hội đầy tai ương, chiến tranh và chia lìa. Bạn là một thầy
thuốc giỏi, một nhà văn ,nhà thơ và ở tuổi nhi
bấthoặc là một họa sĩ. Năm 1982 bạn in tập thơ LÃNG CA và dành cho tôi viết tựa.
Tôi
có những người bạn từ thời thơ ấu mà cho đến nay họ vẫn tiếp tục có mặt cạnh đời
tôi như những bóng mát của hàng cổ thụ từng che nắng cho không biết bao thế hệ
rồi.Cuộc đời bao giờ cũng khắc nghiệt và vô tình.Còn thời gian thì lạnh lùng,
tàn nhẫn không kém. Chỉ có trái tim tôi là còn đập mãi và không như thời gian
kia, tôi càng cảm nhận được sự thủy chung, không tàn phai của nó – cho đến khi
nó ngừng lại. Nó ngừng lại trước cánh cửa im lặng. Và khi ấy có câu hỏi nào từ
bờ thẳm của kiếp người vọng tới, thì việc trả lời thuộc về tôi hay các bạn –
hay chỉ có thể ở người làm thơ, thi sĩ ?
Năm
ngoài bốn mươi tuổi có lần trở về đứng cạnh dòng sông đã xa cách nhiều năm,
nhìn màu nước vẫn xanh, cây cầu vẫn trắng, đưa tay ngắt một lá cỏ ngậm giữa
vành môi, lắng lòng mà nghe thử mùi mộng mơ của thời mười lăm mười sáu có còn?
Rồi lòng ngậm ngùi nhìn xuống hai bàn tay mình để thấy những ngón chập chờn như
con sông trăm nhánh mờ dần bởi sương hôm.Tuổi bốn mươi, màu bông lau chập chờn
trong tóc. Đứng nhìn thành quách cũ soi mình trên dòng sông thơ ấu, thử điểm mặt
bạn bè.Những khuôn mặt một thời có trái tim nồng nàn vô cùng trong sáng ấy, giờ
đây ở rải rác, xa nhau đến muôn trùng.
Khổ
đau, bất trắc, niềm vui,tiếng thở dài đằng sau một khuôn mặt băng lạnh như dòng
sông kia, còn viên cuội nào có thể gây ra những gợn sóng? Có đau đớn nhẹ nhàng
như tấm lòng lãng mạn thời mới lớn, nhưng đôi khi cũng mênh mông khốc liệt làm
sao! Đời sống, kỷ niệm, tình yêu, quê hương…May mắn thay cho chúng ta còn gặp lại
cả dĩ vãng của mỗi đời người, còn giữ được cách nhìn, cách rung động ngàn năm,
cái cảm xúc mới mẻ ở mọi thời, cái nồng nàn bất trắc muôn đời trong một tập
thơ.
Tập
thơ mang tên LÃNG CA. Hẳn Lữ Kiều không phải băn khoăn nhiều khi chọn
một cái tên tưởng như giản dị ấy đặt cho tác phẩm mà anh đã sáng tác qua nhiều
thời kỳ trong cuộc đời mình. Bởi tấm lòng anh, quan niệm sống, phong thái chấp
nhận hay từ khước những gì mà cuộc đời dành cho (dù hạnh phúc hay khổ đau đến
đâu), bao giờ cũng bao dung, điềm tĩnh.
Đọc LÃNG
CA của Lữ Kiều, có những bài làm cách nhau đến hai mươi năm.Có cái vu vơ
thời mới lớn, nhưng cũng có cái nồng nàn xót xa trong đôi mắt đã mỏi thời gian.
Cái ước mơsáng trongcủa một thời và những tai ương của một thời khác. Thật xót
xa, nhưng có hề chi, khi lòng đã mở sẳn cho đời, dù trái tim kia đãhơn một lần đau đớnvề thời gian đã mất.
Mùa hè năm chúng tôi mười sáu tuổi, đã ngồi lại
với nhau, nói chuyện văn chương và làm
báo!Tôi không biết từ đâu bạn lấy bút hiệu Lữ Kiều. Còn tôi vì thương bạn và muốn giữ tình bạn bền lâu, đã thân thiết
chọn bút hiệu hiện nay cho mình từ đó. Sau nhiều lần họp bàn, phần lớn ngồi
trên các giường ruộng khô, bên cạnh Ngy Hữu và Hoài Linh, tờ Gió Mai viết tay số
đầu tiên với bốn tác giả, mà Lữ Kiều luôn là cây bút đầu đàn. Gió Mai đều đặn
ra được nhiều số.
Về sau khi chúng tôi đã ra đời, dù mỗi người làm
việc mỗi nơi, cách xa nhau, nhưng sự kết nối văn nghệ vẫn không gián đoạn. Lữ
Kiều tuy làm việc tận đảo Phú Quốc, vẫn là gạch nối với hết thảy bạn bè. Có dịp
là chúng tôi bay về quy tụ bên nhau ở một thành phố. Tiếp Gió Mai, Ý Thức đã hiện
diện trong một lần gặp gỡ như thế.
Lữ Kiều và tôi từng san sẻ nhau những rung động
tình cảm đầu đời, nhớ những đêm, bạn rủ tôi đạp xe ngang nhà người bạn gái chỉ
để nhìn vào khung cửa sổ còn sáng đèn ở bàn học, rồi quay về. Những cuộc tình của
chúng tôi trở thành ký ức không phai nhòa của nhau, cho đến nay, khi tuổi đã
như gió heo may về…
Rồi bắt đầu chiến tranh, tuổi trẻ thế hệ
chúng tôi cũng bắt đầu với những tổn thất, chia lìa đau đớn. Những bạn học
chung bàn chung lớp ngày nào, nay ở bên này bên kiacuộc chiến, có nhiều bạn đã
nằm xuống bởi ý thức hệ viễn vông. Lữ Kiều và tôi đều nhập ngũ. Ra trường bạn về
Phú Quốc điều trị cho tù binh trong một trại tù lớn; vài năm sau bạn được chuyển
lên trường Võ Bị Đà Lạt. Còn tôi lao đao với những cuộc đấu tranh vô nghĩa, để
bị thuyên chuyển từ tổng y việnở Đà Nẳng
ra sư đoàn bộ binh, rồi về Quy Nhơn, cho đến ngày tàn cuộc chiến.
Sau ngày miền Nam bị bức tử, chúng tôi, cả thế
hệ của lứa tuổi 30- 35 đều vào cái trại tù của người miền Bắc chiến thắng để
chôn vùi tuổi trẻ của mình trong sự căm thù ngu muội! Ở hoàn cảnh nào, Lữ Kiều cũng sống kiên định,
giữ khoảng cách với chế độ, dù đang phải sống cùng.
Thời làm Gió Mai, rồi Ý Thức, chúng tôi không
nghĩ Lữ Kiều sẽ là họa sĩ.Thế mà rồi ở tuổi ngoài 40, bạn đã có cuộc triển lãm
đầu tiên, ngay ở phòng mạch của mình. Rất đông bạn bè và khách xem tranh tham dự.
Cũng như lần in tập thơ Lãng Ca, lần này bạn cũng dành cho tôi viết lời giới
thiệu trên brochure, cùng với bài của họa sĩ Đinh Cường.
Lữ Kiều
trước và sau năm 1970 viết kịch, truyện ngắn, làm thơ. Anh viết không nhiều,
nhưng mỗi sáng tác đều để lại ấn tượng trong người đọc. Về thân phận con người.Về
thái độ sống, nhất là thái độ kẻ sĩ. Cạnh những bén nhạy của một nghệ sĩ, còn nỗi
cảm xúc của người thầy thuốc, Lữ Kiều đã rất gần gũi với hạnh phúc cũng như khổ
đau của từng số phận. Anh thường xuyên bị ám ảnh bởi cảnh đời chung quanh, mà một
thời những ám ảnh đó đã bộc lộ trong văn xuôi của mình.
Giờ
đây sau nhiều năm dài im lặng, Lữ Kiều giới thiệu chúng ta những tác phẩm mới
không phải bằng chữ in, mà bằng sắc màu hội họa.Lữ Kiều vẽ.Anh không xuất thân
từ một trương mỹ thuật.Tự tìm tòi.Bắt đầu cầm cọ từ những năm 80.Cũng những ám ảnh,
bức xúc đó, ngày trước Lữ Kiều viết thì nay Lữ Kiều vẽ. Trong hơn 20 bức tranh
được trưng bày, bên cạnh Hoa
và pipe nhẹ nhàng như một bài thơ; Nhan
sắc, Như Sương, Một cõi riêng ẩn dấu nỗi
cô đơn như các truyện ngắn; còn có Cõi lòng ta, Tai ương 1, 2, 3, Cá thức tỉnh như những nhân vật kịch nội tâm của anh
ngày trước.
Lữ Kiều
vẽ bằng sự say mê và với cả tấm lòng. Không khí trong tranh anh đã nói lên điều
đó.Và người xem cũng bằng tấm lòng như thế khi đến vớiphòng tranh.
Dù cho chữ nghĩa trên các bài tựa này nhỏ
nhoi, tầm thường như thế nào, cũng chỉ muốn nói lên sự có mặt của tôi bên cạnh
bạn trong những khúc quanh của cuộc đời.Ở tuổi này nhìn lại, đôi khi tôi thấy
mình đã bất công với bạn quá nhiều. Tôi đã sai lầm khi muốn bạn phải như thế
này thế kia, với tài năng, trí tuệ bạn. Tôi chưa hiểu cái nghiệp dĩ, số phận ở
mỗi người.Tại sao tôi có thể viết những câu thơ mặt trời mọc mỗi ngày/ trên con đường em đi tới/ miền hạnh phúc lưu
đày/ vùng khổ đau sáng chói mà tôi không chịu hiểu bạn. May thay bạn đã nhận
ra.“Giờ đây, tôi hiểu ra trong nhiều loại
bất công của cuộc đời, thì bất công trong tình bạn là đáng yêu hơn cả.”
Ngày tôi rời đất nước ra đi, bạn tặng tôi chiếc
lá bồ đề gốc cây Phật giác ngộ.Tôi đã treo chiếc lá đó bên bàn viết của mình.
Rồi, dù không gian có rộng lớn đến đâu, tuổi
đời có chồng chất thế nào, đôi chân còn bước tới, thì những người bạnvẫn còn gặp
gỡ.Bây giờgặp nhau không phải để vồ vập như trước, màđể lặng lẽ nhìn những sợi trắng
chập chờn trong tóc nhau.Có lần bạn đến Mỹ. Tôi đón bạn ở phi trường,đưa bạn đi
quanh thành phố nơi tôi đinh cư.Dĩ nhiên chúng tôi không còn trẻ, nhưng đam mê
của một thờixa xưa hình như vẫn còn, khi bạn hỏi tôi về những đôi mắt mong
manh, thấp thoáng muộn màng nơi đất khách.Tôi nói với bạn, đã gần cuối đường đời,
phải biết bỏ đi những gì cho nhẹ gánh, ngay cả những giấc mơ.Tôi đã có những giấc
mơ không mấy nhẹ nhàng, những giấc mơ đầy ám ảnh phiền muộn quá khứ.Mà làm sao
có thể bỏ được?
Thôi đành vậy.Chỉ mong sao, khi ta còn bước tới
được, thì hãy gìn giữ đôi chân mình, như giữ lửa trên đầu một que diêm.Vì thời
gian của chúng ta đã đến hồi khánh tận.
Lữ Quỳnh
July 22, 2016
Lữ Quỳnh (Thứ nhất – từ
trái) – Lữ Kiều (Thứ năm – từ trái)
Photo by PCH – Vienna (VA)
– 24.10.2015