Tổng
thống Hoa Kỳ Barack Obama không phải là vị lãnh đạo Hành pháp đầu
tiên trích thơ trong Truyện Kiều (lẩy Kiều). Trước ông, cựu Tổng thống
Bill Clinton và Phó tổng thống Joe Biden cũng đã Lẩy Kiều.
Không
phải ngẫu nhiên mà các Ông chủ Nhà Trắng đã trích thơ trong Truyện
Kiều để đánh dấu các sự kiện nổi
bật trong quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Với giá trị vĩnh cửu và ảnh hưởng sâu rộng, Truyện Kiều là biểu thị
sâu sắc tâm hồn Viêt Nam. Trên trường quốc tế, Truyên Kiều được xem như là
phương tiện để giao lưu văn hóa thế giới và ngoại giao, “a means of
intercultural communication and diplomacy”. Vì muốn thấu đến tâm hồn Việt
Nam, lãnh đạo Nhà Trắng cũng không ngoại lệ. Hơn nữa, từ năm 1965, Ủy
Ban Hòa bình Thế giới WPC đã công nhận thi phẩm tiểu thuyết “Truyện
Kiều” của Nguyễn Du là một trong
những kiệt tác của văn học thế giới, là di sản của văn hóa nhân
loại. Gần đây nhất, ngày 8 tháng 11 năm 2013, tại Đại hội lần thứ 37, UNESCO
đã vinh danh Nguyễn Du là Danh Nhân Văn Hóa Thế giới - The World Cultural
Celebrity. Việt Nam đã xây đền dựng tượng Nguyễn Du tại quê ông ở huyện Nghi
Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, và vào cuối năm 2015 đã phối hợp với UNESCO tổ chức Tuần lễ
Văn hóa Du lịch Nguyễn Du tại một số tỉnh thành, nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh
của đại thi hào. (Thấy người sang bắt quàng làm họ, chớ mộ chí của Nguyễn Du
trước kia chỉ là Sè sè nấm
đất bên đường /Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh như một nhà thơ đã
so sánh Tưởng rằng phận bạc Đạm Tiên/ Ngờ đâu cụ
Nguyễn Tiên Điền nằm đây ...
Trong
bài viết này, tôi thử tra (gắn vào, ráp lại) các cặp lục bát đã được
lẩy ra vào vị trí cũ của Truyện Kiều rồi xem xét toàn cục ngữ
cảnh nhằm làm rõ thêm diễn tiến của mối quan hệ hợp tác giữa hai
nước Mỹ-Việt trong hơn 20 năm qua.
Tại
Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 2000, trong đáp từ tại buổi tiệc chiêu
đãi của Chủ tịch nước CH XHCN Việt Nam Trần Đức Lương, Tổng thống Hoa
Kỳ Bill Clinton đã trích đọc Truyện Kiều để nói về tương lai quan hệ
hai nước:
Sen
tàn cúc lại nở hoa
Sầu
dài ngày ngắn đông đà sang xuân.
Just
as the lotus wilts, the mums bloom forth;
Time
softens grief, and the winter turns to spring.
Hai câu trích này thường được
giảng giải là thời kỳ đóng băng đã qua và mùa xuân của hợp tác đang
tới. Nhưng, xem xét ngữ cảnh, ta sẽ thấy còn có nhiều ẩn tình hàm
chứa. Lâm Tri từ thuở uyên bay/ Buồng không
thương kẻ tháng ngày chiếc thân/ Mày ai trăng mới in ngần/ Phấn thừa hương
cũ bội phần xót xa/ Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông
đà sang xuân/ Tìm đâu cho thấy cố nhân?/ Lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ
thương.
Đoạn thơ này diễn tả nỗi xót xa sầu khổ kéo dài từ mùa hè năm
trước sang mùa xuân năm sau của Kiều. Sự thể là, phu nhân quan Lại bộ đã chiều
theo mưu sâu của tiểu thư, Làm cho nhìn chẳng được
nhau/ Làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên… Làm cho cho mệt cho mê/ Làm cho đau đớn
ê chề cho coi…
Bắt đầu là, sai hai tên Ưng- Khuyển cùng
đám quân hầu đi đường thủy sang Lâm Tri đánh thuốc mê, bắt cóc Thúy Kiều. Đã vậy,
bọn này còn tìm đâu ra một xác chết trôi sông đem bỏ vào phòng nàng rồi đốt
nhà, thiêu xác cháy ra tro. Ưng-Khuyển đem Kiều về bắt phủ phục dưới trướng,
phu nhân mắng mỏ, Con này chẳng phải thiện nhân/ Chẳng
phường trốn chúa thì quân lộn chồng/ Ra tuồng mèo mả gà đồng/ Ra tuồng lúng
túng chẳng xong thế nào… Rồi phu nhân (không phải Hoạn Thư) sai đánh 30 côn,
Trúc côn ra sức đập vào/ Thịt nào chẳng nát gan nào chẳng
kinh. Đánh
đập xong, cải danh Kiều thành Hoa nô bắt làm thị tì (con ở). Như vậy chưa hả,
tiểu thư xin phu nhân cho Hoa nô sang nhà mình làm con ở rồi buộc nàng phải hầu
tận mặt hai vợ chồng, nào là dâng rượu, nào là gảy đàn, Chước
đâu có chước lạ đời?/ Người đâu mà lại là người tinh ma?/ Rõ ràng thật lứa đôi
ta/ Làm ra con ở chúa nhà đôi nơi/ Bề ngoài thơn thớt nói cười/ Mà trong nham
hiểm giết người không dao… Sinh rằng, riêng tưởng bấy lâu/ Lòng người nham hiểm
biết đâu mà lường? Như vậy, hai câu lẩy Kiều của Bill Clinton được phủ bên trên bởi
câu “Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa” và được lót phía dưới bởi
những câu vừa dẫn, thì làm sao có mùa xuân của mối quan hệ hợp tác tươi vui, họa
chăng chỉ thấy lấp ló “câu bạc mệnh”. Thì đây, tính từ nham
hiểm được dùng
đến hai lần: lần thứ nhất là nhận định của tác giả, Bề
ngoài thơn thớt nói cười/ Mà trong nham hiểm giết người không dao; lần thứ hai, do chính miệng của
nhân vật Thúc Sinh, Lòng người nham hiểm biết đâu mà lường?
Xem ra, chỉ một cặp thơ lục bát Lẩy Kiều thôi
mà hàm chứa bao “ẩn tình mắc mứu”!
Mười lăm năm sau, ngày 7 tháng
7 năm 2015, tại buổi đón tiếp TBT CSVN Nguyễn Phú Trọng ở Washington
D.C, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cũng đã trích đọc hai câu thơ
Kiều:
Trời
còn để có hôm nay
Tan
sương đầu ngõ vén mây giữa trời.
Thank
heaven we are here today.
To
see the sun through parting fog and clouds.
Đây là hai câu Kim Trọng cảm
tạ đất trời khi gặp lại Thúy Kiều và cả nhà được đoàn tụ. Sau
mười lăm năm lưu lạc, Kiều nếm trải đủ mọi mùi cay đắng của cuộc
đời. Đây cũng là lời cảm tạ của “chúng ta” sau mười lăm năm, kể từ ngày tổng thống Bill Clinton đến
Việt Nam để cùng bắt tay đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác trong bối
cảnh mà “câu bạc mệnh” cứ thập thò… Thuở ấy, mối bang giao mới nối
lại có năm năm, hãy còn ngổn ngang với biết bao “ẩn tình mắc mứu”. Chén trong sóng còn khua thì mối quan hệ giữa hai nước, qua
hai mươi năm, làm sao tránh khỏi trục trặc chỗ này chỗ nọ. Nhưng đã
thật lòng đến với nhau thì hãy cùng nhau “vén mây” mà tìm giải pháp. Như nàng lấy hiếu làm trinh/ Bụi nào
cho đục được mình ấy vay/ Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén
mây giữa trời/ Hoa tàn mà lại thêm tươi/ Trăng tàn mà lại hơn mười
rằm xưa… Những từ sen ngó đào tơ/ Mười lăm năm mới bây giờ là đây!... Bấy
lâu đáy biển mò kim/ Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa… Mấy lời tâm phúc ruột
rà/ Tương tri dường ấy mới là tương tri/ Chở che đùm bọc thiếu chi/ Trăm năm
danh tiết cũng vì đêm nay!… So với hai câu thơ mà Bill
Clinton trích 15 năm trước, hai câu Kiều do Joe Biden chọn, khi đọc lên nghe
như một tiếng thở phào nhẹ nhõm! Thêm nữa, nếu đọc tiếp đoạn Kim-Kiều tái hợp
này, ta thấy nổi lên một ý, nổi rõ chứ
không còn là ẩn ý, ẩn ngữ, “Để đôi bên hiểu nhau - tương tri dường ấy mới là tương tri
- trong 20 năm qua Hoa Kỳ đã Chở che đùm bọc thiếu chi”… Rõ rành rành như ca dao Việt Nam, Yêu nhau đắp điếm mọi bề/ Không yêu
ai có đi về mặc ai…
Bill Clinton và Joe Biden, mỗi
vị dùng một cặp thơ lục bát của Truyện Kiều để biểu đạt một tình
huống và gợi lên một hình tượng
phù hợp với tình huống đó. Điều này phần nào cho chúng ta thấy sự
tinh tế của người Mỹ trong mối quan hệ ngoại giao vốn nhiều “ẩn tình
chất chứa”. Nhưng, theo chỗ tôi nhận xét, thì phần trích Truyện Kiều
của Barack Obama là tinh tế nhất, và nhiều “tâm tình chất chứa” nhất.
Trong diễn văn đọc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội ngày 24 tháng 5 năm 2016, sau khi trích thơ và ca từ của các thi sĩ, nhạc sĩ lẫy lừng của Việt Nam như Lý Thường Kiệt, Văn Cao, Trịnh Công Sơn…, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dùng hai câu thơ của Kiều để kết thúc bài nói:
Rằng:
trăm năm cũng từ đây
Của
tin gọi một chút này làm ghi.
Please
take from me this token of trust,
so
we can embark upon our 100 year journey together.
Có nhiều câu thơ trong Truyện Kiều
có thể trích để biểu thị lời cam kết như: Vầng
trăng vằng vặc giữa trời/ Đinh ninh hai mặt một lời song song… Còn duyên may lại còn người/Còn vầng trăng bạc
còn lời nguyền xưa… Tóc tơ căn vặn tấc lòng/ Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương. Nhưng Obama chọn hai câu từ cửa
miệng của Kiều, là lời của một thiếu nữ trẻ đang yêu; lời ấy nhỏ nhẹ như tiếng
thì thầm đầy xao xuyến, gần gũi như hơi thở nồng ấm, mê đắm khôn nguôi, thiết
tha chao ơi là tình tứ.
Vội
về thêm lấy của nhà/ Xuyến vàng đôi chiếc khăn là một vuông… Được lời như
cởi tấm lòng/ Giở kim hoàn với khăn hồng trao tay/ Rằng: trăm năm cũng
từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi. Thúy Kiều trao cho Kim Trọng
đôi xuyến vàng và chiếc khăn hồng làm của tin của tình yêu, thề hẹn Một
lời vâng tạc đá vàng thủy chung. Còn Tổng thống Obama trao gì cho Việt Nam?
Của tin mà Obama trao làm ghi phải chăng là quyết định gỡ bỏ lệnh cấm
vận vũ khí, đại học Fulbright, Đội Hòa bình?... Đôi tình nhân Kim Trọng-Thúy Kiều, sau khi
trao của tin, thề nguyện rồi thì… Từ phen đá biết tuổi vàng/
Tình càng thấm thía dạ càng ngẩn ngơ/ Sông Tương một dải nông sờ/ Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia"… Công việc bang giao giữa hai quốc gia, tuy không phải là
chuyện trai gái, nhưng thử đặt câu hỏi, sau khi trao của tin cho nhau rồi, thì
sao? Mối quan hệ hợp tác Hoa Kỳ- Việt Nam từ đây về sau có thấm
thía thêm
không, có thắt chặt thêm không? Trong tiếng Việt có một từ mà khi dùng ta thấy công việc chính trị-
ngoại giao khô khan trở nên mềm dịu, đó là Tình
Hữu Nghị. Còn
sớm quá chăng để dùng từ này? Tình hữu nghị với Việt Nam, với Hoa Kỳ? Tình
hữu nghị giữa
hai quốc gia? Tuy nhiên, xem xét từ cung cách hành xử, từ lời ăn tiếng nói đến
cách chọn hai câu Kiều đầy tình tứ thì dù vật trao ở đây không phải là của tin
của tình yêu, nhưng Obama cũng đã hẹn ước đá vàng: Cùng
nhau dấn thân vào hành trình chung dài cả trăm năm,
so we can embark upon our 100 year journey together.
Và, nhiều
năm sau này, khi càng có nhiều người Việt và người Mỹ cùng nhau học
tập, sáng tạo và kinh doanh chung, cùng nhau bảo vệ an ninh, phát huy
quyền con người và chung sức bảo vệ hành tinh của chúng ta, tôi mong
các bạn nhớ lại khoảnh khắc này và dấy lên hy vọng từ tầm nhìn mà
tôi xướng xuất hôm nay. And many years from now, when even more Vietnamese
and American are studying with each other; innovating and doing business with
each other; standing up for our security, and promoting human rights and
protecting our planet with each other- I hope you think back to this moment and
draw hope from the vision that I’ve offered today.
Và,
niềm tin của tôi, như thường lệ, có cội rễ sâu xa từ tình bạn và
khát vọng chung của hai dân tộc. And my confidence is rooted, as always, in
the friendship and shared aspirations of our peoples.*
Nguyễn Âu Hồng
June
9, 2016
-------
*Trích diễn văn của Tổng thống Hoa
Kỳ Barack Obama. Bản Tiếng Việt của Nguyễn Âu Hồng.