Wednesday, June 15, 2016

2371. NGUYỄN ÂU HỒNG Nối vòng tay lớn


Peace Dove – Source: http://clipartist.net



Trong diễn văn tại Hà Nội ngày 24 tháng 5 năm 2016, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói:

…Một người Mỹ gốc Việt, hiện đang có mặt ở đây, đã viết cho tôi: Nhờ ơn Chúa, tôi đã được sống Giấc mơ Mỹ. Tôi rất tự hào là một người Mỹ. Nhưng tôi cũng rất tự hào là một người Việt Nam.

Ước nguyện của tôi là nâng cao đời sống của từng người Việt Nam.

God’s grace, I have been able to live the American Dream. I’m very proud to be an American, but I also very proud to be Vietnamese.  My “personal passion” is improving the life of every Vietnamese person.

Trước khi nêu lên ước nguyện của người Mỹ gốc Việt này, Tổng thống Obama có nói đến tình bạn và khát vọng chung của hai dân tộc- our friendship and shared aspirations of our peoples.

Nghe Tổng thống Obama nói, bỗng dưng tôi liên tưởng tới Ngôn Sứ (The Prophet) của Kahlil Gibran và những hoài niệm của Nguyễn Xuân Thiệp .

Đầu tiên là Kahlil Gibran: Tôi ca vang lời tán tụng nơi mình cư ngụ và khát khao thấy lại nơi mình chào đời, nhưng nếu hai nơi ấy không chịu làm chỗ trú ẩn và từ khước cung cấp lương thực cho người lữ thứ, tôi sẽ bằng tiếng nói trong lòng mình biến lời tán tụng ấy thành cơn căm giận và nỗi khát khao ấy thành niềm quên lãng. Tiếng lòng tôi vang lên: “Vì ngôi nhà này không làm mãn nguyện người đang cần tới, nên nó đáng bị hủy diệt”.

Lòng tôi ao ước nhiều điều cho xứ sở xinh đẹp của mình và hồn tôi yêu thương người dân quê hương vì những khốn cùng của họ. Nhưng nếu dân tôi vùng lên do lòng cướp bóc khích động và do cái gọi là “tinh thần yêu nước” thúc bách, để giết người và để xâm lăng xứ sở láng giềng, lúc ấy, vì tội ác độc dữ với con người đó, tôi sẽ căm ghét dân tộc tôi cùng xứ sở tôi. (Nguyễn Ước dịch).

Kahlil Gibran qua “Ngôn Sứ” có thái độ khá quyết liệt. Tuy nhiên, trong hành xử đoạn tuyệt với  cả nơi ông cư ngụ lẫn nơi ông chào đời, những dòng tâm tư có vẻ dứt khoát kia lại ẩn khuất nhiều giằng xé, chất chứa nhiều nỗi niềm. Không ai “thập toàn”, không một định chế xã hội nào hoàn hảo, đâu thể vì “không làm mãn nguyện người đang cần tới, nên nó đáng bị hủy diệt”. Thêm nữa, dù sao cũng là đồng bào ruột thịt, ai lại nỡ lòng “căm ghét dân tộc tôi cùng xứ sở tôi”.  Phải chăng,  Gibran chỉ vì giận quá mà “nói lẫy” chớ nào đành đoạn dứt tình? Nếu không sao ông ta lại có ước nguyện là được vĩnh viễn trở về làng quê Bsharri ở Lebanon nơi ông chào đời. Cô em Mariana và người bạn tri kỷ Haskell đã hoàn thành di nguyện ấy bằng cách đưa thi hài ông từ Boston - Hoa Kỳ về làng quê ở Lebanon an táng*.  Tâm nguyện này của Gibran khá gần gũi với nhiều người Mỹ gốc Việt, nhất là những người cao tuổi. Những người này tuy vẫn “ca vang lời tán tụng nơi mình cư ngụ”, nhưng nỗi “khát khao thấy lại nơi mình chào đời” có phần nào trỗi dậy mãnh liệt hơn và thường xuyên hơn. Họ ấp ủ mãi trong lòng những tình cảm thiêng liêng của con người: nặng lòng với quê mẹ, với mồ mả tổ tiên, yêu từng lá rau, cọng cỏ, bến nước, con đò; yêu từ giọng hò, câu hát đến tà áo dài chiếc nón bài thơ… Họ yêu những cái tốt đã đành mà yêu luôn cả những cái chưa được tốt, chưa được đẹp với ước nguyện nâng cao đời sống của từng người Việt Nam. Và, lúc nào cũng đau đáu nhớ về, mòn con mắt đợi, khao khát tìm về, như hồn ma tìm hơi lửa ấm.

Tìm về, như chàng tuổi trẻ trong bài hát The House of the rising sun tìm về New Orleans, tìm về để tra chân vào xiềng xích… There is a house in New Orleans/ They call the Rising Sun/ And it’s been the ruin of many a poor boy/ And God, I know I’m one… Well, I got one foot on the platform/The other foot on the train/ I'm goin' back to New Orleans/ To wear that ball and chain. Có một ngôi nhà mang tên Mặt trời mọc ở New Orleans, nơi tuổi thanh xuân của bao chàng trai khốn khổ bị hủy hoại/ Chúa ơi, con biết mình nằm trong số đó… Ô hay, tôi còn một chân trên sân ga/ Chân kia đã đặt lên tàu/ Tôi đang về lại New Orleans/ Để tra chân vào xiềng xích. Chàng trai ấy đã quay về ngôi nhà Mặt trời mọc để tiếp tục hủy hoại những ngày thanh xuân trong tội lỗi và cùng khổ. Tôi cũng sẽ tìm về quê mẹ để hủy hoại những ngày khốn khó trong bóng xế và để tra chân mình vào xiềng xích. Sợi xích ở đây, xin hiểu cho, cả vô hình lẫn hữu hình, là cuốn rún chưa rời.

Tôi chia sẻ với Nguyễn Xuân Thiệp “Không, không hề có biển dâu, xa cách…”  trong những hoài niệm của anh, những hoài niệm trải ra với bạn bè khắp nơi ở Mỹ cũng như ở quê nhà. Tôi thèm “cái không khí thoảng mùi nhựa thông của Đà Lạt, của Alexandria, Virginia.  Đà Lạt, trong cái kiosque đèn màu này, nhiều đêm Đinh Cường, Trịnh Công Sơn, Bửu Ý và kẻ này ngồi ngắm Dì Ba ngây ngất. Và Hạnh Chi, và tôi thấy tôi về lại, như hồn ma nhớ hơi lửa ấm.

Và hôm nay, chúng ta được sống ổn định sung túc trên xứ sở tự do này, chúng ta không thể  nào tự cho phép mình quên anh em đồng đội và đồng bào ruột thịt.

Ôi lòng ta đã nới rộng tới vô biên và đã đọng tới đáy hồn nhân loại rồi chăng?
(Nguyễn Xuân Thiệp - Tản mạn bên tách cà phê)

Lòng ta, trái tim ta đã nới rộng và đã đọng tới đáy hồn nhân loại? Câu văn này của Nguyễn Xuân Thiệp dẫn tôi quay lại với bài nói của Tổng thống Obama… I think of all Americans and Vietnamese who have crossed a wide ocean- -some reuniting with families for the first time in decades- -and who, like Trinh Cong son said in his song, have joined hands, and opening their hearts, and seeing our common humanity in each other…

Và, như Trịnh Công Sơn đã viết trong bài hát của mình, nối vòng tay lớn, họ đang dang tay, mở rộng trái tim và thấy cả nhân loại trong nhau…

Anh Nguyễn Xuân Thiệp ơi, đọc bài này, nếu anh nhớ bạn bè trong đó có những người đã khuất; nhớ Đà Lạt, nhớ Hạnh Chi, nhớ Dì Ba… thì mong anh đừng trách tôi đã gợi nỗi niềm….

Nguyễn Âu Hồng
June 14, 2016
---
Kahlil Gibran (1883-1931): họa sĩ, nhà thơ Mỹ gốc Ả rập (Lebanon). Theo giới phát hành sách, ông là nhà thơ có thi phẩm bán chạy hàng th ba trong mọi thời, chỉ sau Shakespeare và Lão Tử.


Tập thơ tản văn Ngôn Sứ (The Prophet) từng được dịch ra trên 20 thứ tiếng. Năm 1905, 12 tuổi, ông cùng mẹ, anh trai và hai em gái từ Lebanon di cư sang Mỹ. Ông đã sống ở Mỹ 26 năm trong đó có 2 năm sang Pháp du học ngành mỹ thuật.