Sinh tại Hàng Châu, thủ
phủ tỉnh Triết Giang, ở tây nam Trung quốc. Lúc khởi đầu cuộc Cách mạng văn
hoá, Dư Hoa mới 6 tuổi, nhưng cũng kịp thấu chịu những hệ luỵ của thời cuộc:
cha ông là bác sĩ phải chuyển đến một thị trấn nhỏ, nghèo nàn, lạc hậu, lúc này
đang bị dịch bệnh sán máng. Tuổi thơ, do vậy, không để lại cho ông nhiều kỷ
niệm êm đẹp lắm. Học xong trung học, Dư Hoa được đào tạo ngắn hạn để trở thành
nha sĩ, và tuy chẳng mặn mà gì lắm với cái công việc " ngày nào cũng phải
nhìn vào mồm người ta ", ông vẫn phải làm nghề này trong 5 năm. Từ nơi làm
việc ( một thị trấn nhỏ giữa Thượng Hải và Hàng Châu ), hàng ngày ông nhìn thấy
các nhân viên cơ quan văn hoá địa phương nhàn nhã qua lại khiến ông muốn bỏ
nghề. Theo lời khuyên của những người này, ông thử viết và công bố một truyện
ngắn, đủ để ông trở thành đồng nghiệp của họ. Năm 1988, ông đến Bắc Kinh theo
học ở Viện Văn học Lỗ Tấn.
Suốt thời kỳ Cách mạng văn
hoá, Dư Hoa chẳng được đọc gì khác những tờ áp phích viết chữ to, gọi là Đại tự
báo, trên đó ông bỏ qua những khẩu hiệu mà chỉ quan tâm đến những câu chuyện
người dân tố cáo láng giềng và thân nhân của mình với đủ tình tiết ly kỳ, hấp
dẫn, như một loại truyện ký ghi truyện thường ngày. Cuối thập niên 80, một số
tác phẩm văn học được xuất bản trở lại, nhất là tác phẩm dịch văn học nước
ngoài, giúp ông làm quen với những tác giả phương Tây như Kafka, Borges..., ảnh
hưởng đến những trang viết đầu tiên của ông. Ban đầu ông viết truyện ngắn, đăng
trên những tạp chí địa phương, không gây được sự chú ý nào. Phải chờ đến lúc
ông xuất bản cuốn truyện đầu tiên, " Thập bát tuế xuất môn viễn hành
" ( Mười tám tuổi ra khỏi nhà đi xa ), ông mới bắt đầu nổi
tiếng.
Thành công này tạo đà cho
Dư Hoa tiếp tục sáng tác. Năm 1993, ông viết cuốn " Sống ", khắc
hoạ hình ảnh xã hội Trung quốc suốt thời gian từ thập niên 40 đến lúc khởi đầu
chính sách cải cách và mở cửa cuối thập niên 70, qua những bước thăng trầm
trong cuộc đời nhân vật Từ Phúc Quý. Vốn con nhà tư sản giàu có, sống trong
nhung lụa, vung tiền trong cờ bạc đỏ đen, đến thời Đại Nhảy Vọt và Cách
mạng văn hoá, Từ Phúc Quý phải trắng tay, khốn cùng, trở về làm nông dân.
Cuối đời, Từ Phúc Quý sống cô quạnh với con trâu già, nhưng vẫn nuôi khát vọng
vượt qua nghịch cảnh để sống còn. Tác phẩm trở thành " best- seller",
được dịch sang tiếng Anh và càng nổi tiếng hơn khi đạo diễn Trương Nghệ Mưu
dựng thành phim với hai diễn viên ngôi sao: Cát Ưu ( vai Từ Phúc Quý ) và Củng
Lợi ( vai người vợ ). Cuốn phim đã đạt Giải thưởng lớn của Ban Giám khảo tại Liên
hoan Phim Cannes và Cát Ưu Giải Nam diễn viên chính xuất sắc.
Năm 1995, Dư Hoa xuất bản
tiếp cuốn " Hứa Tam Quan mại huyết ký " ( Truyện Hứa Tam Quan bán máu
). Vẫn là hoàn cảnh bi thảm của người dân ( nghèo túng phải bán máu để kiếm
sống và ... để dành tiền cưới vợ. Và vẫn là ước mơ cháy bỏng muốn vượt qua số
phận.
Năm 2003, cuốn truyện dài
hai tập " Huynh đệ ", thuật lại cuộc đời của hai anh em Lý Trọc và
Tống Cương qua hai thời kỳ, từ Cách mạng văn hoá đến thời hiện đại, cũng gây
được tiếng vang lớn.
Sau thời gian này, Dư Hoa
ngừng sáng tác để đi du lịch và diễn thuyết theo lời mời của các nhà xuất bản.
Mãi đến năm 2010 ông mới cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mới với nhan đề gợi trí tò
mò : " Trung quốc trong 10 chữ ". Có thể xem đây là tác phẩm tổng hợp
tất cả quan điểm của Dư Hoa trong các sách ông đã viết từ trước đến nay. Bằng
cách tóm tắt trong mười chữ: Nhân dân, Lãnh tụ, Đọc, Viết, Lỗ Tấn, Cách mạng,
Chênh lệch, Dân quèn, Bắt chước, Lường gạt, Dư Hoa đã nêu lên nhận định về hiện
thực xã hội Trung quốc qua cách nhìn phê phán, thẳng thắn và có phần châm biếm.
Cuốn sách mới nhất của ông
là " Đệ thất thiên " ( Ngày thứ bảy ), ra mắt vào tháng 6 năm 2013.
Với bút pháp huyền ảo, Dư Hoa thuật lại những điều tai nghe mắt thấy của nhân
vật Dương Phi, sau khi chết được bảy ngày, tức là từ góc độ của thế giới người
chết để miêu tả thế giới hiện thực. Tác phẩm đã làm dấy lên nhiều ý kiến tranh
luận, khen chê trái ngược nhau.
Tác phẩm của Dư Hoa đã
được dịch ra nhiều thứ tiếng ( Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật bản, Hàn quốc... ). Cuốn
" Sống " được Giải thưởng Grinzane Cavour Prize, một giải thưởng văn
học uy tín của Ý, năm 1998. Cuốn " Huynh đệ ", được giải thưởng Prix
Courrier international của Pháp, năm 2008.
Truyện " Thằng bé
trong hoàng hôn " giới thiệu sau đây phần nào cho thấy sự ám ảnh của Dư
Hoa về những cảnh tàn bạo ông từng chứng kiến hồi nhỏ, dưới thời Cách mạng văn
hoá.
Đọc tiếp...
Đọc tiếp...