Bãi biển Ninh Hòa – Nguồn: google image
Mồ côi cha mẹ, được một người bà con nhận nuôi, từ bảy tuổi ba tôi đã đứng đồng, chăn trâu. Và đến lúc có sức, cầm được cái cày thì ông bắt đầu cày cuốc, gieo gặt, làm lụng quần quật trên đồng quanh năm.
Rồi ba má tôi gặp nhau, thương yêu nhau, tự sống chung dù không được sự đồng tình của hai gia đình, bởi… không hạp tuổi. Đến đây, một nổi khổ mới xuất hiện, bám riết lấy ba tôi: khổ vì con. Má tôi sinh ba người con đầu đều chết yểu, nên khi sinh tôi ra, ba tôi chạy ngược chạy xuôi từ am này đến đền nọ, quỳ lạy mòn gối tại nhà các thầy pháp, ông đồng bà cốt. Ông đặt cho tôi cái tên xấu xí, đeo vào cổ tôi đủ loại vòng bạc, bùa phái… Tôi là con cầu tự nên được yêu quý, nuông chiều cũng dễ hiểu.
Năm bảy tuổi, tôi đi học. Tôi học tạm được, dạng trung bình, “mỗi năm lên một lớp.” Chỉ như thế cũng đã đủ để ba má tôi vui thích. Ba tôi rất quan tâm đến việc học của tôi. Tháng nào ông cũng hỏi tôi được xếp thứ mấy, và trong số các bạn trong làng tôi hơn đứa nào thua đứa nào. Có lần, gặp lúc vui ông hỏi: “Những khi học bài không thuộc, thầy phạt cách nào?” – “Dạ, phạt quỳ úp mặt vào tường, hay lấy thước kẽ quật lên tay.” – “Có đứa nào đau quá khóc không?” – “Dạ, thường lắm ạ.” Ông cười: “Phạt như thế nhẹ hều, khóc là yếu. Nếu gặp ba thì thầy cô đánh gãy thước ba cũng chẳng nhúc nhích!” Ngẫm nghĩ một lúc, ông tiếp: “Hồi nhỏ ba cứ ao ước được đi học vài hôm cho biết.” Và ông bảo tôi: “Con ráng, ba sẽ cố gắng cho con học xong ở đây rồi lên tỉnh… Ba không được đến trường, con học luôn phần của ba.” Tuy không mặc áo học trò ngày nào nhưng ba tôi cũng đọc được sách, biết làm bốn phép toán, nhờ mày mò tự học. Khi tôi lên lớp nhì (lớp bốn) thì ông nói đến cái ước mơ lớn: “Con ốm yếu, không hợp với nghề nông, nên chăm học để sau làm thầy giáo… Nghề dạy học khó giàu nhưng thơm tho, nhàn nhã.”