Wednesday, April 20, 2016

2264. LÊ QUỲNH Người Mỹ 'phải nhìn khác về chiến tranh VN'


LÊ QUỲNH
Người Mỹ 'phải nhìn khác về chiến tranh VN'

Bìa cuốn tiểu thuyết "The sympathizer"
của Nguyễn Thanh Việt





Sự kiện tác giả người Mỹ gốc Việt chiến thắng hạng mục Tiểu thuyết của giải thưởng danh giá Pulitzer 2016 đã đem lại niềm tự hào cho cộng đồng người Việt trong ngoài nước.

Những người đã đọc tiểu thuyết The Sympathizer của ông Viet Thanh Nguyen (Nguyễn Thanh Việt) nhận định đây là khoảnh khắc bước ngoặt trong văn chương Mỹ, hứa hẹn góc nhìn của người Việt về Chiến tranh Việt Nam sẽ nổi bật hơn trong dòng chính của phương Tây.

Nhưng chưa rõ liệu tiểu thuyết sẽ có thể được dịch và in chính thức ở Việt Nam hay không.

Tiểu thuyết đầu tay The Sympathizer của ông Viet Thanh Nguyen, đang dạy ngành Nghiên cứu Hoa Kỳ và Sắc tộc ở Đại học Nam California, đã được giải Pulitzer hạng mục tiểu thuyết.

Nói với BBC, nhà văn người Mỹ gốc Việt Vu Tran, dạy văn học ở Đại học Chicago, nhận xét đây là “giây phút bước ngoặt cho văn học Mỹ”.

“Hy vọng độc giả ở Mỹ và nước ngoài giờ đây sẽ có cái nhìn sâu sắc, rộng lớn hơn về giai đoạn lịch sử chung này, khi đọc cuốn The Sympathizer, và các tác phẩm của nhiều tác giả người Việt khác.”

Ông Vu Tran, sinh năm 1975 tại Sài Gòn và cùng gia đình sang Mỹ năm 1980, có tiểu thuyết đầu tay Dragonfish.

Hai tác phẩm đầu tay của Viet Thanh Nguyen và Vu Tran có điểm chung là cùng đánh giá di sản Chiến tranh Việt Nam, cùng lọt vào danh sách bình chọn 2015 của báo New York Times.

Ông Vu Tran đánh giá tác giả Viet Thanh Nguyen “đã tạo ra bước ngoặt để người Việt Nam và người Mỹ gốc Việt có thể chủ động hơn trong việc kể về cuộc xung đột này”.


'Tiên phong'

Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Quí Đức, đã nhiều năm sống ở Mỹ trước khi về Hà Nội, nói ông Viet Thanh Nguyen là một trong những người “tiên phong”.

Ông Viet đã “thúc đẩy người Việt hải ngoại viết lại các câu chuyện của mình, và cuốn sách này là một tác phẩm quan trọng giúp giải thích tâm lý nhiều người trong cuộc chiến”.

Trong các cuộc phỏng vấn với truyền thông Mỹ, ông Viet Thanh Nguyen cho biết ông bắt đầu viết văn từ khi còn là sinh viên nhưng rồi dừng lại để học lấy bằng tiến sĩ và đi dạy.

Sau khi đã ổn định công tác nghiên cứu ở đại học, ông quay lại đam mê văn chương.

Ông đưa cho người môi giới một tuyển tập truyện ngắn, nhưng được khuyên phải viết tiểu thuyết nếu muốn bán được sách.

Tiểu thuyết The Sympathizer được ông viết suốt hai năm, được nhà xuất bản Grove/Atlantic mua vào cuối năm 2013.

Trên trang web của mình, ông Viet Thanh Nguyen cho biết: “Khi tôi lớn, tôi đọc sách, xem phim về Chiến tranh Việt Nam của Mỹ, nhưng rất ít điều nói về người Việt, họ được mô tả theo lối mòn, làm nền cho người hùng Mỹ.”

The Sympathizer viết về cộng đồng người Việt tỵ nạn thời hậu chiến, với một nửa câu chuyện diễn ra trên đất Mỹ và nửa kia bên Đông Nam Á.

Ông Vũ-Đức Vượng, một nhà báo tại Mỹ, nhận xét: “The Sympathizer khẳng định lại chỗ đứng của những người một thời tất tả chạy trốn đến khi tìm được chỗ đứng –dù là còn mong manh và chưa thoát khỏi vòng kim cô của cuộc chiến-- trong một xã hội đa dạng, Tây phương và khá dân chủ.”

Nhà văn Aimee Phan, tác giả cuốn The Reeducation of Cherry Truong, cũng khen ngợi với BBC rằng tác phẩm là “cách trả lời thông minh, mạch lạc và đôi khi gay gắt trước những quan điểm và phê bình về Chiến tranh Việt Nam”.

“Cuốn sách nêu bật vai trò và trải nghiệm phức tạp của người Việt, vốn thường bị mô tả theo mô hình rập khuôn, hay đóng vai phụ trong các câu chuyện, đặc biệt tại Mỹ.”


Được in ở Việt Nam?

Nhiều tờ báo ở Việt Nam đã nhanh chóng đưa tin về sự kiện.

Tuy vậy, với nội dung về một điệp viên cộng sản được cài vào hàng ngũ Việt Nam Cộng Hòa và sau đó sang Mỹ để theo dõi một nhóm “phản động”, chưa rõ tác phẩm có thể được in tại Việt Nam hay không.

Ông Vũ-Đức Vượng nói: “Việc dịch cuốn tiểu thuyết này sang tiếng Việt, tuy không khó nhưng để được phát hành chính thức tại Việt Nam cho người Việt đọc, tôi e là còn khó khả thi trong lúc này.”

“Nhìn vào chi tiết thì nội dung có những điểm mà chính quyền trong nước hiện thời khó có thể chấp nhận; còn nhìn vào chỗ đứng của The Sympathizer trên văn đàn thế giới thì tôi nghĩ không khí văn hóa cũng như chính trị trong nước chưa cởi mở đủ để rộng tay đón tác phẩm này.”

Ông Vượng nói: “Có thể là tôi chẩn đoán sai về tình hình trong nước, nhưng nếu tôi sai thì cũng là một điều đáng mừng cho dân tộc mình.”

Nhận xét chung về ảnh hưởng của The Sympathizer, nhà văn Aimee Phan nói: “Tiểu thuyết này có thể mở lại một cuộc đối thoại lớn hơn về dư âm cuộc chiến. Thực sự, góc nhìn của người Việt xứng đáng được phân tích.”


Lê Quỳnh
Trưởng ban BBC Tiếng Việt