Đọc một bài viết, thấy: Tạ Chí Đại Trường sinh năm 1938, tôi hơi
phân vân… Nhớ là anh Trường hơn tôi hai tuổi. Những năm anh thường vào Tuy Hòa,
chúng tôi cùng rông rảo khắp nhiều làng quê tìm tiên cổ. Buổi tối tụ họp ở trường
Bồ Đề, cùng nhiều bạn bàn bạc quanh các vấn đề lịch sử. Một số ý kiến của anh,
sau này gặp lại trong sách Lịch sử nội
chiến… Sau tháng 4/1975 nghe tin anh ở tù, rồi xuất cảnh sang Mỹ…
Lúc trở về Việt Nam anh gởi cho tôi mấy quyển sách, ngoài dòng đề
tặng còn ghi thêm, như ở quyển Những bài
dã sử Việt: “Dấu vết muộn màng của
một thời mới đó mà đã xa lắc xa lơ”, ở quyển Sử Việt đọc vài quyển: “Rõ là có dấu vết tiền cổ”, ở quyển Thần, người và đất Việt: “Cũng có dấu vết
của tiền cổ” … Dấu vết…xa lắc xa lơ là chuyện dã sử, hay chuyện bằng hữu, (nói
như ông Đoàn Thêm) những ngày chưa quên?
Lật Những bài dã sử Việt, phần mở đầu
viết về tiền kẽm trang 390 có “vĩ
thanh”: Và cũng nhân tiện gợi nhớ lại cảm
hứng của nhà thơ Trần Huiền Ân nảy sinh trong một chuyến “Về Phước Bình” (Bách
Khoa số 349 ngày 15.7.1971) với chúng tôi trên một vùng đất đổ nát hoang tàn
còn bốc khói ở Phú Yên: “Hỡi ơi, lịch sử hoen bùn đất!” Sài Gòn, 8-12-1989.
Thằng con từ Sài Gòn gọi điện thoại về báo một lúc hai tin buồn, bác
Hoài Khanh và bác Tạ Chí Đại Trường. Khác với Tạ Chí Đại Trường, sau 1975 Hoài
Khanh có nhiều dịp ra Tuy Hòa. Đây là chặng đường nối tiếp từ Phan Thiết, Phan
Rang, Nha Trang, rồi anh đi Qui Nhơn, Đà Nẵng. Cho tới năm anh ngã bệnh ở Đà Nẵng.
(Thằng con tôi cũng đang ở Đà Nẵng, biết được, thay mặt tôi vào bệnh viện thăm
anh). Có lần nghe tiếng gọi lúc 3 giờ sáng, tôi mắt nhắm mắt mở bước ra vừa
nghe Hành Khoai đây! Hành Khoai đây!
Anh mặc nhận cách gọi nói lái như thế. Câu chuyện thường xoay quanh tạp chí Giữ thơm quê mẹ, lúc đó do anh trông
coi, có một tác giả bút danh khá lạ: Chín. Nhắc cả tập thơ đầu tay: Dâng Rừng. Đọc bài của Trần Yên Hòa thuật
lại lần đến thăm anh hồi tết này, tôi nghĩ, chắc không bao lâu nữa!
Đã đến cái thời cùng theo bước nhau về “cõi Thọ”. Trừ niên trưởng
Võ Phiến, những Thế Uyên, Lâm Thao, Chu Trầm Nguyên Minh, Dương Kiền… chưa tròn
80! Với Võ Phiến, nhớ nhất đêm ở nhà vãng lai Tuy Hòa, trời động, gió lớn, sóng
biền ì ầm, cùng các tiền bối Võ Hồng, Toan Ánh, Nguyễn Tiến Châu, tôi bị chìm
trong tâm sự trầm trầm của Võ Phiến. Dương Kiền, một thời ở Nha Trang, cũng có
Võ Hồng, và Duy Năng, Doãn Dân, Trần Hoài Thư, Nguyễn Kim Phượng, Phạm Kim Khải…
Nha Trang nằm bên bờ vịnh kín, những đợt sóng sóng hiền lành êm dịu, không như
Tuy Hòa, bãi ngang, bờ cát chường mặt ra thách thức trùng khơi. Doãn Dân, người
có cá tính mạnh mẽ, tạ từ cuộc sống từ 1972, sau 1975 là hiền huynh Duy Năng trầm
tĩnh, bổn sư Võ Hồng mô phạm.
Thế Uyên, lúc ấy dạy ở một trường tư, tìm anh phải trèo lên mấy tầng
cầu thang, anh đang chủ trương “tủ sách đen” Thái Độ, sưu tầm những bài thơ bị
kiểm duyệt cắt bỏ để in lại trọn vẹn. Bộ sách Giảng văn bậc trung học của anh mới hơn các vị đi trước như Thẩm Thệ
Hà, Đỗ Văn Tú, tác giả và tác phẩm được trích giảng nhiều hơn, phản ảnh cập nhật
hơn giai đoạn văn học Miền Nam sau 1954.
Nãy giờ lan man, đi khá xa đầu đề. Lứa tuổi chúng tôi, sinh trước
năm 1945, được Hương bộ cấp bản trích lục bộ khai sinh, nhưng nhiều người khai
sinh trễ, nhiều người cha mẹ quên mất. Thời gian 1945-1954, ly loạn, giấy khai
sinh gần như không cần thiết, thêm vào đó tản cư, tiêu thổ, máy bay Pháp bắn phá,
nhà cửa cháy sập. Năm 1955, thời kỳ Quốc Gia, các Tòa Hòa giải cấp quận (huyện)
căn cứ vào lời khai và 3 nhân chứng cấp Chứng
thư thế vì khai sinh thay thế bản trích lục đã bị thất lạc hủy liệt. Đương
sự hay người lớn tuổi hơn đến quận trình căn cước của 3 người chứng (không cần
có mặt) là xong. Ngày tháng năm sinh, ai muốn ngày nào khai ngày ấy, có người
sai lệch 5-6 tuổi, về sau có khi được lợi, có khi chịu thiệt. Đó là ngày sinh
trên giấy tờ. Nhiều người lộng giả thành chơn, nói chuyện cứ đem cái “tuổi giấy
tờ” ấy ra. Đôi lần, tôi bực quá, bảo một ông lớn tuổi hơn: Tôi muốn biết tuổi của
ông là để phân định ngôi thứ theo tục lệ dân ta, ông nói vậy tôi gọi ông bằng
em, bằng chú mày, đừng bảo tôi hỗn!
Nhiều người lấy năm hiện tại (như 2016) trừ năm sinh, gọi hiệu số
là “tuổi Tây”. Họ cho rằng cách tính “tuổi Ta” không chuẩn, như sinh ngày 30 tháng
chạp, qua mồng 1 tháng giêng là 2 tuổi rồi. Nhưng cách tính “tuổi Tây” cũng không
chuẩn, mất đi một khoảng thời gian đáng kể. Sinh tháng 1 năm 2000: 2016-2000=
16 tuổi, vậy từ tháng 1/2000 đến tháng 12/2000 người ấy ở đâu, không phải trên
cõi đời này?
Dân gian thường nói các trường hợp “chịu oan một tuổi”, có người không đồng thuận tiếng “oan”, gọi là “tuổi mụ”. Sinh ngày 30 tháng chạp, đã có trong bụng mẹ từ tháng ba, đến khi ra đời, gần đủ thời gian một tuổi. Tuổi là cái vốn “Trời” ban cho mỗi người, nên thêm vào không nên cắt bớt.
Nói Tạ Chí Đại Trường sinh năm 1938, đó là căn cứ vào giấy tờ.
Theo dân gian, anh hưởng thọ 82 tuổi. Tính “tuổi Tây” là 81. Hồi trước, khi viết
về một tác giả, ông Nguiễn Ngu Í thường kê rất rõ: Ngày tháng năm sinh thật, trên
giấy tờ chỗ này ghi thế này, chỗ kia ghi thế kia, vì sao, rất tiện cho việc theo
đó mà nghị luận.
Trần Huiền Ân
25.3.2016