Thursday, March 3, 2016

2151. LÊ VĂN THIỆN Truyện ngắn RÓC RÁCH SUỐI NGẦM


Hòn Vọng Phu (Ninh Hòa) – biểu tượng về lòng chung thủy 
(Nguồn: ninhhoatoday.net)


Kiểm lo ngại khi Hà Như – vợ Kiểm – chơi thân, tiếp xúc thường xuyên với Hương. Hai người quất quít nhau như nhân tình. Tuần nào họ cũng gặp nhau ba lần, mỗi lần kéo dài hàng buổi. Kiểm ngạc nhiên khi nghe họ nói say sưa những chuyện lông bông, không đâu vào đâu, trên trời dưới đất. Hà Như sẵn sàng xếp sách báo qua một bên, bỏ xem chương trình phim truyện trên truyền hình để tán gẫu với Hương từ 7 đến 10 giờ tối. Kiểm không hiểu nổi. Có một điều gì đó khiến anh bồn chồn, không yên tâm. Đến khi Hà Như có thai thì anh bắt đầu lo sợ.
       Kiểm nhớ trước đây đã đọc ở đâu đó viết rằng người phụ nữ có thai nếu thường nhìn thấy các hình ảnh tươi tắn, rực rỡ, thường gặp những con người khôi ngô thì sẽ sinh ra đứa con xinh đẹp. Điều đó đúng tới đâu Kiểm chưa biết. Nhưng anh cảm thấy dường như nó… có lý. “Cảm thấy” vậy, rất vu vơ, chẳng căn cứ vào đâu cả. Dĩ nhiên anh không nói với ai về những ý nghĩ này, bởi sợ bị chê là tin nhảm nhí.
       Mấy tháng qua, làm như vô tình, Kiểm mua nhiều ảnh thắng cảnh trong nước, đem treo lên tường nhà trên, nhà dưới; ảnh người mẫu Đức C. Schiffer, cầu thủ Ý R. Baggio dán trong phòng ngủ; ảnh diễn viên Mỹ R. Gere, ca sĩ Pháp V. Paradis treo ở phòng khách! Hà Như khen những cảnh, những người ấy đẹp nhưng hình như chị không quan tâm nhiều đến chúng. Tính Hà Như vốn hời hợt, chị lười trang điểm, chưng diện, ít thích những thứ “không ăn được” như bông hoa, cây cảnh, xe cộ.
       Hương cũng là hình ảnh Hà Như thường nhìn thấy, nhưng cô ta tương phản với cái đẹp khuôn mẫu Kiểm muốn phô bày trước mắt Hà Như. Hương đen đúa, cục mịch, dung nhan nói chung dưới mức trung bình. Sắc đẹp là món của quý trời ban, có tính cách may rủi, không theo một quy ước, một tiêu chuẩn nào; nên người có lý trí không ai dè bỉu, chê bai những kẻ kém may mắn. Nhưng Kiểm để ý đến việc này vì Hà Như đang mang thai. Anh không muốn Như đối mặt Hương quá nhiều. Bởi gương mặt ấy gom đủ những nét thô tháp, xấu vụng: mắt nhỏ tí, sưng hum húp. Miệng rộng, môi dày cộm. Răng to kỳ cục, màu vàng bẩn. Mũi tròn, lớn, đỏ như mũi các anh hề.
       Khốn nỗi, Hương là bạn thân nhất của Hà Như. Kiểm không thể ngăn cấm hai người giao du với nhau, chưa nghĩ được phương cách để ngăn “mối nguy hiểm tiềm ẩn” này xâm nhập vào nhà mình.
       Nhiều lần Kiểm nói với Hà Như, nói xa, như chuyện tạt ngang, không dụng ý:
       “Lạ quá, có gì thú vị mà hai chị nói hàng buổi không biết mệt.”
       “Chuyện làng nhàng, thế giới đàn bà con gái, vui lắm.”
       “Xem truyền hình, đọc báo có phải sướng mắt, hay hơn nhiều không?”
       Hà Như nguýt Kiểm, và cười giòn:
       “Đàn ông đàn ang, biết gì. Tivi, báo sách là đồ hộp, còn cái món này là thực phẩm tươi sống!” Như giải thích thêm: “Anh không biết đâu, chẳng những thú vị mà lắm chuyện nghe rất bổ ích!”
       “Ích lợi?”
       “Chớ sao! Nó mở rộng tầm mắt, cho ta hiểu thêm về con người, nhìn được nhiều mặt của xã hội… Anh phải biết, Hương chẳng khác chi nhà báo, nó đi nhiều, sục mũi vào khắp các ngõ ngách ở vùng này, chuyện nhà ai nó cũng rõ… mình chỉ bỏ công nghe thôi, có tốn kém đồng xu nào đâu.”
       “Giọng nói của cô ấy sao nó chát ngầm, chua chua… còn tiếng cười thì, như cái gì nhỉ? Nghe cứ the thé, tưng tức!” Kiểm nói quanh co, không bộc lộ hết những điều mình muốn nói. Hà Như nghiêng đầu ngắm Kiểm.
       “Anh làm sao vậy? Ta đâu phải bồ bịch của nó mà lưu ý tới mấy khoản đó… Nhưng này, Hương cũng có người thương đàng hoàng, không đùa đâu.”
       “Biết rồi, một anh chàng mua lông vịt, đồ cũ.”
       “Hai người yêu nhau mê mệt, mặn nồng lắm.”
       “Mong sao tay ấy rước quách cô nàng đi cho được việc.”
       “Anh chàng cũng muốn “đưa nàng về dinh” nhưng lo thủ tục ly dị vợ lớn chưa xong. Gay cấn nằm ở chỗ đó!”
       Kiểm nói một câu thăm dò:
       “Anh trông cho Hương bớt đi lung tung, và không đến đây nhiều như lâu nay.”
       Hà Như không để ý. “Tính tình con người ta thường khác nhau. Như trong việc đi giải trí chẳng hạn: người này ưa tìm tới những chỗ đô hội, náo nhiệt; kẻ khác lại thích lui về miền quê thanh vắng, tâm tình với sông hồ, đồng cỏ… Em yêu cả hai ý thích đó.”
       “Vấn đề ở đây chẳng phải là thích hay không. Nó rắc rối, tế nhị hơn nhiều.” Kiểm nghĩ vậy, nhưng không nói ra.
*
       Thấy Hương và Hà Như thân thiết, gắn bó, trong trí Kiểm nảy ra một nỗi lo mới. “Gần mực thì đen”, Kiểm sợ Như bị nhiễm các thói tật của Hương. Hương chẳng có gì đáng để học hỏi, noi theo. Giống cô ta cũng như bị lây bệnh, như soi tấm gương ố mờ.
       Tối qua Kiểm lại được nghe một tin thời sự nóng sốt. Hương nói, ra vẻ quan trọng:
       “Con Chi lên tỉnh ở mấy tháng, mới về trưa nay, chị nghe chưa?… Con này khéo, cực kỳ khôn lanh. Nó vừa thu dọn gọn ghẽ một vụ động trời, qua mặt làng xã ngon ơ.
       “Hình như nó đi học uốn tóc, trang điểm cô dâu?” Như hỏi.
       “Không học gì. Để em nói nhỏ chị nghe: nó đi đẻ. Rõ chưa, đẻ con, sinh sản đấy!”
       “Thật à?”
       “Chị ngạc nhiên cũng phải… Chưa biết nó đẻ hay phá, con còn hay mất. Chỉ biết rằng nay nó lại thành con gái nhà lành!”
       Như kêu lên, nôn nóng:
       “Con khỉ, úp mở mãi! Cho chị biết ngay, thủ phạm là ai?”
       Hương thích thú, kéo dài giọng, như khoe khoang:
       “Có ba tên nằm trong danh sách bị tình nghi: ông Phàm, thằng Viên và thằng Hiệp. Để em điều tra kỹ lại đã.”
       Như tặc lưỡi:
       “Gớm, mủ mỉ lù khù mà lại ranh!”
       “Sao lại lù khù, chị chưa nhìn gần tướng mặt nó đấy thôi! Cái lối ăn mặc, tô điểm của nó… Cái cách nói năng đi đứng của nó… ô, là là!”
       “Quỉ! Bề ngoài nom con bé hiền như tượng.”
       Khi Hương về, Kiểm nói với Hà Như:
       “Chuyện nàng Chi hấp dẫn, nếu em ghi lại đầy đủ thì chắc thành pho tiểu thuyết diễm tình, có thể bán cho các báo được.”
       “Anh cũng biết châm biếm sâu cay! Nhưng đó là chuyện thật, đâu phải Hương bịa đặt để nói xấu thiên hạ.”
       “Có thể là thật. Nhưng anh thấy Hương nói bằng giọng điệu vui thích, nghe nó hơi bất nhẫn.”
       “Chắc anh thành kiến với nó…”
       “Dễ có cảm tưởng, cô ấy mong chờ những chuyện như thế xảy ra.”
       Hà Như khó chịu: “Không nên suy diễn, áp đặt ý tưởng của mình cho người khác… Em thấy rằng Hương thẳng thắn, tốt bụng… Lạ thực, sao anh chê, ghét nó nhỉ?”
       “Nếu mặt mũi Hương không nặng nề, nếu cô ta đổi lốt, đẹp ra, thì chắc anh sẽ quý mến mau chóng.” Nghĩ vậy, nhưng Kiểm không nói ra.
*
       Vợ chồng Kiểm chờ đón ngày chào đời của đứa con đầu lòng trong náo nức, hồi hộp, coi đây là sự kiện trọng đại, “lịch sử”. Khâu chuẩn bị được thực hiện chu đáo. Các vật dụng cần thiết đã mua sắm từ lâu. Mỗi tháng Hà Như đi bác sĩ khám thai một lần, sức khỏe chị khả quan. Kiểm phấn khởi, chi tiêu không hạn chế.
       Hà Như chuyển dạ vào một buổi sáng và sinh ngay trưa hôm đó. Hoàng nam! Đúng như ước muốn của Như, con trai. Nhưng đến đây bỗng xuất hiện một trục trặc: “dung nhan” thằng bé. Nó bụ bẫm, nặng ba ký bảy, nhưng khá xấu xí: nước da nó đen sạm, mặt có nhiều nét giống Hương. Giống từ đôi mắt đến mũi, miệng. Kiểm chưng hửng, Hà Như thì bàng hoàng và thất vọng. Chị rầu rĩ, thở dài sườn sượt không giấu giếm… Hơi ngạc nhiên, nhưng thực lòng Kiểm không buồn. Mình không đẹp làm sao con đẹp? Hơn nữa, Kiểm quý trọng trí tuệ, kính phục yêu mến những kẻ tài giỏi, không quá chú ý đến hình dáng bên ngoài, “đầu óc đậm đặc hơn bản mặt sặc sỡ!”
       Một lần Hà Như hỏi: “Vì sao thằng bé giống Hương nhỉ?” Kiểm đáp bừa: “Do ngẫu nhiên. Đứa này giống chú, cô. Đứa kia giống ngoại, dì. Có khi lại giống một tay đua xe đạp nổi tiếng, hoặc một minh tinh màn bạc. Lắm đứa chẳng giống ai cả… Tất cả chúng nó – bọn trẻ ấy – suy cho cùng, đều là tác phẩm của Thượng đế!”
       Kiểm nói hơi văn hoa, khác thường, nhưng Như không nhận thấy. Chị nhìn chăm chăm vào tường, như bận nghĩ ngợi chuyện gì lớn lao.
       Sợ sự phiền muộn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe Hà Như, Kiểm ráng tạo cho mình bộ mặt bình thản, ra sức khuyên giải, an ủi vợ. Nhưng mặc cho anh nói, Như vẫn xuống tinh thần. Kiểm bàn việc mua thêm áo ấm cho bé, Như bảo “tùy anh”. Kiểm đề xuất chuyện đặt tên cho bé, Như hỏi lại: “Tên? Đặt sớm vậy?”… Kiểm lặp đi lặp lại để Như thấm: đối với con trai nhan sắc không quan trọng. Người xưa từng nói “trai tài gái sắc”, trai chỉ cần tài. Kiểm đùa: “Coi đây, anh có đẹp đâu, em vẫn mê… Chúng ta không nhất thiết buộc con sau này phải thành ca sĩ hay diễn viên điện ảnh. Trên đời còn có muôn vàn ngành nghề khác… Con trai cần nhất sức lực và trí thông minh. Cầu trời cho thằng bé mau lớn và học giỏi… Anh mong nó lanh lợi, vạm vỡ, tài năng hơn người. Nó sẽ là họa sĩ bậc thầy như Van Gogh, là ông Trạng như Mạc Đĩnh Chi… Chúng ta sẽ tự hào về nó!” Hà Như biết rõ những tên tuổi đó, chị cười. Nhưng nụ cười chỉ thoáng hiện trong chớp mắt, trông khá mờ nhạt, tới độ Kiểm tự hỏi chẳng hiểu có phải đúng là Như vừa cười đó không ./.

Lê Văn Thiện
Nguồn: Blog DangTuanHoang – nơi lưu trữ tác phẩm của nhà văn Lê Văn Thiện