Friday, February 12, 2016

2106. LÊ VĂN THIỆN Truyện ngắn MỘT CHÚT HUYỀN ẢO



Làng quê Ninh Hòa - Ảnh: vnphoto.net



Ở nhà không có ai trò chuyện, bà Lạc nín thinh tối ngày, ở đây có người nghe, bà nói suốt. Chuyện về thằng Bửu, con bà, có thể kể cả tuần không hết. Nó là người thế nào, cả làng biết, nhưng nay nó đã chết, nên bà bỏ qua các tật xấu, cố ý nhấn mạnh vào mấy chỗ tốt của nó. Ông thợ nghe, gật gù, cười nhỏ tán thưởng. Tai nghe, nhưng hai tay ông Phu vẫn làm việc đều. Ông đo, ngắm nghía, tô vẽ, cắt, dán. Ông làm nhà, lắp xe, cắt quần áo tủ giường bàn ghế, tất cả đều bằng giấy. Loại hàng đặc biệt dành cho cõi âm, khách là người chết.
        “Thằng nhỏ giỏi, tội nghiệp, nó mấy tuổi?”.
        “Dạ, hai mươi tám”. Tính nhẩm một lúc, bà Lạc nói lại “hai mươi chín”.
        “Quá trẻ, chưa hưởng gì. Trước kia, hồi bằng tuổi đó, tôi đi hỏi vợ”.
        “Lấy gì hưởng, anh. Nhà khổ, nó phải làm quần quật… À, lâu lâu nó giải trí giải sầu bằng mấy lít đế, nó uống dữ lắm”.
        Ông Phu thông cảm: “Bọn trẻ bây giờ đều vậy. Không trách chúng được, người không phải máy, làm phải có lúc nghỉ, nghỉ thì giải khuây”.
        Bà Lạc buồn xo: “Anh nói phải, nhưng nó chết vì mấy xị nước đắng ấy”.
        Bé gái, con bà Miêu, kéo tay mẹ, nhắc nhỏ:
        “Mẹ, nói bác làm cái ti vi và đôi giày cho ba”.
        “Mẹ nhớ”. Bà Miêu bảo ông Phu:
        “Anh làm thêm cho tôi đôi giày và chiếc ti vi”. Không đợi ông thợ hỏi, bà nói luôn: “Con bé này nằm mơ thấy cha nó. Ông ấy bảo đã thấy cái nhà mả tôi đặt rồi, nhưng cần có thêm cái máy truyển hình, đôi giày”.
        “Thiệt à?”. Ông Phu hỏi.
        “Hai đêm tiếp, nó gặp cảnh mơ giống hệt nhau, nghe rõ như vậy”.
        “Thế đấy”, ông Phu có vẻ hài lòng. “Nhiều người chê, vụ cúng kính này vớ vẩn, mê tín, như đốt tiền, nhưng chắc không phải vậy, bằng chứng là chưa lúc nào tôi ngơi tay, rảnh việc”.
        “Ai nói sao mặc họ, anh à”, bà Lạc nói “nhìn các đạo khác sẽ thấy, người ta bỏ ra biết bao công sức để vun đắp, tô bồi cho đạo. Họ cầu kinh ngày hai ba lần, xây vô số nhà nguyện chùa miếu to rộng, rực rỡ. Còn mình, như bọn lười, lâu lâu mới làm một vài thứ lặt vặt cho phần hồn”.
        Dân làm ruộng hiếm khi có dịp diện đồ lớn, đi giày, thắt cà vạt. Ông Đôn, chồng bà Miêu, có đôi giày cũ mèm, rách. Ngày ông qua đời bà quên, không đốt giày.
        “Năm ngoái có một ông ở Long Thới tới đây”, ông Phu kể, “ông ta đặt hàng cúng bà vợ. Ngồi xem tôi làm nửa ngày, hỏi đủ mọi thứ, cuối cùng ông ta đặt một tòa nhà ba tầng khổng lồ, với ba mươi món đồ bày trong nội thất. Nó là tác phẩm lớn nhất xưa nay của tôi. Ông khách luôn miệng nói: “anh cứ làm, đừng nghĩ về tiền bạc, tôi thương vợ tôi”. Ông ta bảo, không ngờ thời buổi tân tiến mà còn nghề này. Mấy đứa con bày vẽ, giục ông làm để cúng. Suy nghĩ vài hôm, ông nhận ra một điều, việc này nhìn qua có vẻ buồn cười, nhưng nó chỉ cho người ta thấy, con người khác trâu ngựa heo chó, là có phần hồn. Linh hồn, hơi mập mờ, nhưng ngẫm lại thấy có lý, người phải khác thú vật. “Tôi thương vợ. Lẽ nào chết là mất sạch. Tôi nhớ bà ấy”.
        “Tội nghiệp, nghe thương quá!”. Bà Lạc nói như thở dài.
        “Chưa hết, trước ngày nhận hàng, ông nhà giàu đó bảo tôi làm thêm sáu món, trong đó có những thứ không ngờ, như vài chậu bông đặt trước ban công, hai chiếc nón, bốn khung ảnh dán trên tường”. Đó là ý của lũ con ông, bốn đứa. “Chúng nó thương mẹ lắm, thương sâu đậm, hơn tôi nhiều”.