Sunday, February 7, 2016

2097. NGUYỄN TƯỜNG GIANG Một tháng, nhớ Đinh Cường



Nguyễn Tường Giang
MỘT THÁNG, NHỚ ĐINH CƯỜNG

Phác thảo chân dung Nguyễn Tường Giang
dinhcuong – 29.4.2014


Buổi sáng, dậy sớm có việc phải đi ra khỏi nhà. Đầu tháng hai trời lạnh nhưng không có tuyết. Ngày cuối năm âm lịch, buổi sáng vắng vẻ nhắc nhở không khí một ngày cuối năm, năm nào, ở một quê hương đã xa. Con đường tỉnh lộ 50 đi về phía tây, những hàng cây trụi lá hai ven đường để lộ thấp thoáng vài căn nhà nhỏ bé xây theo một mô hình đồng nhất, gợi nhớ một bức tranh của người bạn họa sĩ, hình như đã mất. Chỉ một tháng trước đây thôi, trên con đường này, mười giờ tối, tôi đã chạy xe vội vã đến đón Nguyễn Mạnh Hùng vào nhà thương Fairfax, cũng nằm cạnh con đường 50 này, để nhìn mặt lần cuối cùng Đinh Cường. Một linh cảm tình cờ đã xui khiến tôi gọi điện thoại, không vì một duyên cớ nào cả, hỏi thăm tình trạng của Đinh Cường trong nhà thương. Cô y tá trưởng, sau khi cho biết Đinh Cường vẫn còn nằm trong phòng cũ, ngập ngừng nói với tôi: dù sao, ông ta cũng vừa ra đi 30 phút rồi. Mới một ngày trước đó, chúng tôi còn vào thăm và trò truyện, dù rất ít, với Đinh Cường. Một ngày trước đó Đinh Cường còn nhìn, nói và thở. Bây giờ tôi và Hùng đứng dưới chân giường, nhìn tấm thân gầy gò của một thiền sư, mỏng và nhẹ tưởng chừng như có thể bay trong gió, đôi mắt khép kín bình yên, đôi môi hé nở một nụ cười, nụ cười hiền lành của Đinh Cường ngày nào. Mới chỉ một hai ngày trước đây thôi, tôi còn có trong giấc mơ, cùng vài người bạn đến đón Đinh Cường đi uống cà phê, hai chân ông đã yếu phải có người giúp đỡ để ngồi vào xe, ở một quán cà phê nào đó, Starbucks hay Bayou. Người họa sĩ thường ít nói, và khi nói chỉ là nhắc đến các bạn bè quen thuộc, xa gần với một sự trìu mến, một cuộc triển lãm của người bạn, một cuốn sách mới in, dự tính về triển lãm chung với một họa sĩ bạn ở Huế, nơi chốn ghi dấu ấn sâu đậm trong tâm tưởng, vào tháng hai âm lịch sắp tới đây. Không ai ngạc nhiên vì sự quen biết nhiều đến không giải thích được của Đinh Cường, miền Nam, miền Bắc, Sài Gòn, Đà Lạt, Huế, Hà Nội, thế hệ cũ, thế hệ mới, trong nước, ngoài nước…Nhắc tới những người làm văn nghệ hoặc có ít nhiều liên quan đến văn nghệ, Đinh Cường đều biết khá rõ , và tỉ mỉ hơn chỉ với một lời nhận xét, Đinh Cường đã mô tả được cái nét đặc thù của người được nhắc đến. Ngồi uống cà phê với chúng tôi, không lần nào mà Đinh Cường không có một cuộc điện đàm, hoặc bạn bè gọi tới, hoặc Đinh Cường chợt nhớ tới ai đó, gọi hỏi thăm nói chuyện chơi, có khi từ Việt Nam, có khi từ các tiểu bang xa xôi khác. Không có gì cả, nhưng có lẽ Đinh Cường luôn cảm thấy cần có những sợi dây liên lạc mật thiết , muốn được nghe giọng nói, hơi thở, tưởng như bè bạn vẫn kề cận bên mình. Gần đây, Đinh Cường hay đi ra ngoài thường xuyên, hầu như mỗi ngày, đi ăn gà nướng Peru, gà Rosemary ở Madeleine, bánh tôm hay chả cá Hà Nội, ăn phở gà ở Kobe…nhưng lần nào Đinh Cường cũng ăn rất ít, như có lệ, căn bệnh hiểm nghèo đã lấy đi cái thú ẩm thực của ông. Đinh Cường đã mệt nhiều và tôi nghĩ, Đinh Cường đã biết những ngày còn lại rât ngắn ngủi của mình, ông chỉ muốn ra ngoài để thở cái không khí mọi người đang thở, để nghe tiếng nói cười của một đời sống ông sắp phải lìa xa, như một tuần lễ trước khi ông mất, ông đã nhìn thấy bàn tay vẫy gọi và tiếng chào hỏi gặp gỡ của hai người bạn chí thân: Bửu Chỉ và Trịnh Công Sơn.

Tôi cũng không nhớ rõ tôi quen Đinh Cường vào khoảng thời gian nào, nhưng chắc chắn không phải trước 1975. Tôi chỉ nghe tiếng và có thể xem qua một vài bức tranh của ông trong một triển lãm của Hội Họa Sĩ Trẻ, không để lại một ấn tượng ghi nhớ nào. Tôi nghĩ, sự quen biết của tôi với Đinh Cường, trước tiên là vì chúng tôi cùng ở một địa phương và gặp gỡ nhau qua một người bạn. Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả là khi mới trò truyện cùng nhau, tôi và Đinh Cường đều có cảm tưởng đã quen biết nhau từ lâu, lý do rất dễ hiểu là vì tôi có quen và biết khá nhiều bạn của Đinh Cường và ngược lại, Đinh Cường cũng biết khá rõ về các sinh hoạt văn nghệ của tôi và bạn bè. Những bạn bè của tôi và Đinh Cường, thuở đó, vì tuổi trẻ và đầy nhiệt huyết, có thể là vì rất ngây thơ hay rất tàn bạo, đã tham gia khá nhiều vào những biến động thiên tả và phản chiến. Bây giờ, cái miền Nam một thời nuôi dưỡng chúng tôi đã không còn tồn tại, khi tôi cùng Đinh Cường có nhiều cơ hội gặp gỡ và trò truyện cùng nhau, chúng tôi cảm thấy thân thiết hơn chỉ vì những ngậm ngùi quá khứ, nhắc lại dĩ vãng của một thời đã qua, dĩ vãng bao giờ cũng đẹp dù sai hay đúng, những bạn bè người còn kẻ mất, thương tiếc hai mươi năm tiêu pha tuổi trẻ và những giấc mơ, những năm tháng mất đi không bao giờ trở lại, như mối tình đầu tan vỡ. Tôi không phải là một người bạn thân của Đinh Cường, giữa tôi và ông chỉ là một liên lạc về một quá khứ đã xa. Và khi Đinh Cường mất đi, tôi càng cảm thấy xa vời với cái quá khứ đầy mộng mị, cái quá khứ đã ám ảnh đến hơn một nửa phần đời của tôi. Tôi đã già, và khi Đinh Cường mất đi, tôi thấy cũng rất gần đến cái ngày chôn vùi cả một thời, một thời chiến tranh tan nát của quê hương, một thời để nhớ và một thời để quên.

Hôm qua, trong buổi giỗ trong gia đình, Chu Việt, đã ở cái tuổi xa 80 và gần 90, hỏi tôi: ông không có bức tranh nào của Đinh Cường nhỉ?. Tôi kéo ông ra ngoài phòng khách, chỉ cho Chu Việt bức tranh đầu tiên tôi mua của Đinh Cường, có lẽ đã hơn 25 năm. Bức tranh có nhà thờ đổ nát, cây thánh giá xiêu vẹo, có ngựa đeo lục lạc u buồn, có vừng trăng hỗn mang, một bông hoa trắng cô đơn và thiếu nữ khuôn mặt nhìn nghiêng, rất đặc thù của Đinh Cường, những mảng mầu xanh huyền hoặc trên nếp áo dài và vệt chấm đỏ như lửa trên đôi môi thiếu nữ. Bức tranh ghi 8-87. Không biết lúc đó, người bạn tôi quen Đinh Cường , còn ở quê hương hay đã sang miền đất lạ.

Như bây giờ, Đinh Cường đã sang miền đất lạ để trở về quê hương.


Nguyễn Tường Giang
Ngày 07 tháng 02 năm 2016 tức ngày 29 tháng chạp thiếu năm Ất Mùi. Một tháng sau ngày Đinh Cưòng ra đi.


Nguyễn Mạnh Hùng - Nguyễn Tường Giang - Đinh Cường
Burke  (VA) - 16.3.2014

Nguyễn Tường Giang - Đinh Cường
Ảnh PCH - Chantilly (VA) - 23.8.2014