Source: styleprinter.com
(Nguyên
tác Tiếng Ý: lettera alla madre)
Trương
Văn Dân dịch sang Tiếng Việt
Mẹ
thương yêu,
Con
thường nghĩ về mẹ nhưng trước đây con chưa viết được gì cho mẹ. Con muốn kể cho
mẹ nghe rất nhiều điều, tất cả những gì đã xảy ra với con, về cuộc đời mà con
đang sống, dù đôi khi con có cảm giác là mẹ đã biết tất cả rồi. Mẹ luôn có một
thứ giác quan thứ sáu, một thứ trực giác bén nhạy để linh cảm về những điều sắp
sửa xảy ra. Chỉ tiếc là những linh cảm ấy không giúp mẹ tránh khỏi những khổ
đau. Và trong đời, mẹ đã đau khổ biết bao!
Ngay
từ lúc còn bé, một cơn sưng màng não đột phát trong vài giờ đã cướp đi người em
gái, và sau đó, vì quá đau đớn bà ngoại cũng ra đi.
Kể
từ ngày đó mẹ luôn luôn mang theo cái bóp đầm trong đó có hai bức hình đen trắng.
Từ
nhiều năm nay trong chiếc ví của con cũng có bức hình trắng đen của mẹ: khuôn mặt
mẹ thật đẹp nằm giữa những lọn tóc gợn sóng, hai mắt to màu đen và nụ cười chớm
nở trên môi. Lúc đó mẹ chỉ vừa 19 tuổi, trước khi lập gia đình với người yêu và
cũng là mối tình đầu và duy nhất của mình. Suốt một đời mẹ chỉ muốn tận tình
chăm sóc chồng, thế mà sau ngày cưới chẳng bao lâu, người chồng đã bắt đầu làm
khổ mẹ. Niềm an ủi duy nhất của mẹ chính là những đứa con : anh trai và con, đứa
con gái mà mẹ muốn giữ, chống lại ước muốn của chồng. Tám năm sau lần sinh nở đầu
tiên, chính mẹ đã quyết liệt chống đối để con có thể tiếp tục lớn lên trong bụng
mẹ. Thật là khó khăn vì ba muốn mẹ phải phá thai để khỏi bị ràng buộc, nhưng mẹ
nhất định không. Mẹ muốn giữ con, và biết chắc là sẽ sinh con gái. Mẹ đã
nhiều lần kể lại cho con nghe là ba đã giận dữ như thế nào: Nếu phải có con,
ba chỉ muốn tất cả đều phải là trai!
Thế
nhưng, rất nhiều năm về sau, chính ba đã lớn tiếng tuyên bố là người duy nhất
mà ba có thể trông cậy và tin tưởng là con, đứa con gái của ba mà trước đây ông
muốn bỏ đi !
Thỉnh
thoảng con cũng có nghĩ về ba, nhưng trong những giấc mơ, con chỉ mơ thấy mẹ.
Trong
những giấc mơ ấy con luôn luôn mơ thấy ngôi nhà mình từng sống. Dường như có lần
con từ trường đại học trở về và thấy mẹ đang ngồi cạnh cửa sổ, đôi mắt kính xệ
xuống sống mũi, cuí đầu cặm cụi khâu lại ống quần hay kết lại viền khăn trải
bàn bị đứt chỉ. Những lần khác con nhìn thấy mẹ đang làm nước sốt cho món mì
đút lò. Bao nhiêu lần con đã phụ mẹ để nấu những món mà gia đình thích, thường
là ngày chủ nhật vì những ngày khác ba đi làm còn mẹ cũng đi dạy nên có ít thời
gian. Nhắc lại, con như nghe trên đầu lưỡi của mình mùi vị thơm ngon của thứ nước
sốt rất đặc biệt đó.
Trong
các giấc mơ khác con cũng nhìn thấy mẹ, mà là những lúc thật buồn, thật đau khổ,
rồi con thức giấc như vừa tỉnh một cơn ác mộng và lòng sầu đau khôn tả. Phải cần
vài giây sau con mới định thần được rồi lòng chợt thấy vui vì con được ở
gần bên mẹ. Dù chỉ trong một giấc mơ.
Mẹ
ơi, trong những ngày cuối, chao ôi, con thấy mẹ dịu ngọt và mỏng mảnh làm sao!
Con biết không phải mẹ khóc vì mình sẽ lìa bỏ cõi đời mà khóc cho những đứa con
mà mẹ phải rời xa. Đó không phải là ý muốn của mẹ, mà là do cái khối u
tàn nhẫn đang lớn dần bên trong và từng ngày cướp đi sức sống.
Sau
khi mẹ mất, con luôn giữ những tấm hình của mẹ, lần này là hình màu, trong ảnh
mẹ tươi cười và hình như không có nhiều lo âu. Có lẽ chỉ có một chút màu
đen nơi vành mắt là dấu vết của nỗi buồn vì cô độc. Mẹ quá cô độc, nhưng có lẽ
tất cả mấy mẹ con mình đều cô độc. Cho đến tận bây giờ con vẫn còn nhớ cái cảm
giác bị ruồng bỏ, bị bỏ rơi. Suốt buổi tối cả nhà ngồi quây quần quanh chiếc
bàn cơm đã dọn sẵn, im lặng đợi chờ. Nhưng ba con đã không về trong đêm
đó. Và sau đó thì không bao giờ về nữa.
Con
không bao giờ muốn nghĩ về những ngày tháng ấy. Ngược lại, con muốn nghĩ rằng
giờ này mẹ đang bình an, không còn đau đớn và cuối cùng thanh thản ở một cõi giới
khác.
Bây
giờ thì con xin báo cho mẹ biết là trong những ngày tới, mẹ sẽ có một cuộc gặp
gỡ quan trọng. Đến gặp mẹ là một người đàn bà mà mẹ đã từng gặp rất nhiều năm
trước: mẹ của chồng con. Con tin chắc rằng hai người sẽ trở thành bạn, sẽ
kể cho nhau nghe nhiều rất chuyện, về những cuộc đời ở mãi tận phía bên kia
trái đất. Bà ấy hay cười và thích nói đùa. Đây là điều mà con đang tưởng tượng:
hai người ngồi bên nhau như thể là hai người bạn lâu năm, vui đùa, cười nói. Mẹ
chồng của con sẽ nói về Việt Nam, sẽ giải thích về lễ Vu Lan, một ngày lễ Phật
Giáo rất đặc biệt dành cho các bà mẹ vì họ giữ một vai trò quan trọng trong gia
đình cũng như ngoài xã hội.
Ngày
lễ đó cũng là một cơ hội để các con có thể nói lên tình yêu thương và báo đáp
lòng hiếu thảo với mẹ, người đã chịu đựng biết bao đau đớn để sinh con,
nuôi dưỡng và dạy dỗ chúng nên người. Bao nhiêu khó khăn thường nhật mà
người mẹ phải vượt qua, kiên nhẫn, hy sinh và xem nhẹ những đớn đau hiện tại
để nuôi hy vọng về một tương lai tốt đẹp.
Mẹ
biết không? Sau khi mẹ mất, hằng năm vào lễ Vu Lan con thường đi đến chùa để thắp
nhang và cầu nguyện. Lần nào trước cửa thiền con cũng được chào đón bởi
các em học sinh, để gây quỹ giúp chùa hay để làm từ thiện, họ gắn lên áo quan
khách những chiếc bông hồng làm bằng vải hay bằng giấy lụa: Bông hồng màu
đỏ tượng trưng cho những ai còn mẹ và màu trắng cho những ai có mẹ đã qua đời.
Nhờ màu của những hoa hồng trên áo nên mọi người dễ dàng nhận biết ai là
kẻ may mắn còn mẹ để chúc mừng, ai là người không còn mẹ để chia buồn với
họ.
Ngày
hôm đó con có bỏ một ít tiền vào chiếc hộp giấy mà các em mang theo và
yêu cầu họ gắn lên áo mình một bông hồng màu trắng và một bông hồng màu đỏ. Cô
bé học trò, đã ngạc nhiên khi nhìn thấy một người ngoại quốc đi chùa, nói chút
ít tiếng việt, và lại có yêu cầu khác thường nên hơi bối rối. Con vội giải
thích với cô ta rằng chiếc hoa hồng màu trắng là cho mẹ ruột của cô, còn hoa hồng
màu đỏ là dành cho mẹ của chồng, mà con xem là bà mẹ thứ hai. Ý nghĩ này đến với
con thật tự nhiên, vì bà mẹ chồng gầy gò nhưng tính cách rất mạnh mẽ kia luôn
quan tâm đến con; Còn đứa con dâu ngoại quốc, có dáng vẻ bên ngoài có lẽ rất
khác với những gì bà chờ đợi, nhưng luôn dành cho bà một tình thương và lòng
kính mến như chính là con gái. Kính mến và yêu thương thật sự, đến nỗi con thường
tránh chữ mẹ chồng ( vì những ý nghĩa mà thông thường người ta hay đem
ra chế diễu); Có khi con xem gọi thế là một sự xúc phạm. Mẹ. Là mẹ, thế thôi.
Con
không thể nào quên được là sau ngày mẹ mất, người mẹ thứ hai của con đã
đem hình của mẹ đặt lên bàn thờ của gia đình và in ra nhiều tấm để gởi đến rất
nhiều chùa để cầu nguyện. Đối với con, đó là một cử chỉ thân thương
có nhiều ý nghĩa mà không lời lẽ nào nói lên được. Mẹ biết không, cho đến hôm
nay trong các chùa từ Sài Gòn đến tận miền quê xa như Tây Sơn, Bình Định, mỗi lần
tụng kinh các sư thầy đều có cầu nguyện cho mẹ.
xx
Bây
giờ thì mẹ và mẹ của chồng con đang ở bên nhau và ý nghĩ là cả hai đều
bình yên đã cho con rất nhiều an ủi. Con sẽ luôn nghĩ đến hai người mẹ và mùa
Vu Lan này, giữa các nghi thức cúng kiến, con muốn được đốt một chiếc điện thoại
di động bằng giấy theo truyền thống của người Việt Nam để có thể nghe được giọng
nói thân thương của mẹ.
Và
bắt đầu từ nay, các em bé sẽ gắn lên trên ngực áo của con hai bông hồng trắng.
Con
ôm hôn mẹ, thật mạnh.
Con
gái của mẹ
Elena
Pucillo Truong
Sài
gòn, April 2015