CÁNH CHIM LẠ ĐINH CƯỜNG
ĐÃ BAY CAO
Nguyễn Thị Thanh Bình
Phác thảo chân dung
Nguyễn Thị Thanh Bình
dinhcuong
Mai
sớm mai nằm chết tình cờ
Chung
quanh mộ chỉ là cỏ lá
(Thơ Đinh Cường)
Vậy là họa sĩ kiêm thi sĩ
Đinh Cường đã đi rồi. Đi không phải như đi ra chợ mua nải chuối hay ổ bánh mì,
rồi lửng thửng từng bước, từng bước thầm trở về lại mái ấm mà anh đã từng ghi
nhớ đã cho mình “một chỗ trú an toàn nhất được vẽ và viết”. Thế thì lần này phải
nói hình ảnh ra đi của anh hệt như một cánh chim gọi bạn xuyên thủng cả trời
đêm.Anh đã không ra đi vào sớm mai và thật tình cờ như câu thơ đã lỗi nhịp linh
cảm ấy. Anh lẩn khuất trong đêm tối, vì cổ họng anh chừng như vẫn còn muốn nghẹn
lại một lời thơ, mà trước đó chỉ ba bốn ngày thần chết cũng đã không rượt nổi
thần sáng tạo trong anh kia mà. Anh bay cao như thế, cánh chim lạ Đinh Cường đã
bay caoxa thẳm thì làm gì có mộ phần nào chung quanh đan bằng cỏ lá để giam giữ
được thân anh? Sớm muộn gì anh chẳng là cánh phượng hoàng bay lên từ cuộc “hành
xác” hỏa táng của trần gian, có phải?
Anh biết không, dạo sau
này khi không ở Việt Nam bỗng xuất hiện những tên gọi như sợ phạm húy kỳ cục, đại
loại kiểu tàu lạ, máy bay lạ, người lạ… Vậy mà hình ảnh đọng lại của anh trong
tôi bỗng lạ lùng quí hiếm đến độ tôi muốn gọi anh là Cánh Chim Lạ, hay nói đúng
hơn chính những đường bay nghệ thuật của Đinh Cường là Cánh Chim Lạ đã soải dài
đến tuyệt đỉnh trong suốt hơn nửa thế kỷ ôm ấp đam mê cây cọ và cây bút.“Rare
bird” nghe cũng mãn nguyện chứ phải không anh?
Không lạ sao được, khi
Đinh Cường đã luôn hóa thân và tái tạo từng gam màu linh hồn cho mỗi cánh chim.
Dưới khung vải trắng, bàn tay anh thích thú đỡ đầu cho những cảm xúc gần gũi mà
mới mẻ, trẻ trung. Nhìn xem, có khi là những cánh chim hồng “bay bổng tuyệt vời”
như một câu thơ của Nguyễn Du, có khi chỉ là những cánh chim biển hay chim lạc,
“Chim Đỏ”, chim chết… hoặc thậm chí là “Chim Lạ Trên Bờ Thành Cũ” của một gọi
tên cho một bức tranh… thì thảy thảy chúng ta đều bắt gặp mỗi lúc là một sự trỗi
dậy trong kiếm tìm và bốc thoát bố cục, dù đề tài nào thì cũng thật quen thuộc
trong đời sống hằng ngày, như chim bay trên những tháp chuông hay những tầng
tháp cổ… Đành rằng hai chủ đề gắn bó nhiều nhất với Đinh Cường là những chim
chóc và những tháp chuông, những nóc giáo đường nhưng điểm độc sáng có thể vì bản
chất vốn thi sĩ của Đinh Cường, nên tôi vẫn có cảm tưởng như cách pha trộm màu
sắc của anh mở ra được nhiều đường nét lãng mạn hư huyễn và thật giàu chất thơ.
Với tôi, dường như thật hiếm
có họa sĩ Việt Nam đương đại nào có thể ăn đứt được họa sĩ Đinh Cường ở cách thế
chọn lựa và thể hiện hai đề tài này.
Dù vậy vẫn thấy không ít vị
cho rằng Đinh Cường có khuynh hướng thích vẽ những thiếu nữ đẹp như tranh hoặc
những người đẹp dưới hoa, quanh những núi đồi lồng lộng, hay tóc gió mây bay và
trăng mành tơ liễu, dáng liễu… Thật tình với những đề tài quá đỗi quen thuộc
này, như tình yêu vốn là đề tài muôn thuở của thi ca chẳng hạn, thì cũng nên thấy
rằng không có cách tỏ tình nào giống cách tỏ tình nào, hoặc không vẻ đẹp thiếu
nữ nào là phó bản của nhau và do đó, giới mộ điệu đòi hỏi mỗi tác phẩm phải có
một hơi thở riêng, và sắc thái lãng mạn này không được giống sắc thái lãng mạn
kia.Tuy vậy, chúng ta cũng thừa biết bản chất của nghệ sĩ vốn yêu thích đeo đuổi
những cái đẹp, nên không trách những thiếu nữ bước vào thế giới tạo hình của
Đinh Cường toàn là những người đẹp, đẹp như một câu thơ của nhà thơ vướng lụy của
Phạm Thiên Thư “dáng em thiên thần quá!) Tôi bỗng nghĩ lắm lúc Đinh Cường lại bắt
Nàng Vẽ, Nàng Thơ của riêng mình phải biết ăn kiêng, phải biết tạo dáng và phải
hao hao một màu xanh mướt diễm ảo ma mỵ đẹp, thướt tha ẻo lả đẹp, và “cứng đơ”
kích thước đẹp… Và rồi thì những người đẹp của họa sĩ trứ danh Amadeo Modiliani
khi không cũng lôi cuốn bàn tay tài hoa của Đinh Cường không ít. Dĩ nhiên Đinh
Cường biết giữ lại những chiếc áo dài của “Em tan trường về, anh theo Ngọ về.”
(Phạm Thiên Thư).
Ở đây chúng ta chưa bàn đến
nghệ thuật của những bức tranh sơn dầu trừu tượng của Đinh Cường, mặc dù có thể
nói ở lãnh vực này chúng ta mới có thể thấy được cách tỏ tình trọn vẹn và diễn
tả sáng tạo “lắm lời” hơn. “Lắm lời” vì đây là thứ ngôn ngữ trên cả ngôn ngữ,
mà ở đó mỗi người có thể tự mở ra cho mình một thế giới huyền ảo cổ tích.Ngôn
ngữ hội họa dĩ nhiên vốn cô đọng kiệm lời, nhưng điều mà giới thưởng ngoạn muốn
được tìm thấy chính là ở ngoài những hình sắc hình tượng mà mình trông thấy.
Cũng như khi đọc một bài thơ, chúng ta muốn bắt gặp những khám phá đằng sau những
con chữ, để được cảm nhận nhiều hơn và sâu sắc.
Xem tranh trừu tượng của
Đinh Cường, tôi muốn mình được trở về trong một tâm thể thuần khiết hồn nhiên của
trẻ nhỏ ngu ngơ như đi lạc vào chốn lâu đài tượng đá đất đá của thần thoại. Ở
đó tôi cũng được nhận chìm và đôi khi bật khóc như một trè nhỏ không còn tìm thấy
đường về của những sự vật, để hoàn toàn bị chiếm lãnh trong thứ không gian chỉ có
màu sắc u huyền và những nét cọ vững vàng sâu lắng.
Xin cảm ơn anh Đinh Cường
đã cho tôi sở hữu hai “collection” tuyệt vời lung linh này. Bức tranh sơn dầu
được Trân Sa dành tặng, khi hai đứa đứng trầm trồ thích thú trong cuộc triển
lãm đầu tiên của Đinh Cường khi đặt chân đến Mỹ ở McLean, Virginia năm 1990.
Cũng tuyền một màu xanh và lãng đãng xanh xám, cũng thiếu nữ tóc thề rất Huế
nhưng lần này như bị dội vào những vũng trăng xanh, và vẫn cổ cò như những búp
bê được nặn bằng thạch cao nhưng như được mở xuống một vùng núi đồi lồng lộng
gió, kể cả ngọn nến loe loét giữa vòm trời đêm cũng là màu nến xanh và nhất
là cái khung xanh như lồng vào thêm thế
giới vốn xanh mỹ thuật của Đinh Cường. Cho đến bây giờ tôi bỗng không còn nhớ
rõ ai đã đặt cho bức tranh này bằng hai câu thơ/nhạc của Trịnh Công Sơn: “Đời đốt
nến chia phôi. Dù nhớ thương cũng hoài.”
Chí ít tôi nghĩ cô giáo
Tuyết Nhung dạy ở trường Nữ Trung Học Thành Nội hôm nào cũng đã là niềm cảm hứng
“rất Huế” ấy, cho người họa sĩ Đinh Cường là chồng mình, phải rứa không hè cái
O Huế của “Huế buồn chi lắm Huế ơi.” (mượn đỡ câu thơ của Hoàng Xuân Sơn).
Bức thứ hai mang tên của
thành phố sương mù mà anh đã vẽ đi vẽ lại rất nhiều trong quá trình sáng tạo của
mình, đó là “Phố Núi”. Thôi thì tôi xin mạn phép chụp đại ra đây để chia sẻ vì
đây cũng là một trong những bức họa mà anh Đinh Cường ký kết nhiều nhất, và hẳn
nhiên theo tôi cũng rất độc đáo u mặc. Như thể có khi là một gợi nhớ về một nơi
chốn cổ kính cô liêu nào đó, một thấp thoáng hình ảnh của một phố cổ Hội An hay
Thành Nội Huế… mà chỉ có những người Việt Nam như chúng ta mới có dịp đi qua
trên những miền đất nước nghèo nàn. Và điều này có thể đa số chúng ta thấy gần
gũi với những phố của Đinh Cường hơn là những phố xưa chật hẹp của Hà Nội trong
tranh Bùi Xuân Phái, nhất là thứ màu đất sẫm buồn không hé nổi một chút trời
xanh và màu xanh của mơ màng như ở tranh Đinh Cường. Đặc biệt xin mời quý bạn
xem sơ một thủ bút bay bướm của Đinh Cường.
PHỐ NÚI
sơn dầu Đinh Cường
Thủ bút của họa sĩ/thi sĩ Đinh Cường
Nói lan man về tranh, tôi
lại chừng như không quên được lần cuối gặp anh Đinh Cường cũng như lần đầu vẫn
chỉ là những cơ duyên được đụng tới một chút thế giới tranh của anh.
Chỉ khang khác là lần sau
chót lúc anh không còn được khỏe, và không gian dưới “basement studio” tranh của
anh không hề có một dấu hiệu nào báo trước một giấc ngủ xa đời của anh trong chỉ
hơn 4 tuần sau đó.
Phải nói là cả một rừng
tranh, không biết anh đã vọc những mảng màu này từ bao giờ, và đã ném đã thảy
không ngừng nghỉ trên những khung vải trắng một cách đầy thao tác nghệ thuật. Thật tình tôi cũng đã chứng kiến “cảnh tượng”
hội họa ở nhà anh Đinh Cường không ít lần, nhưng lần nào thì cũng phải ngạc
nhiên đến sững sờ vì sức sáng tạo đam mê ngồn ngộn của anh. Đặc biệt là lần này
tuồng như anh còn bảo là đã chuẩn bị để lên đường về Việt Nam triển lãm tranh
chung với Trịnh Công Sơn vào tháng 3 này. Anh hăng hái đến độ quên mất là sức
khỏe của mình đã đến hồi gây sự và gây rối kịch liệt.
Nhưng giác quan thứ sáu của
đàn bà như tôi thì khá nhạy. Đặng Thơ Thơ rất thích bức họa “Dòng Tu Kín” của
Đinh Cường, nhưng tôi nhất định “xúi” Thơ Thơ đồng cảm cho được bức họa mà tôi
linh cảm rằng sẽ phải là cuối cùng của anh, vì lúc đó anh đang bỏ dở ở “garage”
và trời nơi đây cũng quá lạnh để anh tiếp tục, nhất là công việc sửa soạn pha
màu và chùi cọ rửa cọ đối với một người nhức mỏi đầy mình như anh quá nhiêu
khuê và dễ làm bị cụt hứng.
Sau gần gặp gỡ đó cùng với
Đặng Thơ Thơ, tôi ngỏ ý giùm bạn để mong anh sớm hoàn thành bức họa nhỏ chỉ chừng
như mới phác thảo được vài nét.Anh nói với tôi sau gần hai tuần là anh đã thêm
vào vài cọng lá khô cho xong một-đời-lá, và đúng là “Tàn Thu” như tên gọi mà
anh đã đặt. Tôi có nói đùa như để khỏa lấp là không phải Buồn Tàn Thu của Văn
Cao sao, một người bạn quý tài hoa lận đận của anh.
Bây giờ nhắc lại kỷ niệm
này vì chợt giật mình đúng là tư tưởng “nhớn” gặp nhau. Không hẹn mà gặp, họa
sĩ kiêm văn sĩ Trương Vũ khi không bỗng liên tưởng đến “một chiếc là mùa thu rất
đẹp vừa rơi xuống”, khi viết những dòng tưởng niệm dành cho Đinh Cường. Phải
chăng linh cảm của một nghệ nhân thường rất linh ứng, và như thế chính Đinh Cường
cũng đã thấy được một-đời-lá của mình rồi cũng sắp bay vào lúc đó, nên anh thu
xếp “tác phẩm cuối” ấy thật nhanh để còn đi “đóng lại một cái khung mới cho đẹp”
nữa. “Thơ” cũng là tên của cháu nội cưng quý, con gái của nhà thơ kiêm họa sĩ
Đinh Trường Chinh, một tài năng thừa hưởng rất nhiều “gene” hội họa và văn
chương của bố, cho nên tôi nghĩ anh Đinh Cường cũng muốn dành cho Thơ Thơ cơ
duyên cuối của họa phẩm này.
Hóa ra Đặng Thơ Thơ chỉ sở
hữu được Tàn Thu (1), vì không rõ cùng một lúc tác giả có thể cũng cưu mang
thêm tác phẩm khác, và với anh Đinh Cường là một bất ngờ ngưỡng mộ vì sức mạnh
sáng tạo xẹt ngang như tia chớp và có thể làm lùi bước cả con nhà bịnh hoạn tử
thần vốn hung hãn không buông tha ai. Hoan hô họa sĩ quý tử Đinh Trường Chinh
đã dìu bố ra “garage” để di bút dòng cọ cuối.
Bên những cố gắng gặp gỡ bạn
bè khá thường xuyên trên những “chiếu” rượu vang và những câu chuyện nổ như bắp
rang, hẳn nhiên không ai không nhận ra con người vốn ngăn nắp nhỏ nhẹ chí tình
với bạn bè của Đinh Cường thường phải dừng lại mọi cuộc vui họp mặt vào đúng 9
giờ tối, và cũng thường là anh rất e dè phải đứng dậy nói lời chia tay trước,
vì sợ phải phá mồi làm cụt hứng mọi người. Lần đó thấy bằng hữu xung quanh thi
nhau rụng càng ngày càng nhiều, bạn bè bất ngở bắt anh thổi tắt những ngọn nến
sinh nhật và cắt bánh để chia sớt niềm vui gặp gỡ. Sinh nhật Đinh Cường tháng
7, nhưng tháng 8 năm nay bỗng cùng nhau nói lời mừng sinh nhật cuối cùng cho
Đinh Cường. Âu cũng là điềm gỡ đã báo trước.Kể cả sự có mặt thăm viếng khá bất
ngờ của họa sĩ Nguyễn Đình Thuấn và nhà thơ Nguyễn Quốc Thái là những người bạn
quý mến của anh.
Điều cuối cùng tôi muốn
nói về anh Đinh Cường là đúng như tôi âm thầm dự đoán, anh không hề muốn nằm lại
cô đơn ở đât khách quê người.
Hỏa táng đúng là thân phận
bi thiết của những chọn lựa cho những kết thúc cái chết xa xứ!
Lâu lâu buồn tình tôi cũng
thắc mắc sao anh không vẽ Chim Hòa Bình.Lúc đó anh Đinh Cường lại rủ rê một người
không biết vẽ là tôi và bảo tôi cứ vẽ đi.Chịu thôi.Anh cười nhẹ rồi lại khoe có
mấy cô bạn người Mỹ thích vẽ những cánh chim bồ câu, biểu tượng của hòa bình
này lắm. Không biết họ có phải là đệ tử của anh không, vì chủ đề chính của sư
phụ cũng vẫn là chim kia mà. Chim và “những chim tíu tít giống như người”…
Thảo nào anh rât thích bức
họa “Tổ Chim Trên Bờ Biển” của họa sĩ Võ Đình với đôi chim hải âu như đang vần
vũ giữa thinh không dõi trông bầy con đang nằm ấp ủ. Nhưng điều làm tôi ngạc
nhiên ngỡ ngàng nhất về anh chính là những dòng anh viết cho người bạn đã có dịp
cùng anh triển lãm chung năm 1974 ở Huế, khi Võ Đình từ Pháp trở về thăm nhà và
không hề chủ ý mang theo bên mình những tấm tranh để triển lãm, nên cũng một
tay anh Đinh Cường lo liệu mọi thứ chu đáo.
Khi viết câu đề tặng Tưởng
Niệm Phan Sào Nam dưới bức họa ấy, tôi chắc anh Võ Đình muốn ám chỉ đến một
“nhân cách” không nhỏ cũng đang ở xóm Bến Ngự là anh Đinh Cường. Do đó, tôi thấy
những tự hỏi sau đây của anh Đinh Cường thật có lý: “Tổ Chim Trên Bờ Biển tấm tranh màu nước nhỏ
anh tặng, bên dưới ghi Tưởng Niệm Phan Sào Nam Tiên Sinh phải chăng như nhắc lại
lòng yêu nước của ông già Bến Ngự… khi những ngày tháng này quân Trung Cộng
đang lấn chiếm biển đã làm sục sôi bao ý chí đấu tranh của con dân Việt Nam
chúng ta.” (bài viết của Đinh Cường ngày 28/5/2014 để nhớ 5 năm ngày mất Võ
Đình, trích đoạn từ Đi Vào Cõi Tạo Hình, xuất bản 2015).
Và đó cũng là ấn tượng đặc
biệt của tôi về một họa sĩ/thi sĩ vốn đằm thắm ít nói, nhưng khi đã nói thì nói
rất chắc nịch, và sẵn sàng trang trải lòng mình với quê hương như thế.
Vậy gọi Đinh Cường là Cánh
Chim Lạ cũng đúng thôi, vì anh đã đến bên bờ đời hót líu lo bằng “muôn màu” và
muôn ngàn tiết tấu của thi ca lẫn hội họa, dĩ nhiên!
Thôi thì chim cũng đã bay
và bay quá cao không còn một bờ đời nào có thể vói tới, dù cũng chỉ để tụng ca
một loài chim lạ quý hiếm như chưa bao giờ.
Nguyễn Thị Thanh Bình
January 15, 2016
January 15, 2016
Thơ Thơ, Nguyễn Lân, Đinh Cường, Thanh Bình, Bích Thúy