Saturday, January 23, 2016

2065. NGUYỄN THANH VĂN: ĐINH CƯỜNG, CÕI GIỚI TRUNG THỰC VÀ THƠ MỘNG



ĐINH CƯỜNG,
CÕI GII TRUNG THC
VÀ THƠ MNG
Nguyễn Thanh Văn


Đinh Cường ở Saxbys Coffee
Ảnh Phạm Cao Hoàng – Virginia 2014



       Không thể nói là họa sĩ Đinh Cường (1939 – 2016) mất sớm, từ này dùng cho người bạn thân và đồng nghiệp của anh, Bửu Chỉ (1948 – 2002), có lẽ thích hợp hơn. Nhưng cả hai anh lần lượt dành cho bạn bè, người thân giây phút lặng người: quy luật tử sinh, vô thường chưa từng bỏ qua ai, dù là mỹ nhân hay bậc cao sĩ, danh sĩ.
       Hẳn sẽ có nhiều, rất nhiều đồng nghiệp họa sĩ, những nhà nghiên cứu hội họa và người ái mộ trong và ngoài nước sẽ lên tiếng về sự ra đi, dù không quá đột ngột, đang là một sự kiện đầy xúc động.
       Sáng sớm ngày 9.1, bạn tôi Trần Trọng Đàm tạt vào Café 27, mặt còn nét bàng hoàng (dù trước đó chị Ý Nhi và nhà thơ Từ Hoài Tấn đã điện thoại, và hóa ra anh Hoàng Dũng đã nhắn tin từ khuya). Hai đứa tôi – cùng lứa em út của các anh, là bạn một thời Hàm Nghi với Hồ Định Nghiêm, em chị Nhung – thì thầm nhắc vài thước phim rời rạc của dĩ vãng Huế. Đàm ở với ba mẹ nơi sau này cũng là nhà riêng của vợ chồng anh chị Trần Trọng Hân, cách một nhà với nhà anh chị Đinh Cường trên đường Hòa Bình, Thành Nội. Tôi có nhiều dịp cuốc bộ từ làng Vạn Xuân, qua đò Kẻ Vạn, gọi Nghiêm đi học. Đứng nhón chân, nhìn qua cửa sổ - căn phòng thường mờ mờ tối – thoáng thấy những tranh mới tím xanh, còn mùi sơn dầu và có khi thấy chính họa sĩ thức sớm, đang trầm ngâm ngồi cúi đầu bên sáng tác của mình. Trước đó nữa, khoảng 1965 – 1966, khi nhà ba mẹ tôi còn ở Kho Rèn, dù tuổi 11, 12 và hầu như không rõ mô tê chi về hội họa, tôi chưa bao giờ lỡ dịp ghé xem triển lãm của các anh – Đinh Cường, Lê Văn Tài, Trịnh Cung … - ở phòng Thông tin Văn hóa Hoa Kỳ, đường Lý Thường Kiệt. Không rõ ký ức chính xác không, tôi mang máng nhớ có một thời anh Đinh Cường vẽ tranh trừu tượng và rất được sự chú ý của giới phê bình hội họa, trước khi trở thành họa gia của một phong cách Đinh Cường bền vững hàng thập kỷ với những phong cảnh nhà thờ, núi đồi, thành quách, và dĩ nhiên cả cỏ hoa cùng người đẹp. Cũng phong độ tài hoa hào hoa và nói riêng trong mảng tranh mỹ nhân và cảnh sắc cố đô, luôn đượm nét buồn thương và yêu kiều Huế.