Saturday, December 19, 2015

2200. TRẦN HUIỀN ÂN Cây cỏ trong ca dao (2. CÂY CỎ TRONG THIÊN NHIÊN )


Photo by PCH  (2015)


2.
CÂY CỎ TRONG THIÊN NHIÊN



Sơn lâm hùng vĩ:
       
Phần lớn cây cỏ sống giữa thiên nhiên, thường là chốn núi non, nên  nơi ấy gọi là rừng núi, là sơn lâm. Cũng là nơi đầu nguồn của khe suối, nên gọi là sơn khê (núi khe), lâm tuyền (rừng suối). Phải là nhiều cây mới thành rừng núi được:
              
Một cây làm chẳng nên non              
Ba cây chụm lại thành hòn núi cao
       
Số 1, số 3 ở đây không phải là số 1 và số 3 thực (danh số) cũng không phải là ảo (hư số) mà tượng trưng cho ít (1) và nhiều (3), tượng trưng cho sự yếu đuối và sự mạnh mẽ, dẫn đến việc cần phải có sự đoàn kết cộng đồng:
              
Muốn cho có đó cùng đây              
Sơn lâm chưa dễ một cây nên rừng

Trong truyện Lục Vân Tiên cụ Nguyễn Đình Chiểu cũng viết:
              
Nên rừng há dễ một cây              
Muốn cho có đó cùng đây luôn vần
       
Rừng nhiều cổ thụ, có khi hàng mấy trăm năm nên gọi là rừng già, nhiều cây cao vút gọi là rừng cao, rừng xa hun hút, đi vào sâu thăm thẳm gọi là rừng sâu, bát ngát một màu xanh gọi là rừng xanh.
       
Thiên hạ thách nhau:
              
Đố ai biết núi mấy cây              
Biết sông mấy nước, biết mây mấy từng?             
.  .  .              
Đố ai quét sạch lá rừng              
Để ta bảo gió gió đừng rung cây…
       
Bởi nhiều cây, tranh nhau sống, tranh nhau lớn, cứ phải vươn cao để đón ánh nắng, ánh sáng, nếu nấp dưới thấp sẽ bị cằn cỗi nên cây rừng già thường thẳng suôn, khác với cây rừng thưa, thấp nhỏ, nhiều cành nhánh. Thiên hạ đem sự phát triển tự nhiên ấy so sanh với con người, ngầm hỏi: Sao (nó) tối dạ vậy?
              
Chim rừng ai dạy mà khôn.              
Cây suôn ai uốn, trái tròn ai vo?
       
Đây chỉ là một mặt thôi. Thực tế, chim rừng không khôn lắm, thường mắc bẫy mắc giò, rừng không ít cây cong vạy, không ít loại trái chẳng tròn.
       
Thử tưởng tượng ông Tây ba-lô Yersin thám hiểm khám phá cao nguyên Lang Biang, trèo non lội suối, một tai nghe tiếng chim, một tai nghe tiếng gió, vất vả nhưng thú vị biết bao nhiêu khi tìm ra một vùng đất chưa ai biết đến. Hoặc cảnh cụ Cử Doanh điền sứ Nguyễn Thông qua trạm Hòa Mã:
              
Minh triêu bì mã hoang sơn lý              
Hựu thính viên thanh quá Thạch Thành