Ảnh: internet
Quốc biết gốc gác của “lão Tú Khùng” bởi
nhà anh ở kế bên nhà trọ của lão khi lão còn đang học Trung học ở tỉnh thời
tuổi trẻ. Bẵng đi một thời gian dài, khi Quốc vừa lên lớp đệ tứ, anh gặp lại
lão Tú ngoài phố với bộ âu phục thẳng cứng, có đeo cravate, cùng dạo phố với
một cô gái xinh xắn, cổ đeo xâu chuỗi dài xuống giữa ngực. Thuở ấy anh nghĩ, ốm
nhom như lão mà cũng có cô gái đẹp mê, chắc là lão có chức tước gì hay giàu có
lắm!
Sau năm 75, Quốc tiếp tục học năm cuối
của trường Sư phạm, ra trường được phân về dạy ở một ngôi trường tiểu học ngoại
ô thị xã, là một xã nghèo vừa được khai hoang, san lấp dấu vết đạn bom, đang ổn
định dần đời sống và mọi sinh hoạt, bởi hơn 10 năm mảnh đất cằn khô và con
người nheo nhóc ở đây đã bị dằn xé bởi thù hận…
Ngày Quốc nhận được giấy gọi đi dạy,
mẹ anh đã mua lại chiếc xe đạp cũ được treo lên sà nhà của người hàng xóm cũng
hơn mười năm, cho anh có phương tiện đi dạy, và về thăm gia đình vào những ngày
nghỉ! Chiếc xe đạp cũ sét mốc meo dày bụi đã trở thành gia tài hiếm có của anh.
Tiền lương gọi là “bồi dưỡng”, cộng với mười ba ký gạo và mấy cái tem phiếu mua
hàng của giáo viên cấp một cũng chỉ đủ để anh tự túc cơm rau mắm qua ngày mà
đến lớp.
Một buổi sáng, Quốc ghé vào chiếc quán bên
sông trước khi đến lớp để ăn một dĩa bánh xèo, sau khi đã bán lại số tem phiếu
cho người chủ nhà trọ là phụ huynh của một học sinh lớp anh đang day. Mỗi lần
qua cầu đến trường, anh đều ngửi thấy mùi dầu phụng từ hai khuôn bánh xèo của
bà Tám đẹt đang bốc khói tỏa mùi thơm gợi nhớ nhưng chưa lần nào ghé vào ngồi ở
chiếc bàn gỗ tạp thấp duy nhất kê giữa nhà để ăn một dĩa. Nhìn vào, Quốc thấy
có một người đàn ông ăn mặc tươm tất đang cắm cúi xuống dĩa bánh xèo, có vẻ vội
vàng.
Quốc bước vào: “Bà Tám cho cháu một
dĩa, rau sống nhiều nhiều nghen!”
- Thầy ngồi đi – bà cười, rau sống
dạo nầy đắt quá, thầy ơi!
Một thoáng, dĩa bánh xèo vỏ nhưn giá
được bày ra trước mặt với dĩa rau sống tươi ngon. Quốc lấy chiếc dĩa nhỏ, mở
nắp thẩu chứa nước mắm ớt tỏi làm sẵn trên bàn, múc một muỗng. Ăn bánh xèo,
nhất là bánh xèo vỏ, cái ngon phần lớn nằm ở dĩa rau sống và chén nước chấm.
Quốc nếm thử một tí nước mắm, cảm thấy tiếng đồn bánh xèo quán bà Tám đẹt “hạng
nhất” xã, không sai. Anh gỡ một lát bánh cho vào dĩa, gắp rau bỏ vào giữa, cuốn
lại. Anh ăn chậm, thư thả để có thời gian nhớ lại những ngày mùa đông được ăn
bánh xèo do mẹ đúc lấy cho cả nhà quây quần, ăn thế bữa cơm chiều, lúc nhỏ…