TRỊNH CUNG
Một họa sĩ tiêu biểu
cho trường phái hội họa lãng mạn Việt Nam:
Đinh Cường, một người bạn đôn hậu
Tôi
chơi với Đinh Cường khi anh từ Sài Gòn ra học mỹ thuật tại trường Cao Đẳng Mỹ
Thuật Huế năm 1959, sau khi tôi đã làm bạn với Trịnh Công Sơn tại Huế năm 1958.
Từ đó đến nay là hơn nửa thế kỷ. Bộ ba chúng tôi, trước khi Trịnh Công Sơn mất,
đã 14 năm, được bạn bè gọi vui là “Les Trois Mousquetaires” vì chúng tôi rất gắn
bó từ những năm 18-20 tuổi cho đến ngoài 60, tóc bạc, già yếu. Cũng vì thế,
chúng tôi có vô số kỷ niệm trên hành trình giang hồ qua nhiều thành phố của miền
Nam Việt Nam. Từ Huế đến Sài Gòn, từ Đà Nẵng đến Nha Trang, từ Sài Gòn đến Bảo
Lộc – Đà Lạt – Đơn Dương thời miền Nam chưa bị thâu tóm.
Trên bãi biển Thuận An – Huế, thời sinh viên mỹ
thuật
(tư liệu của Đinh Cường)
(tư liệu của Đinh Cường)
Bây
giờ, nghĩ lại cũng lạ, ba đứa thuộc ba vùng văn hóa rất khác nhau, một chàng
người của kinh kỳ thơ mộng, một gã tỉnh lẻ sinh ra trong làng chài tỉnh Khánh
Hoà, dân nẫu chính hiệu “con nai vàng” và kẻ kia tuy gốc Huế nhưng sinh ra ở Thủ
Dầu Một, học Pétrus Ký, một tay lịch lãm Sài Gòn chính cống, thế mà chúng tôi rất
hợp, rất tri âm tri kỷ. Thân nhau trước khi chúng tôi nổi tiếng, một người chập
chững làm nhạc, hai đứa còn lại mới học vẽ, cũng không nghĩ sẽ nổi tiếng. Hồi
còn học mỹ thuật, Cường và tôi thuê chung cái nhà gạch cũ nằm giữa cánh đồng
lúa trên đường Nguyễn Thị Giang, khúc giữa đường Hàng Me và Nguyễn Công Trứ (Chợ
Cống), để ở. Cũng tại đây, nhiều bài thơ của tôi đã ra đời, trong đó có bài Cuối
Cùng Cho Một Tình Yêu mà Trịnh Công Sơn đã phổ nhạc.
Đến
năm thứ hai tôi bị Thầy Hiệu Trưởng Tôn Thất Đào đuổi học vì vẽ moderne nên phải
rời Huế, hết ở chung với Đinh Cường từ đó. May thay, tôi được kiến trúc sư Lê
Văn Lắm, Giám đốc Nha Mỹ Thuật Học Vụ cho tiếp tục học năm thứ hai tại trường
Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định. Đến năm thứ ba, Thầy Mai Lan Phương từ
Pháp về, được cử ra Huế thay Thầy Tôn Thất Đào làm hiệu trưởng, tôi lại trở ra
Huế học tiếp và tốt nghiệp vào năm 1962. Lúc này, Đinh Cường đã dời nhà xuống
Bao Vinh. Tôi về ở chung với Mai Chửng, một sinh viên điêu khắc của trường Quốc
Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, ra Huế học tiếp môn Điêu Khắc vì có Thầy Lê Ngọc
Huệ, một điêu khắc gia hiện đại, sẽ mang lại cho những học trò trong nước những
kiến thức và kỹ năng tiên tiến mà bộ môn điêu khắc trong nước lúc bấy giờ không
thể có. Ngôi nhà mà hai chúng tôi ở trọ nằm bên bờ sông An Cựu, đó là nhà của
bà dì ruột họa sĩ Nguyên Khai. Ở tại ngôi nhà này, tôi đã vẽ bức sơn dầu Mùa
Thu Tuổi Nhỏ, một bức tranh sau đó được Hội Đồng Giám Khảo của Triển lãm Đệ Nhất
Quốc Tế Sài Gòn 1962 trao Bằng Danh Dự và được họa sĩ Thái Tuấn khen ngợi đặc
biệt trong một bài viết về cuộc triển lãm ấy trên tạp chí Bách Khoa.
Và
bộ ba Trịnh Công Sơn – Đinh Cường – Trịnh Cung kể từ năm 1961 không còn thường
xuyên gặp nhau ở Huế: Trịnh Công Sơn đi học Sư Phạm Quy Nhơn, Đinh Cường có một
cõi riêng ở Bao Vinh, tôi học rồi tốt nghiệp vào năm 1962 và vào thẳng Sài Gòn
để lập nghiệp. Trịnh Công Sơn cũng ra trường cùng năm và được bổ đi dạy học
trên B’lao.
Năm
sau Đinh Cường tốt nghiệp và gặp lại tôi ở Sài Gòn vì Đinh Cường có nhà của ba
mẹ tại Tân Định – Sài Gòn. Ba của Đinh Cường là Bác Dõng, một họa sĩ chuyên vẽ
các mẫu huy hiệu, các logo có nhiều chi tiết cực nhỏ. Ông có cái bàn nhỏ để sát
tường với bộ cọ đặc biệt dành đi những nét tinh vi, một cái kính lúp để nhìn rõ
hơn các chi tiết của mẫu vẽ. Ông là một người vui tính và để cho con cái được tự
do theo đuổi sở thích của mình. Đặc biệt, vợ ông, mẹ của Đinh Cường, là một bà
mẹ hiền hậu, hết mực thương con. Dù không giàu có nhưng bạn tôi, Đinh Cường được
bà không để cho thiếu tiền trong túi mỗi khi ra đường. Lúc còn đi học Mỹ Thuật
Huế, Đinh Cường đã có xe Vélo Solex, thời này, ở Sài Gòn đã sang lắm rồi huống
chi là ở Huế.
Trong
ba chàng ngự lâm pháo thủ chúng tôi, Trịnh Công Sơn và Trịnh Cung là nghèo rớt
mồng tơi. Tôi không đủ tiền ăn cơm tháng, phải đi ăn cơm xã hội, cơm giá bèo do
nhà nước tổ chức dành cho người nghèo. Hồi đó, quán cơm này nằm bên bờ sông
Hương gần chân cầu Trường Tiền, phía phố Trần Hưng Đạo.
Trước ngôi nhà trên đường Nguyễn Thị Giang – Huế
(Trịnh Cung ngồi)
Qua
những ngày lận đận của một họa sĩ trẻ, chân ướt chân ráo ở Sài Đô, tôi tìm được
một chân dạy vẽ tại trường Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng Sài Gòn, lương dư trả
tiền thuê nhà và cơm tháng, còn gửi về cho mẹ nghèo ở Nha Trang mỗi tháng 2.000
đồng và tiêu xài cà phê, hàng quán thoải mái. Chính chỗ ở trọ tôi thuê trên lầu
2 của căn phố nằm bên hông chợ Trương Minh Giảng mà Đinh Cường, Trịnh Cung thường
hội ngộ mỗi khi Trịnh Công Sơn từ Bảo Lộc xuống Sài Gòn. Cả ba chúng tôi ngủ
trên sàn nhà rộng mỗi bề 3 x 2 m. Nếu hôm nào trong túi quần rủng rỉnh tiền thì
chiều xuống là ba đứa lên taxi phóng xuống đường Tự Do làm một chầu cà phê ở
Brodard rồi kéo đi ăn tối cơm thố ở Chợ Cũ hoặc sang hơn là cơm Tây nằm ở góc
đường Lê Lợi và Pasteur rồi ghé vào Liberty nghe Lệ Thu hát Sérénata và để Trịnh
Công Sơn gặp “Thanh Thúy Tàu”. Còn hôm nào cạn lán thì đi đếm cột đèn dọc
phố Lê Lợi rồi ngửa mặt lên trời đêm mà kêu lên: “Sao Trời lại để cho ba kẻ tài
hoa này không có tiền đủ cho cuộc vui Saigon by Night đang bắt đầu lên đèn!”
Không
biết có phải trời xanh nghe đươc lời than ấy không mà sau khi chúng tôi về căn
phòng hẹp bên hông chợ Trương Minh Giảng, đã đi nằm như cá mòi thì có tiếng gõ
cửa. Tôi bật dậy, hé cửa hỏi: “Xin lỗi, ông tìm ai?” Trong bóng tối của hành
lang, người đàn ông nói giọng Bắc: “Tôi muốn gặp họa sĩ Trịnh Cung để hỏi mua một
bức tranh.”
“Dạ
tôi đây, mà hiện tôi chỉ có mỗi bức thiếu nữ.” Người khách không hẹn trước nói
ngay: “Cho tôi mua ngay!” Tôi muốn bật cười vì quá đỗi lạ lùng, không nghĩ ra
có phép lạ như thế nhưng phải nén lại và mời người khách vào lấy tranh. Khi ông
ấy hỏi giá tranh, tôi nói: “Bây giờ ông muốn đưa tôi bao nhiêu tôi nhận bấy
nhiêu.” Người mua tranh nói: “Tôi chỉ có 1.500 đồng.” Tôi vui sướng cầm tiền và
đóng cửa lại. Không ai bảo ai, cả ba đứa đều không nín được nữa, cười như muốn
hét rồi mặc quần áo xuống phố dù đêm Sài Gòn đã vào khuya. (Bức sơn dầu này có
một câu chuyện, một số phận đặc biệt sau ngày 30-4-1975 mà tôi sẽ kể vào một dịp
khác.)
Rồi
năm sau, cuối năm 1962, tôi bỏ dạy vẽ, khăn gói lên Đà Lạt theo đề nghị bảo trợ
cho tôi một cuộc sống chỉ để vẽ, mọi thứ đều được anh bạn yêu tranh tôi, tên là
Thọ, đài thọ. Anh Thọ có đồn điền ở Lâm Đồng và có vài pharmacy ở Sài Gòn, dân
du học ở Pháp về. Hồi đó dân chơi Sài Gòn đặt nick cho hai công tử, Lân Simca Đỏ
(Hoàng Kim Lân) và Thọ Florid Trắng, đó là chỉ hai chiếc xe mui trần nổi bật giữa
Sài Gòn hoa lệ thời 60 của hai chàng. Anh Thọ lớn hơn tôi khoảng 5 tuổi, thuê
cho tôi một căn hộ trong biệt thự nằm trên đường Hoa Hồng nay là đường Huỳnh
Thúc Kháng, Đà Lạt. Nơi mà ĐC thường đề cập khi anh viết về Đà Lạt một thời. Việc
cơm nước, anh Thọ giao cho bà chủ biệt thự này lo toan cho tôi mỗi ngày. Rong
chơi và vẽ là nhiệm vụ mà tôi phải hoàn thành, anh Thọ muốn thế. Tôi thật quá
may mắn! Và cũng nhờ chỗ ở này mà tôi đã đưa Trịnh Công Sơn và Đinh Cường về ở
chung mỗi khi hai bạn giang hồ lên Đà Lạt và sau hai năm ở đó với bao kỷ niệm đẹp,
tôi rời về Sài Gòn theo lệnh động viên vào quân trường Thủ Đức. Từ đó Đinh Cường
tiếp tục thuê căn phòng ở số 10 đường Hoa Hồng này, cùng ở với Đỗ Long Vân bỏ dạy
Văn Khoa Huế, lên làm thư viện tại Viện Đai Học Đà Lạt từ năm 1963 đến 1965, ăn
cơm tháng ở nhà phía sau của vợ chồng Hoàng Anh Tuấn. Trịnh Công Sơn hay từ Bảo
Lộc về ở lại nơi này. Cũng là thời mà Trung úy Nguyễn Xuân Thiệp, Trưởng Đài
Phát Thanh Quân Đội – Đà Lạt, hay ghé mỗi đêm khi ở đài ra.
Căn
hộ này, đối với tôi là một bước ngoặt sự nghiệp nghệ thuật quan trọng bậc nhất
trong đời tôi. Nơi đã ra đời những Trên Vùng An Nghỉ, Thiên Đàng Của Ấu Thời,
Khỏa Thân Hồng, Hoa Cúc Vàng Trên Ghế Mây. Tôi mang ơn anh Thọ nhiều lắm, không
biết bây giờ anh đang ở đâu? Căn hộ này còn là một câu chuyện về người đàn bà đẹp,
quyền quý, chủ căn hộ, người nấu và dọn cho tôi những bữa cơm theo kiểu Pháp và
dạy tôi nghe nhạc cổ điển vào mỗi tối thứ Bảy. Tôi sẽ kể về câu chuyện này vào
một dịp khác nhưng cần nói ngay ở đây một chi tiết của câu chuyện: Đinh Cường
và Trịnh Công Sơn đã vào quân trường Thủ Đức thăm tôi vào một sáng Chủ Nhật năm
1964 và báo cho tôi một tin dữ: “Bà Nghiên bị giết vào nửa đêm tại phòng khách
của biệt thự, máu văng lên bức chân dung toa vẽ bà ấy.”
Từ
khi tôi đi lính rồi đất nước lâm vào khói lửa khủng khiếp, chúng tôi không còn
gần gũi như những ngày thanh bình. Đinh Cường và Trịnh Công Sơn có điều kiện gắn
bó và duy trì tình bạn vốn rất đẹp đẽ còn tôi lênh đênh theo đời lính nên không
còn giữ được những gắn bó tuyệt vời như thủa 20-30 tuổi. Thậm chí, những năm
sau ngày 30-4-1975, chính tôi đã làm đổ vỡ tìnhbạn hiếm có ấy như một người đã
đập vỡ chiếc bình cổ tuyệt tác vốn là trời cho.
Nay,
tuổi chỉ còn vài năm nữa là đến 80, Trịnh Công Sơn đã yên nghỉ nghìn thu, Đinh
Cường thì bỏ giận tôi, về Việt Nam cách đây 4 năm, nhờ Thân Trọng Minh nhắn rủ
tôi đi ăn cơm, để tôi chọn chỗ. Tôi đã xách đến một chai rượu cognac loại quý để
uống mừng sự tái hợp của hai chúng tôi. Lẽ dĩ nhiên là cuộc cụng ly tay ba này
không dừng ở đây mà tôi còn mời Đinh Cường dùng bữa tối với vợ con tôi, vợ chồng
Dương Nghiễm Mậu, vợ chồng Nguyễn Quang vào tối hôm sau, trước khi Đinh Cường về
Mỹ.
Và,
chắc các thân hữu đã biết, Đinh Cường gần đây đã nhiều lần làm thơ đề tặng tôi
và thường nhắc đến tôi trong các bài viết của anh. Đáng yêu thay và đáng biết
ơn thay Đinh Cường, một người bạn lâu đời hết sức đôn hậu.
Cầu
cho bạn mau bình phục, tôi hy vọng sẽ về DC thăm bạn vào mùa Giáng Sinh này.
Orange County, 12.9.2015
Trịnh Cung
Trịnh Cung