MƯA ĐÊM NAY
Ngọc Bút
(Kính tặng nhà văn Nguyễn Xuân Thiệp)
MƯA ĐÊM NAY
Thăm thẳm đường trường, tôi, người cô
độc,
Mòn gót giày cắm trọ quán đêm nay.
Mưa Cẩm-Giang như niềm đau ai khóc,
Đường sụt sùi trong mấy nẻo truông lầy.
– Cho cốc cà-phê, cô hàng xanh tóc!
Tôi uống đắng cay, hay mắt em say?
Nghe đâu đây ai cười lên vỡ ngọc,
Thấy đau chúng mình một kiếp trắng tay.
Cố-tri mấy đứa giờ đâu… lăn-lóc,
Ở chực nằm chờ, hay giạt đó đây?
Tiền thân chúng mình có là con cóc,
Thơ nghiến răng cho trời chuyển mưa
bay?
Ta không phải chán đời mà trách móc
Khi những thằng hề không biết múa may.
– Cô hàng xanh tóc, cà-phê đầy cốc,
Miệng em cười, nhạc đắng chở màu cay.
Cẩm-Giang
ôi! đây, ngày xưa tang tóc,
Xiềng khua chân rổn rảng kiếp đi đày.
Lớp hưng phế xô nghiêng nhà tróc nóc,
Mồ những ai nằm trăng lạnh gió lay?
Cổng biên thùy, lòng tham luôn dời cọc,
Rồi, với thời gian, người chết, xanh
cây!
Cho thêm nữa cà-phê, sao em khóc?
Ta
hiểu rồi, lòng đã cảm thương vay.
Nhầu nát áo xanh mờ tràn bụi mốc,
Chung một thuyền, thơ tâm sự dâng ai.
Nước sông Vàm-Cỏ nguồn xuôi, trong
lọc,
Có chắc mang hoa về quán ngày mai?
Cho
thêm nữa đi, và em đừng khóc!
Trời hết đêm, rồi nắng sẽ dâng ngày.
Tôi, tôi là khách lữ hành cô độc,
Vỡ lệ nằm nghe mưa quán đêm nay.
TRƯỜNG
ANH
Cậu
mất đã mười năm. Thầy mất đã mười năm. Cậu là thầy và thầy cũng là cậu. Khi cậu
viết bài thơ này thì Hoài còn nhỏ xiu (không biết năm nào), và khi cậu xuất bản
tập thơ Mưa Đêm Nay(1) trong đó có bài thơ cùng tên nói trên (1964)
thì Hoài vẫn còn học tiểu học. Và tất nhiên Hoài cũng không biết gì về thơ và
tập thơ của cậu. Nhóc con mà!
Cậu
nghiêm nghị, hiền hiền, ít nói. Hoài thường sờ sợ không dám đến gần những lần
gặp cậu trong các ngày giỗ chạp trong họ. Nhưng khi bắt đầu vào trung học thì
Hoài trở thành học trò của cậu năm đệ thất và đệ tứ. Và lên trung học đệ nhị
cấp thì vừa là cháu vừa là học trò vừa là bạn-vong-niên thân thiết của cậu.
Không thể quên những lần cậu dẫn Hoài và mấy đứa bạn theo dự họp mặt văn nghệ
bút nhóm. Không thể quên những chiều nơi thềm nhà cũ của cậu ở quê, Hoài và một
đứa bạn thân và cũng là học trò của cậu ngồi cho đến khi bóng tối nhập nhoạng
phủ lên những cây kiểng hoa lá trong sân, với bánh ngọt và trà. Và sách vở. Và
thơ văn. Và những câu chuyện đời… Thơ cậu lúc ấy rất nổi tiếng ở địa phương của
Hoài vì bài Mựa Đêm Nay được nhạc sĩ Anh Việt Thu phổ nhạc và các ca sĩ Hoàng
Oanh và Trúc Mai hát trên đài Phát thanh Saigon(2). Còn mặt-mũi tập
thơ như thế nào thì Hoài chưa được tận mắt nhìn thấy. Hình như Hoài chưa
đủ-tư-cách người-lớn để được cậu tặng thơ hay sao ấy. Nhóc con mà!
Nhưng
ngày Hoài đi lấy chồng thì quà của cậu là tập thơ Mưa Đêm Nay… Khi ấy Hoài mới
để ý là lời bài hát không phổ hết lời của bài thơ (tất nhiên rồi, vì còn phải
lệ thuộc vào nhạc). Và bài thơ có tên là Mưa Đêm Nay, không phải là Mưa
Cẩm-Giang. Sinh thời cậu cũng chưa bao giờ nói với Hoài tên bài thơ là Mưa Cẩm
Giang, và bài thơ liền một mạch từ đầu đến cuối như Hoài đã chép lại ở trên từ
tập thơ gốc có trong tay, không phải ngắt từng đoạn 4 câu như ở vài nơi ghi
chép lại. Nhưng thôi, “tam sao thất bổn” là chuyện thường giữa thời buổi nhiễu
nhương mà.
Hôm nay tình cờ đọc được bài của nhà văn
Nguyễn Xuân Thiệp nhắc đến bài thơ của cậu, lòng Hoài bỗng rưng rưng thương
nhớ… Hoài cảm ơn đời đã nhớ đến bài thơ của cậu. Cậu chỉ là một nhà giáo làm
thơ. Cả đời cậu chỉ xuất bản một tập thơ. Và trong tập thơ ấy người ta chỉ nhớ
đến một bài. Nhưng, với Hoài, như vậy cũng đã là đủ cho một đời làm thơ. Hoài
chạnh lòng khi nghĩ đến biết bao người làm thơ như cậu của 20 năm Văn Học Miền
Nam nhưng đã mãi mãi biệt mù tăm tích vì những lý do nằm ngoài văn học sau một
cuộc “thương hải biến vi tang điền”. Nhưng biết làm sao…
NGỌC
BÚT
August
11, 2015
(1)
Mưa Đêm Nay, thơ Trường Anh, nxb Đăng Trình, Saigon 1964. Tựa Vũ Hoàng
Chương, bìa Đinh Hùng, tranh phụ bản Vũ Hối.
(2) trong bài “Người Đọc Tỉnh Lẻ”, Thư
Quán Bản Thảo số 63 (tháng 2/2015)