PHẠM XUÂN ĐÀI
Cùng Đinh Cường đi vào cõi tạo hình
Bìa cuốn sách ĐI VÀO CÕI TẠO HÌNH
của Đinh Cường - NXB Văn Mới (2015)
Câu tựa đề trên có nghĩa là: tôi đọc quyển sách Đi Vào Cõi Tạo Hình của Đinh Cường. Đọc, và thưởng thức vừa hội họa, vừa thi ca, vừa một công trình sưu tầm trong thế giới nghệ thuật Việt Nam.
Đi Vào Cõi Tạo Hình do nhà Văn Mới xuất bản vào giữa năm 2015. Ấn loát mỹ thuật, các bức tranh đều được in màu đúng nguyên bản. Theo lời tác giả ở đầu sách thì cuốn này là tập I của một bộ gồm hai cuốn: “Tập I viết từ thời các họa sĩ xuất thân từ trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương những năm 1930 cho đến giai đoạn chuyển tiếp 1954... Tập II sẽ viết về những họa sĩ cùng thời từ 1957 đến 1966 thành lập Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam.” Như thế bộ sách này sẽ không đề cập đến “nền hội họa xã hội chủ nghĩa” của miền Bắc, điều này dễ hiểu, vì tác giả là người thừa kế của lớp đi trước từ trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, và sống cuộc đời nghệ thuật của ông tại miền Nam trước 1975.
Cuốn Đi Vào Cõi Tạo Hình tập I này bắt đầu với Lê Phổ và kết thúc với Ngọc Dũng, khoảng giữa tuần tự là Lê Văn Đệ, Mai Thứ, Nguyễn Gia Trí, Tôn Thất Đào, Nguyễn Đỗ Cung, Điềm Phùng Thị, Trương Thị Thịnh, Tạ Tỵ, Văn Đen, Lê Văn Phương, Võ Đình, Bùi Xuân Phái, Thái Tuấn, Duy Thanh. Tất cả 16 vị. Mỗi vị là một bài riêng, coi như một chương sách, với tựa đề đặt đôi khi như một câu thơ: Lê Phổ: Những Đóa Hoa Hái Từ Một Giấc Chiêm Bao; Văn Đen, Tiếng Vĩ Cầm Trong Chiều Tà Và Màu Nâu Đất Buồn; Võ Đình, Tổ Chim Trên Bờ Biển; Họa Sĩ Ngọc Dũng, Vì Sao Rơi Vào Bất Tận... Tác giả đã nói “đây là những đoạn ghi (...) chỉ thuần tình cảm chủ quan của tác giả với các họa sĩ đã từng gặp, đã từng tiếp xúc” chứ không phải là một biên khảo có tính cách chuyên môn về nghệ thuật.
Mai Trung Thứ - Trong gia đình
Dù không nặng về biên khảo, mỗi bài tác giả đều cung cấp tương đối đầy đủ các thông tin về cuộc đời của nhân vật với tiểu sử rất chi tiết. Mà để có những chi tiết này, bắt buộc tác giả phải qua một công trình sưu tầm khá công phu. Ví dụ về Mai Trung Thứ trên đất Pháp chỉ một câu đơn giản: “Ông đã gặp Fernand Léger và Picasso cùng nhiều họa sĩ một thời quần tụ ở khu Montmartre nổi tiếng” là đã vẽ ra sự “hội nhập” của Mai Trung Thứ vào môi trường sinh hoạt giới nghệ thuật quốc tế trong thời của ông như thế nào. Ví dụ về các tác phẩm của Tôn Thất Đào bị hư hại và mất mát: “Theo ước tính của gia đình lên tới vài trăm bức, nay còn lại khoảng 30 bức tại nhà đang bị mục rã kể trên. Một số cho Hà Nội mượn triển lãm bị thất lạc, một số bị trận lụt năm 1999 làm hư hỏng hết...”
Ngoài những hiểu biết do sưu tầm, có nhiều thông tin rất riêng tư, là những kỷ niệm của tác giả với chính nhân vật được nói đến. Đó là những thông tin duy nhất. Chính những chi tiết này đã thổi một sinh khí đặc biệt cho các bài viết, nó tái tạo những mảng đời sống sinh động không thể lẫn với các tài liệu khác. Như với Trương Thị Thịnh: “Chị Thịnh. Chúng tôi chỉ quen gọi như thế, khi nhắc đến. Bởi vì đã từ lâu, chúng tôi xem chị như người Chị Cả trong sinh hoạt hội họa của miền Nam - từ thập niên 1950 cho đến tận bây giờ. (...) Mỗi lần về San Jose là mỗi lần chúng tôi hẹn nhau cùng đến thăm chị (...) Và thế nào chị cũng mời cơm chiều tại cái tiệm Tàu ở gần nhà...”
Nguồn: Báo Người Việt