Năm 1969 và 1970 tôi dạy học ở Duồng. Duồng là một địa phương
nhỏ, nằm sát biển, cạnh quốc lộ 1, cách Phan Rí khoảng 10 cây số
về phía bắc. Dân địa phương sống bằng nghề đi biển và làm ruộng muối.
Nước biển vùng này rất mặn, làm muối rất tốt nên muối ở Duồng rất
được ưa chuộng. Duồng có một con đường chính không lớn lắm, hai bên chi
chít những dãy nhà hai tầng bằng gỗ, trông giống những khu nhà thường thấy
trong phim cao bồi Mỹ. Duồng có một thắng cảnh được nhiều người biết đến:
Gành Son, với những vách đá màu đỏ thẫm cùng những hang động trông
rất đẹp mắt.
Một đồng nghiệp của tôi, Thái Văn Thạnh, có nhà ở Duồng, sắp xếp
cho tôi một chỗ ở trong nhà anh. Trong căn nhà này, tình cờ tôi lại gặp một
người cũng mê thơ, mê nhạc: Nguyễn Dương Quang. Nguyễn Dương Quang, gốc Đà Lạt,
là sĩ quan quân đội đang đóng quân ở gần đó, và gia đình Thạnh cũng giúp anh có
một chỗ ăn ở giống như tôi để anh có nơi chốn đi về. Chúng tôi trở thành bạn và
có nhiều kỷ niệm ở Duồng. Nguyễn Dương Quang là mẫu người cương trực, thẳng
thắn, nhanh nhẹn, tháo vác, sống đàng hoàng, và đặc biệt, chơi với bạn rất tốt.
Thời gian này, chiến tranh vẫn khốc liệt, sống và chết nhiều khi chỉ cách nhau
trong tích tắc. Tâm trạng chung của chúng tôi là chán ghét chiến
tranh, buồn bã vì chiến tranh, và đau khổ vì chiến tranh. Từ Duồng, Nguyễn
Dương Quang đã viết bài thơ hay nhất của anh, được nhiều người yêu thích, và
được giới phê bình văn học đánh giá cao: ĐÊM CUỐI NĂM VIẾT CHO MÁ.
đêm cuối
năm viết cho má
Nguyễn Dương Quang
đêm nay con ngồi một nơi rất
xa má
đếm tuổi con bằng nước mắt
má đong
trong đêm thoảng giọng hiền
má gọi
con vừa nghe, muốn khóc, rất
bâng khuâng
ở làng này không ai đốt
pháo
đêm thật buồn như bước
đông đi
con còn có ít giờ hưu chiến
biết đâu chừng, thôi, nghĩ
làm chi
mấy năm nay con không có tết
hình như năm chỉ có ba mùa
con không buồn xuân chê đời
lính
buồn xa má như trời mưa
từ xa má con làm con nhiều
mẹ
lúc nào cũng vui lúc nào
cũng buồn
có kẻ vui luôn, người buồn
mãi
mình con của má cười rưng
rưng
con nghe những dòng sông kể
chuyện
biển xa năm họp mặt một lần
chuyện những xác cầu xác
người chìm nổi
chuyện đồng loại như là
phù vân
hình như cây súng con lạ lắm
sao nó run lên khi đạn lên
nòng
tâm hồn nó như tâm hồn con
vậy
một kẻ nằm, kẻ đứng , xót
xa không?
trước mặt con: những ngọn
đồi cát máu
đêm thì thầm cùng những nấm
xương
ôi, trái tim con mãi tôn
thờ má
đã dạy con hai tiếng yêu
thương
từ má lòng bàn tay dìu dắt
con bơ vơ giữa cuộc phù
sinh
dòng nước nào xa nguồn mà
không đục
sợ một mai con lạc dấu
chân mình
thôi, má ngủ đêm nay ngon
giấc
con ngồi đưa chiếc võng
rách quê nhà
đạn vòng cầu đừng đi trong
đêm tối
lệ sẽ đầy giấc má nhớ con
xa
1 9 6 9
Tuy là một làng quê nhưng sinh hoạt ở đây cũng chẳng khác gì ở
thành phố, cũng tiệm bi-da, cũng quán cà phê đầy đủ. Thú vị nhất là những đêm
chúng tôi theo ngư dân địa phương đi thuyền ra ngoài biển, neo thuyền ngoài đó,
lưới cá lên, luộc và cuốn bánh tráng ngay trên thuyền. Ngon tuyệt. Nếu là đêm
trăng thì lại càng thú vị hơn, hồn thơ tha hồ mà bát ngát. Người dân ở đây rất
thân thiện, dễ gần gũi và dễ mến. Tôi hay la cà ở các quán cà phê vào sáng sớm,
thời điểm họ vừa đi biển về, trò chuyện, học hỏi những kinh nghiệm sống
của họ.
Hồi ấy, những cây bút tên tuổi đều tập trung hết ở Sài Gòn. Dạng
như chúng tôi được gọi là những cây bút trẻ vì trẻ cả về tuổi đời lẫn số năm
cầm bút. Địa phương nào cũng có những cây bút trẻ như vậy, tuy chưa quen nhau,
nhưng đều biết nhau qua các bài đăng trên báo, và khi có dịp gặp nhau thì trở
thành bạn bè rất nhanh. Khi đến một địa phương nào, chúng tôi đều
biết trước dân văn nghệ ở đó gồm những ai. Nổi
bật trong số những cây bút ở Phan Rí thời ấy có Nguyễn Lệ Tuân, Huỳnh Hữu Võ,
Tô Duy Thạch, Đài Nguyên Vu, Hàn Sa. Còn Từ Thế Mộng, Phạm Cao Hoàng. Nguyễn
Dương Quang là “dân nhập cư”. Anh em văn nghệ Phan Rí có
chung một đặc điểm là chơn chất, hiền lành, cởi mở, hào phóng, và anh nào
cũng mê thơ. Tôi cũng là dân mê thơ nhưng gặp mấy sư phụ này tôi chỉ là đệ tử.
Người mê thơ nhất, bị thơ hành nhiều nhất là Nguyễn Lệ Tuân (đã qua đời).
Gặp anh ở đâu, trong quán cà phệ, ngoài đường…, anh thường đọc ngay một
bài thơ. "Tôi mới làm bài này. Đọc cho ông nghe". Anh mê thơ đến
độ trong một bài thơ anh có ước nguyện rằng mai kia nếu anh chết, hãy cho anh
tiếp tục được sống với thơ ở thế giới bên kia.
dựng một lều thơ trông ra
cửa biển
Nguyễn Lệ Tuân
mai tôi chết xác tan vào lòng đất
1 9 6 9
Dựng một lều thơ trông ra cửa biển. Để ngàn năm mãi mãi được quạnh
hiu. Ôi, một tâm hồn thơ tuyệt vời.
Trong hai bài thơ trên, cả Nguyễn Lệ Tuân và Nguyễn Dương Quang
đều dùng chữ “cát máu”. Ở Bình Thuận, dọc theo biển có những đồi cát màu
đỏ, do gió thổi mạnh dần dần tạo thành. Nhiều trận đánh ác
liệt từng diễn ra ở những đồi cát này, nên anh em văn nghệ ở Phan
Rí hay dùng chữ “cát máu” như một cách diễn đạt nỗi buồn chiến tranh.
Nguyễn Bắc Sơn cũng từng có những câu thơ về
những đồi cát ấy : “Đêm nằm ngủ võng trên đồi cát. Nghe súng
rừng xa nồ cắc cù. Chợt thấy trong lòng mình bát ngát. Nỗi buồn sương khói của
mùa thu” (Mật khu Lê Hồng Phong, thơ Nguyễn Bắc Sơn).
Duồng, một thời biển mặn, một thời kỷ niệm với Nguyễn Dương Quang
và bạn bè Phan Rí. Mùa thu năm 1970, tôi từ giã Duồng chuyển về dạy
học ở nơi khác. Sau này, có đôi lần trở lại, rồi phải
bươn chải lo toan cho cuộc sống nên đã nhiều năm chưa có dịp quay về./.
Phạm Cao Hoàng
May 25, 2012
DUỒNG, MỘT THỜI BIỂN MẶN
Ảnh chụp ở Duồng năm 1970
Từ trái sang phải:
Ngồi: 1.Thái Văn Thạnh 2.Huỳnh Hữu Võ 4.Nguyễn Dương Quang 5.Hàn Sa
Đứng: 1.Nguyễn Lệ Tuân 4.Vũ Đức Sao Biển 6.Tô Duy Thạch 8.Phạm Cao Hoàng
Ảnh chụp ở Duồng năm 1970
Từ trái sang phải:
Ngồi: 1.Thái Văn Thạnh 2.Huỳnh Hữu Võ 4.Nguyễn Dương Quang 5.Hàn Sa
Đứng: 1.Nguyễn Lệ Tuân 4.Vũ Đức Sao Biển 6.Tô Duy Thạch 8.Phạm Cao Hoàng