Friday, August 7, 2015

1911. TRẦN HOÀI THƯ: Nguyễn Bắc Sơn và nỗi kiêu mạn của tuổi trẻ thời chiến


TRẦN HOÀI THƯ
Nguyễn Bắc Sơn
và nỗi kiêu mạn của tuổi trẻ thời chiến

Source: http://www.pd4pic.com



Có lẽ so với Cao Bá Quát, cái cao ngạo của Nguyễn Đức Sơn còn trội hơn một bậc. Xin đọc lá thư  gởi vợ viết từ nhà lao Bảo Lộc ngày 25 tháng 8 năm 1972,  được dùng làm tựa trong thi phẩm Du Sỹ Ca, mới thấy cái mức độ cao ngạo này:

“Anh tin rằng tất cả những  đứa làm thơ từ đây trở về sau đã vang danh thi sỹ từ bao kiếp trước nếu không đọc thuộc lòng ít nhiều bài Du Sỹ Ca này đều chẳng phải là thi sỹ nữa… (Du Sỹ Ca – An Tiêm xuất bản).



Nguyễn Đức Sơn
dinhcuong



Nhưng có một người thơ khác, cũng kiêu ngạo không kém.

Người ấy là Nguyễn Bắc Sơn. Trong một lá thư gởi đi từ Phan Thiết đăng trên tạp chí văn nghệ "Sóng" do những người viết trẻ chủ trương, và chỉ sống được vài số, ông xem  những người đàn anh mà ông cho là những lý thuyết gia khuyến hành ngây thơ, những kẻ chưa giác ngộ về mục đích đời sống.

Ông viết:

” Khi anh chưa biết ”Sống để làm gì”, anh không thể khuyên bảo người khác nên sống như thế này hay nên sống như thế kia, nên tranh đấu cho lý tưởng này hay tranh đấu cho lý tưởng kia.

Các bậc đàn anh tôi kể tên (Kim Định, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Mạnh Côn) giống như những kẻ chỉ đường sốt sắng trong câu chuyện sau đây:

Có một người khách lạ đi ngang qua một thị trấn. Trong thị trấn ấy có ba người sốt sắng. Ba anh chàng này chặn ông khách lại. Anh chàng thứ nhất bảo ông khách : “Anh nên đi đường này”, trong khi anh chàng thứ hai bảo: ” Không, đi đường kia mới đúng”. Nhưng anh chàng thứ ba lại bảo con đường anh ta chỉ cho ông khách mới thật là “con đường đúng nhất”. Ba người thi nhau vẽ bản đồ tỉ mỉ trình bày con đường mình đề nghị cho đến khi ông khách chậm rãi hỏi: ” Các anh có biết tôi định đi đến đâu không mà các anh sốt sắng chỉ đường thế ?”

Và chắc chắn cũng có rất nhiều người khác nữa như Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Bắc Sơn. Không phải họ theo cái mốt thời thượng như buồn nôn, nổi lọan, hay tuổi trẻ phản kháng… Đừng buộc tội họ như vậy, trong khi tuổi trẻ của họ như thế này:

…Bức thư đến đây tưởng có thể chấm dứt được nhưng tư nhiên tôi thấy hứng thú mời anh rời bỏ thế giới tư tưởng để đi vào cõi thế giới thi ca. Vì anh cũng là một kẻ làm thơ. Tôi muốn đọc những bài thơ tôi viết sau những giờ thiền định. Tôi cũng sẽ kể cho anh nghe một vài quãng đời của một người tuổi trẻ tại thành phố Phan Thiết trong đó y đã say mê tình yêu, say mê bạo động, say mê thi ca, say mê triết học, say mê câu cá. Y đã từng mang theo chiếc lưởi lam leo lên ngọn đồi nghĩa địa để cắt đứt mạch máu vì triết lý. Y đã từng đọc sách  cả tháng không bước ra khỏi nhà. Y đã từng bán ”sôn”  tất cả sách quí để say sưa cùng bằng hữu. Y đã đi làm thông dịch viên Lực Lượng Đặc Biệt để nhìn tận mắt chiến tranh Việt Nam. Y đã thiền định. Y đã ăn gạo lức muối mè…

(Thư Nguyễn Bắc Sơn gởi Nhất Hạnh, tạp chí Sóng, năm 1972, trang 38-39)

Nguyễn Bắc Sơn
dinhcuong


Xét cho cùng, chúng ta cũng nên thông cảm ở nỗi bất mãn của họ. Khi mà chiến tranh cận kề, khi mà miệng lưỡi họ câm, khi “phần chết thì dành cho thanh niên còn phần sống thì dành cho những ngài hàn lâm áo thụng”, khi mà văn học chỉ  được nhắc nhở ở Sài Gòn, qua những chiếu trên chíêu dưới,thì dĩ nhiên, tiếng kêu cần phải thoát ra cổ họng, phải tuôn trên giấy, cho dù tiếng kêu của loài ễnh ương đi nữa.

Có thể những nỗi kiêu mạn này gây dị ứng cho một số người. Tuy nhiên, chúng  phản ánh những suy nghĩ thầm kín nhất của một thế hệ bị thiệt thòi về mọi phương diện trong chiến tranh và ngay cả sau khi hết chiến tranh. Chúng  cũng  phản ánh một nền văn học tự do ” yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét…” trái ngược với văn học miền Bắc,  giả dối,  tuyên truyền, một chiều, dựa và đơn đặt hàng, triệt tiêu cảm xúc.


Trần Hoài Thư
August 7, 2015