Sunday, June 28, 2015

1806. TRẦN HOÀI THƯ Ngày làm xong Thư Quán Bản Thảo số 65




NGÀY LÀM XONG
THƯ QUÁN BẢN THẢO
SỐ 65


Trần Hoài Thư




1.

Theo thường lệ ba tháng ra một tập Thư Quán Bản Thảo nhưng lần này Thư Quán Bản Thảo số 65  xem như đã hoàn thành trước dự trù một tháng với chủ đề TƯỞNG NIỆM NHÀ VĂN HOAG2 NGỌC HIỂN và dành nhiều trang giới thiệu tạp chí Thời Tập – một pháo đài cuối cùng của 20 năm văn học Miền Nam.

Làm xong số báo này lòng tôi an ổn lạ thường. Tôi đã nói dùm anh, dùm tôi, dùm tất cả những người thuộc hàng ngũ những cây bút trẻ trong chiến tranh. Họ chỉ có khoảng 10 năm ngắn ngủi để viết, nhưng, như Viên Linh cho biết, chính họ đã giúp cho tạp chí Thời Tập do ông chủ trương sống được và càng lúc càng vững qua bài viết của ông “sau 16 số báo” trên Thời Tập vào cuối năm 1974:

Từ đó, tôi nghĩ được điều này: trước khi làm một việc gì, hãy đi hỏi ý những người trẻ tuổi như anh.”

Nhận định của Viên Linh giúp chúng ta càng hiểu vị thế quan trọng  của lớp người trẻ  trong việc bồi dựng tạp chí Thời Tập nói riêng và sinh họat văn học nghệ thuật Miền Nam nói chung.

Nhà thơ Viên Linh  chê trách  những người mà ông đề cập là chủ bại, làm cản đường những người bút trẻ:. “Chính những người nhiều tuổi nghề nhất lại là những người bi quan chủ bại nhất. Và chính đó là những người – trên một khía cạnh nào đó – đã góp sự có mặt của họ trong số những kẻ đã vô tình cản đường anh em cầm bút trẻ tuổi”.

Một lần nữa, ông xác nhận về sự có mặt của đội ngũ trẻ chúng tôi như sau:

“(Họ…) có mặt từ vài năm trước trên các diễn đàn văn học, cho tới ngày hôm nay, một số những người bút trẻ tuổi của chúng ta đã xác định được sự có mặt ấy, tuy không rầm rộ, nhưng rõ ràng là đều đặn và thường xuyên, là còn đều đặn và thường xuyên hơn nữa, như nắng phải lên lúc hừng đông, mưa sẽ đổ đúng mùa dù cho hừng đông kia và mùa mưa này chưa biết hứa hẹn gì cho một thời của văn chương Miền Nam mưa hay nắng.
Không tuyên ngôn, việc ấy đã rõ – nhưng có điều này: cầm bút, chuyện bình thường, cầm bút viết, không có sứ mệnh gì cả, nhưng viết, và viết, và làm việc, không có gì để đập phá ngoài bản thân mình, không có gì để hô hào canh tân ngoài con tim và bộ óc mình…”

Lá thư tòa sọan này được viết vào cuối năm 1974. Nhà thơ Viên Linh vẫn chưa biết tương lai văn chương Miền Nam mưa hay nắng, hứa hẹn gì cho lớp trẻ mà ông đề cập. Ông làm sao biết chỉ 4 tháng sau là cả Miền Nam bị mất, không phải mưa hay nắng như ông nghĩ, trái lại là một trận đại hồng thủy quét sạch, cuốn sạch cả một nền văn học Miền Nam không phân biệt già hay trẻ, nam hay nữ.

Để rồi đa số những người viết trẻ  – lúc ngòi viết của họ trong thời kỳ sung mãn nhất – thì họ  đành phải vất bút, tẩu tán chữ nghĩa sách vở bản thảo của mình.

Chỉ có một số ít là lộ nguyên hình như Ngụy Ngữ – người khách chót của Thời Tập là cán bộ CS. Còn lại, hầu hết vào tù, mang thân trâu ngựa hay may mắn chạy được ra nước ngoài.

Thư Quán Bản Thảo số này đã chứng minh “điều kiện ắt có và đủ” cho nền văn học miền Nam là như vậy đó. Trong lúc chiến tranh cao điểm, trong lúc đường sá lưu thông ra ngoài trung – miền đất cần yếu để tiêu thụ sách báo – bị cắt đứt, gián đọan, nhà phát hành từ chối nhận phát hành, thì Thời Tập vẫn tiếp tục ”đường ta ta đi, nhà ta ta xây, ruộng ta ta  cày” trong năm 1973, 1974 và 4 tháng  đầu 1975…. Đó là sự góp mặt. góp sức của lớp trẻ, người trẻ, đội ngũ cây bút trẻ như Viên Linh đã ghi nhận.

Vậy mà thiên hạ cứ nhìn vào mấy cái váy hay những cây bút hì hục đêm ngày viết feuilleton để hái tiền, hốt bạc để xưng tụng họ là đại diện văn chương Miền Nam, là văn học đô thị, trong khi một nhà thơ được xưng tụng trọng nễ như VIên Linh lại xem là “tầm phào”:

Tôi vừa ra uống với người bạn ở Tuy Hòa vào. Trong khi uống chúng tôi nói  chuyện vui vẻ. Và trong một lúc im lặng, tôi làm được mấy câu thơ. Để tôi viết ra anh coi. Có điều, đây là mấy câu thơ tầm phào, nó không phải văn chương đâu. Nó là thơ tầm phào:

Trong tôi có cái gì thừa
Cái gì lại thiếu, cái vừa như in?
Trong tôi có cái ưa chìm
Cái gì lại nổi mà tìm không ra?


Thơ này thế nào cũng có kẻ kêu là không hiểu, để tôi làm tiếp

Ngó vào Trời Đất bao la
Trước gương lộn cổ hồn ma vú dài


Đó, tôi đã bảo, là thơ tầm phào mà. Văn chương chó gì khi mình nói chuyện linh tinh sau vài ly la de suông. Gọi nó là văn chương chỉ có mấy anh đã chết… (Khởi Hành số 156)


2.

Có người bảo Trần Hoài Thư là nhà văn/người lính chưa chịu giải ngũ.

Ham gì binh nghiệp để mà chịu hay không chịu. Ham gì cả một thời thanh xuân bị lịch sử bầm dập tơi tả. Nhưng làm sao có thể quên được một đêm trăng với chiếu rượu như thế này:

Nửa đêm, như thể ngày xưa ấy
Mấy thằng trải chiếu dưới đêm trăng
Trăng sáng phơi trên hàng  kẽm lạnh
Rồi chảy vào bát rượu bâng khuâng

Nửa đêm, mấy đứa chưa buồn ngủ
Buồn ngủ làm sao, ta chiêm bao
Lính trận dưỡng quân, nhờ tí  tửu
Để mai nằm xuống hồn bay cao

Nửa đêm, doanh trại đèn leo lét
Người lính canh ngồi như tượng đêm
Ma quỷ muốn chơi, xin hoãn chiến
Để ta còn đụng với anh em


Làm sao có thể quên được hình ảnh của viên đại đội trưởng đại đội 399 vào ngày 30-4-1975 mà  nhà văn Hoàng Ngọc Hiển đã ghi lại trong truyện “Ngã Ba Rừng Cần Lê”:

“…Tôi theo dõi bước đi của Đại úy Đại Đội Trưởng 399, ông vẫn mặc bộ đồ tác chiến, trên cổ khăn quàng đen bay bay theo gió nhẹ. Tay cầm khẩu M16 mũi hơi chúc xuống mặt đất. Ông bước qua Quốc Lộ Mười Ba, sang phía bên kia. Ông theo con lộ nhỏ vào xóm Cần Lê. Ông đi qua xóm, con đường đất đỏ dẫn xuống Suối Đá Trắng. Rồi tôi không thấy bóng ông nữa, chỉ thấy một đám bụi đỏ bốc lên như đang ở trong một cơn gió xoáy. Chừng nửa giờ sau, tôi nghe nhiềụ tiếng súng nổ ở phía Suối Đá Trắng vọng về đồn Cần Lê. Tôi biết điều gì đã xảy ra. Tôi đứng lặng người đi, như trong một phút mặc niệm một chiến hữu đã hy sinh cho tổ quốc.”

Nhớ đâu phải là thích. Xin vui lòng phân biệt dùm cho.


3.

Tôi đã làm xong một số báo dày 280 trang, tự mình in lấy, cắt xén, layout, trình bày bìa, sưu tập bài vở, đọc và viết, giữa lúc ban ngày phải túc trực thường xuyên tại nursing home để chăm sóc người bạn đời. Tôi chỉ làm nó vào đêm hôm khuya khoắc, một mình trong căn nhà trống vắng lê thê.  Xin đừng choàng vòng hoa cho tôi. Tôi đang khóc. Ôm mặt mà khóc. Khi phải bỏ  vất không nương tay tất cả đồ đạc, giấy bút, hay những chồng thư  khen ngợi Trần Hoài Thư  của độc giả mà Y. đã ra công gìn giữ, mong một ngày Y. sẽ lựa lọc và in thành sách. Tôi đã vất chúng  vào thùng rác, không đắn đo, không thương tiếc. Bởi tôi có giữ thì cũng chẳng ích lợi gì. Số phần chúng tôi xem như ở mạt lộ rồi. Còn gì nữa để mà gìn giữ cơ chứ?

Nhưng mà khi nhận ra những chiếc hoa tai của Y. văng ra trên sàn nhà. tôi không cầm được nước mắt. Tôi khóc như đứa con nít. Trời ơi, đọan kết chưa phải đến với tôi, sao lại trở thành bi kịch như thế này. Hở trời?

Suốt cả tháng  nay túc trực bên giường Y. tôi ngồi như một kẻ tội đồ. Nursing home là một địa ngục. Sáng chiều và tối nổi lên những tiếng la, tiếng thét, tiếng kêu, tiếng khóc… Hầu hết những người vào đây, là những người mà con cái hay người thân tìm cách tống, vì họ không thể  chăm sóc. Họ nhờ nursing home thay họ chăm sóc dùm. Và  hầu như những người vào đều đợi cửa mồ mở ra khi nào không biết. Đa số không còn sáng suốt. Có người cứ vài giây lại la. Tiếng la cứ tiếp tục ngày và đêm chăng ai buồn để ý. Có cụ thì suốt ngày ngồi trên xe lăn, nhìn ra cửa, không nói năng. Có cụ cứ la help help hoài…. Cả một dãy hành lang như vang lên những lời gọi hồn cho những kiếp đời sắp kết cuộc. Chỉ tội cho những người còn tỉnh trí. Như Y. Như tôi. Tôi vào đây vì Y. Và Y. vào đây vì tôi không còn cách gì khác.

Vì vậy, giờ chỉ muốn tìm quên. CHỉ có Thư Quán Bản Thảo mới giúp tôi quên. Quên. Quên hết.

Trần Hoài Thư
June 28, 2015