Tranh Nguyễn Trọng Khôi
Kể từ sau Đời Như Một Khúc Nhạc Buồn (1972), Tạ Ơn Những Giọt Sương (1974) là sự gián cách đằng đẵng hơn bốn
mươi năm. Khoảng thời gian quá dài cho sự chứng nghiệm của thơ trước
những thử thách mà cuộc đời không ngừng bày ra trước mắt Hoàng và thế hệ
của Hoàng. Nhưng, trước những đổi dời và tan biến của bao thành tựu, bốn mươi
năm để cho Đất Còn Thơm Mãi Mùi Hương
ra đời (1) rốt cuộc, chỉ là điều để thi nhân có thể nói lên sự hào phóng dành cho
giấc mơ và con đường theo đuổi.
Trước đây người ta biết Hoàng như
người có một cõi riêng để cất lời tình tự bằng giọng riêng, đơn sơ, mộc mạc mà dịu dàng, tha
thiết. Cõi riêng ấy có dòng sông tượng hình cho quãng đời truân chuyên, khắc
khoải mà thực lòng có lúc còn hoài nghi về một bến dừng khó định. " Tôi vẫn để hồn mình / xanh như dòng
nước kia / tôi vẫn để lòng mình / trôi bồng bềnh theo những đám rong
rêu..." (2) Từ đó, gắn mình và soi bóng tâm hồn nơi dòng sông, Hoàng
đã gửi vào chốn luân lưu định mệnh của riêng mình dù là khi phó thác cho tình
yêu. " Có trong ta những dòng sông
trắng / chảy êm đềm như tóc em xưa." (3)
Thực thế, ngay cả khi dành lời tình
tự thiết tha nhất cho người, dòng sông và vật phụ tùy là chiếc cầu cũng được
chọn làm kẻ chứng. " Anh dõi mắt mà
trông niềm ly biệt / như lòng sông khô nước chân cầu." (4)
Tự ban đầu, Hoàng, như thể tự nguyện
ràng buộc những mối dây tình cảm xuất phát từ nhiều ngả. Với người thân, bạn
hữu, người tình. Nói tự nguyện vì Hoàng không viện dẫn đến định mệnh hay tác
động khách quan khi đứng trước nghịch cảnh hay ngang trái. " Dẫu lòng ta bạc hay ngươi bạc / cũng cầm bằng như gió mây
qua." (5)
Hơn bốn mươi sau năm sau, Hoàng mới
có dịp xác tín lại sự lựa chọn cõi riêng mình và Đất Còn Thơm Mãi Mùi Hương, ở một khía cạnh, cao rao lòng thiết
thạch của Hoàng với những tình cảm đó.
Không hẳn từ đây, Hoàng mới khám phá
ra hương của đất hay lưu lượng của dòng sông mà người ký thác năm xưa. Nhưng,
chỉ ở thời điểm vững vàng này, người mới có dịp tấn phong những giá trị tình cảm được đất hay
quê nhà nuôi dưỡng và quan trắc mực nước nơi dòng sông mà tâm hồn được gửi gắm.
Quê nhà năm xưa nhiều lắm chỉ được
hình dung như nơi xuất phát một hoàn cảnh không kém khắc nghiệt trong đó mái
nhà ấm cúng cũng không ngăn được ý thức về những ngày trước mặt. Đất mà Hoàng
chia tay vẫn nguyên vẹn trước sau chỉ là khởi điểm của mong nhớ, là chốn mong
để quay về, nghĩa là trong một ý nghĩa, là một cõi ly gián với thực tại. Như
thế, quê nhà tồn tại nơi Hoàng chính là sự bền vững của những mối dây tâm cảm
và tình cảm mà người gắn bó được trong đời. Trong ý nghĩa đó, đất đã dậy hương khi Hoàng nắm được mối dây này, người đã đến gần hơn
cả ý nghĩa của cuộc sống. " Đứng bên bờ vực tử sinh / vẫn nghe em
hát bản tình ca xưa." (6)
Thời gian chẳng hề làm phai nhạt
lòng trắc ẩn của thi nhân với tình, chính vì ngay trong tiềm thức, thực tại chỉ
là sự lặp lại việc đã qua, không phải là khai quật cái đã chôn vùi. Tình yêu -
cũng như đất mà nó bắt nguồn - vốn đứng ngoài
định luật tử sinh nên mỗi thử thách là thêm lần bền vững. Đất lớn dậy
nhờ mồ hôi của người khai phá cùng với tình yêu cũng lớn lên từ giọt lệ và nụ
cười. Hoàng đã có được giá trị này vì với quê nhà, người chẳng phải là kẻ vong
tình. Năm xưa, vào "thời của những
người đánh mất trái tim "(7) khi nhận là người thất cước với nơi chôn
nhau, "sống nửa đời chẳng có một quê
nhà "(8) lời thú nhận của Hoàng còn mạnh mẽ hơn là ý thức được khai
mở.
Ngày nay, tại định sở mới, khoảng
cách địa lý không làm dài thêm nỗi nhớ về một quê nhà vốn luôn luôn là nơi
ngóng đợi nhưng dường như làm bền chắc thêm về những tình cảm được chắt chiu
bấy lâu. Tình khúc được lặp lại, xôn xao lòng như buổi đầu mơ ước mà không chịu
phép thăng hoa. " Hát cùng em bài
tình ca thuở ấy / tìm lại dấu chân mình trên những lối đi xưa " (9) Hoàng
nghĩ đến sự có mặt vĩnh cửu của tình. Người đã không tham lam khi người đã vẹn
tình với nền tảng của mối dây tình cảm ràng buộc. " Chia cùng tôi một chút tình / của ngàn năm trước và nghìn năm
sau." (10)
Quả thực, trong tiếng thơ mới nhất,
Hoàng chỉ cất cao lời xác tín về những giá trị hằng gìn giữ bấy lâu, tình với
người thân, với bằng hữu, với người yêu dấu và với quê nhà biền biệt. Người
không giãi bày thêm vì lòng thiết thạch đã khiến khởi điểm trở thành điểm đến. " Về đâu chẳng biết về đâu / thôi thì
về lại buổi đầu gặp em." (11)
Đất dậy hương khi niềm xác tín được
thành lập. Tình vẫn mới như thuở được khai sinh vì thực chất nó không có tuổi. "
Và cứ hồn nhiên em nhé / cùng tôi đi giữa cuộc đời." (12)
Và trong lời khích lệ người bạn đồng
hành trên đường đời, Hoàng vẫn muốn thiên nhiên lẫn đất trời nhớ đến cội nguồn
gắn bó. " Mơ cùng tôi nhé Cúc Hoa /
giấc mơ Đà lạt thời chưa biết buồn / vẫn là tôi, vẫn là em / vẫn khu rừng lạnh
tiếng chim gọi đàn / vẫn là mây trắng ngàn năm.". (13)
Trong hướng xác lập niềm tin nêu
trên, tình của người với quê nhà và với song thân hòa quyện. Hình ảnh của chiếc
nôi tinh thần bàng bạc trong lòng khiến cho dưới mắt người, quê nhà cũng có bàn
tay và tâm hồn từ ái như song thân. Nỗi nhọc nhằn của họ đã nuôi nấng người và cả
tương lai mường tượng được. " Mùi
hương của đất làm con nhớ / những giọt mồ hôi những nhọc nhằn / cha đã vì con
mà nhỏ xuống / cho giấc mơ đời con thêm xanh." (14) Bằng sự kết tập
đầy ý nghĩa giữa tình đất với tình người như trên, người làm thơ đã đặt vào
vòng tay mẹ cha khả năng bảo bọc vô lượng của tạo vật. Hoàng đứng vững trong
niềm tin này thay vì diễn dịch một tình cảm phổ quát. Tình cảm ấy được đặt ở vị trí đóng-mở tập thơ
(15) vì tính chất đặc biệt của nó. Nó có tính chất khai nguyên, phát sinh trước
nhất và khai mở các tình cảm khác. Nó không có giới hạn và không thể đem so
sánh với phạm trù khác. " Khi về
thăm lại cố hương / thấy quê nhà nghĩ càng thương quê nhà / hắt hiu một bóng mẹ
già / một ngôi mộ cỏ xanh và khổ đau." (16)
Có thể nghĩ người làm thơ như Hoàng
đã may mắn sau khi thời gian và hoàn cảnh đã hoàn tất cuộc trắc nghiệm mà kết
quả chỉ làm vững chắc thêm những giá trị được tuyên nhận ban đầu. Lòng người
thanh thản hơn xưa và nay điều còn khắc khoải lại chính là lúc ngoái nhìn về
nỗi lênh đênh của năm tháng cũ mà có lúc quê nhà là chân diện, là nguyên ủy của nỗi lênh đênh. " Giọt sương đọng suốt mười lăm năm / long lanh từ thuở xa quê
mình." (17)
Trần
Mạnh Toàn
California, June 16, 2015
(1) Thi phẩm thứ tư của Phạm Cao
Hoàng do Thư ấn quán ấn hành vào tháng 5.2015 sau Mây Khói Quê Nhà, một tuyển tập thơ chắt lọc từ 2 tập thơ đầu và
phụ thêm một số bài viết sau năm 1975 ( Thư ấn quán, NewJersey, 2010.)
(2) Bên Dòng Sông Tuổi Thơ, in lại
trong Mây Khói Quê Nhà, tr.38)
(3) Gã Hàn Sĩ Ấy Lại Ra Đi, in lại
trong Mây Khói Quê Nhà, tr. 40. Sơ
bản in trong Bách Khoa, giai phẩm,
19.9.1973, tr. 75.
(4)
Nhũng Nhịp Cầu Đen Buồn Bã, in lại trong Mây Khói Quê Nhà, tr. 31.
(5) Hành Phương Đông, in lại trong Mây Khói Quê Nhà, tr. 20.
(6)
Dù Sao Vẫn Cám Ơn Đời, Đất Còn
Thơm Mãi Mùi Hương, tr. 38.
(7) (8) Hành Phương Đông, in lại
trong Mây Khói Quê Nhà, tr. 21, 25.
(9) Đi Cùng Em Giữa Đà Lạt Sương Mù, Đất Còn Thơm Mãi Mùi Hương, tr. 48.
(10) (11)Bây Giờ, Đất Còn Thơm Mãi Mùi Hương, tr. 41,
tr.42.
(12) Đóa Hoa Hồng Trong Tuyết, Đất Còn Thơm Mãi Mùi Hương, tr. 86.
(13)
Ngày Tôi Trở Lại Miền Đông, Đất
Còn Thơm Mãi Mùi Hương, tr. 60.
(14) Mây Khói Quê Nhà, Đất Còn Thơm Mãi Mùi Hương, tr. 22.
(15) Bài đề cập mẫu thân ( Sau Chiến Tranh Trở Lại Tuy-hòa) là bài
thơ đầu và bài Cha Tôi là bài cuối
tập.
(16) Sau Chiến Tranh Trở Lại Tuy
Hòa, Đất Còn Thơm Mãi Mùi Hương, tr.
14.
(17) Scibilia, Ngày Cuối Thu, Đất Còn Thơm Mãi Mùi Hương, tr. 78.