Tuesday, June 16, 2015

1772. NGUYỄN QUANG CHƠN Cùng nhà văn Lữ Quỳnh đi thăm hoạ sĩ Đinh Cường


Anh PCH - June 2015



Tôi đến San Jose Cali tối thứ tư. Sáng hôm sau gọi phone thăm họa sĩ ĐC. Gọi hoài anh không bắt máy, lòng lo lo… Hôm sau gọi lại, Châu, con gái anh nghe, nói ba đang ở trong phòng giải phẫu, Châu cũng phải đứng ngoài chờ đợi… Hoảng hồn. Nhớ mấy tuần trước Tâm cũng thế. Mới khỏe mạnh đó bỗng vào nhập bệnh viện gần chết. Chỉ biết mong cầu cho anh mau bình phục!…

Sắp xếp công việc gia đình tạm ổn. Phone thăm anh Lữ Quỳnh, thông báo bệnh tình ĐC. Anh Quỳnh cũng bất ngờ và đầy lo lắng. Mình rủ anh tuần sau đi Virginia thăm anh ĐC. Anh nhận lời ngay. Vậy là Dũng lo lấy vé và book khách sạn (nhà anh Cường cũng dư sức chứa hai anh em chúng tôi nhưng vì anh bịnh, chúng tôi không muốn làm phiền).

Vậy là email cho ĐC biết lộ trình. Chuyến bay xuất phát 8:00 am từ San Francisco, ghé Minneapolis, chuyển máy bay đi Washington DC, sân bay Dulles, dự kiến đến nơi 6:30 pm.

… Chuyến bay từ San Fran xuất phát đúng giờ. Hai anh em thầm khen hàng không của Mỹ thật OK. Sân bay Minneapolis rộng mênh mông. Chúng tôi phải vừa đi bộ, vừa tàu điện (train) mới tới cửa C25. Chờ gần đến giờ boarding, vẫn không thấy cửa ra máy bay mở. Một lát bảng điện tử hiện lên thông báo chuyến bay chúng tôi chuyển sang gate 26. OK, gate 26 cũng sát bên cạnh thôi. Năm phút sau, bảng điện tử lại báo chuyến bay bị hủy. Tôi bảo anh LQ ngồi đó để tôi đi tìm hiểu. Tới quầy information, người ta bảo phải đi tàu điện lại staff trung tâm để giải quyết. Hai anh em vội vội vàng vàng. Tại quầy need help, nhân viên bảo không còn chuyến đi sân bay Dulles ngày hôm nay. Muốn đi chỉ có sáng hôm sau và nếu muốn hôm nay thì đi Dallas rồi transit qua Dulles. Tôi bảo chúng tôi phải đến Washington DC hôm nay vì là người từ San Fran chuyển tiếp, không phải người địa phương. Vậy ông đi sân bay khác cũng tại Washington DC thay vì Dulles được không? Đương nhiên là được. Vậy các ông chỉ còn 20 phút để đến gate D3, phải nhanh lên mới kịp, chúc may mắn… Vậy là lại đi bộ, lại tàu điện. Tôi thì không sao, mà thương anh Lữ Quỳnh. Anh cũng đâu có khoẻ. Mỗi ngày phải uống cả nạm thuốc tây. Vậy mà anh phải vừa đi vừa chạy…

Đến cửa D3 thì lại thấy chuyến bay bị delayed hơn 3 tiếng. Tổ cha thằng hàng không Mỹ. Làm anh em chúng tôi vội vội vàng vàng, hấp ta hấp tấp… Giờ đến mới dự kiến là 9:37 pm. Vậy là phải gọi các anh ở VA biết lịch trình thay đổi. Cái gì thì mai hội tụ…

…Thôi thì đành phải đợi. Đợi thì đợi nhưng không biết có chuyến bay không vì khi đến cửa yêu cầu xếp ghế thì được trả lời chưa có thông tin máy bay, khi nào có sẽ gọi tên. Anh Lữ Quỳnh mỏi chân đi lang thang. Lát về anh bảo chưa chắc bay được vì bảng điện tử nhấp nháy, không “on way” như các chuyến khác. Hãng hàng không mời nước, bánh kẹo. Một lát lâu thì chắc chắn giờ bay. Họ lại mời pizza. Tôi lại quầy Starbucks mua hai ly cà phê. Chợt nhớ anh ĐC hay vẽ hoài niệm và chân dung bạn bè trên napkin Starbucks. Tôi cũng lấy mấy tờ napkin, xin cây bút bi. Mời anh LQ cà phê và sketch anh trên tờ giấy mềm mỏng tanh. Vẽ anh lần này mới thấy anh có đôi tai rất lớn, nên nghĩ thầm, chắc anh sẽ thọ. Cố tình vẽ đôi tai to hơn thực tế một chút như để cầu mong anh sẽ sống bền hơn!

Bức sketch sống. Anh LQ vui xếp vào tập vở và bảo mai sẽ khoe ĐC…

Rồi cũng được lên máy bay. Ôi lạy Chúa!

Máy bay đáp xuống phi trường Washington Reagan lúc 21:45. Anh Lữ Quỳnh bảo rồi cũng tới. Tôi nói với anh Lữ Quỳnh đã có đi thì phải có đến. Anh Quỳnh nói ừ không đi thì sao mà đến được. Rồi cười vang!

Sân bay Reagan nằm bên dòng sông Potomac nổi tiếng của Washington. Vừa bước ra cửa đã gặp Giang, con trai trưởng của hoạ sĩ Đinh Cường, dáng dấp một thiền sư, bậc thầy về xếp giấy Origami, vẽ rất tài hoa và chụp hình rất đẹp, đứng chờ....

Con đường về khách sạn đi dọc giòng Potomac, xa xa là ngọn tháp bút chì đang ngủ. Đi qua Ngũ Giác Đài to lớn, từ trên free way nhìn rất rõ cảnh quan...

Check in đâu đó đã 23:00. Lại nhận email chị Duyên báo đã ở Virginia và hẹn sáng mai cùng đến nhà anh Đinh Cường. Anh chị đã lái xe 12 tiếng đồng hồ từ Michgan qua đây. Gọi điện cho chị báo địa chỉ khách sạn. 20 phút sau anh chị đã tới để hỏi thăm chuyến đi có mệt, có đói? Thật nhiệt tình và đáng quí với những tấm lòng thơm thảo!...

Cuộc hành trình dài nên tôi sợ anh Lữ Quỳnh mệt nhưng thấy anh rất OK, còn có vẻ phấn chấn nữa! Tôi giục anh đi ngủ. Đôi con mắt tôi cũng ríp xuống sau một ngày đi từ tinh mơ đến lúc giữa khuya!...

Hôm sau mới 7:00 sáng anh Đinh Cường đã đến rủ đi cà phê. Nhìn anh xanh xao, gầy, tóc rụng vì chemo mà thương. Anh lại tự lái xe. Mình lo, mà anh thì lại nói chỉ sợ Chơn và Lữ Quỳnh dậy sớm sẽ buồn...

Cà phê Starbucks gần nhà anh với cái bánh croissant như là một kỷ niệm của chúng tôi. Mùa hè năm nào khi anh còn khoẻ, tôi và Dũng đến thăm. Mỗi sáng để Dũng ngủ. Tôi và anh đều cuốc bộ trên con đường mòn ngang khu rừng Natick có một gia đình nai hiền hoà, những con quạ đậu trên những cành phong cao, những con suối nhỏ, cây cầu thơ mộng như tranh, để đến quán cà phê...Bây giờ thì anh không đi bộ xa như thế được nữa rồi...

Chúng tôi về nhà anh. Chị Nhung mừng bảo anh lái xe đi mà lòng chị không yên. Cứ cầu Phật Trời cho được bình yên. Chị đâu biết anh cũng rất ngại lái xe nhưng vì lòng nôn nao với bạn, với nghĩa tình...

Nhà anh đẹp, ngăn nắp và đầy tranh. Chúng tôi xuống basement mà anh gọi là "sào huyệt" của mình. Anh lấy chai Chivas trên góc thờ anh Trịnh Công Sơn và anh Bửu Chỉ, rót một ly cho Trịnh Công Sơn, bảo whisky cho Chơn và Sơn, và mở chai vang cho Lữ Quỳnh. Câu chuyện loanh quanh với sức khoẻ anh em và những người bạn. Anh Đinh Cường và Lữ Quỳnh nhắc hoài đến Trịnh Công Sơn. Tôi nhận ra một điều. Các anh, với những người có nhân cách lớn, luôn có những tình bạn rất đẹp và cao quí. Phải chăng tài năng và tình bạn đẹp đẽ đã nâng cánh cho nhau bay cao trên vùng trời nghệ thuật để đã từng có một thời của Đinh Cường, Trịnh Công Sơn, Bửu Ý, Lữ Quỳnh, Nguyễn Đức Sơn, Đặng Tiến...?

Trưa chị Nhung mời chúng tôi bún bò Huế rất Huế. Gỏi sen chị làm thật đậm đà. Thêm món vịt hun khói đặc biệt vùng Falls Church, Virginia. Chỉ có chúng tôi, anh chị Tùng Duyên, chị Nhung và anh Đinh Cường mà sao bữa trưa thật ấm áp, rôm rả, mặn mà...

Anh Cường ăn mấy miếng thì mệt đi nghỉ. Tôi lấy giấy và chì của anh vẽ Duyên, chị Nhung, anh Tùng..., vẽ say sưa, và vui, và thắm trong những tình cảm chân thành!...

Hẹn nhau 17:00 tại Sài Gòn Quán. Buổi hội ngộ vui có Phùng Nguyễn ở Maryland, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Minh Nữu, Đinh Cường, Lữ Quỳnh, Tùng Duyên, Chơn và Lãm Thuý...

N.M.Nữu  Lãm Thúy  Tùng  Duyên  Đinh Cường  N.Q.Chơn  PCH  Lữ Quỳnh  P.Nguyễn

Những ly vang nhẹ, những món ăn ngon, không gian vẹn tình. Phạm Cao Hoàng tặng tập thơ mới in "Đất còn thơm mãi mùi hương" với bìa Đinh Cường, phụ bản Đinh Cường, Nguyễn Trọng Khôi và lời tựa Nguyễn Xuân Thiệp đằm thắm như những câu thơ nhẹ nhàng giản dị mà sâu lắng của anh...

Phạm Cao Hoàng không chỉ văn thơ. Anh còn giỏi nhiếp ảnh. Hình như, chụp hình một thời cũng từng là nghề mưu sinh tay trái của anh (?)

Tôi đã từng cảm kích bức chân dung anh chụp đen trắng Đinh Cường mà tôi phải hoạ lại và viết cảm tưởng. Mà anh khó tính với tôi lắm. Nay gặp cứ chọc ghẹo hoài cho anh giận, mà sao anh cứ cười vui!...

Anh Đinh Cường ăn ngon. Nhìn anh gầy gò, mắt như ngấn lệ khi anh em nhắc chuyện bè bạn thân tình thăm viếng. Tôi ứa nước mắt. Sáng nay, khi tôi trách anh sao không tự giữ mà lại lái xe đón chúng tôi đi cà phê. Anh bảo mình mệt lắm nhưng tối qua không gặp được mấy ông, mình không chịu được, nên phải đi. Vậy thôi!...

Hơn 8 giờ tối, anh Cường phải về. Chúng tôi chia tay. Anh Phùng Nguyễn, chị Lãm Thuý về Maryland. Anh Nguyễn Ninh Nữu đưa Đinh Cường về trên chiếc xe "màu lá mạ". Anh chị Tùng Duyên đưa Lữ Quỳnh, Quang Chơn về khách sạn...

Chợt nhớ chưa vẽ ông anh khó tính Phạm Cao Hoàng, xin anh ĐC một phút để vẽ vội trên phong bì gói sách của anh một sketch. Vẽ vội, vội. Đinh Cường cầm ngay bức vẽ, khen. Ông vẽ lên tay lắm. Đưa mọi người xem. Chị Duyên giơ ngón tay ra dấu number one. Phạm Cao Hoàng kêu được. Mừng dễ sợ!



Tàn cuộc vui. Anh Lữ Quỳnh nói về rồi sao. Lòng tôi chùng xuống. Rồi cũng phải tan hàng. Cũng phải chia tay. Cũng phải về. Về cả thôi anh...

Chín giờ tối mùa hè ở Mỹ vẫn còn nắng sáng như sáu giờ chiều Việt Nam. Tôi rủ anh Lữ Quỳnh đi bộ dưới những hàng cây chập chùng ven khách sạn. Không ai nói ai một điều gì. Bóng tôi dần loang. Chợt nhớ lại câu than lúc nãy của Lữ Quỳnh. Rồi cũng phải chia tay sao? Ôi, thèm một ly rượu. Thèm làm sao!...

Sáng mai anh Đinh Cường vào bệnh viện kiểm tra. Sáng mai Tùng Duyên lái xe 12 giờ đồng hồ về Michigan. Sáng mai anh Hoàng, anh Phùng, chị Lãm Thuý vào xưởng hãng. Chiều mai anh Lữ Quỳnh và tôi bay về San Jose. Chúng ta phải chia tay thật sao.

Nguyễn Quang Chơn
Virginia, June 16, 2015