Monday, June 1, 2015

1746. ĐINH CƯỜNG Tạ Tỵ, người họa sĩ luôn ưu tư về những cái mới



Đinh Cường
TẠ TỴ, NGƯỜI HỌA SĨ LUÔN ƯU TƯ
VỀ NHỮNG CÁI MỚI


Tạ Tỵ tại studio nhà đường Phan Văn Trị – Sài Gòn 1955




Từng cánh hoa đời khép lại
Thương về 5 cửa Ô xưa!

(Tạ Tỵ)


Được xem như người đi tiên phong vào lãnh vực hội họa Lập Thể và Trừu Tượng Việt Nam sớm nhất, từ thời còn học Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương những khóa cuối cùng. Ông tốt nghiệp năm 1943 khoa sơn mài.

Tôi bẩm sinh là một con người thích tiến bộ, thích cái gì mới. Khi còn học ở trường Mỹ Thuật, tôi không mấy thích cái lối vẽ chân phương theo quy luật của nhà trường bắt buộc. Tôi thường đến thư viện mượn sách đọc, lẽ dĩ nhiên, loại sách thuộc về mỹ thuật. Tôi mê các tác phẩm của Van Gogh, Gauguin và Matisse. Tôi nghiên cứu và tìm hiểu mỹ thuật tạo hình ở mỗi tác giả. Nhưng sau một thời gian, tôi thấy các nhà danh họa trên vẫn phải dựa vào thiên nhiên và sự vật cũng như con người để tạo dựng tác phẩm. Tôi nghiên cứu và tìm hiểu các họa phái khác nhau như Siêu Thực, DaDa và Lập Thể.Tôi thích trường phái Lập Thể qua các tác phẩm của Braque hơn là Picasso. Tôi mê chiều thứ tư (4ème dimension) của họa phái này vì nó làm cho tác phẩm trở nên sống động, chứ không trơ trơ như các họa phái khác…
(Tạ Tỵ – Những Khuôn Mặt Văn Nghệ Đi Qua Đời Tôi – Hồi Ký – Thằng Mõ xb 1990, trang 18)

Thời học ở trường, ông chơi thân với Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Đức Nùng và Phạm Đăng Trí…. cùng thích lối vẽ cách tân, sau khi đã làm xong bài thực tập theo sự hướng dẫn của giáo sư Inguimberty… Hai họa sĩ đàn anh được kính phục là Tô Ngọc Vân và Nguyễn Gia Trí, sau này là những bậc thầy về tranh sơn dầu và tranh sơn mài của hội họa hiện đại Việt Nam.

Từ khi còn là sinh viên, năm 1941, Tạ Tỵ 20 tuổi, đã nhận được một giải thưởng của nhà trường để đi thực tế miền Trung Việt Nam, ông đã đến Huế với tất cả những gì được khám phá trong một thành phố cổ kính, cùng dòng sông Hương sương khói và thơ mộng… Năm 1943 ông lại đoạt giải thưởng của Salon Unique với bức tranh “Mùa Hè” vẽ sau khi vừa tốt nghiệp.


Nhớ Hà Nội - Tạ Tỵ


1946, chiến tranh bùng nổ giữa Việt Minh và Pháp, Tạ Tỵ cùng các bạn tham gia kháng chiến chống Pháp. Trong cuộc triển lãm Tháng Tám về hội họa năm 1946, tại Nhà Hát Lớn – Hà Nội anh có bức “Hoa Đăng” tham dự, được Hiệp Hội Báo Chí Việt Nam trao giải, nhưng tiền thưởng chưa lãnh thì chiến tranh toàn quốc bùng nổ… Bức “Nhớ Hà Nội” của Tạ Tỵ vẽ trong thời gian ở chiến khu miền rừng núi làm nhớ cái không khí tiểu tư sản trong thơ Quang Dũng …đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Và Tạ Tỵ, cùng bao nhiêu văn nghệ sĩ khác, sau mấy năm đi kháng chiến, thấy không hợp đã tìm cách bỏ hàng ngũ Việt Minh về thành như Hoàng Công Khanh, Tam Lang, Phạm Duy … tôi biết bên kia có người anh thương, có mái nhà anh bên đường phố nhỏ, rũ cành hoa ti-gôn, nhưng nếu chỉ là có thế, anh bỏ mà đi sao đành

Theo Huỳnh Bội Trân:

Trở về với Tạ Tỵ, vào năm 1951, ông tổ chức một cuộc triển lãm cá nhân tại Hà Nội. Cuộc triển lãm mang tên Hội Họa Hiện Đại. Tạ Tỵ viết lời mở đầu cho quyển catalogue:

Cái đẹp là điều tiềm thức phải làm việc để nâng cao lên giá trị giữa mực sống bình thường. Cái động của Thiên nhiên quay theo với sức nóng của mặt trời cũng như luật tuần hoàn của kiếp sống. Thay đổi luôn luôn biến chuyển từ Vô Hình đến Hữu Hình, từ Xanh đến Vàng, từ Hồng đến Tím và xê dịch với tốc độ của thời gian. Nghệ thuật chứa đựng trong lòng nó cái sức sống tiềm tàng của Đất, Trời. Tiếng nói của vũ trụ và Âm thanh và Màu sắc. Phần âm thanh rung lên rồi tan đi. Màu sắc còn lại nói sự “cựa mình” của Sự Vật.

Qua những lời nầy, người ta thấy Tạ Tỵ nhắm đến sự khái quát hóa trong tranh, hay nói một cách khác, tranh của ông chỉ thể hiện cảm xúc, nó là nỗ lực của trí tuệ để cảm nhận và thể hiện 
thế giới quanh mình.
(Bội Trân – Tạ Tỵ – người tiên phong trong mỹ thuật Việt Nam – tienve.org)

Tôi quen Tạ Tỵ từ buổi triển lãm 50 họa phẩm lập thể tổ chức lần đầu tiên năm 1956 tại Phòng Thông Tin Đô Thành Sàigòn, một phòng tranh thành công rực rỡ về tinh thần cũng như tài chánh.

Bài viết mở đầu trong tập brochure của Tạ Tỵ chữ nghĩa cũng rất tân kỳ, tiếc là không còn giữ được. Trích ở đây một đoạn ngắn trong bài mở đầu tập brochure Văn Quang có nhắc lại trong một bài viết:

Mời bạn hãy vào – Cửa vườn tôi đã mở sau 5 năm trời khép kín – vườn của tôi sau khoảng thời gian giam cầm trong SUY NGHĨ, trong DẰN VẶT, trong GIẬN HỜN để tìm những cánh màu của tâm tư chắp nối lại và thêu dệt bằng Tin Tưởng, tạo thành một thế giới của Hình Thể, của Sắc Màu, qua bức tường vách ngăn của Lý Trí và Rung Động …” (Tạ Tỵ 8-8-1956)
(Văn Quang – Tạ Tỵ – vườn xưa đã khép – Lẩm cẩm Sài Gòn thiên hạ sự, ngày 26-8-2004)

Từ năm 1960 Tạ Tỵ chuyển hướng sang tranh trừu tượng. Năm 1961 tổ chức triển lãm. Cứ 5 năm ông lại tổ chức một lần: 1951, 1956, 1961… Ông còn dự định tổ chức phòng triển lãm tranh chân dung văn nghệ sĩ miền Nam vào năm 1966 mà không thành, dời qua năm 1975… thì tháng tư đen ập đến. Tất cả đều tan biến. Có thể nói Tạ Tỵ, với tranh chân dung văn nghệ sĩ độc đáo, với những nét sáng tạo bén nhạy ở từng khuôn mặt, tranh vẽ nét cũng như có màu sắc đều mang tính cách một Tạ Tỵ tài hoa, thượng thừa, khó ai so sánh…

Về tranh trừu tượng, Tạ Tỵ trả lời Nguiễn Ngu Í trong cuộc phỏng vấn của tạp chí Bách Khoa:

“… Hôm nay đứng trước một họa phẩm trừu tượng, người thưởng ngoạn không nên và không bao giờ nên tìm hiểu họa sĩ đã vẽ gì trong kích thước đó, mà chỉ nên tìm hiểu mình đã nghĩ gì về tác phẩm trước mắt mình? Cảm giác đầu tiên nào đập vào trí não mình để bắt nguồn cho rung động? Những màu sắc và hình thể kia có phải là dấu hiệu của riêng mình đã in vào tiềm thức? Người họa sĩ không có lý do để hiện diện trong tác phẩm thuộc loại trừu tượng, trừ cái tên ký ở góc tranh…
(Cuộc phỏng vấn về quan niệm hội họa – Bách Khoa, số 131, ngày 15-6-1962)

Những bức tranh trừu tượng nổi tiếng của Tạ Tỵ như “Nhịp Thời Gian” (1959), “Nhịp Calypso” (1960), “Màu Thời Gian” (1960) và “Cất Cánh” (1972) – một bức tranh với kích thước lớn (350 x 170 cm) hiện treo tại Bảo Tàng Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh… Tranh Tạ Tỵ còn triển lãm tại các phòng triển lãm quốc tế ở Tokyo, Paris, San Francisco, New York… và bán đấu giá tại Sotheby’s ngày càng đắt giá.


Cất cánh - Tranh sơn dầu Tạ Tỵ


Tôi xem Tạ Tỵ như một người anh. Và ngược lại, anh cũng hết sức thương quý chúng tôi. Nên viết về Tạ Tỵ thật khó, bởi vì anh là một vóc dáng lớn, một cuộc đời âm thầm mà gần như ngoại hạng. Từ viết văn, làm thơ, viết nhận định văn học, trình bày sách báo, vẽ ký họa chân dung văn nghệ sĩ… tất cả là một kho tàng lớn chưa ai khai thác kỹ. Anh là một Nghệ Sĩ đích thực, sống hết cuộc đời mình cho Nghệ Thuật. Vào miền Nam từ năm 1953 theo động viên từ thời Bảo Đại. Sau đó lại được động viên vào khóa 3, trường Sĩ quan trừ bị Thủ Đức và sau đó phục vụ hầu hết tại Tổng cục chiến tranh chính trị QLVNCH. Giải ngũ trước 1975, nhưng năm 1975 vẫn phải đi tù Cộng Sản tại các trại tù ở miền Bắc. Vượt biển năm 1982, được tàu dầu Anh Quốc đưa vào đảo Pulau Bidong. Từ đó anh bắt đầu cuộc đời tị nan… Nhớ ngày anh ra tù năm 1981, nhân tôi ghé thăm anh chị Doãn Quốc Sỹ nhà trong con hẻm đường Thành Thái đi bộ băng qua đường Phan Văn Trị đến nhà anh rất gần, anh Sỹ rủ cùng qua thăm anh, chúng tôi mừng rỡ ôm lấy nhau. Căn nhà trong ngõ Phan Văn Trị anh ở lâu đời nhất. Năm 2003, sau khi chị mất, anh trở về Sài Gòn sống với người con gái út, âm thầm những năm tháng cuối đời… Anh mất ngày 24-8-2004, hỏa táng tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa.

Vòng hoa gởi viếng anh tôi nhờ Dương Nghiễm Mậu đem đến. Đám tang anh còn có vài bạn bè cũ xưa đến dự … Đêm nay nhớ anh, nhớ câu anh hay nhắc nhớ: Hãy sống bằng tình Thương Yêu chân thành trong Nghệ Thuật.


Đinh Cường
Virginia, May 20, 2015

– Tạ Tỵ sinh ngày 3-5-1921 tại Hà Nội
mất ngày 24-8-2004 tại Sài Gòn, thọ 83 tuổi
– Họa sĩ, nhà văn, nhà thơ
rất nhiều sách giá trị đã xuất bản tại Sài Gòn trước 1975
và tại hải ngoại sau 1975.


Tạ Tỵ, California - 2000


Chữ ghi tặng của Tạ Tỵ


Đinh Cường – Tạ Tỵ trước bức tranh trừu tượng cuối cùng
”Những Mảnh Đời Tị Nạn” sơn dầu trên bố, vẽ năm 1995
treo tại nhà con gái – California




TRANH TẠ TỴ

Chân dung Vũ Khắc Khoan


Chân dung Hồ Hữu Tường


Chân dung Vi Huyền Đắc


Chân dung Huỳnh Văn Phẩm


Chân dung Chu Tử


Chân dung Vũ Hoàng Chương


Chân dung Thanh Tâm Tuyền



Chân dung Văn Quang
Bản vẽ xem như cuối cùng của Tạ Tỵ
Sài Gòn 2003



Sơn mài Tạ Tỵ - Hà Nội 1951


Đàn bà - Sơn dầu trên canvas -  Hà Nội 1951


Nhạc calypso  - Sơn dầu trên canvas - 1960


Thiếu nữ khăn choàng  - Sơn dầu trên canvas