Wednesday, May 27, 2015

1737. ĐINH CƯỜNG Họa sĩ Trương Thị Thịnh, tấm gương phụng hiến cho nghệ thuật





Đinh Cường
HA SĨ TRƯƠNG TH THNH,
TM GƯƠNG PHNG HICHO NGH THUT


Họa sĩ Trương Thị Thịnh



Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu

(Bùi Giáng)


Chị Thịnh. Chúng tôi chỉ quen gọi như thế, khi nhắc đến. Bởi vì đã từ lâu, chúng tôi xem chị như người Chị Cả trong sinh hoạt hội họa của miền Nam – từ thập niên 1950 cho đến tận bây giờ. Đã hơn nửa thế kỷ sống với sắc màu. Ở chị vẫn toát ra một tấm gương say mê, thư thái, an nhiên, dù năm nay đã 87 tuổi. Mỗi lần về San Jose là mỗi lần chúng tôi hẹn nhau cùng đến thăm chị ở ngay trung tâm thành phố, trong một căn apartment rộng ở tầng 3, khi nào cũng phone trước, chị xuống ra đường đón lên…

Và thế nào chị cũng mời cơm chiều tại cái tiệm Tàu ở gần nhà. Nhớ năm ngoái, cùng dự buổi cơm chiều có Hải Phương và Quận, Nguyễn Xuân Thiệp, Lữ Quỳnh và họa sĩ Lê Quế Hương, người bạn vong niên, hay chạy lui chạy tới cùng chị … “chị luôn hân hoan đón tiếp bạn bè đủ mọi lứa tuổi, một cách nồng nhiệt… Họa sĩ Trương Thị Thịnh đã cho chúng tôi những bài học rất quý giá về sự quý phái, nghiêm chỉnh, hết mình với nghệ thuật, về sự sang trọng, tư cách và tận tình với cuộc đời, với con người.” (Vựng tập Trương Thị Thịnh – Nửa thế kỷ sống với màu sắc – 2004)


Trương Thị Thịnh trong studio San Jose 1995


Xuống thuyền, sơn dầu trên vải bố 91×60 in
Trương Thị Thịnh – 1991
(Coll. Mr. & Mrs. Trương Hồng Sơn – Virginia)


Với Nguyễn Xuân Hoàng, đồng hương với chị ở Nha Trang: “Nếu tính từ ngày bước chân vào trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định 1954 thì đến nay bà đã có hơn nửa thế kỷ sống giữa và sống với thế giới màu sắc Mái tóc bạc trắng, dáng cao, một khuôn mặt có những nét tự tin và phúc hậu, họa sĩ Trương Thị Thịnh trẻ hơn tuổi của bà rất nhiều. Tôi nhìn bức tranh Biển Nha Trang nói với bà là hồi nhỏ khi còn học tiểu học sáng nào tôi cũng đi ngang nhà bà. Hồi đó bà đã là một họa sĩ. Và tôi là một chú nhóc con. Những ngày biển động, thành phố run lên, mưa gió tầm tã, những trụ điện bị ngã, cây cối bị gẫy nát, trường học đóng cửa. Cả khu phố mất điện. Bà đứng trước cửa nhà tối om, nhưng tôi vẫn hình dung thấy những bức tranh trong phòng khách… Tôi hỏi bà còn nhớ tên con đường. Bà nhắc đường Trường Học – Rues des Écoles – Sau này đổi tên thành đường Hàn Thuyên.” ( Nguyễn Xuân Hoàng – Ngày Xuân nói chuyện với nữ họa sĩ Trương Thị Thịnh – Việt Mercury – số 260, January 16 – 2004)

Họa sĩ Nguyễn Trí Minh


Chợ ngoài trời, sơn dầu trên bố 71x 91 in
Nguyễn Trí Minh – 1991
(Coll. Mr. Vũ Đình Thịnh)


Thời trước 1975 Trương Thị Thịnh cùng chồng, Nguyễn Trí Minh [1], là hai họa sĩ nổi bật trong lối vẽ sơn dầu phóng khoáng. Chị Thịnh vẽ nhiều về thiếu nữ, chân dung. Nguyễn Trí Minh vẽ phong cảnh bằng bay rất mới, anh chị đi đây đi đó nhiều … Tokyo, Paris, Washington DC… ở đâu anh cũng vẽ từng tập phác thảo bằng màu aquarelle tuyệt đẹp. Những nét phác thảo tài hoa hiếm có. Cuộc phỏng vấn chung hai họa sĩ Trương Thị Thịnh – Nguyễn Trí Minh của Nguiễn Ngu – Í trên báo Bách Khoa số 135 ngày 15-8-1962 cho thấy anh chị có một cuộc sống thật lý tưởng với hai người con, một gái và một trai… Nay người con gái chị tiếp nối nghiệp bố mẹ đi vào con đường nghệ thuật: “Khi lập gia đình, một lần nữa Maman hòa cùng với phong cách hội họa của Ba em, họa sĩ Nguyễn Trí Minh, người cùng mang trong máu hơi thở của nghệ thuật đương đại. Từ đó cuộc sống gia đình chìm đắm trong bầu không khí đầy màu sắc, đầy ắp ngôn ngữ nghệ thuật. Thật là một môi trường tuyệt diệu! Em may mắn vì đã được sinh ra, lớn lên thừa hưởng những tài sản tinh thần vô cùng quý giá và tuyệt vời ấy cho nên em đã chọn Hội họa như là tình yêu, lý tưởng của đời mình.” (Nguyễn Trí Minh Quang – Vựng tập Trương Thị Thịnh – Nửa thế kỷ sống với màu sắc – 16-11-2004)

Paste vào đây đoạn ghi cách đây mấy năm như một kỷ niệm:



CHIỀU TỪ SAN FRANCISCO
VỀ LẠI SAN JOSE GHÉ THĂM CHỊ THỊNH


gởi Minh Quang, các bạn Quế Hương, Hải Phương và Quận và Nguyễn Xuân Thiệp


Nhớ gói cá hồi hung khói rất ngon
Nguyễn Trí Minh Quang gởi cầm về cho mẹ
cám ơn người họa sĩ trẻ tài hoa duyên dáng
nhìn giống chị Thịnh quá, Duy Thanh nói
người con gái mỏng manh ấy
ở giữa lòng phố thị, lên building nhiều tầng
qua mấy cầu thang máy, qua hai khoảng sân vườn
những ly rượu chát trắng buổi trưa trên cao
nhìn xuống thành phố San Francisco
như muôn vàn hình vuông xám lấp lánh
mây như sóng biển trắng đứng im
rất nhiều cánh chim hải âu chao nghiêng
Trưa, nhìn tranh, nghe như có tiếng gà trống gáy
tiếng gà trưa gáy khan bên đồi [1]
ôi chiếc soutien mỏng manh, mấy tàu lá rũ
con gà mái ngoảnh đầu, gamme màu xanh lục non
toile linen thứ thiệt, họa sĩ với ngọn lửa bừng
sức sống nghệ thuật, cám ơn Minh Quang [2]
bức tranh không nói lời gì ngoài sự thật
vẽ, người với tranh là một [3]
Và chị Thịnh như người chị cả
tôi nói cùng Quế Hương [4]
người bạn họa sĩ hay gọi điện thoại thăm
và thường lui tới chị lỡ khi chị bệnh
nhớ nhiều năm trước ghé thăm, căn phòng nhỏ
ở tầng bốn đường số bốn, downtown nơi chị ở
bao nhiêu tranh, có cả bức chân dung Đỗ Quang Em vẽ chị
từ lâu lắm, chị đậu thủ khoa khóa một
cùng khóa Nguyễn Thanh Thu với tượng Thương Tiếc
bị những người lính Bắc Việt giựt sập và Hiếu Đệ với tranh
châm biếm ba anh bộ đội trèo cây đu đủ không gẫy
khiến anh bị tra vấn khi ở tù
nay anh đã mất ở Michigan vừa tròn bốn năm…
Chiều trên San Francisco về ghé thăm chị Thịnh
chị đã đổi chỗ ở, vẫn downtown, gần chỗ cũ, nay tầng ba
đường San Fernando, chị xuống đón chúng tôi dưới đường
sau khi tìm được chỗ đậu xe, thấy thương quý chị vô cùng
tóc bạc trắng, hơn tám mươi vẫn còn khỏe là mừng
bây giờ chị nói tránh những xúc động
như khi lên thang máy
và từ thang máy bước ra đi vào dãy phòng
có cánh cửa không mở làm chị sợ (cánh cửa khi còi báo động gỉả
chưa kịp tự động mở) chị nói chị cũng hết vẽ sơn dầu
tranh đi gởi nhà khác vì không chỗ để, phòng chị còn treo mấy bức mới
vẽ nhiều mèo làm nhớ Foujita, vẽ nhiều thuyền nhiều hoa
nhiều dáng thanh xuân là khí hậu của impressionisme lyrique
màu sắc đường nét hòa quyện gây ấn tượng trữ tình
như trong bức Duyên Dáng vẽ năm 1960 chị nói chị vẫn còn thích
Cám ơn chị đã đãi buổi ăn chiều tiệm Tàu gần nhà
nấu các món ăn Việt rất ngon
hàn huyên bao nhiêu chuyện cũ
nhớ hoài ống sơn dầu màu vàng chanh chị cho
những tháng ngày sau bảy lăm rất hiếm quý
chị hiền từ tự tin, trong chị có chút gió biển mặn mòi Nha Trang
chút Huế đài các, chút Sài Gòn phóng khoáng
chị nhảy đầm đẹp, từng làm người mẫu áo dài décolleté
và quê quán Bình Dương, nơi rừng cao su đất đỏ nuôi tuổi nhỏ tôi
Bình Dương – Thủ Dầu Một còn có Lê Thành Nhơn, Hồ Hữu Thủ
Chúng tôi luôn xem chị như người chị còn lại tài hoa vẽ giỏi
riêng tôi xem chị như Maria Helena Vieira da Silva [5]
những nét vẽ chắc hình khối mạnh
một thế giới màu sắc nồng ấm tình người, tình nhân loại…


Virginia, 4 April,  2012

[1] lời ca khúc Trịnh Công Sơn
[2] họa sĩ Nguyễn Trí Minh Quang, BFA, Pratt Institute, NY 1990
[3] câu nói của họa sĩ Nguyễn Gia Trí
[4] họa sĩ Quế Hương, BA of Art and Design, San Jose State University
[5] họa sĩ Maria Helena Vieira da Silva (June 13,1908 – March 6, 1992)



Là họa sĩ nổi tiếng từ mấy thập niên, hình ảnh tài hoa, nhu mì của chị làm nhớ Lê Thị Lựu, họa sĩ của thời Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Là một giáo sư lâu năm, kinh nghiệm, từ dạy trường Trung học Pétrus Ký cho đến trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, chị đã tận tụy giúp đỡ bao nhiêu sinh viên. Chị có nhiều môn sinh, ngày nay là những họa sĩ đã thành danh…
Tranh Trương Thị Thịnh có phong cách ấn tượng và trữ tình, kết hợp nhuần nhuyễn kỹ thuật Đông – Tây. Chị còn được biết đến như một họa sĩ có biệt tài về vẽ chân dung. Trong lần bày tranh An Ocean Apart năm 1995, họa sĩ Trương Thị Thịnh đã phát biểu quan niệm sáng tác của mình: “Tôi làm tranh theo cảm xúc, đem thế giới của quá khứ nhốt vào trong tranh, làm thành một bản hòa âm của đời sống thôn dã, huyền bí và hư ảo của quê hương” . Và chị yêu Quê hương với Nghệ thuật là một.


Virginia, May 22, 2015
Đinh Cường


Trương Thị Thịnh sinh năm 1928 tại Huế.
1954 – 1958 Sinh viên trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định (tốt nghiệp thủ khoa khóa 1)
1959 – 1963 Giáo sư hội họa trường trung học Pétrus Ký – Sàigòn
1964 – 1980 Giáo sư trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định sau 1975 thành Đại Học Mỹ Thuật TP. HCM
1965 – 1975 Triển lãm chung tại Úc, Pháp, Nhật, Đài Loan, Brazil và Hoa Ký
1995-1996-1997 “An Ocean Apart” Smithsonian Institution Traveling Exhibition
2002 Certificate of Recognition của tiểu bang California, công nhận người họa sĩ dành thời gian 50 năm cho nghệ thuật hội họa do bà dân biểu Helen Alquist thay mặt thống đốc tiểu bang trao tặng.
Hiện sống tại San Jose, California.


[1] Nguyễn Trí Minh, sinh ngày 15 tháng 12 năm 1924 tại Chợ Lớn
mất  tháng 9 năm 2010 tại Dallas - Texas
1946 - Thủ khoa trường Mỹ Thuật Trang Trí Gia Định

Học thêm với ông Bâte ( Grand prix de Rome )