Đỗ Xuân Tê
Ra mắt sách
K H Ả T H Ể
của Đặng Thơ Thơ
Bên
kia phố Bolsa, dân quận Cam tấp nập đi sắm Tết. Trờì Cali ngày cuối năm như chiều
lòng người, những người gốc Việt xa quê có một chiều nắng ấm ‘made in Saigon’
khác hẳn với miền Đông đang mùa bão tuyết.
Cách
đó không xa, trong khung cảnh ấm cúng của hội trường Tòa soạn Việt Báo, khách văn
chương và những người quan tâm đến sinh hoạt nghệ thuật trong vùng đã tề tựu
theo lời mời của Tạp chí văn chương Da Màu đến tham dự buổi ra mắt tác phẩm KHẢ THỂ của Đặng Thơ Thơ, một nhà văn nữ trong Ban Chủ Biên của Da Màu và cây bút đã
thành danh trong sinh hoạt văn học hải ngoại.
Tôi
là một trong số khách được mời, một buổi ra mắt không những phong phú về nội dung
mà hình thức cũng được ban tổ chức sắp xếp khá chu đáo. Tôi đã có nhiều dịp
tham dự ra mắt sách tại tòa soạn này, nhưng hôm nay cách trang trí ấm cúng như
gợi mở một cuộc họp mặt, hội luận văn chương bỏ túi xoay quanh một tác phẩm của
một nhà văn nữ thuộc thế hệ 1.5 mà hơn
12 năm trước đã có tác phẩm đầu tay Căn
Phòng Triển Lãm Mùa Đông gây tiếng vang đáng khích lệ trong giới văn học hải
ngoại và cũng chính tác giả của nó mấy năm sau cũng tại thính phòng này đã được
nhà văn Thảo Trường chọn làm người giới thiệu tác phẩm cuối cùng và cũng là tiêu
biểu của ông, mà đoản văn Tôi đọc Thảo Trường của cô trở thành một luận văn chính
luận làm mẫu mực cho nhiều người muốn viết các mục điểm sách.
Cầm
lá thư mời tôi thích thú với mục giới thiệu chương trình (xem minh họa) từ Lời
mở đầu của nhà thơ Trần Dạ Từ, chủ nhà, sang phần thuyết trình với các nhà phê
bình Bùi Vĩnh Phúc, nhà văn Hồ Như và
Nam Dao. Tiếp đến là phát biểu của tác giả và kết thúc bằng phần thảo luận về tác
phẩm có sự tham gia của khách mời.
Người điều hợp chương trình là cô Y-Sa, một khuôn mặt có duyên ăn nói và khá am tường về các lọai hình nghệ
thuật tại quận Cam. Ban tổ chức cũng
chu đáo cả phần tiếp tân mà những ly rượu đỏ, những trái cây tươi, những chiếc
bánh ngọt giúp khách tham dự thoải mái chuyện trò như môt cuộc họp mặt tất niên trước
khi chính thức đi vào chương trình nửa giờ sau đó.
Đảo
qua một vòng, tôi thấy khách tham dự toàn là những khuôn mặt quen thuộc, gạo cội
trong giới văn học, nghệ thuật, nhiều người tuổi đời đã cao, thậm chí có cả một
nhà thơ nữ trên 90, và chưa bao giờ tôi thấy khách tham dư ra mắt sách có nhiều khuôn mặt nữ như buổi
ra mắt sách hôm nay. Một bạn văn ngồi cạnh tôi phải thốt lên, lúc này các bà ưu
tư nhiều về văn chương hơn cánh anh em mình. Nhưng chị Chi - vợ nhà văn Nguyễn Mộng
Giác - đã có nhận xét
khá chính xác: người ta đến vì quí cô Đặng Thơ Thơ. Số ghế trên cả trăm
vẫn không đủ cho khách tham dự.
Cảnh nói dai nói dài không thấy trong buổi
ra mắt sách này tuy các diễn giả còn nhiều điều muốn nói. Các diễn giả chuẩn
bị công phu vì lòng quí mến tác giả, trân trọng tác phẩm. Qua các diễn giả, khách tham dự có thể nhận được một điều gì khả dĩ giải mã được cái tựa
đề của tác phẩm vừa ngắn vừa bí ẩn vừa nửa như hán nôm nửa như văn cổ, mà chính
bản thân tôi tới lúc đi tìm chỗ đậu xe vẫn còn vướng bận trong đầu về cái tựa đề của cuốn sách.
Bản
thân Đặng Thơ Thơ không thích dùng cái tựa cho kêu, càng không chọn tên sách
để câu độc giả. Chẳng thế mà Y-Sa đã đùa sao chị không lấy “Bản Nháp cho một Tình yêu’ (một trong chín truyện của tập sách) làm tựa
ngoài bìa cho ăn khách. Ôi chuyện văn chương mà cứ như đùa, chính vậy mà lại
vui và quả thật một trong những thành công là không khí buổi ra mắt nhờ vậy mà
trở nên thân tình, tương cảm và tương kính dù về mặt tuổi tác và bề dày chữ nghĩa
trải dài khoảng cách cả ba thế hệ.
Trong những ngày tới KHẢ THỂ sẽ còn được bàn bạc, phê bình
mổ xẻ một cách nghiêm túc. Tất nhiên sự đón nhận của độc giả vẫn là điều quí nhất
và cũng là mong ước của tác giả. Có cái hơi lạ so với những buổi ra mắt khác: tác
giả dành quyền cho các diễn giả dẫn dắt độc giả tiếp cận tác phẩm bằng những nhận
xét chủ quan, cá nhân, không cần rào đón có sự thuận tình của tác giả hay không.
Nhìn
chung vẫn có nhiều điểm tâm đắc tương đồng hơn tranh cãi dù tự thân Khả Thể là
một cuốn sách chỉ dày hơn hai trăm trang, chỉ tập hợp chín truyện ngắn chọn lọc
của một khoảng cách sáng tác 12 năm từ lần ra mắt trước, nhưng từ câu chuyện gởi
gấm, với bối cảnh và nhân vật vừa mơ vừa thực vừa thật vừa hư cấu, cùng văn
phong lối viết già dặn mang tính đột phá mạo hiểm, pha lẫn sáng tạo, đào xới cả
những phạm trù lịch sử tâm linh siêu hình khiến Khả Thể không còn là cuốn sách đọc
cho vui mà đòi hỏi ngưòi đọc cần có lối tiếp cận riêng trong thưởng lãm, trong đánh
giá và suy diễn.
Sách
chia làm hai phần. Phần đầu gồm 4 truyện
xếp dạng ‘Khả Thể của MƠ’, phần hai gồm 5 truyện là ‘Khả Thể của VIẾT’. Khó nói truyện nào hay hơn truyện nào, vì mỗi
truyện có căn cước riêng của nó, chuyển tải thông điệp riêng và thủ pháp thể hiện
tùy bối cảnh và sự việc.
Trần Dạ Từ trong lời mở đầu ông có đề cập nhiều đến câu chuyện Ký ức của người loạn tính, cho Đặng Thơ Thơ là một ‘người khác thường’, có cái nhìn vào những vấn đề gai góc bằng một văn phong vừa nghiêm và buồn mà ông muốn nhắc lại từ cuộc trao đổi với Thảo Trường hồi còn sinh thời rất kỳ vọng vào nhà văn nữ này trong mối quan hệ tác phẩm và tác giả. Ông cũng nhắc khi viết Đi tìm bản kinh thánh cuối, nội ý tưởng muốn đào xới khai quật vào lãnh vực tâm linh không phải là chuyện dễ dàng mà cây bút nào cũng dám thể hiện.
Nhà
văn Hồ Như khá bộc bạch trong thể hiện suy nghĩ của mình trong tư cách một người
đọc. Cô không hẳn khen mà cũng chẳng hề chê cái đó tùy độc giả. Nhưng cô đọc khá
kỹ, thậm chí dành nhiều phút xoay quanh tấm hình bìa của Khả Thể do một đạo diễn
(Đặng Trần Hiếu) trình bày mang một ý nghĩa nào đó cũng khá sâu so với tên tác
phẩm. Hồ Như nhìn nhận Khả Thể già dặn hơn so với tác phẩm đầu tay, đề cập đến
cả sự chết và đôi khi dẫn cô như đi trong sương mù, trong cơn mê sảng (nếu tôi
nghe không lầm), khó phân biệt giữa mơ và thực, cũng là nét độc đáo trong cách
dựng chuyện và văn phong dẫn dắt của tác giả.
Tất nhiên mọi người có ý chờ phần phát biểu của nhà phê
bình văn học Bùi Vĩnh Phúc, người đã viết Lời Bạt cho tác phẩm đầu tay của Đặng Thơ
Thơ, một nhân chứng đồng hành với sự trưởng thành già dặn của một cây viết trẻ.
Chẳng hề úp mở ông khen ngợi Đặng Thơ Thơ là nhà văn của sự sáng tạo, biết kết hợp nhuần
nhuyễn giữa giấc mơ và hiện thực, cô là điển hình của một lối viết phong thái nữ,
mang dấu vết hậu hiện đại bằng một thứ ngôn ngữ ‘lóng lánh, huyền bí, man dại,
lãng mạn, lôi cuốn…’, ông phục cô về lối tả thể hiện tỉ như một lòng sông, một
loài hoa, một nụ hôn, (mà nụ hôn e-mail lần đầu tôi mới nghe). Văn chương của cô
mang nét đi tìm tự sự, phi trung tâm hóa vấn đề và nặng tính ‘diễu nhại’
(parody), nhưng diễu nhại trong nghiêm túc. Ký ức đóng vai chủ thể trong cách nhìn từ âm bản,
cũng là đặc trưng trong văn phong của cô. Ông viện dẫn nhiều câu nhiều ẩn dụ không
đủ chỗ ghi ở đây, nhưng cử tọa ghi nhận nếu có thời gian ông sẽ phân tích kỹ hơn. Ông cũng đề cập đến hiệu ứng giãn cách, khuyên người đọc không nên
xâm nhập vào các nhân vật trong tác phẩm mà cần có một khoảng cách cần có.
Nam
Dao trùng dịp qua Cali dự một cuộc họp bạn và ra mắt Dâu Bể đã góp lời cho buổi ra mắt. Vài ví von khi gặp các bạn
cũ từ 60 năm trước ông đã vận dụng vào mấy nhận xét nhìn từ âm bản của nhà văn.
Khá dí dỏm. Ông không sợ phung phí bằng lời, toàn khen là khen. Ông đánh giá
cao cái mỹ quan trong văn phong và cách cấu tạo nhân vật thật tài tình, mà dù
thời gian hạn chế ông vẫn cứ thản nhiên trích dẫn các đoạn tả liên quan đến hai
nhân vật Bà tôi và cô Hồng Trang trong truyện ông tâm đắc Mở tương
lai. Ông có giọng đọc được Y-Sa khen
hay như mục đọc truyện trên đài và sợ nói dài ông cứ phải nhờ cô nhắc chừng thời
lượng.
Để
thay đổi không khí cây bút tài hoa Trịnh Y Thư đã chơi guitar bằng hai bài cổ điển
khá độc đáo. Có nhạc, có rượu, có hoa, có sách đề
tặng làm cho không gian ra mắt chiều nay càng thêm ấm cúng.
Y-Sa
giờ này mới thực sống động khi cô giới thiệu tác giả và dẫn dắt chương trình cùng
đặt mấy câu hỏi khá ấn tượng giúp Đặng Thơ Thơ trải lòng mình ra để tâm sự với
cử tọa mà cô rất trân trọng vì đa phần trong số họ là những người thân, bạn văn
cô coi như trong gia đình. Khiêm tốn vì tuổi tác và tuổi nghề, không vì vậy mà
cô ngại trao đổi các suy nghĩ, các hoài bão, các ước mơ của mình trước một cử tọa
đa phần là bậc cha chú. Tôi được gặp cô vài lần nhưng lần này mới thấy con người
thật của Đặng Thơ Thơ, không khó khăn khép kín như người ta tưởng mà rất cởi mở, khiêm tốn,
chân tình, có nét nữ tính của một thế hệ vừa mới vừa tôn trọng những giá trị
truyền thống, biết đâu đây cũng là cái duyên của cô vốn xuất thân từ một đại
gia đình văn học danh giá trụ cột của Tư Lực Văn Đoàn mà cô không dấu diếm đã ảnh
hưởng đến đam mê văn học của cô từ thời thơ ấu. Lần này tôi mới thấy cô đề cập
nhiều đến ông ngoại là nhà văn Hoàng Đạo, một người cô đánh giá có tư tưởng rất
mới, cấp tiến, cô sẽ còn đề cập thêm về ông qua một tuyển tập và đi xa hơn những
gì đã viết qua truyện Cấy Óc trong cuốn
sách này.
Cô
cũng dự định viết một tiểu thuyết và hi vọng sớm hoàn tất để có một cuộc ra mắt
khác. Cô cũng khai mở là những gì cô viết trong Căn phòng triển lãm mùa đông nặng về cảm xúc cá nhân nhưng từ Khả
Thể thì cô muốn đi vào những vấn đề lớn liên quan đến nhiều số phận, có tầm nhìn
ra ngoài thế giới đã đổi thay, nhưng cũng không quên chất vấn và tìm câu trả lời
của những giá trị lịch sử đã bị vùi dập, bóp méo, để can đảm nhìn lại từ Âm bản.
Gần
ba tiếng đồng hồ mà cảm thấy như chưa đủ, tôi ra về trong háo hức muốn đọc tác
phẩm mới và viết vội đôi dòng như một cảm nhận cá nhân sau khi có duyên tham dự
một buổi gặp gỡ xa hơn và bổ ích hơn của một buổi đơn thuần chỉ là ra mắt sách.
Đỗ
Xuân Tê