Wednesday, February 11, 2015

1485. ĐỖ XUÂN TÊ Nguyên Sa, ông thầy dạy Triết








Người ta nhớ đến ông dưới bút hiệu Nguyên Sa, một nhà thơ lãng mạn nổi tiếng từ cuối thập niên 50. Thơ ông với những bài Aó lụa Hà đông,  Paris có gì lạ không em, Tuổi 13, Tháng sáu trời mưa … đã làm xao động nhiều con tim ở tuổi học trò và về sau khi được chấp cánh bằng những dòng nhạc đồng cảm của Ngô Thụy Miên thì phải nói sự phổ biến của nó đã là những nét sinh hoạt thi ca làm nhẹ đi tính ác liệt của chiến tranh vào đầu những năm ‘70 và đọng lại phần nào chất trữ tình lãng mạn của những tâm hồn vốn coi thơ và nhạc là những nhu cầu cần có trong bối cảnh một xã hội và đất nước đang đi vào mạt vận.

Nhân vật này giới học sinh quen gọi là thầy Trần Bích Lan, một ông thầy chuyên dạy Triết năm cuối cùng của bậc trung học - một môn học mà đa phần học sinh đều ‘xanh mặt’ vì tính trừu tượng khô khan của nó và nhất là những thí sinh vừa hoàn tất bằng Tú tài 1 lại càng lo lắng vì sự cho điểm nhỏ giọt của các giám khảo môn Triết mà nếu đạt được điểm trung bình trong kỳ thi toàn phần thì cũng là một thành quả đáng khen cho các cậu tú cô chiêu.

Cho nên đa phần các thí sinh muốn chắc ăn cho đủ điểm đậu, không gì hiệu quả bằng ghi danh vào các lớp luyện thi, tại tư gia hoặc tư thục khi người đứng kèm có tên Trần Bích Lan, một giáo sư trẻ vừa từ Pháp về, lại có sách giáo khoa do chính ông ta soạn cho hai môn Lý luận học và Tâm lý học, được coi như cẩm nang cho môn Triết lớp 12 mà hồi đó còn gọi là năm Đệ Nhất.