Saturday, January 24, 2015

1434.. THÂN TRỌNG SƠN Học nghề dạy học





Thân Trọng Sơn
Học nghề dạy học

(Nhớ về khóa không tên 1963-1967)


Đại Học Sư Phạm Huế



Chuyện cũng đã nửa thế kỷ, tính từ năm 1963, bắt đầu khoá đào tạo 4 năm tại Trường Đại Học Sư Phạm Huế, một khoá học có nhiều đặc điểm đáng ghi nhớ.

 Điều ghi nhận đầu tiên là 5 năm sau ngày thành lập, từ năm học này, trường chính thức chuyển về địa điểm mới, trong khuôn viên Toà Khâm cũ, bên bờ sông Hương. Một năm trước đó, chúng tôi còn học trung học, sáng chiều đạp xe qua cầu Trường Tiền, nhìn công trình đang xây dựng, kiến trúc tân kỳ, cơ ngơi đồ sộ, lại nghe nói do Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế, lòng nao nức hy vọng trường sẽ xây xong kịp lúc mình đỗ Tú tài để vào học. Cầu được ước thấy, tháng 7 còn dự thi tuyển bên trường cũ, Khu Morin,  vào học năm đầu tiên tại đây và năm học sau thì được xông đất toà nhà ngôi sao ba cánh, mái ngói mới, tường vách mới, bàn ghế mới.

Điều đặc biệt thứ hai :  đây là khoá đầu tiên với thời gian đào tạo 4 năm, thay vì 3 năm như các khoá trước. Lúc thi vào trường, chúng tôi không hề biết có sự thay đổi này. Nhập học được ít lâu mới nghe thông báo năm thứ nhất nay gọi là Dự Bị Sư Phạm. Thực ra, so vi các trường bạn, có Dự Bị Văn Khoa, Dự Bị Y Khoa, thì mình học thêm một năm cũng hợp lý. Chỉ ấm ức một chút là các bạn vào trước mình một năm, sẽ ra trường đi dạy trước hai năm. Về sau mọi người thấy yên tâm hơn khi nghe Thầy Khoa Trưởng giải thích:

" Việc cải tổ Đại học Sư phạm sẽ đánh dấu cho một bước tiến dài trong ngành giáo dục trung học ở Việt Nam. Từ rày về sau, các giáo sư trung học tốt nghiệp Đại học Sư phạm sau thời gian học 4 năm sẽ có một kiến thức vững chắc về ngành chuyên môn của họ, và sẽ được huấn luyện về phần sư phạm. Ngoài phần trí dục, Ban Giám đốc sẽ chú trọng rất nhiều đến phần đức dục và thể dục. Tham vọng của Ban Giám đốc là không phải chỉ đào tạo nên "những người đi dạy" mà là đào tạo "những nhà giáo" với tất cả ý nghĩa bao hàm trong danh từ này."

( Giáo Sư Khoa Trưởng trả lời phỏng vấn, trích đặc san Hướng Đi của SV Dự Bị Sư Phạm, Xuân 1964 - trang 89 ).