Thursday, November 13, 2014

1211. ADONIS, NHÀ THƠ LEBANON – SYRIA - Thân Trọng Sơn dịch và giới thiệu






THÂN TRỌNG SƠN
ADONIS, NHÀ THƠ LEBANON – SYRIA



Adonis (1930 - …)



      
Nghe như cổ tích chuyện cậu bé Ali Ahmed Saïd Esber, con nhà nông dân vùng Al Qassabina, miền tây nước Syria: từ chỗ nhà nghèo, không được tới trường, sau có cơ hội đi học và đạt trình độ tiến sĩ; từ chỗ thuở nhỏ làm thơ gởi các báo nhưng không bài nào được đăng, sau lại là người sáng lập một tạp chí chuyên về thơ và trở thành " nhà thơ vĩ đại nhất còn sống của thế giới Á Rập" với bút danh Adonis.
      
Mọi chuyện bắt đầu khi, ở tuổi mười bốn, được tin vị tổng thống đầu tiên của nước Cộng hoà Syria mới giành độc lập về thăm làng, cậu tìm mọi cách để đến đọc trước mặt tổng thống bài thơ mà cậu viết vào dịp này.  Sự tưởng thưởng tổng thống dành cho cậu ( theo đúng nguyện vọng ) là học bổng để vào học tại một trường của người Pháp ở Tartus. Đỗ tú tài, Adonis học tiếp đại học ở Damascus và tốt nghiệp cử nhân triết học năm 1954. Năm 1956, sau khi ở tù gần một năm vì tham gia vào một đảng phái đối lập, Adonis trốn sang Beirut, thủ đô nước Lebanon rồi trở thành công dân của nước này. Ông đỗ tiến sĩ năm 1973 và trở thành giáo sư văn họcÁ Rập tại Đại học Lebanon, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Damascus và nhiều trường đại học ở Pháp , Thuỵ sĩ và Mỹ. Tình  hình nội chiến ở Lebanon khiến ông phải rời bỏ xứ này và qua sống tại Pháp từ năm 1985.
             
Tuy được giáo dục theo truyền thống Hồi giáo, Adonis sớm tiếp thu ảnh hưởng văn hoá phương Tây. Trong thời gian theo học đại học, ông tự học ngoại ngữ và đọc nhiều tác phẩm của Pháp. Ông đã dịch nhiều văn thơ kịch của các tác giả châu Âu, nhất là Pháp ( Baudelaire, Henri Michaux ...).
        
Tình yêu đối với thơ ca của Adonis được cha truyền cho từ nhỏ và bút danh này ông ký vào bài thơ đầu tiên được đăng báo lúc 19 tuổi.Thơ của ông là một tổng hợp giữa sự làm mới của chủ nghĩa hiện đại và tính chất huyền bí của Á Rập cổ điển. Vừa là nhà thơ, ông cũng là nhà phê bình văn học, nhà lý thuyết thơ. Ông chủ trương: " Ngày nay, thơ đương đầu với một sự nguy hiểm không do tự chính nó mà do ngôn từ mà nó dẫn tới. Thơ bị che lấp bởi thứ ngôn từ đó. Bây giờ độc giả không đọc chính bài thơ nữa, mà đọc nhà thơ, đọc những thứ liên quan, những xu hướng của nhà thơ. Người ta đọc những gì mọi người phát biểu về nhà thơ và về thơ ca. Đối với nhà phê bình, nhà thơ trở thành một phương tiện để khẳng định sự lựa chọn, để giải bày những lý thuyết, chứ không để tiếp cận bài thơ như nó vốn là thế. Đây là thứ phê bình muốn giải mã thơ ca qua phát ngôn của mọi người. Sự phê bình đích thực hoàn toàn trái ngược hẳn, nó khám phá thế giới thông qua thơ ca. Nó đạt tới sức mạnh của chính ngôn ngữ không bằng phương tiện nào khác hơn chính thơ ca".
              
Gần 70 năm sáng tác, Adonis đã xuất bản nhiều tập thơ giá trị, viết bằng tiếng Á Rập và được dịch sang nhiều thứ tiếng. Ngoài Giải thưởng Thơ ca Quốc gia Lebanon ( năm 1974 ), Adonis còn nhận được nhiều giải thưởng cao quý của các nước Nga, Bỉ, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, đáng kể nhất là giải thưởng mang tên văn hào Goethe của nước Đức " về toàn bộ tác phẩm " của ông. Chỉ tiếc là giải Nobel Văn học chưa lần nào xướng tên Adonis tuy đã nhiều lần được đề cử, sớm nhất là từ năm 1988.
               
Đối với Adonis, sứ mệnh của thơ ca trước sau vẫn là:
" Thơ ca làm cho  cuộc sống trên trái đất này tốt đẹp hơn, bớt phù phiếm, bớt khổ đau hơn. "



Đọc tiếp